;
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng
Như tôi đã gợi ý lần trước, Tăng Ni là người xuất gia phải cố gắng thực tập cho được Sơ quả của hàng Thanh văn, nghĩa là tập đoạn trừ ba nghiệp tham, sân, si, đó là pháp căn bản nhất trong đạo Phật. Được như vậy, mới bàn đến những việc cao hơn. Vì còn buồn, giận, lo, sợ là còn ở trong nhà thế tục.
Và sau khi chứng được Sơ quả còn phải nỗ lực tu lên, chứng được Nhị quả, Tam quả, Tứ quả. Đến Tứ quả thuộc quả vị cao nhất của hàng Thanh văn là mục tiêu mà chúng ta phải phấn đấu đạt được. Đến quả vị này, chúng ta đã ra khỏi sinh tử luân hồi, tức phá được mười triền cái, nên không còn lý do nào để chúng ta tồn tại trên cuộc đời này.
Qua Tứ quả là đạt được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Vì khi chúng ta mới nhập Sơ thiền là đã vào thế giới của thiền định thì chúng ta có thể sống trong thế giới của Phạm thiên gồm có ba cấp bậc là Phạm chúng thiên, Phạm phụ thiên và Đại Phạm thiên. Chưa tới đây, người ta thường nghĩ Đại Phạm thiên vương là cha đẻ của tất cả muôn loài chúng sanh. Vì vậy, Phật dạy phải thực tập qua đến trời Phạm chúng là thế giới của Sơ thiền thường sống trong thiền định, không sống trên cuộc đời này.
Về cuộc sống của hành giả ở Sơ thiền, các vị thiền sư đắc đạo mà tôi tham khảo đều có ý kiến giống nhau, trước hết là phải chứng được Ly sanh hỷ lạc. Vào quả vị này, chúng ta không còn lệ thuộc vật chất và không lệ thuộc tình cảm. Và các ngài đều dạy rằng chúng ta không lệ thuộc nhưng không phải là không có, trái lại, vẫn có đầy đủ. Điển hình như Đức Phật có cuộc sống vật chất và tinh thần hoàn toàn viên mãn, nhưng Ngài không bao giờ lệ thuộc tình cảm ủy mị và không bị vật chất quấy rối.
Hành giả thể nghiệm được cuộc sống phạm hạnh như vậy đương nhiên trở thành mẫu người cao thượng. Người xuất gia được quý trọng là vì họ đã sống với thế giới nội tâm trong sạch, không lệ thuộc vật chất và tình cảm.
Nhận thức lý này, chúng ta học tất cả kinh điển của Bắc truyền, Nam truyền và Kim cang thừa, nhưng quan trọng phải chọn pháp môn để thực tập, chuyển hóa từ phàm tăng thăng hoa lên Hiền thánh. Tuy nhiên, khi đạt đến quả vị A-la-hán, có nhiều người tranh cãi, cho rằng đắc La-hán thì tan biến vào hư không, không có gì hết là không còn sinh tử luân hồi. Hiểu như vậy hoàn toàn sai lầm. Trí Giả đại sư gọi đó là hàng tăng thượng mạn Thanh văn, rớt qua ngoan không của ngoại đạo mà tưởng lầm rằng họ chứng La-hán.
Đắc La-hán sẽ có cái thấy khác với người lệ thuộc vật chất và tình cảm. Người lệ thuộc vật chất thấy theo vật chất. Người lệ thuộc tình cảm thấy theo tình cảm. Trong khi đắc La-hán, hành giả vẫn còn hiện hữu, nhưng hiện hữu với tư cách của người không lệ thuộc vật chất, tình cảm. Không phải ta biến mất, không còn tồn tại. La-hán chứng Vô sanh nhưng họ vẫn hiện hữu trên cuộc đời gọi là sống ở Hữu dư y Niết bàn, nghĩa là họ sống cuộc đời rất đẹp, sống ngoài sự chi phối của muôn sự muôn vật.
Tôi nhắc lại rằng Thánh La-hán không lệ thuộc vật chất và tình cảm, không phải họ không có vật chất, tình cảm. Họ không mong cầu nhưng có tiền của, vật chất dư thừa mà loài người luôn mơ ước nhưng không có được. Và họ có tình cảm trong sáng, không ủy mị, vì họ có Chánh kiến, thấy biết rõ tất cả sự việc mà loài người không thể thấy biết.
Trước kia, khi còn là học tăng, Hòa thượng Thiện Hoa dạy tôi và nay tôi xin nhắc lại cho anh em lời ngài dạy rằng những gì chúng ta không biết chính xác thì không nên nói. Thầy tu phải thấy rõ, biết rõ mới nói. Biết rõ cái gì? Biết rõ ta có nên nói hay không. Vì vậy, thầy tu càng ít nói càng tốt. Chưa biết rõ, thấy rõ mà nói dễ phạm nhiều sai lầm lớn. Tăng Ni trẻ nên nhớ điều này, người trước thường khuyên rất đúng.
Thấy nhiều, nghe nhiều, biết nhiều thì tốt, nhưng nên ít nói vẫn tốt hơn. Biết ít, nói nhiều không thể đi xa trên đường đạo. Vì thấy đúng biết đúng, nhưng nói ra có hại cho người nói sai nên họ thù mình, tìm cách chống phá, hại mình. Thực tế chúng ta thấy người tu đạt được điều này điều kia và thu hút quần chúng, nhưng đụng chạm quyền lợi người khác, tất nhiên bị ngoại đạo, hay những người ganh ghét thủ tiêu, rồi được tôn là thánh. Thánh kiểu này thật là tội nghiệp. Vì vậy, biết đúng nhưng cũng phải biết nói ra có lợi hay có hại. Nếu nói mà hại nhiều hơn lợi thì không nói.
Hòa thượng Trí Tịnh luôn suy nghĩ điều này. Ngài thường ở thiền thất, không tiếp khách. Ngài biết nhiều việc quan trọng lắm, nhưng không nói. Ít nói, ít lỗi lầm. Nói nhiều lỗi nhiều. Thật vậy, chúng ta thấy giảng sư giảng nhiều nhưng cũng phạm nhiều lỗi, nên giảng sư cũng chỉ thành công một khoảng thời gian nào thôi. Ít có giảng sư nào đi trọn cuộc đời, vì thực sự nghiệm lại, mình cũng không bằng lòng chính mình.
Ngoài ra, Hòa thượng Trí Tịnh còn dạy rằng mình biết đúng và biết nên nói, nhưng phải biết nên nói với ai và nói lúc nào. Đa số Tăng Ni trẻ nghe điều gì mà để bụng không chịu được, nên tìm người để nói, như vậy sẽ tai hại vô cùng. Do vậy, biết rõ và nói có lợi, nhưng nói cho ai thì lợi, nói với ai thì có hại. Tìm người để mình trao hiểu biết cho họ rất quan trọng, quý vị nên suy nghĩ.
Nhưng rất khó tìm được người có khả năng tiếp thu để mình trao hiểu biết. Vì thế, nhiều vị La-hán không tìm được người truyền pháp, họ nhập diệt. Từ đó, chúng ta thấy có nhiều người đắc La-hán nhưng không độ được đệ tử. Còn chưa đắc La-hán mà độ nhiều đệ tử là người mù dẫn người đui!
Điển hình là Tổ Đạt Ma quan sát trong thời kỳ đó ở Ấn Độ không có người để ngài chia sẻ sự tu chứng, nên ngài không nói. Ngài liền sang Trung Hoa, chỉ có duy nhất một người là Thần Quang có thể hiểu được sở đắc của ngài để ngài truyền pháp. Truyền ngôn ngữ thì dễ, nhưng rất khó truyền sự tu chứng. Không phải ngài không muốn truyền, nhưng ngài sợ mình không hiểu sẽ làm sai. Phải tìm đúng người để chia sẻ.
Cũng vậy, xưa kia Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng. Với tuệ giác vô thượng, Phật biết rõ chung quanh Bồ Đề Đạo Tràng có nhiều đạo sĩ ẩn tu có trình độ. Chẳng hạn như bên cạnh đó có Khổ hạnh lâm với nhiều đạo sĩ nhịn ăn cả tháng, cũng cao chứ, nhưng ngoại đạo nhịn ăn được mà tu chứng thì không được. Phật phải tới Lộc uyển ở Ba-la-nại, một thành phố cách đó rất xa để tìm gặp năm nhà hiền triết Kiều Trần Như có khả năng hiểu biết mới truyền hiểu biết được.
Kinh nói khi Phật tới đây, Kiều Trần Như thấy Phật, liền đắc La-hán. Vì bên trong ông sẵn có khả năng tu chứng, nên nhìn Phật là người tu chứng cao tột, khiến cho sở chứng ở trong ông liền bộc phát. Ý này được ngài Nhật Liên ví dụ như con chim trong lồng nghe tiếng chim bên ngoài hót khiến nó sổ lồng bay đi tìm sự tự do trong bầu trời bao la.
Kiều Trần Như đã chứng Tứ thiền Bát định, ngài luôn sống trong thiền định, thì ngài mới thấy được Phật bên trong Sĩ Đạt Ta. Hành giả ở Tứ thiền nhìn con người thật ở bên trong lòng người, không nhìn con người bên ngoài.
Kiều Trần Như thấy Sa-môn Cù Đàm là Phật, nên sụp lạy Phật, thì Phật bên trong Kiều Trần Như lưu lộ ra, khiến ông liền chứng La-hán.
Chúng ta cách Phật xa, không thấy Phật thì Phật dạy muốn thấy Phật phải có Chánh niệm, Chánh định. Chúng ta thực tập điều này cũng dễ rơi vô vọng tưởng điên đảo. Tôi đã trải nghiệm như vậy, mình nhắm mắt thấy Phật, thấy Cực lạc, nhưng đó có phải là Phật thiệt hay không. Hòa thượng Trí Tịnh nói với tôi rằng coi chừng ông lọt vô tưởng uẩn.
Vì lâu ngày ông tụng kinh, lạy Phật, thì đã huân tập Phật vào tâm mình. Đây là pháp môn phương tiện do mình tu quán tưởng, nên nhắm mắt thấy Phật tưởng là Phật, nhưng không phải, vì Phật này từ tiềm thức mình phát khởi. Tưởng Phật, thấy Phật tuy không thật, nhưng cũng khá hơn là tưởng việc xấu ác và thấy việc xấu ác. Vì vậy, cái tưởng đó không phải là đắc thiền, đắc định.
Tôi thưa với Hòa thượng rằng con ở TP.HCM, nhưng nghĩ đến Bồ Đề Đạo Tràng thì thấy Phật, thấy Bồ Đề Đạo Tràng hiện ra. Hòa thượng nói điều này là ông còn kẹt tưởng ấm ma mà nghĩ mình đắc đạo thì rất nguy hiểm. Thấy cái này cái nọ chỉ là vọng thức, rớt qua tưởng ấm ma và hành ấm ma. Tất cả những gì mình học ở trường được lưu vào tiềm thức thì đủ duyên, nó sẽ hiện ra. Vì vậy, phá được sắc ấm ma, vẫn còn ba thứ ma là tưởng, hành và thức ấm tồn tại mãnh liệt.
Đến khi nào thực sự triệt tiêu được ba con ma này thì tâm mình hoàn toàn trong sạch, bấy giờ không tưởng nữa, nhưng mình thấy bằng trực giác. Tôi thực tập pháp này và kiểm chứng để biết mình thực sự đạt được trực giác hay chưa. Nhắm mắt, Phật hay cảnh chùa hiện ra, nhưng mở mắt thì không còn gì. Nếu thực tế và cái tưởng của mình không trùng khớp thì điều đó không thật.
Lần trước tôi đã nói điều này qua sự việc rằng khi Trí Giả đại sư thiền định ở dòng suối Ngọc Tuyền, ngài thấy ngôi chùa Quốc Thanh hiện ra. Nhưng khi ngài mở mắt, xả định thì không có chùa, mà chỉ có đầm sen ở khu rừng hoang vắng. Tuy nhiên, cái thấy của ngài trong thiền định có chùa là cái thấy đúng sự thật. Thật vậy, khi Tấn Dương Quảng đánh thắng và thống nhất đất nước Trung Hoa, ông lên ngôi vua lấy hiệu là Tùy Dạng Đế.
Ông xuống Nam kinh, đến lạy Tổ Thiên Thai cầu thọ Bồ-tát giới và ông cũng đưa quân lính đến đây xây dựng chùa Quốc Thanh. Chùa chưa có, nhà vua chưa xây chùa nhưng Tổ đã thấy có chùa trong thiền định. Thấy thật tướng là thấy như vậy.
Cũng như Tổ Phật Ý ở nước ta, ngài đang trụ trì chùa Từ Ân. Vào thiền định, Tổ thấy chùa bị cháy, Nhưng sau khi Tổ xả định thì thấy chùa còn nguyên. Thấy đúng sự thật là có nhưng thấy không, là Tổ biết chùa đang ở giai đoạn hoại. Tổ gọi đệ tử Viên Quang đến, nói rằng chùa sắp bị hoại. Ông hãy lên gò Cẩm Đệm tu, sau này nơi đó sẽ trở thành chùa.
Quả tình đúng như vậy, Pháp vào chiếm thành Gia Định, chùa Từ Ân bị Pháp đốt cháy. Nghe lời Tổ Phật Ý dạy, ngài Viên Quang cất thảo am trên gò Cẩm Đệm ở đó tu. Từ cái am tranh ở gò đất hoang tàn mà sau trở thành tổ đình Giác Lâm truyền bá Phật pháp khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Hầu hết, chư Tăng miền Nam đều xuất thân từ tổ đình này.
Với người đời, việc tu chứng còn hơi xa, nhưng những nhà kinh doanh địa ốc cũng nói rằng bằng linh cảm, họ thấy ở thành phố nào đó sắp có khu đô thị sẽ được xây dựng, nên họ đến đó mua đất trước, giá đất chỉ khoảng 100.000đ/mét vuông, nhưng đến khi ở đó hoàn thành đường sá, nhà cửa, trường học, bệnh viện, công viên, chợ búa…, thì giá đất tăng vọt, họ bán lời gấp mười lần, trăm lần lúc mua. Mình tu chứng thì thấy sâu hơn, xa hơn. Còn họ cũng chỉ “tưởng” thôi, nhưng so với tu chứng thì việc thấy trước cũng có phần tương tự.
Người bắt chước làm, không được lãi, còn bị vỡ nợ chết. Hôm qua, tôi đi dạo ở vườn chùa, có nhà kinh doanh chạy đến thưa rằng con sắp chết, vì vay tiền ngân hàng mua đất, không bán được và cũng không có tiền trả lãi ngân hàng. Anh kinh doanh thứ nhất thấy trước việc đất lên giá ở khu sẽ trở thành đô thị, nên mua vào thời điểm khu đó còn hoang vắng, giá đất tất nhiên phải rẻ, về sau bán được giá cao vì đã trở thành khu sinh hoạt sầm uất.
Còn anh thứ hai chỉ bắt chước làm theo, gọi là chạy theo cái đuôi thôi, tức cũng mua đất nhưng mua vào thời điểm mọi thứ ở cơ sở hạ tầng đã hoàn thành xong thì phải mua giá cao, làm sao bán có lãi, lại thêm vay nợ ngân hàng không trả lãi nổi, tán gia bại sản vì không thấy trước sự việc mà chỉ bắt chước.
Phật dạy, tất cả sự việc đều trải qua bốn giai đoạn là thành, trụ, hoại, không. Người tu chứng thấy được sự thật, biết nó ở kiếp thành thì tới xây dựng, khi ở giai đoạn trụ thì họ phát triển và đến kiếp hoại, phải bỏ đi. Thí dụ Học viện này mười năm trước bỏ hoang, nhưng hiện tại nó đang ở giai đoạn thành, chúng ta đầu tư phát triển được là hiểu đạo. Tôi đề xướng, nhưng làm được nhờ Hội đồng Điều hành mỗi người một tay đóng góp công sức nên việc thành tựu dễ dàng. Nhưng nếu đến kiếp hoại, kiếp không, thì ở lại cũng phải gánh luôn cái quả xấu. Vì vậy, Tổ Thiên Thai dù được vua Trần kính trọng, nhưng biết nhà Trần sắp hết thời, ngài đã rời bỏ kinh đô, về ẩn tu ở núi Thiên Thai, bên dòng suối Ngọc Tuyền.
Kiếp hoại thì chúng ta thấy có triệu chứng suy đồi, thí dụ như Hội đồng Điều hành Học viện bất hòa, hại nhau. Còn Tăng Ni học nhưng học được gì? Đến kiếp hoại là như vậy. Bây giờ, Học viện đang ở kiếp thành, nên tất cả thành viên trong Hội đồng Điều hành cùng hòa hợp, đoàn kết, quyết tâm làm và Tăng Ni sinh quyết tâm học.
Phải nói vấn đề tu rất quan trọng. Học để hiểu đúng, nhưng tu mới làm đạo được. Đắc La-hán thấy rõ chỗ nào ở kiếp thành, chúng ta đến mở đạo, giống như các Tổ của chúng ta 300 năm trước từ miền Trung, miền Bắc vào miền Nam truyền đạo. Hoặc chư Tổ Ấn Độ thấy khí thế ở đất Ấn đã hết, các ngài qua Trung Á mở đạo. Thực tế chúng ta thấy chư Tổ đắc đạo đều theo quy trình của muôn sự muôn việc theo Phật dạy là thành, trụ, hoại, không, để hợp thời truyền đạo, giữ đạo và phát triển đạo một cách tốt đẹp. Nếu chỉ thấy phù phiếm vinh hoa mà làm thì dễ chết.
Có Chánh kiến, mở mắt đạo sẽ làm được. Trong kinh Nguyên thủy, Phật khuyên 60 La-hán, mỗi người đi một hướng truyền đạo, Ngài không khuyên nhập Niết-bàn. Nhiều người nghĩ đắc La-hán là mọi việc đều chấm dứt. Nhưng Phật bảo nên phát tâm Bồ-đề sẽ nhận thấy Phật là La-hán, mình cũng là La-hán, nhưng Phật là lợi căn La-hán, làm được tất cả việc độ sanh dễ dàng. Còn mình là độn căn La-hán, làm sao có trí giác và đạo lực cao tột như Phật.
Phải đắc La-hán rồi phát Bồ-đề tâm hành Bồ-tát đạo viên mãn hạnh Bồ-tát thì sẽ được như Phật. Chưa đắc La-hán mà phát Bồ-đề tâm sớm thường bị ngã nửa chừng. Vì La-hán thật thấy biết chỗ đáng độ, người nên tránh. Thấy rồi mới phát Bồ-đề tâm. Chưa thấy mà làm thì dễ mắc lầm.
Có người nói họ cúng cho tôi đất, nhưng tôi thấy họ cúng với ý định gì, cúng để làm gì. Thấy rõ như vậy, tôi không nhận.
Chưa thấy đúng, vừa ra trường có học vị cử nhân được Phật tử gọi đến cúng đất, mừng rỡ, vội vàng nhận. Coi chừng họa tới, vì mình chưa thấy sự việc đúng. Phải thấy đất họ cúng có làm chùa được không, làm đạo được không, Phật tử cúng có thật lòng hay không…
Không chừng bị thưa kiện thì phiền lắm. Tốt nghiệp ra trường phải có thời gian nhất định để tu hành, đạt cho được Chánh kiến, thấy biết đúng đắn. Nếu không, dễ mắc sai lầm, đi vào cửa tử, uổng phí cuộc đời tu. Tôi mong Tăng Ni trẻ suy nghĩ kỹ để sau này truyền bá Chánh pháp của Phật làm lợi lạc cho nhiều người.
(Theo báo Giác Ngộ)