;
Ngày thứ hai, toàn bộ giới tử vân tập tại giảng đường để lắng nghe Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – PCT HĐTS – Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương – Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh giáo giới.
Trước lúc Hòa thượng giáo giới, Chư tôn đức giáo thọ đã giáo huấn, giảng giải thực hành những kiến thức căn bản về giới luật và oai nghi của người xuất gia.
Nói về Giới Đàn Nghệ Tĩnh, Hòa thượng cho biết, "Nghệ Tĩnh" là sự kết hợp giữa Phật giáo Hà Tĩnh và Phật giáo Nghệ An nên gọi là Nghệ Tĩnh, đây là lần tổ chức thứ 5, lần thứ nhất năm 2013 Đại Giới đàn được tổ chức tại Tổ đình Cảm Sơn, phường Đại Nài và hôm nay đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh. Cơ sở mới này của Phật giáo Hà Tĩnh được xây dựng vào năm 2016, sở dĩ nói ra như vậy là người giới tử khi bước chân vào đạo là nhớ ngày thụ giới, nơi thụ giới và nhớ tên Giới sư.
Hòa thượng đi vào trọng tâm vấn đề của người xuất gia thông qua bộ sách “Truy Môn Cảnh Huấn” là lời của Chư tổ dạy cho 2 giới, tại gia và xuất gia. Trong đó chữ “Truy” trong nhà thiền có nghĩa là màu đen, màu đen cho người xuất gia, còn chữ “Tố” là màu trắng dành cho người tại gia. Vì người xuất gia mặc áo hoại sắc, khác với người thế tục.
Hòa thượng đã trích đoạn trọng yếu trong cuốn “Truy Môn Cảnh Huấn” dạy người xuất gia.
Theo đó; xuất gia là ra nhà thế tục, nhà thế tục là những trò tham muốn tầm thường, thế tục như; cuộc sống ăn, ngủ không có giờ giấc, tham gia các trò chơi bời, nhảy múa, karaoke...như đa số giới trẻ ngày nay.
Đối với người chưa xuất gia “cái răng cái tóc là vóc con người” giờ vào chùa “viên đỉnh phương bào” đầu tròn, áo cà sa, mỗi cây tóc được coi như một phiền não, một lỗi lầm, xuất gia vào chùa đoạn rũ bỏ tóc gọi là đoạn trừ phiền não, đoạn trừ lỗi lầm, đắp lên mình phương bào tức là tấm áo cà sa, là áo phước điền, áo của mười phương ba đời chư Phật. Người xuất gia lấy pháp giới làm quê hương, lấy mọi người làm bà con quyến thuộc. Cho nên xuất gia là ra khỏi nhà thế tục.
Hòa thượng giảng giải và lấy ví dụ để phân tích về vô thường và nỗi khổ của hợp tan trong cuộc sống thế tục cũng như đời sống hằng ngày.Trong những cái khó; được làm người là khó, được thân người cụ túc là khó, được gặp thời đất nước thịnh trị là khó, được gặp Tam bảo, chính pháp là khó…
Hòa thượng nhắc lại những khó khăn khách quan và chủ quan của ngày đầu xuất gia của mình nhưng vẫn một lòng quyết chí, quyết tâm vượt qua vì lý tưởng cao đẹp xuất gia. Qua đó để các giới tử hôm nay thấy được mình đang có nhiều thuận lợi, may mắn. “Từ thân cắt ái xuất gia, mong xuất tam giới vượt qua luân hồi”.
Nói về việc tinh tấn, Hòa thượng dẫn câu chuyện; thời Đức Phật và chúng Tăng đi du hóa gặp bốn người đàn ông gánh kiệu một người phụ nữ, các vị Tỷ kheo được Đức Phật cho biết người phụ nữ kia trước giàu có tin Phật cúng dường nên phước báo ngày nay giàu sang, còn bốn vị khiêng kiệu là bốn vị Tỳ kheo xưa kia do nhận phần cúng dường của bà ấy nhưng không tu hành đến nới đến chốn, nên bây giờ khiêng kiệu trả nợ, “Phi mao đới giác”...
Hòa thượng nhắc nhở, sau khi thọ giới xong trong mọi ứng xử hằng ngày giới tử phải khiêm cung, đừng thấy người ta lễ bái cúi đầu, dâng cúng mà ngạo mạn…đó là mắc nợ. Xưa 17-18 năm còn người thế tục ăn ngủ, chơi, sống vô nguyên tắc, giờ vào chùa phải lấy tự giác làm đầu, lúc nào cũng nhớ mình là người xuất gia, mình như vậy mới dạy được cho người khác, xuất gia là vất vả, khổ nhọc như vậy mới được gọi là thầy.
Xuất gia rồi, không thấy người ta giàu có, sang trọng mà nhận làm bố nuôi, làm mẹ nuôi. Trong giới luật người xuất gia không lạy cha mẹ ngoài 4 lạy tạ ơn trong ngày mai trước lúc thọ lãnh giới pháp.
Chia sẻ về kinh nghiệm tu học Hòa thượng cho rằng; “Tuổi trẻ là sức mạnh, mạnh về trí tuệ, mạnh về sức khỏe, mạnh về tinh tiến, các Tổ đã nói rồi: “Thiếu niên xuất gia thành Phật hữu dư” lúc mới tu thì chịu khó siêng năng tọa thiền lễ bái, niệm Phật tụng kinh, nhưng sau lớn dần là lười dần, lười dần, thế nên là những lúc còn trẻ này phải chịu khó tu tập, lúc bé không rèn, ngày mai lớn là lười ngay, chân cứng, lưng gù, sức kém không đọc kinh được, mắt kém..mà lúc còn trẻ này dán mắt vào điện thoại…phải chịu khó mà học, kinh nghiệm nhờ lúc trẻ học nên bây giờ tôi học không được nữa đâu, do công việc nhiều, trí não bây giờ kém…
Các vị hình đồng, nam mới vào chùa, ngày mai sẽ bước lên bậc nữa là Sa-di, Sa-di là gì? Sa-di tức là “Tức Từ”, Sa-di có 10 giới, 10 giới đó được Sa-di gọi là “Tức Từ”, “Tức Từ” tức là “Tức” và “Từ” 2 chữ khác nhau. “Tức” là chấm dứt, chấm dứt tất cả phiền não ở thế tục, chấm dứt dòng sinh tử….
Sa-di là “Tức Từ”, có 10 giới, Hòa thượng diễn giải phân tích và lấy ví dụ để các giới tử dễ hiểu dễ nhớ thêm 10 giới của Sa-di.
Về các giới tử thọ Tỳ kheo giới, Hòa thượng giảng giải; Tỳ khiêu là Ứng cúng là Khất sĩ là Bố ma, là người xuất gia ăn mày, không phải ăn mày cầm bát mà là Khất sĩ, chữ “sĩ” tức là trượng phu, trên xin giáo pháp của Chư Phật tu thân, dưới xin thức ăn của đàn việt để độ thân.
Mỗi ngày vị Tỳ kheo luôn phải trì niệm để dứt bỏ “thiên ma, tử ma, phiền não ma, ngũ ấm ma” dứt bỏ nghiệp chướng, báo chướng và phiền não chướng, mỗi một người tu sĩ này là 1 chiến sĩ trên chiến trường, chiến trường giết ma quân trong tâm. Ma chướng, báo chướng, phiền não chướng là ba cái mình cần phải tiêu trừ, nên người Tỳ kheo - Bố ma luôn luôn phải dẹp được những ma đó.
Đoạn diệt những chướng, báo đó thì Tỳ khiêu được Ứng cúng, bởi vì Tỳ kheo là ngôi La hán nên xứng đáng nhận được sự cúng dường.
Phần cuối thời pháp thoại, Hòa thượng cầu chúc cho giới tử ngày mai như Giới, như Pháp, như Luật. Sa-di giữ được 10 giới, Tỳ kheo giữ được 250 giới, để xứng đáng với tâm nguyện của mình xuất gia, không phụ công lao thầy dạy bảo thầy tổ, chẳng phụ công nuôi dưỡng mẹ cha, chẳng phụ cúng dường của tín tâm đàn việt.
Trong pháp thoại giáo giới hôm nay, Hòa thượng đã ân cần chia sẻ truyền đạt bằng tất cả tình thương, bổn phận, trách nhiệm như một người Thầy lớn, một người cha đang dạy dỗ con thơ chuẩn bị bước vào đời, nhưng với nội dung ý nghĩa và kinh nghiệm, giới luật cho người xuất gia.
Ban TTTT Đại giới đàn Nghệ Tĩnh