;
Chúng tôi được gặp gỡ các phái đoàn đến từ Việt Nam, Úc, Hoa Kỳ, Đức, Thái Lan, Nhật, Pháp, Ấn Độ,.. Các ngôn ngữ được sử dụng trong mấy ngày nay đủ cả: Anh, Pháp, Việt,.. Thật vui vẻ và ấm cúng.
Sáng ngày 11/12, trước thềm Đại lễ, quý tăng ni, Phật tử vẫn ngủ dậy từ 4 giờ sáng để lên chánh điện lễ Phật, tụng kinh như thường lệ. Bữa sáng bắt đầu vào hồi 06h sáng để 07h cả đoàn đi thăm Ca Tỳ La Vệ.
Tôi đến Ấn Độ và Nepal không phải là lần đầu nhưng quả thật, hôm nay mới có duyên lành về thăm kinh thành của vua Tịnh Phạn. Món quà quý mà chúng tôi nhận được sáng nay là thầy Huyền Diệu trực tiếp làm hướng dẫn viên du lịch cho đoàn. Chúng tôi được nghe thầy giảng về cung thành cách đây hơn 2 ngàn năm, được đứng trên nên cung điện của vua cha của Đức Phật, được hòa mình trong không gian linh thiêng của đất. Đứng tại nơi đây mà tôi lặng người đi khi 2 chữ “vô thường” hiện ra trong tâm trí. Hoành tráng là thế, nổi tiếng là vậy, nguy nga tráng lệ biết nhường nào mà kinh thành Ca Tỳ La Vệ giờ đây chỉ là nền móng nhô lên khỏi mặt đất vài mươi centimet.
Chúng tôi đứng lâu hơn ở cửa phía đông của kinh thành nơi Đức Phật ra đi tìm đạo. Thật xúc động. Tôi lặng người nhớ về vị Thái tử có đức “dũng” lớn để từ bỏ tất cả để ra đi tìm chân lý, vào rừng tu - tìm đường giải thoát cho chính mình và chúng sinh. Sáng nay, thầy Huyền Diệu ngoài vai trò của 1 “tourist guide” rất chuyên nghiệp còn hướng dẫn chúng tôi niệm danh hiệu Đức Phật. Gần trăm người con của Ngài cùng nhau niệm danh hiệu Đức Bổn Sư làm không khí nơi hoàng thành của ngày xưa thêm linh thiêng.
Cũng trong buổi sáng, đoàn tăng ni Phật tử đến từ khắp các nước trên thế giới chúng tôi cùng nhau đến thăm viếng 2 ngôi mộ của Vua Tịnh Phạn và hoàng hậu. Cũng như tại các thánh tính các, chúng tôi cùng niệm Phật, đi nhiễu quanh 2 ngôi mộ theo sự hướng dẫn của thầy Huyền Diệu. Tâm tất cả đều lắng xuống và tưởng nhớ đến công lao của bậc sinh thành ra bậc Thầy lớn -Thích Ca Mâu Ni của chúng ta.
Vào hồi 14h chiều đã diễn ra hội nghị bàn tròn về Hòa bình, Hòa hợp và Môi trường ngay trong khuôn viên Việt Nam Phật Quốc Tự tại Lâm Tỳ Ni. Tham dự chương trình này có ngài Agri Prasad Sapkota – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, phát ngôn viên của đảng Cộng sản Thống nhất Mác Xít Nepal, Ngài Vivekananda – thiền sư, Giáo sư Sanker Nath Rimal – người đã thiết kế ra lá cờ Nepal, bà Gunruna Yumiko Kitagana đến từ Liên Hiệp Quốc, ngài Abishek Pratap Shor – người đứng đầu liên hiệp thanh niên Nepal, nguyên đại biểu quốc hội Nepal và nhiều quan chức cũng như đại diện Phật giáo các nước.
Phần phát biểu mở đầu của thầy Huyền Diệu nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, hòa hợp và bảo vệ môi trường. Thầy cũng ôn lại quá trình phát triển Lám Tì Ni suốt hơn bốn chục năm qua. Thầy Huyền Diệu khuyến cáo chính phủ Nepal nên đầu tư hơn nữa cho Lâm Tì Ni, biến nơi đây không chỉ thành trung tâm Phật giáo lớn của thế giới mà còn thu hút du lịch, mang lại tài chính và văn minh cho vùng đất thiêng này.
Các tham luận đều tập trung nói về tình hình bảo vệ và xử lý môi trưởng tại Nepal và cả thế giới. Các vấn đề hòa bình, hòa hợp dân tộc cũng được bàn thảo. Tấm gương lớn của Đức Phật được rất nhiều đại biểu đưa ra phân tích và nhấn mạnh.
Vào hồi 20h tối diễn ra lễ thắp nến nguyện cầu hòa bình cho toàn thế giới. Mỗi vị tăng, ni và Phật tử đều thắp 1 câu nến và đặt trên bản đồ đất nước Việt Nam thân yêu. Bản đồ thiêng và rất đẹp nằm chính giữa hồ nước trong khuôn viên của Việt Nam Phật Quốc Tự tại Lâm Tỳ Ni. Không khí linh thiêng và ấm cúng làm cho mỗi thành viên có mặt tưởng nhớ đến Đức Phật nhiều hơn, thêm yêu đất nước và dân tộc Việt Nam hơn.
Tôi có may mắn chứng kiến sự tất bật của thầy Huyền Diệu mà cảm phục. Tôi vô cùng xúc động với phong cách ăn mặc rất giản dị của thầy, ngay cả khi tiếp các đoàn khách quốc tê. Tôi như muốn khóc khi chứng kiến bữa ăn sáng bằng mỳ ăn liền pha nước sôi. Mà thậm chí ngay cả bát mỳ đó thầy cũng không ăn hết – quá nhiều việc. Tôi biết, thầy muốn làm rất nhiều cho Đạo Phật, cho chúng sinh.
Tôi viêt những dòng chữ này khi trời đã về đêm. Thời tiết khá lạnh. Tôi mặc áo khoác ấm, quấn khăn kín, đội mũ len, còn thầy Huyền Diệu chỉ mặc chiếc áo dài nâu đã cũ. Thầy vẫn đang tất bật. Ngày mai sắp đến. Đại lễ Hòa Nguyện sắp chính thức diễn ra. Chắc đêm nay tôi mất ngủ.
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng – Công ty sách Thái Hà
Viết tại Lâm Tỳ Ni, Nepal