;
Nghi can Lê Văn Luyện khi bị bắt tại đồn biên phòng Na Hình (Văn Lãng, Lạng Sơn) - chiều ngày 31-8 - Ảnh: M.Q
Vậy tại sao một con người còn rất trẻ và hiền lành lại có thể ra tay một cách tàn bạo đến mất nhân tính như vậy? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS, TS. Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội (Viện Xã hội học).
Theo PGS, TS. Trịnh Hòa Bình lý giải: “Trong trường hợp này có lẽ đang có nhiều quan điểm, giữa hiền lành trong cuộc sống đời thường với con người đặt trong một tình huống cụ thể.
Thứ nhất: Trong tích tắc một người có thể vượt qua giới hạn giữa sự hiền lành và trở thhành kẻ khác, sẵn sàng làm những điều thay đổi toàn bộ cuộc đời khi ở bên kia giới hạn.
Thứ hai: cái hiền lành được nhiều người dân địa phương nhận xét về Luyện, rất có thể phiến diện vì trong sinh hoạt hàng ngày người ta chưa nhìn thấy y “tắm” vào trong một mối quan hệ cụ thể nào đó".
Lý giải việc hung thủ không ra tay hạ sát cháu Bích đến cùng, ông Bình nói: “Điều này có thể do hung thủ bị sức ép về mặt thời gian hoặc không có bản lĩnh cao đến mức quyết tâm diệt cỏ tận gốc hoặc vì một tiếng động nào đấy mà hung thủ bỏ cuộc truy sát cháu Bích".
Ông Bình cho biết thêm: "Có thể khi hạ sát, các hung thủ rơi vào trạng thái tâm lý "đâm lao phải theo lao" sợ bị phát hiện nên đã nhẫn tâm ra tay sát hại cả gia đình như vậy.
Nhiều người hiếu kỳ đã đến xem khám xét nhà của nghi can Lê Văn Luyện
Không chỉ vậy, tôi được biết, anh Trịnh Thành Ngọc đã đi xuất khẩu lao động 10 năm ở Đức về và có một khoản tiền khá lớn. Như vậy, ngoài lòng tham có thể có thêm tâm lý “trâu buộc ghét trâu ăn”, ghen ghét khi thấy gia đình nạn nhân có nhiều tiền mà ra tay sát hại cả gia đình".
Ngoài ra, xét về phương diện xã hội, ông Bình phân tích: "Bố mẹ Luyện làm nghề mổ lợn, với đặc thù của nghề này, Luyện đã quen với cảnh máu me và có thể chịu đựng tiếng kêu thảm thiết của con vật khi bị giết thịt.
Cho nên khi người dân khen Luyện hiền lành là có thể có ý muốn so sánh với những người trong gia đình làm nghề đó thôi. Chúng ta cứ bình tĩnh mà suy xét".
Ông Bình kết luận: “Tôi chỉ muốn cung cấp một cách tiếp cận: chỗ nước lặng không phải là chỗ nước không sâu. Con người ta đứng trước một mối lợi rất lớn và nghĩ là an toàn khi chiếm mối lợi ấy thì máu tham nổi lên. Nhất là nghi phạm lại sinh ra trong một gia đình làm nghề mổ lợn quen buôn bán và quen với máu me rồi.
Tất cả gồm: bối cảnh, tình huống, lòng tham, nghề nghệp cùng với sự ganh ghét và cảm nhận thấy sự an toàn khi ra tay cũng có thể làm cho người ta ra tay".
"Tôi cho là chúng ta chưa có đầy đủ thông tin. Khi có đầy đủ thông tin chúng ta sẽ có thể hiểu hơn việc tại sao một người trông hiền lành lại có thể ra tay với đồng loại của mình một cách dã man đến như vậy", ông Bình khẳng định.
Theo Tuệ Minh - GDVN
Lời bàn
Khi báo chí và những phương tiện truyền thông đưa tin này thì ai ai cũng cảm thấy sốc. Sốc vì sao Luyện có hành vi dã man và tàn bạo đến thế. Một thanh niên chưa đủ 18 tuổi mà đã sát hại gia đình nạn nhân một cách không thương tiếc, kể cả đứa bé chỉ mới có 18 tháng tuổi. Vì cần tiền chăng? Cần tiền mà có thể giết người như vậy thì quá ác.
Thiết nghĩ đây là câu chuyện về nhân quả. Bố mẹ Luyện làm nghề giết heo. Hằng ngày Luyện quen nhìn thấy cảnh máu me và tiếng kêu thảm thiết của những con heo khi bị giết. Cái đó gieo vào tâm thức của Luyện những hành vi ác độc. Và đến khi nhân duyên đầy đủ (khi cần tiền tiêu xài vì nghiện game) thì nhân sẽ trổ quả, hay nói cách khác là Luyện dùng chính những con dao mà cha mẹ giết heo để đi giết người cướp của.
Tại sao Đức Phật chế ra 5 giới cho người phật tử tại gia, trong đó giới đầu tiên là không sát sanh. Vì lòng từ bi vô hạn mà Đức Phật khuyên con người không nên sát hại động vật dù là con kiến. Bất cứ loài vật nào có sự sống thì đều sợ chết như nhau. Thử nhìn lại mình, khi bị đứt tay thì ta cảm thấy đau, khi bị nhức răng cũng cảm thấy đau, khi bị đau bụng càng cảm thấy đau, huống chi là khi bệnh kéo dài thì cơn đau còn kéo dài đến khi hết bệnh. Nhưng cái đau của người bị giết thì gấp vạn lần, vì người bị chết chịu đau và người còn sống cũng đau lòng không kém. Nỗi đau được nhân lên gấp vạn lần cho những đứa con khi cha mẹ bị giết, vì chúng biết nương tựa vào ai để sống bây giờ.
Ngàn lần chúng ta tri ân Phật, vì Phật ra đời mà chúng ta bớt khổ, thế gian này bớt đi cảnh lầm than. Chỉ cần chúng ta sống và nương theo đạo lý của Phật thì chúng ta đã hạnh phúc rồi. Hạnh phúc vì không làm việc xấu, việc ác, việc hại người mà cố gắng làm việc tốt giúp người. Chỉ nhiêu đó thôi là cuộc đời chúng ta sẽ không phải khổ.
Ngọc Sương