;
PHẬT LỊCH 2538 - 1994
---o0o---
LỜI TỰA
Sau khi đọc hết nội dung của bộ Đại Mục Kiền Liên Sám Pháp này, tôi nhận thấy có hai điểm chính là sám hối và báo ân, hay sám hối để báo ân. Công hạnh của Ngài Mục Kiền Liên điển hình nhất cho sự sám hối và báo ân ấy.
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Bồ Tát tự nghĩ: Ta từ kiếp quá khứ vô thủy đến nay, do tham, sân, si mà thân, khẩu, ý phát sinh vô lượng vô biên các nghiệp ác, nếu như các nghiệp ác ấy mà có hình tướng, thì tận cả hư không giới cũng không thể nào dung chứa cho hết được, vì thế mà từ nay, đem hết cả ba nghiệp thanh tịnh, đối trước chư Phật, Bồ Tát, Thánh chúng thành tâm sám hối, nguyện sau không dám làm nữa...”
Như trên các bậc Bồ Tát cũng còn phải lo nghĩ sám hối nghiệp chướng nữa là kẻ phàm phu chúng ta, đầy rẫy những tội lỗi? Nếu như không nhờ công phu tinh cần sám hối, để diệt trừ những nghiệp ác đã tạo, và chận đứng những nguyên nhân của những nghiệp ác sẽ tạo, thì biết bao giờ mới mong được giải thoát an vui.
Với sám pháp này, thực là cái kim chỉ nam cho người thời mạt pháp “tội trọng phúc khinh” nương vào đó để tu hành sám hối diệt tội, sám pháp này là con thuyền đưa người qua biển khổ sinh tử đến bờ giải thoát an vui, và sám pháp này cũng là ngọn đuốc tuệ soi sáng cho chúng ta vượt qua những con đường vô minh tội lỗi.
Còn nói sám hối để báo ân, tất nhiên chúng ta phải nghĩ ngay đến công hạnh báo hiếu của Ngài Mục Kiền Liên, một vị đệ tử thần thông đệ nhất của Phật Thích Ca Mâu Ni.
Ngài Mục Kiền Liên, sau khi tu hành chứng đạo, Ngài thường nhớ nghĩ đến sự báo đền thâm ân dưỡng dục của mẹ Ngài là bà Thanh Đề, phu nhân của một vị phó tướng, nhưng tội ác lại rất nặng nề.
Vì biết mẹ lúc sanh tiền tạo nhiều tội lỗi, nên khi chết khó thoát khỏi được cảnh khổ báo trong ba đường ác, nên Ngài vận dụng thần lực đi tìm mẹ khắp mọi nơi, từ trên các cõi trời, cho đến những cảnh địa ngục, nhưng vẫn không thể biết được mẹ phải đọa lạc nơi đâu, đành phải trở về hỏi Phật. Phật dạy:
“Mẹ Ông khi còn sống, không tin Tam Bảo, tham lam độc ác, nên sau khi chết phải đọa vào đại địa ngục”.
Ngài Mục Liên thấy Phật dạy như thế, nghẹn ngào khóc than, và lại đi tìm mẹ khắp các địa ngục, được thấy tận mắt những cảnh khổ báo ở những nơi đó. Sau cùng cửa đóng kín mít, gọi thì không người mở, trông thì chẳng thể thấy được, nên Ngài lại trở về hỏi Phật. Phật dạy:
“Chính mẹ Ông phải đọa trong đại địa ngục ấy và phải chịu đại trọng tội.”
Ngài Mục Liên theo lời Phật dạy, liền đến trước cửa địa ngục ấy, rung gậy tích trượng ba lần, tức thì cửa ngục tự mở, chủ ngục dẫn mẹ Ngài từ trong ngục đi ra, để cho mẹ con được gặp nhau. Lúc ấy, Ngài Mục Liên thấy mẹ toàn thân bị lửa bốc cháy phừng phực, mình mẩy đầy những dấu vết gươm dao tra tấn, cổ bị mang gông, chân tay bị xiềng trói bằng những sợi dây sắt, trông rất bi thảm. Bà quay lại bảo với Ngài Mục Liên: “Thân thể của mẹ bị đau đớn thật khó kể xiết”.
Thấy tình cảnh bi thảm của mẹ, trong lòng đau như dao cắt, Ngài liền trở về cầu xin Phật thương xót chỉ dạy cho phương pháp, để cứu mẹ thoát khỏi những cảnh khổ báo ở nơi địa ngục, nhưng vừa thoát khỏi địa ngục, lại phải đọa làm ngã quỷ. Phật lại chỉ dạy cho phương pháp khiến cho thoát khỏi cảnh ngã quỷ, thì lại phải đọa làm súc sinh. Phật cũng lại chỉ dạy cho phương pháp khiến cho thoát khỏi cảnh súc sinh. Cứ như thế, mẹ Ngài lần lượt phải chịu mọi khổ báo trong đường ác. Ngài Mục Liên nhất nhất cầu Phật thương xót chỉ dạy cho phương pháp để cứu mẹ thoát khỏi những khổ báo ấy, và đều được Phật chỉ dạy cho biết:
“Tội ác của mẹ Ông rất nặng nề, sức của một mình Ông không thể nào cứu mẹ Ông giải thoát được, mà Ông phải chí thành cầu thỉnh các bậc Đại Đức Tăng, lập đạo tràng sám pháp đọc tụng các kinh điển đại thừa, để sám hối những nghiệp ác cho mẹ Ông, thì mẹ Ông mới thoát khỏi được những khổ báo ấy”.
Ngài Mục Liên làm theo đúng như lời Phật dạy, nên mẹ Ngài đã được giải thoát và được sinh lên cung trời Đao lợi hưởng thụ mọi sự an vui khoái lạc.
Xem thế đủ biết công năng của sự sám hối, nguyện lực của các Đại Đức Tăng, thực là lớn lao vậy.
Sám hối còn là một phương pháp tự lợi, lợi tha; mà công hạnh báo hiếu rất nhiệm màu, mà người muốn tu hành hiếu đạo; người muốn sám trừ nghiệp chướng, cần phải ghi lòng tạc dạ.
Ngài Mục Liên là một tấm gương sáng chói tượng trưng cho lòng chí hiếu đối với đấng từ thân; Ngài đã thực hành pháp sám hối, mà cứu được mẹ thoát khỏi cảnh đọa đầy ở địa ngục, khiến muôn đời không thể quên được.
Bộ Đại Mục Liên Sám pháp này, nguyên bản bằng Hán Văn, nay Đại Đức Thích Quảng Độ phát tâm dịch ra Việt văn, Đại Đức Thích Quảng Hào viện chủ chùa Bồ Đề xuất bản, không ngoài mục đích muốn cho ai ai cũng có thể đọc được, hiểu được phần nào đối với giáo nghĩa cao siêu huyền diệu của Phật pháp.
Riêng tôi xin chí thành tùy hỷ công đức với dịch giả, và trân trọng giới thiệu cùng quý vị Phật tử bốn phương bộ Sám pháp rất quý báu này.
Sài thành, năm Giáp Thìn 1964
THÍCH CHÍ TIẾN
PHẦN NGHI LỄ
(Chủ Sám xướng) Hết thảy cung kính... (Mọi người hòa theo)
Dốc lòng kính lễ Thường-Trụ Tam Bảo khắp pháp giới mười phương.
(3 lễ và 3 tiếng chuông)
(Mọi người quì đọc nguyện hương)
Nguyện xin khói hương này
Như mây tỏa mười phương
Trong vô biên cõi Phật
Hóa vô lượng diệu hương
Cúng dàng ba ngôi báu
Trang nghiêm cả mọi đường
Trọn vẹn Bồ Tát đạo
Thành tựu Như Lai hương.
(Mọi người đều vái xuống, rồi thỉnh 3 tiếng chuông)
(Chủ Sám xướng)
Cúng dàng rồi, hết thảy cung kính....
(Đại chúng hòa theo)
Dốc lòng kính lễ Thường-Trụ Tam Bảo khắp pháp giới mười phương.
(1 lễ, 3 tiếng chuông)
(Đồng quỳ đọc bài sám hối)
Chúng con xin dốc lòng sám hối:
Xưa kia gây nên bao nghiệp ác
Đều vì ba độc tham, sân, si,
Từ thân miệng, ý phát sinh ra,
Hết thảy con nay xin sám hối,
Bao nghiệp chướng gây nên như thế
Đều tiêu tan một chút không còn
Niệm niệm tràn lan trong pháp giới
Độ chúng sanh khắp cả không lui.
(3 tiếng chuông, đồng đứng dậy)
(Chú sám xướng) Sám hối rồi...
(Đại chúng hòa theo)
Quy mệnh lễ đức Phật A-Di-Đà cùng ngôi Tam-Bảo khắp mười phương.
(1 lễ, 3 tiếng chuông)
---&&&---
(Mọi người cùng ngồi tụng, chuông mõ bắt đầu)
Lò hương vừa đốt
Cõi Pháp thơm lây
Chư Phật bốn biển đều xa hay
Thấu tâm thành này
Chư Phật hiện thân ngay.
Nam-mô Hương-Vân-Cái Bồ-Tát Ma-ha-tát. (3 lần, 1 tiếng chuông)
KỆ KHAI KINH
Pháp Phật cao sâu rất nhiệm mầu,
Nghìn muôn ức kiếp dễ hay đâu
Con nay nghe, thấy xin vâng giữ
Chân nghĩa Như-Lai hiểu thật sâu.
Nam-mô Bản-Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật (3lần, 3 tiếng chuông)
NAM MÔ ĐẠI HIẾU MỤC KIỀN LIÊN BỒ TÁT MA HA TÁT
(3 lần)
NAM MÔ CẦU SÁM HỐI BỒ TÁT MA HA TÁT (3 lần)
QUYỂN THỨ NHẤT
Đệ tử chúng con, ngày nay có duyên, cùng được hội họp, tại đạo tràng này, xin rũ bụi trần, tẩy sạch ba nghiệp, khắp vì bốn ân, ba cõi, tám nạn, sáu đường, hết thảy chúng sinh, dốc lòng sám hối.
Tất cả chúng con từ kiếp vô thủy, cho đến ngày nay, đều bị vô minh, che lấp chân tính, sáu căn ba nghiệp, mê mờ không biết, vì thế mới gây nên bao ác nghiệp, không bến không bờ, nếu chẳng ăn năn, sao giải thoát được?
Mười phương chư Phật, thường ở thế gian, tiếng pháp không dứt, diệu hương tràn đầy, thường buông ánh sáng, soi chỗ tối tăm; diệu lý còn mãi, như áng mây lớn, che khắp hết thảy, như vị đề hồ, rưới cho bốn loài, như nước cam lộ, thấm nhuần sáu ngả. Vậy mà chúng con, không thấy không nghe, không hay không biết, bởi tại sáu căn che lấp, ba nghiệp ngăn ngừa, vì thế cho nên, trôi dạt mãi mãi, trong bể sống chết, trăm nghìn muôn kiếp, không có hẹn nào, thoát ly ra khỏi!
Trong kinh nói rằng: “Đức Phật Tỳ-Lô, ở khắp mọi nơi”, mà chỗ Phật ở, thường được gọi là cõi Thường Tịch Quang. Vì thế cho nên, hết thảy mọi pháp, đều là Phật pháp, thế mà chúng con, không hề tỏ ngộ, rồi cứ trôi lăn, theo dòng mờ mịt, bởi thế cho nên, trong đạo Bồ-đề, lại thấy nhơ nhớp, trong đạo giải thoát, khởi tâm ràng buộc.
Ngày nay giác ngộ, chúng con chí thành, đối trước chư Phật và đại Bồ-tát, hết lòng khẩn đảo, giãi bầy sám hối. Tất cả trọng tội, chúng con đã phạm, từ kiếp vô thủy, cho đến ngày nay, hoặc tự mình làm, hoặc dạy người làm, hoặc nghe hoặc thấy, người khác gây tội, sinh lòng vui mừng, nếu nhớ hay quên, hoặc rõ hay ngờ, hết thẩy tội chướng, đều xin sám hối.
Nguyện rằng từ đây, tất cả chúng con tiêu trừ ác nghiệp, tinh tiến tu hành, trang nghiêm Tịnh Độ. Lại nguyện hết thẩy chúng sinh sáu ngả, đều được sinh sang cõi nước Cực Lạc, Đức Phật Di Đà, thường đến tiếp dẫn; hiện ở đời này, Bồ đề tăng trưởng, tới phút lâm chung, lòng được chính niệm, gặp Phật Di Đà, cùng các Thánh chúng, tay cầm đài sen, thân đến tiếp dẫn, chỉ trong giây lát , sinh về cõi Phật, tu hạnh Bồ Tát, thành tựu Bồ Đề, rộng độ chúng sinh, cùng thành Chánh Giác. Tất cả đại chúng, hiện tiền nơi đây, dốc một lòng thành, quy mệnh kính lễ, Đức Đại Từ Phụ.
Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Quá Khứ Tỳ Bà Thi Phật.
Nam Mô Thi Khí Phật
Nam Mô Câu Lưu Tôn Phật
Nam Mô Câu Na Hàm Mâu Ni Phật
Nam Mô Ca Diếp Phật
Nam Mô Đương Lai Di Lặc Tôn Phật
Nam Mô A Di Đà Phật
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Nam Mô Đại Mục Kiền Liên Tôn Giả.
Lễ chư Phật rồi, thứ lại sám hối. Đệ tử chúng con, nơi Đạo tràng này, vô cùng khát ngưỡng, công đức Tam Bảo, vì trong thiên hạ, Tam Bảo quý nhất.
Phật bảo là gì? Phật là Chính Giác. Trong bao nhiêu kiếp, tu hành khổ hạnh, ngộ đạo Bồ-đề, gọi là Chính Giác. Tự giác, giác tha, cứu độ chúng sinh, không thể kể xiết, quả hạnh đầy đủ, làm thầy Trời, Người, vì thế cho nên, kêu là Phật bảo.
Pháp bảo là gì? Những lời Phật nói, chép thành kinh sách, nghĩa lý cao sâu, những người được nghe, đều sinh kính tín, những người đọc tụng, ngộ được Phật tâm, thoát nỗi phiền não, lên núi Niết Bàn, đến bến Bồ-Đề, thành bậc Chánh Giác. Thế là Pháp Bảo.
Tăng bảo là gì? Thụ trì giới luật, như pháp tu hành, mở lòng từ bi, cứu khổ hết thẩy, ba áo che thân, tu theo vạn hạnh, cũng như chư Phật, tu hạnh Bồ Tát, trước độ chúng sinh sau mới thành Phật. Thế là Tăng bảo.
Chúng sinh ngu muội, điên đảo mê lầm, không tin Tam Bảo, không biết quy kính, lại còn kiêu ngạo, sinh lòng phỉ báng, bởi thế cho nên, sa vào ba đường, vòng quanh sáu ngả, đắm chìm bể khổ, mãi mãi vô cùng. Nếu có những người thiện nam, tín nữ mở lòng Bồ Đề, quy y Tam bảo, thì diệt được tội, mà sinh phúc lành. Quy y Phật rồi, khỏi đọa địa ngục, quy y Pháp rồi, thoát khỏi ngã quỷ, quy y Tăng rồi, không làm súc sinh.
Hiểu được Tam Bảo, duy tại nhất tâm, thường ở thế gian, vĩnh viễn không mất, hóa độ tà mê, quay về Chính Giác, ra khỏi trần lao, tới quả vị Phật. Đã hết khổ rồi, tất nhiên sung sướng, đời đời kiếp kiếp, hoặc sinh nơi này, hay ở chỗ khác, thường được yên ổn, phúc tuệ trang nghiêm, thân tâm sáng chói, vì thế cho nên, trong kinh nói rằng: “Nếu có người nào, cúng dàng Tam Bảo, chư Phật Bồ Tát, một lễ một lạy, hết lòng cung kính, thì được trăm lần, sinh lên cõi trời, hưởng được thú vui, đến khi hết phúc, sinh xuống nhân gian, sung sướng vô cùng. Nếu lại có người, quy y Tam Bảo, cung kính cúng dàng, thụ trì năm giới tinh tiến tu hành, thì những người ấy, thành đạo Vô thượng, chứng quả Bồ Đề, rộng độ chúng sinh, cùng về Chánh Giác. Bởi quả báo ấy, cho nên ngày nay, chúng con dốc lòng, quy y Tam Bảo.
Nam Mô Tận Thập Phương, Biến Pháp Giới, Vi Trần Sái Độ Trung, Tam Thế Nhất Thiết Chư Phật.
Nam Mô Tận Thập Phương, Biến Pháp Giới, Vi Trần Sái Độ Trung, Tam Thế Nhất Thiết Tôn Pháp.
Nam Mô Tận Thập Phương, Biến Pháp Giới, Vi Trần Sái Độ Trung, Tam Thế Nhất Thiết Thánh Tăng.
Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Hàng Phục Chư Ma Vương Phật
Nam Mô Phả Hiện Sắc Thân Quang Phật
Nam Mô Trí Tuệ Thắng Phật
Nam Mô Di Lặc Tiên Quang Phật
Nam Mô Thế Tịnh Quang Vương Phật
Nam Mô Thiện Tịch Nguyệt Âm Diệu Tôn Trí Vương Phật
Nam Mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật
Nam Mô Bảo Châu Minh Chiếu Phật
Nam Mô Nhật Nguyệt Quang Phật
Nam Mô Sư Tử Hống Tự Tại Lực Vương Phật
Nam Mô Diệu Âm Hoa Phật
Nam Mô Bảo Quang Tràng Phật
Nam Mô Ưu Bát La Hoa Thù Thắng Vương Phật
Nam Mô Vô Lượng Âm Thanh Vương Phật
Nam Mô Nhất Thiết Pháp Thường Mãn Phật
Nam Mô Di Đà Vương Phật
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Nam Mô Đại Mục Liên Tôn Giả
Đệ tử chúng con, kính lễ Tam Bảo và các Hiền Thánh, nguyện đời đời kiếp kiếp, hoặc sinh nơi này, hay ở chỗ khác thường gặp chư Phật, hằng được cúng dàng, được nghe chánh pháp. Lại nguyện đời đời kiếp kiếp, sinh nơi Tam Bảo, mở lòng Bồ đề, nhờ sức Tam Bảo, cứu độ chúng sinh, cùng thành Chính Giác, đều lên liên đài.
Chúng con ngày nay, mới biết ân Phật, vô cùng sâu dầy, thường rủ lòng từ, cứu độ chúng con. Chúng con đã hiểu, mười phương chư Phật, đã bao nhiêu kiếp, siêng tu đạo hạnh, không từ lao khổ, chẳng cầu yên vui, quên mình bỏ mạng, cắt dứt ân ái, xa lìa danh vọng, chỉ cố thực hành, bốn vô lượng tâm, sáu ba la mật, thệ nguyện sâu rộng, cứu vớt chúng sinh, trong bể sinh tử, dù phải nhọc lòng, nhưng không chán nản; chúng sinh ương nghạnh, dạy cho biết cách, hiếu dưỡng cha mẹ, kính tín Tam Bảo, đều ngộ Phật tâm, cùng thành Chính Giác. Vì vậy cho nên xưng là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự, Trượng Phu, Thiện Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Mười hiệu đầy đủ, muôn đức trang nghiêm, thành bậc Đại giác, vượt qua bể khổ, lên bờ giải thoát, rồi nói mọi pháp, để độ chúng sinh. Nhưng vì chúng sinh, mê mờ điên đảo, không thấy sáng suốt, chẳng biết có Phật, không tin Phật nói, chẳng học kinh điển, không rõ tội phúc, không phân sướng khổ, chẳng chịu tu hành. Ở trong cảnh khổ, lại bảo là vui, tự buộc lấy mình, không dứt ra được, không sợ vô thường, chẳng tìm lối thoát, tha hồ làm ác, không kiêng điều dở, gây nên tội nghiệp, không thể kể xiết. Những người như thế, sau khi chết rồi, chịu vô lượng khổ, phải đọa địa ngục, vĩnh viễn không được thấy Phật, Pháp, Tăng.
Nếu có những người, thiện nam tín nữ, phát tâm tín kính, quy y Tam Bảo, tu mười điều lành, giữ gìn tịnh hạnh, cúng dường Tam Bảo, hiếu dưỡng song thân, thụ trì trai giới, theo lời Phật dạy, thương kẻ nghèo hèn, giúp người già cả, yêu mến anh em, phóng sinh bố thí, kính trên nhường dưới, báo ân cúng dàng, phát tâm Đại Thừa, tu giới định tuệ, diệt tham sân si, sợ lão bệnh tử, chăm tu thuyền định, thì những người ấy, ngộ được Phật trí, chứng đại Bồ Đề, thành bậc Chính Giác. Vì thế cho nên trong kinh Tạo Tượng, đức Phật nói rằng, Phật tuy diệt độ, nhưng pháp của Ngài, vẫn ở thế gian. Trong thời mạt pháp, nếu có người nào, đắp vẽ hình tượng, của Phật Bồ-Tát, cùng các Hiền Thánh, hoặc để trong chùa, hay nhà tại gia, hoặc giữa xóm làng, hay trong rừng núi, ngày đêm khuya sớm, hương hoa cúng dàng, đèn nến phan phướn, thì những người ấy, được phúc vô lượng, mãi mãi yên vui.
Cúng dàng như thế, mà còn được phúc, huống chi phát tâm, ấn tống kinh điển, thụ trì đọc tụng, tìm hiểu nghĩa lý, đúng pháp mà làm, mong thành Phật đạo, thì được phúc báo, biết là chừng nào?
Trong kinh Phật nói, người nào có phúc, mới được cúng Phật. Xưa kia có người, mua một bó hoa, giữa đường gặp Phật, nghe Phật thuyết pháp, sinh lòng vui mừng, liền dâng bó hoa, cúng dàng đức Phật, Phật bèn thụ ký, bảo người ấy rằng: “Người đã cúng dàng, chín mươi ức Phật, bốn trăm mười kiếp, trở về sau này, người sẽ thành Phật, danh hiệu gọi là: Hoa Quang Như Lai!”
Kinh lại nói rằng, trong đời mạt pháp, người nào tạo tượng, cúng dàng chư Phật, khi Phật Di Lặc, ứng hiện ra đời, người ấy sẽ được, thành đạo trước nhất. Ưu Điền đại vương, bạch với Phật rằng: “ Bạch đức Thế Tôn, người tạo hình tượng, cúng dàng chư Phật, được những phúc gì?” Phật trả lời rằng: “Người ấy đời đời kiếp kiếp, khỏi đọa địa ngục, sinh ở Nhân Thiên, hưởng mọi khoái lạc, thân thể sáng chói, tướng mạo trang nghiêm, người người tôn trọng, thiên long kính ngưỡng, thọ mệnh lâu dài; hoặc làm vua chúa, đại thần, trưởng giả, của báu đầy dẫy, phúc đức lâu bền, qua vô số kiếp, sẽ được thành Phật.
Lại Công Đức Kinh, chép một chuyện rằng: Kiều Phạm Ba Đề, trước là thân trâu, đi tìm cỏ nước, vòng quanh Tinh Xá, được thấy tướng Phật, sinh lòng vui mừng, nhờ công đức ấy, liền được siêu thăng. Cho nên chư Phật, nói mọi nhân duyên, khuyến hóa chúng sinh, dùng các phương tiện, vì lũ chúng sinh, làm ruộng phúc lớn, để cho mọi loài, cũng được như Phật. Nhưng vì chúng sinh, tội nghiệp sâu nặng, phúc đức mỏng manh, không nghe lời Phật, chẳng chịu tu trì, không nhớ ân nghĩa, chẳng muốn giúp người, Phật dùng từ bi, tìm mọi phương tiện, thuyết pháp hóa độ, khiến cho giác ngộ, cùng chứng Bồ Đề, bởi thế ơn Phật, thật là khó báo.
Giờ đây chúng con, dốc lòng khẩn thiết, đính lễ chư Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng, nguyện Phật thùy từ chứng giám.
Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Phả Quang Phật
Nam Mô Phả Minh Phật
Nam Mô Phả Tịnh Phật
Nam Mô Đa Ma La Bạt Chiên Đàn Hương Phật
Nam Mô Ma Ni Tràng Phật
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Ma Ni Bảo Tích Phật
Nam Mô Ma Ni Tràng Đăng Quang Phật
Nam Mô Tuệ Cự Chiếu Phật
Nam Mô Nhất Thiết Thế Gian Nhạo Kiến Thượng Đại Tinh Tấn Phật
Nam Mô Hải Đức Quang Minh Phật
Nam Mô Đại Cường Tinh Tiến Dũng Mãnh Phật
Nam Mô Kim Cương Lao Cường Phả Tán Kim Quang Phật
Nam Mô Đại Bi Quang Phật
Nam Mô Từ Lực Vương Phật
Nam Mô Từ Tạng Phật
Nam Mô Hiền Thiện Thủ Phật
Nam Mô Chiên Đàn Hốt Trang Nghiêm Thắng Phật
Nam Mô Thiện Ý Phật
Nam Mô Quảng Trang Nghiêm Vương Phật
Nam Mô Hư Không Bảo Hoa Quang Phật
Nam Mô Lưu Ly Trang Nghiêm Vương Phật
Nam Mô Bảo Cái Chiếu Không Tự Tại Lực Vương Phật
Nam Mô Kim Hoa Quang Phật
Nam Mô Bất Động Trí Quang Phật
Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát
Nam Mô Đại Mục Liên Tôn Giả
Đệ tử chúng con, lễ chư Phật rồi, nguyện đời đời kiếp kiếp, thường được thấy Phật, băm hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Nghe Phật thuyết pháp, liễu nghĩa cao sâu, được Phật thụ ký, chứng đạo Bồ Đề.
Hiện tiền đại chúng, tĩnh tâm lắng nghe; Đại Giác Thế Tôn, thương kẻ mờ mịt, xem căn chúng sinh, trí ngu có khác, cao thấp không đều, đặt ra ba thừa, mở đường phương tiện, lập phép sám này, lời văn tuy ít, nhưng nếu lễ tụng, công đức không lường. Xin bậc cao minh, đừng chê cạn hẹp, khiến kẻ hạ căn, khinh thường biếng tụng; nếu khởi tâm khinh, sẽ bị quả báo, chịu nhiều tội khổ. Người nào lễ tụng, nghiệp chướng tiêu trừ, người nào tán thán, được phúc vô lượng; người nào tin ưa, đạo phẩm càng tăng. Những người trì tụng, sẽ được giải thoát. Vậy nên đại chúng, hiện tiền nơi đây, đều phải cung kính, vận hết tâm thành, sinh tưởng khó gặp, lập trí báo ân, trau giồi trí tuệ, cầu chứng Bồ Đề. Chư Phật ra đời, chỉ vì chúng sinh, mà kẻ hạ căn, ngu si mông muội, không thấy không biết. Như Lai trước kia,
trong hằng sa kiếp, tu mọi khổ hạnh, chứa công góp đức, tìm đạo Bồ Đề, Đức Phật Thích Ca, từ trời Đâu Xuất, sinh xuống Hoàng cung, lúc còn bé nhỏ, tên Tất Đạt Đa, đến khi khôn lớn, chỉ thích xuất gia. Một hôm ra chơi, ngoài bốn cửa thành, thấy già, ốm, chết, sinh lòng buồn rầu, rời bỏ Hoàng cung, vào miền núi Tuyết. Chán ghét ca nhạc, ưa nghe suối reo, bỏ các mỹ vị, cởi áo long bào, vứt hết giầu sang, chỉ dốc một lòng, cầu đạo Vô Thượng. Bởi thế sau này, thành bậc Chánh Giác, gọi là Như Lai. Ngài phóng hào quang, soi chỗ u ám, thuyết pháp giáo hóa, độ thoát chúng sinh. Những người theo Pháp, đều được sáng suốt, nhờ ân lực Phật, được vào đạo tràng, hiểu thấu Đại Thừa, thành bậc Giác Ngộ. Đoạn trừ sinh tử, không còn chìm đắm, trong vòng bể khổ, ân đức của Phật, thực khó báo đền. Nếu phát nguyện lớn, trọn đời tu đạo, chứng quả Bồ Đề, trên báo ơn Phật, dưới độ chúng sinh, thì mới xứng đáng. Như Ngài Dược Sư, ở đời quá khứ, đốt mình làm đuốc, chiếu mười phương Phật, bỏ cả thân mạng, cúng dàng chư Phật. Các bậc Hiền Thánh, còn biết cúng dàng, báo đền ân Phật, huống chi chúng ta, sao lại không nghĩ? Muốn báo Phật ân, phải làm thế nào? Trong kinh Phật nói: “Nếu có những người, thiện nam tín nữ, muốn báo ơn Phật, trước phải xa lìa, những nẻo tà kiến, tu theo Chính Pháp, hóa độ chúng sinh, không hiềm mệt mỏi, cứu giúp mọi người, hiếu kính cha mẹ, yêu mến anh em. Thế là chân chính, báo đền ơn Phật”.
Trong kinh Phật nói: “Hết thảy chúng sinh, đều có Phật tính,” chỉ vì từ kiếp, vô thủy đến nay, điên đảo mê lầm, không thấy không biết, bởi thế cho nên, không hiểu thiện ác, không tin tội phúc, chẳng sợ nhân quả, cống cao ngã mạn, không ưa kinh Phật, chê người hành đạo. Sở dĩ như thế, là do tự mình, không hiểu bản tâm, chấp theo tà kiến, xa lìa bạn tốt, gần gũi kẻ ác, gây tội ngũ nghịch, tạo nghiệp thập ác, giết hại sinh linh, ăn cho thỏa thích, chơi bời phóng túng, kết bạn du đãng, rượu chè say sưa, đánh đập người hiền, bênh vực kẻ ác, thấy tiền của người, muốn vơ về mình, lửa tham bốc cháy, tối mặt tối mày, lấy cho bằng được; cậy mình giầu có, khinh kẻ nghèo hèn, đắm say sắc dục, không kể đạo đức, trái với chính lý, thế là tà kiến, nói dối nói gạt, không trọng tôn ty, khinh khi họ hàng, tham lam tiền của, không bao giờ chán, bỏn sẻn keo kiệt, không mất một đồng, không bỏ một cắc. Nếu nói câu gì, là dèm chê người, không còn nhân tính, không biết lẽ phải, nếu có giảng kinh, hay điều thiện lợi, cũng chẳng thèm nghe. Những người như thế, sau khi chết rồi, phải đọa địa ngục, không có kỳ hạn, chịu những nỗi khổ, không thể tả được. Tội đọa địa ngục, khi đã hết rồi, lại phải sinh vào, những loài quỷ đói, quỷ đói hết rồi lại làm súc sinh; súc sinh khi hết, nếu được làm người, mù điếc câm ngọng, nghèo cùng khổ sở, sinh nơi biên địa, không được thấy Phật, không gặp Hiền Thánh, chẳng biết vô thường, không cầu trí thức. Những kẻ làm ác, chịu báo như thế.
Phật khuyên chúng sinh, không nên tạo ác, nhưng đời ngũ trược, ba độc bừng cháy, phúc đức kém cỏi, nghiệp căn sâu dày, không tin lời Phật. Những người trí giả, nghe được hiểu ngay, những kẻ hạ căn, không thể tín thụ. Tu mười điều thiện, được lên Thiên giới, tạo mười nghiệp ác, vào ngay ba đường. Nếu ai không tin, hãy đọc kinh điển, người nào làm được, một điều thiện thôi, hiện ở đời này, hưởng phúc vô lượng, quả báo kiếp sau, được sinh cõi trời, đầy đủ thú vui. Nhưng một điều ác, gặp ngay ác báo, chịu khổ vô cùng, ngày sau chết đi, phải vào địa ngục, đau đớn ê chề.
Kinh Chiết Phục nói:”Một vị Thiên tử, trên trời Đao Lợi, khi hưởng hết phúc, năm tướng suy hiện, thấy sau khi chết, đọa làm kiếp lợn, sầu muộn vô cùng. Ngay trong khi ấy, trên Trời có tiếng: “Phật có thể cứu tội của nhà ngươi, mau đến cầu Phật, xin Ngài cứu cho!” Khi đến trước Phật, Ngài bảo Thiên tử: “Hết thảy các pháp, đều là vô thường, nên biết như thế, lo buồn làm gì?”
Thiên tử bạch Phật: “ Bạch đức Thế Tôn, làm sao thoát được, thân hình kiếp lợn?”Phật bảo Thiên tử: “Nếu muốn như thế, phải quy y Tam Bảo, hướng về Bồ Đề”. Vị Thiên tử đó, liền quy y Phật, tu pháp Đại Thừa, ngày đêm chăm chỉ. Trong
bảy ngày sau, ông bèn mệnh chung, sinh xuống một nước, tên Duy Gia Ly, nhà trưởng giả nọ, ở trong thai mẹ, ngày đêm quy y, khi vừa sinh ra, cũng quỳ quy y. Cả nhà đều sợ, cho là ma quái, muốn đem giết chết, nhưng chỉ người cha, biết rõ việc ấy, nên ông nói rằng, đứa trẻ thơ này, là người phi phàm, vì người đời này, sống lâu trăm tuổi, mà còn không biết, quy y Tam Bảo, huống chi mới sinh đã niệm Tam Bảo. Vì thế nên biết, nó là phi phàm.
Khi lên bảy tuổi, thụ trì ngũ giới, đến khi lớn lên, bẩm với cha mẹ, xin cho xuất gia, tu các phạm hạnh, được Phật thụ ký, liền chứng Sơ quả.
Do đó mới biết, ơn Phật rộng lớn. Chỉ nghe tên Phật, mà được như thế, huống chi tự mình, cung kính cúng dàng, giữ gìn năm giới, tinh tiến tu hành, trang nghiêm cõi Phật, tạo ruộng phúc lớn, thì sao không ngộ, Vô Thượng Bồ Đề? Vì vậy đại chúng, hiện tiền nơi đây, hãy dốc lòng thành, quy mệnh kính lễ, Đại Từ Bi Phụ.
Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Hàng Phục Chư Ma Vương Phật
Nam Mô Phả Hiện Sắc Thân Quang Vương Phật
Nam Mô Trí Tuệ Thắng Phật
Nam Mô Di Lặc Tiên Quang Phật
Nam Mô Thế Tịnh Quang Phật
Nam Mô Thiện Tịch Nguyệt Âm Diệu Tôn Trí Vương Phật
Nam Mô Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật
Nam Mô Nhật Nguyệt Quang Minh Phật
Nam Mô Nhật Nguyệt Châu Quang Phật
Nam Mô Tuệ Tràng Thắng Vương Phật
Nam Mô Sư Tử Hống Tự Tại Lực Vương Phật
Nam Mô Diệu Âm Thắng Phật
Nam Mô Thường Quang