;
LỜI TỰA
Để góp vào phần sám văn dùng trong các khóa lễ hộ niệm, trợ tiến vong linh những khi hữu sự tại địa phương (Chùa Phật Đà - Hà Tiên), đồng thời (với thiển ý) hạn chế phần nào nỗi sầu thảm, tóc tang khiến thân quyến và vong linh bi lụy, vấn vương làm ảnh hưởng không tốt đến tiến trình siêu thoát của người mất, vào tháng 10/2002, chúng tôi đã biên soạn quyển Nghi thức Khai Thị Vong Linh và Sám Hối Ba Nghiệp.
Trong đó, các bài Khai Thị Vong Linh, Sám Hối Ba Nghiệp và Văn Sám Nguyện là sự đúc kết những lời Phật dạy mà trong quá trình tu học, chúng tôi đã thu thập được từ các kinh luận và qua những lời dạy của Chư Tôn Đức. Còn các phần khác là những nghi thức chung mà chúng tôi trích lại từ các nghi khóa thiền môn, kinh tụng hàng ngày.
Hôm nay, với tâm nguyện được chia sẻ những ý tưởng này đến cùng pháp lữ, mong đem chút hương vị lợi lạc (nếu có) đến cho nhiều người, chúng tôi không ngại mình tài hèn đức mọn, câu chữ, nghĩa lý thô thiển, gập ghềnh mà lưu hành rộng rãi quyển nghi thức này.
Trong khi hiệu đính để phổ biến, chúng tôi có sưu tập thêm các bài Sám hối và những lời dạy của Hòa thượng Thích Thanh Từ để chúng ta có thêm phương tiện cùng tham cứu, ứng dụng thọ trì.
Tuy nhiên, dù đã cố gắng rất nhiều, song vẫn khó tránh khỏi những thiếu sót và hạn chế. Ngưỡng mong quý độc giả hoan hỉ lượng thứ cho.
Con xin chân thành đón nhận sự chỉ giáo của chư Tôn Đức và sự góp ý của chư thiện hữu.
Cuối cùng, xin nguyện hồi hướng công đức này đến khắp pháp giới chúng sanh, người mất siêu thăng, người còn phúc lạc, hết thảy mọi người đềuđồng tâm bỏ dữ, đồng chí làm lành, đồng ngộ vô sanh, đồng thành Phật đạo.
Chùa Phước Duyên, TP.HCM
Ngày vía Bồ Tát Quán Thế Âm,
19/02 Kỷ Sửu (15/03/2009)
Tâm Chơn
Kính bút.
NGUYỆN HƯƠNG
Xin cho khói trầm thơm
Kết thành mây năm sắc
Dâng lên khắp mười phương
Cúng dường vô lượng Phật
Vô lượng chư Bồ Tát
Cùng các Thánh hiền tăng
Nơi pháp giới dung thông
Kết đài sen rực rỡ
Nguyện làm kẻ đồng hành
Trên con đường giác ngộ
Xin mọi loài chúng sanh
Từ bỏ cõi lãng quên
Theo đường giới-định-tuệ
Quay về trong tỉnh thức. 0
Cầu Nguyện
Hôm nay, đệ tử chúng con kính dâng tấc lòng thành hướng về Tam Bảo, phát nguyện tụng kinh Sám hối - Khai thị vong linh. Nguyện cầu cho vong linh ………… nghe tiếng niệm kinh tỉnh giấc mê trần, xa lìa đường dữ, không còn tham đắm theo cảnh sắc phàm, quay về nẻo đạo, quy y Tam Bảo, thoát khỏi u đồ, vãng sanh cõi tịnh.
Chúng con cũng nguyện cho tất cả muôn loài hiểu sâu lý tánh, dứt sạch oan khiên, lên bờ giác ngộ. Đời đời, kiếp kiếp sanh vào những nơi có Phật pháp, gặp được minh sư, chánh tín tu hành, hằng ngày sống an vui trong chánh niệm. 0
Hương giới, hương định cùng hương tuệ
Hương giải thoát, giải thoát tri kiến
Đài mây sáng rỡ trùm pháp giới
Cúng dường Tam Bảo khắp mười phương.
Nam Mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát. (3lần) 0
TÁN THÁN PHẬT
Đấng pháp vương vô thượng.
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời người
Cha lành chung bốn loại
Quy y tròn một niệm
Dứt sạch nghiệp ba kỳ
Xưng dương cùng tán thán
Ức kiếp không cùng tận. 0
QUÁN TƯỞNG
Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới đế châu ví đạo tràng
Mười phương Phật bảo hào quang sáng ngời
Trước bảo tọa thân con ảnh hiện
Cúi đầu xin thệ nguyện quy y. 0
ĐẢNH LỄ
- Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời tột hư không khắp pháp giới . (1 lạy ) 0
- Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chánh pháp ba đời tột hư không khắp pháp giới. (1 lạy) 0
- Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Tăng bậc hiền thánh ba đời tột hư không khắp pháp giới. (1 lạy) 0
TÁN HƯƠNG
Lò hương vừa bén chiên đàn
Khắp xông pháp giới đạo tràng mười phương
Hiện thành mây báu kiết tường
Chư Phật rõ biết ngọn hương chí thiền
Pháp thân toàn thể hiện tiền
Chứng minh hương nguyện phước liền ban cho.
Nam Mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát. (3 lần) 0
KHAI KINH KỆ
Pháp Phật cao siêu lý rộng sâu
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe thấy chuyên trì niệm.
Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu. 0
Nam Mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo. (3lần) 0
Nam Mô Bát Nhã Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát (3 lần ) 0
TÂM KINH TRÍ TUỆ CỨU CÁNH RỘNG LỚN
Khi Bồ Tát Quán Tự Tại hành sâu Bát nhã ba la mật đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không liền qua hết thảy khổ ách.
Nầy Xá Lợi Phất! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.
Nầy Xá Lợi Phất! Tướng không của các pháp không sanh không diệt, không nhơ không sạch, không thêm không bớt.
Cho nên trong tướng Không, không có sắc, không có thọ tưởng hành thức, không có mắt tay mũi lưỡi thân ý, không có sắc thinh hương vị xúc pháp, không có nhãn giới, cho đến không có ý thức giới, không có vô minh cũng không có hết vô minh, cho đến không có già chết, cũng không có hết già chết, không có khổ tập diệt đạo, không có trí tuệ cũng không có chứng đắc.
Vì không có chỗ được nên Bồ Tát y theo Bát nhã Ba la mật đa, tâm không ngăn ngại. Vì không ngăn ngại nên không sợ hãi, xa hẳn điên đảo mộng tưởng đạt đến cứu cánh Niết bàn.
Chư Phật trong ba đời cũng nương Bát nhã Ba la mật đa được đạo quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Nên biết Bát nhã Ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là vô thượng chú, là vô đẳng đẳng chú, hay trừ được hết thảy khổ chân thật không dối.
Vì vậy nói chú Bát nhã Ba la mật đa, liền nói chú rằng:
“Yết đế yết đế ba la, yết đế ba la tăng, yết đế bồ đề tát bà ha. (3 lần) 0
KHAI THỊ VONG LINH
Vong linh ơi!
Ta Bà cõi tạm, nơi gởi thân sanh tử trăm năm, Cực Lạc quê hương, chốn an mạng Niết Bàn muôn thuở. Vong linh hỡi! Hãy nên ghi nhớ, sống trên đời có được bao lâu, mới xuân xanh thoáng đã bạc đầu, rồi lại đến quan khâu một nấm.
Hôm nay, vong linh đã mãn duyên phần, ấy cũng là lẽ tự nhiên như ngày có tối sáng, có đến ắt có đi. Mong vong linh đừng luyến lưu chi trần cảnh.
Cũng như cái xác thân tứ đại: đất, nước, gió, lửa này chỉ là cái giả thân do tinh cha huyết mẹ hợp thành; còn gia đình, thân quyến … cũng đều là mối duyên nợ tiền khiên, đừng vương vấn mà đoạ vào cảnh khổ.
Định luật vô thường vong linh hãy nhớ. Muôn việc hồng trần đều ở mấy tất hơi. Hơi thở dứt thì cuộc đời chấm dứt. Cái thân này ta còn không giữ được thì có sá gì của cải, tài vật, gia đình.
Khuyên vong linh hãy mau mau niệm Phật, niệm kinh, giữ định tâm quán chiếu cuộc đời, hướng lòng thành tưởng Phật không lơi, hầu siêu thoát, vãng sanh tịnh độ. 0
Xướng:
Hỡi vong linh……………… thức tâm tỉnh giác nhận ra rằng:
Tụng:
Cuộc trần thế là trò dâu bể
Họp rồi tan như thể gió mây
Bất thường, biến chuyển, vần xoay
Hôm qua còn đó mà nay đâu rồi ?
Bởi mạng sống tất hơi yếu ớt
Kiếp nhân sinh thoáng một giấc mơ
Trăm năm thay đổi ván cờ
Sấm vang, chớp giật, tựa hồ chiêm bao.
Vong linh hỡi! Trần lao nghiệp chướng
Lò oan khiên thiêu nướng con người
Luân hồi sanh tử không thôi
Xuống lên ba cõi, say mê sáu đường.
Thêm nỗi bệnh tai ương hoạn nạn
Thuở thai nhi đến mãn cuộc đời
Mấy người sống vẹn yên vui
Giữa vòng trần thế chơi vơi biển sầu.
Dù là kẻ sang giàu quyền tước
Hay nghèo hèn mạt nhược như nhau
Đều cùng chung một nỗi đau
Vì duyên, vì nợ xiết bao buộc ràng.
Đời đã vậy thở than chẳng được
Bởi gieo nhơn nhiễm trước vọng tình
Trót mê tài, sắc, lợi, danh
Lu mờ tâm trí, đua tranh hận thù.
Nên ngàn kiếp lu bu không dứt
Bả vinh hoa nô nức bước vào
Mặc cơn sóng dậy ba đào
Ôm mùi phú quí lộn nhào tử sanh.
Vong linh hỡi! Cái thân còn mất
Thì có gì bền chắc mà ham
Rõ ràng muôn việc cõi trần
Chết rồi tay trắng có mang được gì?
Vậy giờ đây hãy suy nghĩ lại
Quyết vượt qua cửa ải trầm luân
Một lòng theo Phật tu thân
Rèn tâm sửa tánh lần lần thoát ra.
Cõi Ta Bà chỉ là quán trọ
Chúng sanh là lữ khách bộ hành
Theo dòng sanh tử lộn quanh
Bỏ quên xứ sở an thân Niết bàn.
Vong linh hỡi! Nay nhân duyên mãn
Thì xin đừng ngao ngán đường về
Dù trải bao cảnh khiếp ghê
Dù bao đe doạ bốn bề hang sâu.
Xả tâm tưởng gom thâu từ trước
Diệt tham sân si bước lỡ lầm
Chuyên lòng niệm Phật định tâm
Quê hương Cực lạc vững chân đường về.
Vong linh hỡi! Xa rời luyến tiếc
Cái giả thân, tài vật, gia đình
Đừng gây thêm khổ cho mình
Vì âm dương đã chia hình cách xa.
Hãy gấp niệm Di Đà Phật hiệu
Định tâm thần quán chiếu đừng quên
Bồ đề quả Phật quyết lên
An vui vĩnh kiếp giác tâm tròn đầy.
Nam Mô Siêu Lạc Độ Bồ Tát Ma Ha Tát (3lần). 0
SÁM HỐI BA NGHIỆP
Khai Thị:
Vong linh ơi!
Đức Phật dạy rằng: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”. Hạt giống Bồ Đề đều sẵn có trong mỗi chúng sanh. Nhưng vì vô minh che lấp nên điên đảo mê lầm tạo gây nghiệp tội.
Để rồi cứ mãi chịu luân hồi quẩn quanh trong sáu nẻo, lên xuống lộn lạo nơi ba đường, mà cội nguồn sanh tử trầm luân chính là vô minh và ái thủ. Nếu muốn được giải thoát, an lạc, Niết bàn thì phải tu hạnh viễn ly, xa rời năm trần cấu. Tức là phải trừ sạch tham ái và chấp thủ, không đắm mê, dính mắc dục trần, giữ tâm chánh định, rỗng rang không dấy niệm. Vì có niệm là có khổ. Huống chi đó là niệm bất thiện. Do vậy, vong linh chớ sanh tâm luyến lưu, vương vấn.
Ngược lại, phải luôn quán chiếu để thấy rằng “thân nầy không phải là tôi. Tài sản, gia đình, thân quyến không phải là của tôi. Tôi không bị kẹt vào những thứ ấy. Mà tôi có đây là do các duyên hợp lại tạo thành”.
Cũng như muôn sự muôn vật trên thế gian nầy đều chỉ là duyên sanh giả hiệp. Nó có đó mà không thật. Cho nên, sống không phải là còn, chết không phải là hết. Mà sống chết là chuyện đi về, hợp tan là trò dâu bể.
Cổ đức có câu:
“Sanh như đắp chăn đông
Tử như cởi áo hạ”.
Hay:
“Tử sanh là cửa ngỏ ra vào,
Tử sanh là trò chơi cút bắt”.
Cho nên, chúng ta hãymỉm cười mà bước qua nhịp cầu sanh tử để nhận ra rằng “tôi chưa bao giờ sanh cũng chưa bao giờ từng diệt. Và tôi cũng đã thấy rằng thật tướng các pháp vốn vô thường, khổ, không, vô ngã. Tôi muôn đời vẫn tự do”.
Tuy nhiên, cái thân vật chất nầy dù đã mất nhưng nghiệp thức vẫn còn. Và chính dòng nghiệp thức nầy sẽ dẫn dắt chúng ta luân hồi tái sanh trong sáu nẻo.
Do đó, chúng ta phải chuẩn bị cho mình hành trang thiện nghiệp, vốn liếng viễn ly, để khi vô thường bất ngờ ập đến chúng ta không hoảng sợ kinh hoàng và sẽ không bị đọa vào trong cảnh khổ.
Thế nhưng, từ vô thuỷ kiếp cho đến ngày nay, do tham-sân-si mà chúng ta tạo biết bao tội nghiệp về thân khẩu ý. Đến lúc mất thân nầy rồi thì duyên nghiệp ấy vẫn phải đeo mang và quả báo ứng hẳn là gánh chịu.
Vậy nên giờ đây, chúng ta hãy một lòng hướng về Tam Bảo, phát tâm thành sám hối tội chướng trong nhiều đời. Sống quay về nương tựa Phật-Pháp-Tăng. Nhờ oai lực nhiệm mầu của chư Phật mà bao oan khiên nghiệp báo sớm được tiêu trừ, căn lành tăng trưởng, tinh tấn tu hành, chóng thành đạo quả.
Vậy khuyên vong linh nên một lòng phát lồ sám hối. 0
Xướng:
Hỡi vong linh ……… thức tâm tỉnh giác chí thành sám hối:
Tụng:
Thành kính lạy mười phương chư Phật
Chứng minh lòng chân thật chúng con
Giờ nầy quỳ trước Thế Tôn
Phát lồ sám hối tám muôn tội tình. 0
Từ vô thuỷ vô minh lầm lỗi
Tham-sân-si nguồn cội tạo gây
Bằng thân-miệng-ý dựng xây
Oan khiên nghiệp báo nối dây luân hồi.
Con đã giết các loài sanh chúng
Lòng chẳng thương hờ hững mặc tình
Miễn sao có lợi cho mình
Nhẫn tâm mưu hại , sát sinh vật người.
Lại khi thấy của người thèm muốn
Sinh lòng tham cắp trộm gian tà
Cướp về làm của riêng ta
Không hề khởi chút xót xa dùm người.
Còn dâm tà lôi thôi loạn phép
Mê dục tình mang nghiệp vào thân
Dửng dưng đạo lý nghĩa nhân
Làm mất hạnh phúc nát tan gia đình.
Chỉ muốn được phần mình lợi lạc
Nói những điều dối gạt chẳng lành
Vọng ngôn, lưỡng thiệt chia phân
Dệt thêu, ác khẩu xa gần hơn thua.
Thêm lắm chuyện say sưa chè rượu
Phạm lỗi lầm do tửu nhập tâm
Để cho mê muội tinh thần
Suy đồi đạo đức hư thân ương hèn.
Tham lam chỉ muốn riêng mình được
Mưu tính toan sang đoạt của người
Bạc tiền đầy ắp chưa thôi
Túi tham không đáy mãi đòi kiếm thêm.
Cũng nơi đó khởi liền sân hận
Lửa hung hăng oán giận tuôn trào
Buông lời sát phạt hại nhau
Không phân già trẻ ân sâu tình người.
Ôi! Cũng bởi si mê đần độn
Mà tử sanh lăn lộn sáu đường
Chánh tà thiện ác không tường
Nhân quả chẳng rõ vọng buông nhiễm tình.
Khinh thần thánh không tin Tam Bảo
Chạy cuồng theo điên đảo quỷ ma
Xem thường Phật pháp cao xa
Thấy người hiền đức, râm ra chê cười.
Phạm giới cấm và mười điều thiện
Âu cũng từ thân-miệng-ý lòng
Buông lung mê đắm dục trần
Chẳng màng tội lỗi nghìn lần nhân lên.
Nào phải trái, não phiền, đố kỵ
Thói gian manh ích kỷ nhỏ nhoi
Đấu tranh hơn thiệt với người
La cà tửu điếm, chợ đời giao du.
Cùng hết thảy điều hư tật xấu
Từ kiếp xưa nung nấu đến nay
Tội con như núi chất đầy
Một lòng hối cải từ rày ăn năn. 0
Cầu Tam Bảo hồng ân tế độ
Muôn lỗi lầm lớn, nhỏ, cạn, sâu
Đều nương thần lực nhiệm mầu
Chơn như thanh tịnh sạch làu từ đây. 0
Những tội lỗi tự gây túc trái
Hoặc bảo người hay thấy người làm
Sinh lòng vui thích mừng ham
Thảy đều sám hối một lần trọn xong.
Tội hoặc nhớ hay bằng chẳng nhớ
Tội hoặc nghi hay cũng chẳng nghi
Hoặc là biết rõ-quên đi
Hoặc là che dấu hay khi tỏ bày…
Xin sám nguyện thảy đều thanh tịnh 0
Mở lòng thương sanh chúng vạn loài
Dắt dìu nhau bước thảnh thơi
Đi trong chánh niệm nương về Tăng thân.
Mong được chút hồng ân Tam Bảo
Gieo căn lành quả chứng Bồ đề
Đường tà nẻo ácxa rời
Đời đời theo Phật làm người chân tu.
Không gây tạo cho dù lỗi nhỏ
Phát tâm lành chẳng có ngại ngần
Thứ tha giúp kẻ sa chân
Đem tình thương đến thế nhân khắp miền.
Xin cúi lạy hiện tiền Tam Bảo 0
Con dốc lòng giữ đạo tu tâm
Từ-bi-hỷ-xả gìn lòng
Quay về tìm lại nguồn tâm ban đầu.
Nguyện hết thảy đâu đâu đều được
Thoát khỏi vòng trói buộc vô minh
Vẹn tròn lý đạo kính tin
Mười phương chư Phật ngưỡng xin nương nhờ.
Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát (3lần) 0
Xướng lễ:
Nhứt tâm đảnh lễ:
- Nam Mô Quá Khứ Tỳ Bà Thi Phật. 0
- Nam Mô Hiện Tại Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. 0
- Nam Mô Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật. 0
- Nam Mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. 0
- Nam Mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát . 0
- Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát . 0
- Nam Mô Đại Lực Đại Thế Chí Bồ Tát. 0
- Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát. 0
- Nam Mô Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát. 0
- Nam Mô Đạo Tràng Hội Thượng Phật Bồ Tát. 0
NĂM ĐIỀU QUÁN TƯỞNG
Thế Tôn lời dạy tỏ tường
Năm điều quán tưởng phải thường xét ra
Ta đây phải có sự già
Thế nào tránh khỏi lúc qua tai nàn
Ta đây bệnh tật phải mang
Thế nào tránh khỏi đặng an mạnh lành
Ta đây sự chết sẵn dành
Thế nào tránh khỏi tử sanh đến kỳ
Ta đây phải chịu phân ly
Nhơn vật quý mến ta đi biệt mà
Ta đi với nghiệp của ta
Dù cho tốt xấu tạo ra tự mình
Theo ta như bóng theo hình
Ta thọ quả báo phân minh kiết tường. 0
KỆ SÁM HỐI
Xướng:
Con xưa vốn tạo các nghiệp ác
Đều do vô thỉ tham-sân-si
Từ thân-miệng-ý phát sinh ra
Hết thảy con nay xin sám hối. 0
VĂN SÁM NGUYỆN
Cúi lạy đức Thích Ca từ phụ
A Di Đà vô lượng thọ-quang
Thinh Văn, Bồ Tát các hàng
Khắp mười phương cõi Thánh Tăng chứng lòng. 0
Đệ tử xin thành tâm sám nguyện
Trước Phật đài thân hiện ảnh hình
Nay con Sám hối tội mình
Từ vô thỉ kiếp vô minh lỗi lầm.
Gây điều ác gieo mầm đau khổ
Do thân lời ý chỗ tạo ra
Sát sinh chẳng chút xót xa
Gian tà trộm cắp tiêu pha của người
Đắm dâm dục buông lời dối trá
Nói hai lời, thô ác, chuốc trao
Tham lam, sân hận, cống cao
Si mê, phiền não bủa rào đảo điên
Khiến chúng con triền miên rong ruổi
Sống lênh đênh trôi nổi lạc lầm
May nhờ pháp Phật diệu thâm
Giúp con tỉnh thức sáng tâm trở về
Xa lìa khỏi sông mê bể khổ
Thoát trầm luân đỗ bến giác ngàn
Một lòng hối hận ăn năn
Cầu mong chư Phật phân thân hộ trì. 0
Phát chí nguyện khắc ghi tấc dạ
Xin chứng minh cả thảy lòng con
Dù bao gian khổ mỏi mòn
Niềm tin Tam Bảo sắt son một lòng.
Thân miệng ý sạch trong gìn giữ
Phòng sáu căn chẳng để dính trần
Trên đáp ơn Phật muôn phần
Dưới nguyền cứu độ chúng sanh các loài
Lấy oan trái luyện tôi ý chí
Nhận tai ương rèn khí tinh thần
Ra vào ba cõi chẳng lầm
Xuống lên sáu nẻo gian truân không sờn
Cùng đồng loại yêu thương hòa thuận
Dắt dìu nhau bất luận thân sơ
Lợi danh, quyền thế hững hờ
Tham sân si quyết đánh cho rã rời
Giữ chí nguyện sống đời thoát tục
Gìn thân tâm từng mỗi phút giây
Thức lòng chánh niệm hàng ngày
Kiên trì học đạo hăng say tu hành
Noi gương đấng cha lành tịch mặc
Bậc năng nhân đại lực, đại hùng
Từ-bi -hỷ-xả rộng cùng
Khắp trong sanh chúng không ngừng lợi tha.
Xin hồi hướng thiết tha muôn loại
Cùng chúng con thoát khỏi não phiền
Tịnh tâm thủ chí tu thiền
Sanh trung quốc gặp bạn hiền, minh sư
Được chánh tín xuất gia học đạo
Cõi Niết bàn quả Phật sớm lên
Chí thành kính lễ sám nguyền
Mười phương Tam Bảo hiện tiền chứng minh. 0
HỒI HƯỚNG
Sám hối là hạnh tốt lành
Vô biên phước đức sẵn dành chúng sanh
Nguyện cho tất cả hàm linh
Sớm về cõi tịnh nghe kinh diệu huyền
Nguyện tiêu ba chướng não phiền
Cầu chơn trí tuệ phá xiềng vô minh
Nguyện trừ tội chướng điêu linh
Hạnh lành Bồ tát thường tinh tấn làm
Nguyện sanh cõi tịnh siêu phàm
Hoa sen chính phẩm là hàng mẹ cha
Hoa nở thấy Phật hiện ra
Vô sanh chứng ngộ bạn ta-thánh hiền
Nguyện đem công đức hiện tiền
Hướng về khắp cả các miền gần xa
Con và cha mẹ ông bà
Chúng sanh giác ngộ chan hoà pháp thân. 0
PHỤC NGUYỆN
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Đệ tử chúng con hôm nay hướng về đức Thế Tôn một lòng chí thành cầu xin sám hối.
Ngưỡng nguyện mười phương chư Phật ba đời chứng minh công đức, gia hộ cho vong linh ……………… nghe tiếng niệm kinh, sáng suốt tinh thần, nhẹ nhàng tâm thức, giác ngộ lý vô thường, thấu rõ nguồn tâm, sinh về cõi tịnh.
Chúng con cũng xin nguyện cầu cho Tam Bảo được trường tồn mãi ở thế gian để chúng sanh nương nhờ phúc lạc, phát tâm thiện lành, tránh đường mê muội, ra khỏi trần lao, quay về chánh đạo.
Nhà nhà được an lạc. Người người tin sâu Phật pháp, thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
Khắp nguyện, người sống yên vui, kẻ mất siêu độ, tất cả chúng sanh đều thoát vòng khổ não, tinh tấn tu hành, sớm thành Phật đạo. 0
Nam mô A Di Đà Phật. 0
TỰ QUY Y
-Tự quy y Phật
Xin nguyện chúng sanh
Hiểu rõ đạo pháp
Phát tâm vô thượng. 0
-Tự quy y Pháp
Xin nguyện chúng sanh
Thấu rõ kinh tạng
Trí tuệ như biển. 0
-Tự quy y Tăng
Xin nguyện chúng sanh
Tâm ý hoà hợp
Tất cả không ngại. 0
Nguyện đem công đức nầy
Hướng về khắp muôn loại
Cùng phát tâm sám hối
Đồng chứng quả vô sanh. 0
Chùa Phật Đà
Hà Tiên, tháng 10/2002
PHỤ LỤC:
SÁM HỐI NGUYỆN
Cúi đầu làm lễ Như Lai,
Chứng minh đệ tử ngày nay phát nguyền,
Con xin đem dạ chí thiềng,
Thành tâm sám hối nghiệp khiên đã làm,
Bởi xưa chưa rõ dạ phàm,
Nên chi kết tạo dây oan cõi trần,
Gây ra tội lỗi vô ngần,
Luân hồi trả quả lắm phần đớn đau,
Vào sanh ra tử đã lâu,
Dấn thân lao khổ gẫm âu khó lường,
Xuống lên ba cõi sáu đường,
Đền bù với những vết thương lỗi lầm,
Trả vay vay trả trầm luân,
Gian nan thống khổ vô ngần vô biên,
Cũng vì nghiệp báo oan khiên,
Do mình kết tạo triền miên nối đời,
Nếu nay chẳng biết quy hồi,
Ắt thời khó tránh qua đời kiếp sau,
Vậy con thi lễ cúi đầu,
Chí thành sám hối nguyện cầu ăn năn,
Như xưa có phạm điều răn,
Gây nên tội lỗi nhố nhăng đau lòng,
Thì nay lòng dạ ân cần,
Chuyên lo tu luyện chuộc phần tội xưa,
Bao nhiêu nghiệp quấy xin chừa,
Bao nhiêu điều thiện sớm trưa phụng hành,
Ngày đêm giữ dạ sắt đinh,
Trau dồi đạo đức sử kinh bền lòng,
Nguyện thân ra khỏi bụi hồng,
Muối dưa chay lạt nhiệt lòng say sưa,
Tỉnh hồn chuông sớm mõ trưa,
Nguyện tâm ra khỏi nắng mưa cõi trần,
Xin nhờ Tam bảo ai lân,
Từ bi hỷ xả thi ân dắt dìu,
Nay con tỉnh biết mọi điều,
Thế gian là khổ, nghiệp chiêu bởi mình,
Từ nay nguyện dứt sự tình,
Say sưa ảo ảnh mến hình mộng du,
Bền lòng giữ chặt điều tu,
Thề không sai lạc mặc dù gian nan,
Chí tâm vững dạ bền gan,
Nguyện không cảm kích thế gian mộng đời.
Nguyện xa bể khổ chơi vơi,
Nguyện thành Phật đạo đến nơi mãn nguyền,
Nguyện cùng cắt đứt dây duyên,
Nguyện rằng dứt khỏi oan khiên kéo dời.
Lòng không say đắm sự đời,
Chuyên cần tu niệm chẳng rời một khi,
Dứt điều luyến ái mê si,
Noi gương bác ái, từ bi trau lòng,
Sửa tâm như đóa liên hồng,
Luôn luôn trong sạch thoát vòng nhiễm ô,
Chí thành miệng niệm Nam mô,
Nguyện lòng con được tính vô hoàn toàn,
Nguyện về nơi cõi Lạc bang,
Nguyện cho ra khỏi những đàng tử sanh,
Cúi nhờ chư Phật chứng minh,
Bao lời sám hối con xin nguyện cầu. 0
VĂN PHÁT NGUYỆN
Đệ tử chúng con một lòng thành,
Nguyện cho đất nước mãi thanh bình,
Tai nạn đao binh đều dứt sạch,
Huynh đệ nhìn nhau con một nhà.
Xót thương cứu giúp tiêu thù hận,
Cả trên thế giới thảy an lành,
Cùng chung nhân loại lòng yêu mến,
Sớt cơm chia áo một tâm thành.
Kết tình đồng loại như ruột thịt,
Nguyện cả chúng sanh đến côn trùng,
Cùng khởi lòng thương che chở thảy,
Ai đành sát hại làm lợi mình.
Mong sao toàn thể cùng vui sống,
Nguyện mưa chánh pháp khắp quần sanh,
Mọi người đều được ơn nhuần gội,
Nhiệt não tiêu tan lòng thanh lương.
Tam thừa thánh quả đều an trụ,
Nguyện con dứt sạch mọi não phiền,
Gắng tu chẳng chút sanh lười mỏi,
Lập chí vững chắc như kim cương.
Dù bao sóng gió không lay động,
Thẳng bước tiến lên quả vô sanh,
Yêu ma quỉ mị không ngăn nổi,
Chiếc gươm trí tuệ tay chẳng rời.
Đơn đao đột nhập Vô thượng giác,
Tam độc Bát phong không chướng ngăn,
Chỉ một Chân như tam-muội ấn,
Tiến thẳng vào trong nhà Pháp thân.
Trên ngọn Diệu Phong rong tự tại,
Xem xét mười phương chúng khổ đau,
Khởi từ phương tiện tùy ứng hóa,
Đưa chúng đồng lên bờ Niết-bàn.
Dù bao gian khổ lòng không nản,
Công đức tu hành xin hướng về,
Tất cả chúng sanh cùng mình được,
Đồng nương chánh pháp tối thượng thừa,
Lên ngôi chánh giác chứng Phật đạo. 0
VĂN SÁM HỐI
Chúng con đồng đến trước Phật đài,
Tâm thành đảnh lễ mười phương Phật,
Tất cả Bồ-tát trong ba đời,
Thanh Văn Bích Chi chúng hiền Thánh,
Đồng đến chứng minh con phát lồ:
Bao nhiêu tội lỗi trong nhiều kiếp,
Ba nghiệp gây nên chẳng nghĩ lường,
Nổi chìm lăn lộn trong ba cõi,
Tội ác chiêu hoài không biết dừng.
Hôm nay tỉnh giác con sám hối,
Hổ thẹn ăn năn mọi lỗi lầm,
Cầu xin chư Phật đồng chứng giám,
Bồ-tát Thanh Văn thảy hộ trì.
Khiến con tội cũ như sương tuyết,
Hiện tại đời con đang sống đây,
Tuy có duyên lành gặp Phật pháp,
Mà đã gây nên lắm nghiệp khiên.
Lòng còn chứa chấp tham kiêu mạn,
Sân si tật đố hạnh tà mê,
Miệng nói điêu ngoa thêm dối trá,
Gạt lường ác khẩu lời vu oan,
Sát sanh hại vật thân gây tạo,
Thương tổn sanh linh để lợi mình,
Tam Bảo chứng minh con sám hối.
Dứt tâm tương tục kể từ đây,
Không hề tái phạm dù lỗi nhỏ,
Nguyện gìn ba nghiệp như giá băng,
Nguyện đạt chân tông giáo viên đốn,
Kiến tánh viên minh tâm nhất như.
Vọng tình ngoại cảnh dường mây khói,
Nghiệp thức vốn không trí sáng ngời,
Liễu sanh thoát tử không ngăn ngại,
Tam giới ra vào độ chúng sanh.
Thuyền từ chống mãi không dừng nghỉ,
Đưa hết sanh linh lên giác ngạn,
Công đức tu hành xin hồi hướng,
Tất cả chúng sanh đều Niết-bàn.
Vào nhà chư Phật ngồi tòa báu,
Mặc áo Như Lai chứng Pháp thân,
Đồng phát Bồ-đề tâm bất thối,
Đồng ngộ vô sanh pháp giới chân,
Đồng lên Phật quả vào Diệu giác,
Đồng nhập Chân như thể sáng tròn. 0
Những Lời Nhắc Nhở Của Hòa thượng Thích Thanh Từ[1].
1. KHAI THỊ
(Nhân ngày tang lễ của cụ Kiến Hỷ)
]
Hôm nay là ngày từ biệt cuối cùng của… Chúng tôi có ít lời nhắc nhở để tinh tấn tu hành, cũng như tìm đường thoát sanh, đầy đủ niềm tin Tam Bảo, rồi cố gắng nhớ lại duyên lành đời nầy, mà tiếp tục tiến tu trên con đường giải thoát.
Nhắc lại những ngày gặp gỡ, lúc còn khỏe mạnh… để thấy sự vô thường.
Nay… đã hết duyên trên cõi đời nầy… đó là điều khiến chúng tôi nhớ đến số phận của con người.
Mới ngày nào chúng ta là người khỏe mạnh, vui vẻ, ngày nay thân nầy bại hoại không còn, để ông thấy rõ thân nầy là cái vô thường, là cái bại hoại, không thể gìn giữ. Thân chứa đầy khổ đau và chướng nạn mà lâu nay chúng ta mê…bị nó chi phối rồi cả đời chỉ biết lo cho thân tạm bợ, không biết ngoài nó ra còn có cái gì nữa.
Hôm nay ông đã thấy điều đó rồi… không phải chỉ có thân nầy là cái cuối cùng của con người.
Khi thân nầy hoại đi, không phải con người ngang đó là hết. Nên khi bỏ thân nầy rồi, ông sẽ thấy không phải là mình hết. Không phải mình hết thì thân chỉ là tai họa. Là tai họa mà theo đuổi nó thì khổ chớ không vui.
Vì vậy khi mang thân, chúng ta phải lợi dụng nó làm khí cụ, là phương tiện tiến tu tìm đường giải thoát. Chớ không phải vì thân nầy mà phải chịu trầm luân vì nó.
Người thế gian không biết, cứ tưởng thân nầy là quí, suốt đời phục vụ lo lắng, vun bồi tô điểm, rốt cuộc ngày cuối cùng nó cũng thành cái bại hoại.
Người tu hành đã thức tỉnh… biết rõ thân nầy không thể giữ được. Nên ngày nào còn sống, còn khỏe mạnh ngày đó phải cố gắng tiến tu và khuyến khích huynh đệ đồng tu thì mới xứng đáng và không uổng những ngày mình có mặt trên thế gian.
Nếu chỉ một bề lo lắng, tô điểm cho thân được an ổn, khỏe mạnh, sung sướng, nhưng dù có lo đến đâu thì khi đến lúc bại hoại nó vẫn bại hoại.
Tôi mong rằng ngay đây ông thức tỉnh, biết rõ mang thân nầy chỉ là khổ không có vui. Như bất đắc dĩ chưa có hết nghiệp còn phải mang thân, khi mang thân không phải để vui, để thụ hưởng mà chúng ta phải làm được điều gì lợi ích ở mai kia.
Thiền sư Từ Minh dạy:
Sanh như đắp chăn đông
Tử như cởi áo hạ.
Mùa đông trời lạnh đắp chiếu chăn cho ấm. Mùa hè nực cởi áo ra cho mát.
Giờ đây ông đã cởi chiếc áo mùa hè nên vui vẻ nhẹ nhàng.
Nhưng nếu còn duyên…phải sanh lại thì ông hãy nhớ như là mặc chiếc áo mùa đông ấm áp, để rồi nhờ duyên đó sống tu hành, làm Phật sự, công đức mỗi ngày mỗi tăng trưởng đến ngày viên mãn.
Nên cái sanh, cái tử không phải là cái đáng buồn. Chỉ đáng buồn là chúng ta sanh trong mê muội và tử trong mê muội. Nếu tử tỉnh, sanh được an nhiên. Nương phương tiện, hình thức đó để làm Phật sự thì việc sanh tử không phải là khổ nhục.
Hôm nay, trong giờ phút cuối cùng từ giã tất cả, tôi có ít lời nhắc ông. Ông ráng tỉnh thức nhớ mãi con đường tu hành tiến đến giải thoát mà ông đã chọn. Từ đây trở về sau hãy nhớ tiếp tục không quên. Đó là vấn đề thiết yếu.
2. KHAI THỊ cho thầy Thông Tâm
Tôi nghe Thông Tâm đau nặng nên đến đây có ít lời nhắc nhở.
Thông Tâm nên biết rõ, như thân nầy ai cũng tưởng là thân mình, nhưng sự thật nó là bại hoại không thể giữ được.
Thân của mình còn không giữ được nói chi đến những cái bên ngoài: người thân thích, nhà cửa, sự nghiệp… làm sao giữ được.
Biết rõ thân nầy tài sản, sự nghiệp cũng không phải của mình và chắc chắn có ngày xa cách.
Như vậy, hiện tại điều quan trọng là làm sao trong tâm không còn nghĩ tưởng lăng xăng, ngoài không còn bị các duyên ràng buộc, tâm luôn an tỉnh. Nhờ vậy lúc nhắm mắt ra đi được tự tại an nhàn. Đó mới giữ được cái của mình.
Điều quan trọng nhất của người tu là trước lúc ra đi biết buông xả tất cả, để tâm thanh tịnh, đó là điều chân thật. Nếu không khéo buông xả thì nhất định khi ra đi sẽ bị nghiệp dẫn đi tiếp tục trong sanh tử, không thể cưỡng nổi.
Nên tôi mong rằng Thông Tâm sẽ tỉnh giác không bị mê lầm. Luôn luôn nhớ biết tất cả điều là hư giả, buông hết, xả hết để ra đi một cách thảnh thơi.
Như vậy mới là con người sáng suốt, con người tự tại. Hãy nhớ tỉnh sáng và buông xả để thảnh thơi ra đi.
3. KHAI THỊ giác linh thầy Kiến Chơn
]
Hôm nay, ngày từ biệt cuối cùng… tôi nhắc ông Kiến Chơn nhớ rõ rằng:
Thân nầy là vô thường là tạm bợ, có đến phải có đi không ai tránh khỏi. Giá trị của đời người là phải biết thức tỉnh, biết được nơi mình có cái chân thật, không còn mê lầm theo cái giả. Bỏ thân hư dối, trở về sống với cái chân thật mới là cái lâu dài.
Vậy, trước khi từ biệt tất cả, Kiến Chơn nhớ chỉ một niệm hướng về Phật, hướng về chánh pháp. Làm sao đời nầy gieo đủ duyên tốt để đời sau sớm tiếp tục tu hành, không để cho mê mờ lầm lẫn tạo nhiều nghiệp khổ nữa.
… Trong kinh Kim Cang Phật dạy:
“Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điển
Ưng tác như thị quán”.
Nếu người nào quán sát rõ như vậy là thấy rõ đạo lý, không còn mê lầm, đến lúc ra đi không vướng mắc, bận bịu với thân tạm bợ nầy. Người tu luôn nhớ lời Phật dạy, chỉ 4 câu kệ nầy thôi thì đã là người thức tỉnh, người giác ngộ.
Nên điều thứ nhất, ông Kiến Chơn phải luôn nhìn thấy sự thật cuộc đời, của muôn việc là:
Vô thường - vô ngã - khổ - không, thì trên đường tu mới có thể giải thoát.
Điều thứ hai: … tôi khuyên ông Kiến Chơn, ngày nay đã là người xuất gia, dù đời nầy tu chưa trọn thì nguyện đời sau tiếp nối, chớ không để gián đoạn.
Khi mất thân nầy rồi, nếu trở lại thân sau thì phải lựa nơi, lựa chỗ, đủ duyên, đủ phước, khi ra đời sớm thức tỉnh tu hành, chóng được giải thoát.
Điều thứ ba: Tất cả những điều không tốt, chẳng lành, không may xảy ra, phải quán, chiếu soi đều là hư ảo, không thật. Đừng để nó dụ dỗ, lôi kéo rồi phải trôi lăn trong đường ác, đường khổ. Lúc nào cũng phải quyết tâm vương lên.
Nhớ là mình đã thọ giới Tỳ kheo rồi thì không bao giờ bị những cái điên đảo, mê mờ nó chi phối, cám dỗ, phải sáng suốt chọn lựa đi trên con đường đạo lâu dài, bền bỉ. Nhất định đời nầy là duyên đầu tu hành, rồi những đời sau tiếp nối, cho đến khi được đạo quả mới thôi.
HT. Thích Thanh Từ Nhắc Nhở Trước Lúc Di Quan Linh Cữu Thầy Kiến Chơn
]
Sắp đến giờ đưa linh cữu ông Kiến Chơn nhập tháp, tôi có đôi lời nhắc nhở ông cùng tất cả Tăng ni hiện diện và trong gia quyến biết rằng: Ai có sanh rồi cũng có tử. Nhưng đối với người biết tu, khi biết ngày mai chúng ta sẽ chết thì phải nỗ lực tinh tấn tu hành.
Đây là hình ảnh cụ thể, không phải đợi đến năm 80 hay 90 tuổi mới viên tịch, mà có thể chỉ hơn 60 tuổi hết duyên cũng đi. Tất cả chúng ta ai cũng thấy, ngày nay còn khỏe mạnh, vui vẻ thì phải lo đầy đủ tư lương cho ngày mai đi cho được an lạc. Lúc ra đi phải đem sự an vui cho bản thân mình và những người xung quanh. Như vậy, sự ra đi mới xứng đáng không tủi hổ. Đừng bao giờ ngày nay khỏe mạnh phải làm ăn cho nhiều, chất chứa tiền của thật nhiều để thừa hưởng, chợt đến ngày kia hết duyên ra đi, lúc đó trở tay không kịp.
Người tu cũng vậy, ngày nay được khỏe mạnh thì phải nghĩ đến mai kia biết đâu mình cũng bị duyên phần như những người đi trước là phải đau, phải tịch. Nên chúng ta phải ráng tu làm sao mỗi khi nhớ đến công hạnh của mình liền có niềm tự hào, tự vui vì mình xứng đáng là người tu sĩ. Chớ đừng nghĩ đợi đến chừng nào yếu sẽ tu, bây giờ phải lo việc kia, việc nọ.
Tu không phải là chúng ta không làm gì hết, mà là trong mọi thời chúng ta vẫn tỉnh, vẫn giác. Sự tỉnh giác đó giúp chúng ta không bị vô minh phiền não che mờ, lôi kéo đi theo con đường tội lỗi. Ông Kiến Chơn là người điển hình đi trước, sự tu hành chưa được bao nhiêu, nhưng đến lúc ra đi cũng được Tăng ni Phật tử chiếu cố đông đảo như vầy, đó cũng là phúc lớn nhiều đời đủ duyên lành nên mới cảm như vậy.
Mong giác linh của ông Kiến Chơn nên nhớ rằng mình đã được thọ giới Tỳ Kheo, đang trên đường tu hành, tuy hết duyên ra đi nhưng phải luôn nhớ tiến đến chỗ an lạc, những nơi thanh tịnh. Nếu không được như vậy thì phải tìm nơi xứng đáng gá vào để sau nầy tiếp tục tu sớm, có kết quả hơn đời nầy, đừng chần chờ bị ngoại cảnh gạt.
Lúc nào cũng tỉnh, cũng sáng suốt chọn lựa một con đường đi tốt đẹp đó là ý nghĩa của người ra đi.
Còn những người ở lại, như đã nhắc, nên lấy gương người trước mà xét bổn phận mình. Không ai dám bảo đảm rằng ngày mai tôi sẽ khỏe mạnh như ngày nay. Ngày mai tôi cũng được vui tươi như ngày nay. Mỗi một ngày qua là mỗi chuyển biến, mỗi ngày mỗi thay đổi. Nên ngày nào chúng ta còn sống, còn khỏe mạnh thì ráng làm tất cả điều lành, ráng làm những Phật sự thiết yếu cho sự tu hành như tọa thiền, tụng kinh, v.v
Ngày nay đã sống trọn vẹn thì ngày mai có ra đi chúng ta cũng có hướng chánh đáng và bảo đảm cuộc đời sẽ tiến bộ hơn, tiến mãi chớ không dừng.
Vậy mong rằng tất cả Tăng ni và Phật tử lấy gương người đi trước và nhớ lại mình. Phải cố gắng làm sao khi thấy một người mất chúng ta càng tinh tấn tu hành và càng phát nguyện rộng rãi hơn. Đừng để cho đời mình trôi qua mà không để lại một kết quả tốt đẹp nào trên đường tu.
Còn những người Phật tử và trong gia quyến, thấy người đi trước chúng ta phải chuẩn bị sẳn sàng, ngày mai nầy chúng ta phải đi, cha đi, mẹ đi, rồi tới con cái đi, không ai ở lại hết. Nhìn được thấy cái hay của người đi trước thì gắng học theo, cái gì dở, xấu thì cố gắng đừng làm, phải nhớ đem hữu ích cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, dù có mệt, có khổ chúng ta cũng phải ráng làm. Những điều tổn hại cho người thì phải tránh, đừng bao giờ làm điều gì tổn thương đến người khác, đó là cái biết lo, biết giữ và biết bảo vệ hạnh phúc cho mình và cho mọi người.
Đây là lời nhắc nhở sau cùng của tôi.
HỘ NIỆM
@ Thay Lời Bạt
Hồi nhỏ, mỗi lần có duyênsự đến hộ niệm ở đâu đó,tôi đều được quý sư chođi theo. Khi thì tụng kinh sám hối hoặc cầu an cho người đang bệnh nặng, lúc thì tụng kinh cầu siêu cho người vừa mới mất.
Lớn lên, đủ duyên xuất gia, thỉnh thoảng tôi cũng đi hộ niệm. Lúc này thì tôi hiểu thêm rằng, với tinh thần nhập thế “tùy duyên”, đạo Phật đã đi vào đời, dung nhiếp cả tín ngưỡng dân gian, hòa cùng phong tục tập quán, gắn bó tốt đẹp với truyền thống dân tộc mà vẫn giữ được tính “bất biến” của mình. Đồng thời tôi cũng thấy được việc có mặt một vị Tăng trong những lúc gia đình gặp hữu sự, người thân đang hấp hối hay vừa qua đời cũng là một tục lệ phổ biến của người Việt Nam ta.
Họ thỉnh vị sư về nhà, trước là để cho gia đình được yên tâm, kế nữa là để tụng kinh cầu nguyện cho thân nhân. Đối với người bệnh thì tụng kinh Phổ Môn để cầu cho họ được tai ách tiêu trừ, bệnh căn thuyên giảm. Đối với người hấp hối thì sám hối, khai thị cho họ thức tỉnh, xả tâm luyến ái để ra đi nhẹ nhàng, tránh sa đọa vào ba đường khổ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Đối với người qua đời thì tụng kinh Di Đà, giới thiệu cảnh giới Tây phương Cực lạc, niệm danh hiệu Phật A Di Đà, nhằm giúp cho thần thức vong linh hướng về Phật pháp, nhớ nghĩ các điều thiện lành và xả ly tham dục, để sớm được vãng sanh.
Tuy nhiên, hai chữ hộ niệm không chỉ hạn cuộc trong phạm trù của phương tiện cầu an hay cầu siêu thôi, mà còn bao gồm cả sứ mệnh “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” của hành giả tu Phật. Bởi lẽ, việc độ sanh mới là hoài bão của chư Phật, là nhiệm vụ của hàng xuất gia. Còn vấn đề độ tử chỉ là phương tiện dùng để độ sanh, gieo mối duyên lành, dẫn dắt thân nhân người mất quay về Chánh đạo.
Về ý nghĩa hộ niệm, Phật học tự điển của Đoàn Trung Còn giải thích: “Hộ là giúp đỡ, giữ gìn, che chở. Niệm là tưởng nhớ. Hộ niệm chính là giúp đỡ và tưởng nhớ. Như Phật và Bồ Tát hộ niệm các kinh và các nhà tu hành chơn chánh.
Đối với người chưa tin Phật pháp, thì đem giáo lý mà giảng cho họ phát khởi lòng tin, nhớ tới sự lành.
Đối với người mới phát tâm, thì phương tiện giáo hóa cho họ tinh tấn tu hành.
Đối với người tu lâu, thì trợ giúp cho họ bước lên đường bất thối.
Đối với người bệnh hoạn, thì cầu nguyện cho họ tránh khỏi sự đau đớn, tai ách.
Đối với người lâm chung, thì cầu nguyện cho linh hồn họ minh mẫn, biết niệm nhớ Phật pháp đặng khỏi sa vào các ác đạo.
Trong các kinh Phật thường có ghi rằng: Ai thường đọc tụng tôn kinh, ắt được chư Phật, Bồ tát và chư thiện thần hộ niệm, giữ gìn, che chở cho đặng dễ bề tu học.
Trong kinh A Di Đà, Đức Phật nói với ngài Xá Lợi Phất rằng: “Như có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào nghe được kinh này mà thọ trì; và cũng nghe luôn danh hiệu chư Phật, thì các bậc thiện nam tử, thiện nữ nhơn ấy đều được tất cả chư Phật hộ niệm, đều chẳng thối bước đối với quả Phật”.
Nói chung, các phương thức trợ giúp, nhắc nhở đối tượng hộ niệm thức tâm tỉnh giác, quay về chánh niệm thì đều được gọi là hộ niệm.
Thế nhưng, làm cách nào để việc hộ niệm đạt được kết quả?
Tôi đem thắc mắc của mình thưa hỏi thì được nghe kể lại một giai thoại như vầy:
Bữa nọ, nhà sư đi làm pháp sự ở làng bên. Sau thời tụng kinh cầu siêu xong, có một người trong thân bằng quyến thuộc đã cung kính bày tỏ mối hoài nghi về việc tụng kinh siêu độ. Ông thưa:
- Bạch thầy! Kính xin thầy từ bi chỉ dạy, tụng kinh như thế có chắc được siêu thoát không?
Nhà sư nhìn ông ta, miệng nở nụ cười hiền hậu đáp:
- Về vấn đề này, cổ đức đã từng dạy:
"Tụng niệm làm sao đắc vãng sanh?
Đàn tràng thanh tịnh với tâm thành
Giới sư đức hạnh thanh cao thỉnh
Đàn chủ tâm trai dạ chí thành”.
Vâng! Chỉ bốn câu thơ thôi nhưng đã khai mở rõ ràng lối đi nẻo về cho người hộ niệm. Nhưng ở đây, chư Tổ không nói tới sự thức tỉnh, chuyển hóa tâm thức của chính vong linh, một yếu tố quyết định của sự vãng sanh cũng là để cho chúng ta thấy rằng, sự trợ duyên hộ niệm của chư Tăng và lòng thành của gia quyến cũng không kém phần quan trọng, nếu không nói là điều thiết yếu.
Cho nên, để phương pháp hộ niệm được thành tựu tốt đẹp, một buổi lễ cầu siêu có kết quả như nguyện thì phải hội đủ bốn yếu tố:
1- Chư Tăng trai giới nghiêm cẩn.
2- Phẩm vật cúng dường thanh tịnh.
3- Gia chủ thành tâm thành ý.
4- Tâm người quá vãng cảm ứng và biến chuyển.
Nói rõ hơn, nhờ bi nguyện độ sanh của chư Phật và Bồ tát, nhờ công năng tu hành và đức hạnh thanh tịnh của chư Tăng tác động, nhờ gia chủ thành tâm cung kính nguyện cầu và dốc lòng làm việc phước thiện trợ duyên, nhờ tự thân vong linh khai mở tâm thức, xả ly tham ái và chấp thủ mà sự vãng sanh, siêu thoát được thành tựu.
Đại sư Ấn Quang nói: “Trợ giúp thành tựu cho một chúng sanh được vãng sanh, tức là thành tựu cho một chúng sanh tương lai thành Phật. Công đức này thật không thể nghĩ bàn”.
Thế thì còn ngần ngại gì không tích cực tham gia hộ niệm để tự tha đều lợi lạc. Nhưng cũng xin nhận hiểu rằng, việc hộ niệm cầu siêu không chỉ nhắm vào người đang hấp hối hay vừa từ giã cõi đời, mà còn phải tạo cơ duyên cho thân nhân, những người đang hiện hữu, biết bỏ tà về chánh, đồng tâm hiệp lực trợ niệm cùng nhau.
Hơn thế nữa, có những chúng sanh cũng đang rất cần đến sự hộ niệm, bây giờ, ở đây, đó chính những chúng sanh tâm của chính chúng ta!
TP. HCM
Tháng 03/2009.
Tâm Chơn
1- Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không tật bệnh, vì không tật bệnh thì tham dục dễ sanh.
2- Ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu sa nổi dậy.
3- Cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo.
4- Sự nghiệp đừng mong không bị chông gai, vì không bị chông gai thì chí nguyện không kiên cường.
5- Làm việc đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng thị thường kiêu ngạo.
6- Giao tiếp đừng mong lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa.
7- Với người đừng mong thuận chiều ý mình, vì được thuận chiều ý mình thì tất sanh tự kiêu.
8- Thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đáp trả là thi ân mà có mưu tính.
9- Thấy lợi đừng nhúng tay, nhúng tay thì hắc ám tâm trí.
10- Oan ức không cần bày tỏ, vì bày tỏ là hèn nhát mà trả thù thì oán đối kéo dài.
Bởi vậy, Đức Phật dạy:
Lấy bệnh khổ làm thuốc hay.
Lấy hoạn nạn làm thành công.
Lấy gai gốc làm giải thoát.
Lấy ma quân làm đạo bạn.
Lấy khó khăn làm sự tác thành.
Lấy bạn tệ bạc làm người giúp đỡ.
Lấy kẻ chống nghịch làm người giao du.
Lấy sự thi ân như đôi dép bỏ.
Lấy xả lợi làm vinh hoa.
Lấy oan ức làm đà tiến thủ.
Thế nên, ở trong chướng ngại mà vượt qua tất cả.
Đức Thế Tôn được giác ngộ chính trong mọi sự chướng ngại, như Ương Quật hành hung, Đề Bà khuấy phá, mà Phật Đà giáo hóa cho thành đạo tất cả. Như vậy há không phải sự tác nghịch là sự tác thành và sự khuấy phá là sự giúp đỡ cho ta?
Ngày nay những người học đạo, trước hết không dấn mình vào mọi sự trở ngại, nên khi trở ngại xáp tới thì không thể nào đối phó. Chánh Pháp chí thượng vì vậy mà mất cả, đáng tiếc đáng hận biết bao!
Trích LUẬN BẢO VƯƠNG TAM MUỘI
[1]Trích từ Nghi Khóa Thiền Môn (lưu hành nội bộ).
Tâm Chơn biên soạn
Võ Thị Sỹ
Tập sách này tôi thích đọc kinh nghiệm của các Thầy đi trước chỉ dạy tôi rất tâm đắc
Thích Trả lời 1/13/2018 1:51:48 PM