;
HÔN LỄ
I Theo truyền thống DÂN TỘC:
Ngày trước gồm có 6 lễ: (Sách xưa có câu : “Lục lễ bất bị, trinh nữ bất xuất”.
1/ Nạp thái(chạm ngõ, dạm hỏi): Ðến nhà gái ngõ ý muốn chọn một người con gái trong gia đình ấy.
Sau khi đôi trai gái gặp nhau có ý định đi đến việc hôn nhân, người mai mối hẹn ngày đưa cha mẹ nhà trai, chú rể và lễ vật (cau trầu) đến nhà gái xin đính ước. Từ đây đôi bên giữ tình giao hảo, trao đổi tin tức (tên tuổi, gia thế, sự nghiệp) chứ chưa có trách nhiệm hẳn về hôn nhân.
2/ Vấn danh: Nhà trai hỏi tên tuổi người con gái. Rõ ràng hơn là muốn biết thân thế và sự nghiệp của người con gái.
3/ Nạp cát: Xác nhận nhà trai đã ưng thuận về hôn nhân giữa đôi trai gái. Vì đã có những thuận lợi cần thiết và thích ứng ( quẻ tốt, hạp tuổi).
4/ Thỉnh kỳ: Xin nhà gái ấn định ngày làm lễ cưới. Ngày trước chú trọng đến ngày tốt xấu, hạp hay cấm kỵ, thường nhà trai cho ngày đã chọn,để nhà gái kiểm soát lại.
5/ Nạp tế: Ðưa sính lễ tới nhà gái.
Không rõ các cổ lễ ấy bắt đầu tứ bao giờ, nhưng qua thời gian lưu dụng, các lễ vấn danh, nạp cát, thỉnh kỳ, nạp tế được thu gọn làm một lễ gọi là “ăn hỏi”: Người mai mối đưa cha mẹ đàng trai, chú rể, mấy người họ hàng thân thuộc, với lễ vật (trầu rượu, bánh mứt, nhẫn hỏi, nữ trang) đến nhà gái, xin làm lễ cáo gia tiên. Từ hôm nay được tuyên bố ưng thuận hứa hôn giữa đôi trai gái với họ hàng và bạn bè. Kể từ nay hai nhà phải có nghĩa vụ: thăm viếng, quà biếu mỗi dịp lễ tiết. Và có trách nhiệm bảo vệ sự hứa hôn, một bên có lỗi với việc hôn phối, bên kia có quyền khiếu tố trước tòa, đòi bồi thường, ít nhất là phần danh dự.
6/ Thân nghinh (lễ cưới): Lễ đón dâu về nhà chồng.
a/ Xin dâu (xin giờ): Bà mẹ chồng (hay người đại diện) đem một khay trầu rượu vào nhà gái vài giờ trước buổi lễ để cáo gia tiên gọi là lễ xin dâu hay lễ trình giờ.
b/ Ðón dâu ( lễ cưới); Một người đàn ông vui vẻ, hoạt bát đứng đầu ngõ đón chào họ nhà trai.
Ðoàn họ trai gồm có: Một cụ già (tính tình hiền lành, vợ chồng song toàn, nhiều con cháu) đi trước, cầm một bó hương hay một đỉnh trầm, tục gọi là Tơ Hồng (nay thường thay bằng một bó hoa). Kế tiếp là đoàn dẫn lễ vật như hai lồng đèn, hai lọng che, mâm cau trầu, rượu, bánh mức, ngỗng lợn (cau lồng, rượu ché, heo đóng cũi, ngỗng mặc áo), một quả hộp trầu têm (trầu đã cắt ra điểm vôi vào gói lại, cau bổ ra 12 miếng) và một quả hộp nữ trang, nhẫn cưới (hai quả này phải nhờ người song toàn, hiền hậu dẫn lễ), một khay trầu rượu (chỉ năm miếng trầu) đi với chủ hôn, bất cứ một việc gì phải đưa khay trầu ra trước (nên nhớ thay cau trầu rượu mới mỗi lễ), một kiệu hoa (nay là xe hoa). . . Chú rể khăn áo chỉnh tề, cùng với các người trong họ đi đón dâu (số lượng được ấn định trước, thường được chọn vợ chồng song toàn,từng cặp chẵn). Sau khi mọi người vào vị trí (an tọa), đại diện nhà trai (chủ hôn hay ông mai) mở lời: mục đích buổi lễ, trình lễ vật, xin được khấu lễ gia tiên. Nhà gái: nhận lời, đệ nạp lễ vật lên án thờ, cáo gia tiên, mời đại diện nhà trai làm lễ, cho cô dâu chú rể làm lễ (kể cả nhà thờ tổ, họ nội họ ngoại của cô dâu). Việc mang nhẫn cưới và nữ trang, ngày trước được kiểm nhận kỹ càng và mang vào buồng riêng cho cô dâu, ngày nay thường được thực hiện ngay tại sảnh đường. Xin cho cô dâu chú rể lễ mừng tuổi ông bà cha mẹ vợ (ngày trước phải lạy sát đất, thời vua Bảo Ðại cho phép vái 3 vái với người sống, có gia đình cho miễn lễ). Tiếp theo cô dâu chú rể được đưa đi chào mừng bà con họ hàng đang dự lễ. Gặp mỗi người đều nhận được lời chúc phúc, khuyên bảo, và quà tặng. Sau đó nhà gái mời hai họ nhập tiệc.
c/ Ðưa dâu: Khi xong tiệc, đến giờ rước dâu, đại diện nhà trai (trầu rượu) trình bày với nhà gái xin đón dâu.
Ðoàn đưa dâu, họ gái gồm có: Một cụ già cầm bó hương hay đỉnh trầm (nay là bó hoa) đi trước, kế tiếp là bà con họ hàng nhà gái dẩn cô dâu, theo cô dâu là phụ dâu, ngày xưa có một cô theo giúp đỡ mang vật dụng áo quần. Thông thường cha mẹ vợ không đi đưa dâu.Khi đến nhà trai, ngay ngõ đã có người bưng khay trầu mời khách nhà gái. Bà mẹ chồng đón dâu tại cửa đưa vào nhà, cô dâu được đưa về phòng nghỉ mệt trong chốc lát trở ra lần lược làm lễ: Lạy gia tiên, nhà thờ bên cha mẹ chồng, làm lễ Tơ Hồng (đặt bàn trở mặt ra ngay trước sân, với bài văn tế như sau “Việt nam , năm . . . tháng . . . ngày . . . Chủ hôn . . . cưới vợ cho con trai (trưởng) tên . . . , lấy (thứ) nữ của . . . , tên là . . . làm vợ. Nay nhân chọn được giờ tốt, kính dùng hương hoa, tửu quả, thứ phẩm chi nghi, kính dâng lên: Chưởng quản việc hôn phối ở nhân gian, Nguyệt Lão Thiên Tiên. Kính thưa: Ðạo vợ nghĩa chồng, Muôn phúc ở trong, Nay gặp ngày tốt, Xin tạc chữ Ðồng, Chuốc chén rượu trong, Kính dâng lễ bạc, Nguyệt Lão ngửa trông, Dám xin Ngọc Giá, Soi thấu tấm lòng, Trúc mai sum họp, Vợ vợ chồng chồng, Trăm năm đôi lứa, Dòng dõi ngày đông. Cẩn cáo”. Mừng tuổi ông bà cha mẹ chồng, chào mừng họ hàng ( như bên nhà gái). Sau hết nhà trai mời hai họ nhập tiệc. Khách mời đi họ không được bỏ ngang về trước, vì như thế không hên cho đám cưới.
Hợp cẩn: tối hôm cưới, khi nhập phòng , người chồng lấy khay trầu tế Tơ Hồng trao cho vợ một miếng, mình một miếng; rót một ly rượu uống chung mỗi người một nửa, gọi là lễ hợp cẩn
Nhị hỷ, Tứ hỷ: Cưới được hai ngày, vợ chồng đem nhau về thăm bên nhà vợ gọi là nhị hỷ, nếu đường xa có thể cách bốn ngày gọi là tứ hỷ.
Lệ nộp cheo: Khi đám cưới, bên họ nhà trai phải nộp tiền cheo cho bên họ nhà gái. Có nhiều loại cheo (làng, họ, xóm, giáp) tùy theo khoán ước của địa phương. Mục đích là giới thiệu với địa phương cô gái lấy chồng. Ngày xưa việc nộp cheo là một sự bắt buộc, mặc dầu số tiền chỉ là tượng trưng thôi. Ngoài ra còn nhiều tục lệ đặc biệt được áp dụng tùy địa phương (có tính cách di đoan, cổ hủ).
Hiện nay lưu hành 3 lễ chính: Dạm hỏi, lễ hỏi, Lễ cưới. Tùy theo địa phương, mức độ sinh hoạt xã hội, tài chánh . . . mà áp dụng, bày biện lễ cưới cho hài hòa vui vẽ, giữ gìn bản sắc dân tộc.
II Theo truyền thống PHẬT GIÁO:
Ngày xưa ở Ấn Ðộ Thái tử Tất Ðạt Ða kết duyên cùng công chúa Da Du Ðà La theo phong tục và lễ nghi hoàng triều, có con trai là La Hầu La, ngài mới xuất gia. Sau khi thành đạo, đệ tử của ngài có 4 chúng, hàng xuất gia có hai: Tăng, Ni có một đời sống độc thân phạm hạnh đầy đủ giới luật. Hàng tại gia có hai: Ưu Bà Tắc (thiện nam), Ưu Bà Di (thiện nữ) giữ tam quy, ngũ giới có đời sống bình thường, yểm trợ tăng đoàn giáo phẩm. Do đó viêc lập gia đình cũng được ngài nhắc nhở, giáo huấn. Như bổn phận của mỗi người: chồng vợ, cha con, anh em, thầy trò đều có kinh để lại. Ðặc biệt về người vợ, có kinh:
1/ Kinh bảy loại vợ: ‘’ Chính tôi được nghe, một buổi sáng nọ, Ðức Phật đến dự lễ cúng dường tại nhà của cư sĩ Cấp Cô Ðộc. Khi thân hành tới nơi, Ðức Phật thoáng nghe những lời chửi bới ồn ào vọng lên từ sau nhà. Ngài hỏi cư sĩ Cấp Cô Ðộc rằng: - Này cư sĩ, trong nhà có việc gì mà ồn ào như thế ?
Cư sĩ Cấp Cô Ðộc thẹn thùng cung kính thưa rằng: - Bạch Ðức Thế Tôn, đó là sự ngỗ nghịch lớn tiếng của nàng dâu của con, Su-cha-ta. Tuy là dâu trong gia đình, nhưng nó ỷ vào sự giàu có của gia đình cha mẹ ruột nên nó thất lễ, không chịu vâng lời, không biết cung kính cha mẹ chồng. Bạch Ðức Thế Tôn, ngay cả chồng nó, nó cũng xử sự thô lỗ và vô lễ như vậy. Ngoài ra, nó cũng không biết cung kính đảnh lễ những Bậc Ðạo Sư. Dù biết Thế Tôn thân lâm, nó cũng không tỏ ra trọng nể, vẫn ồn ào lớn tiếng nãy giờ, Kính xin Thế Tôn từ bi cảm hóa nó.
Lúc bấy giờ Ðức Phật cho gọi nàng dâu ra và dạy rằng: - Này Su-cha-ta, có bảy loại vợ trên đời này. Con hãy chín chắn suy nghĩ, so sánh và trả lời cho Như Lai biết con thuộc loại vợ nào:
- Một là vợ như kẻ sát nhân
- Hai là vợ như người ăn trộm
- Ba là vợ như chủ nhân
- Bốn là vợ như người mẹ
- Năm là vợ như người em
- Sáu là vợ như người bạn
- Bảy là vợ như người hầu.
Với gương hạnh hiền từ, cứu độ của Ðức Phật, nàng dâu bắt đầu tỏ ra vâng phục rồi lễ phép thưa:
- Bạch Ðức Thế Tôn, lời dạy của ngài quá ngắn gọn, con không thể hiểu được. Kính xin ngài từ bi chỉ dạy cặn kẽ thêm.
Lúc ấy, Ðức Phật ân cần dạy như sau:
- Một là, người vợ nào có tâm địa hiểm độc, hai lòng không chung thủy trong hôn nhân, bỏ rơi chồng mình, quan hệ bất chính với các đàn ông khác chỉ vì choáng ngộp trước sự giàu có hay vẻ bề ngoài của họ, khinh bỉ chồng và tính tình hiếu sát. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ sát nhân.
- Hai là, người vợ nào không chung lo kinh tế gia đình, trái lại còn tiêu xài hoang phí tài sản hợp pháp của chồng tạo ra. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ trộm cướp.
- Ba là, người vợ nào sống ỷ lại, lười biếng, không có lời từ ái, nhu hoà với chồng mà chỉ biết phát ngôn thô tháo, lấn lướt chồng. Người vợ như vậy Như Lai gọi là vợ chủ nhân.
- Bốn là, người vợ nào biết thương yêu chăm sóc, giúp đỡ chồng, biết cách giữ gìn và làm giàu tài sản của chồng như một người mẹ lo lắng chu tất cho con cái. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như mẹ.
- Năm là, người vợ nào thùy mỵ, đoan trang, khiêm tốn, biết chiều chuộng và thuận phục chồng mình như đối với một người anh trong gia đình. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như em.
- Sáu là, người vợ nào luôn luôn niềm nở, vui vẻ hoà thuận với chồng như thể khi hội ngộ một người bạn thân từ lâu mới gặp lại. Luôn giữ tiết hạnh và thủy chung với chồng. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như bạn.
- Bảy là, người vợ nào luôn mềm mỏng, không nóng tánh, không sân hận, giận dỗi. Dù bị chồng đối xử không đẹp nhưng vẫn nhường nhịn, không tỏ thái độ lỗ mãng, lớn tiếng. Trái lại còn biết tùy thuận để khuyên răn và chinh phục chồng mình. Người vợ như vậy, Như Lai gọi là loại vợ như người hầu.
-Này Su-cha-ta, trong bảy loại người vợ mà Như Lai vừa nói, ba hạng đầu là loại vợ như sát nhân, như những người bất hảo, do đó con nên xa tránh. Những hạng vợ như vậy do sống không giới hạnh, ác khẩu và vô lễ, sau khi qua đời phải sanh vào cõi xấu. Bốn loại vợ sau là đáng tôn kính và noi theo. Ðó là vợ như mẹ, vợ như em, vợ như bạn và vợ như người hầu. Những hạng vợ này khi sống thì tạo ra hạnh phúc cho gia đình và con cái; khi qua đời thì được sanh vào cõi lành.
Nghe Ðức Phật ân cần giáo dục, nàng dâu của cư sĩ Cấp Cô Ðộc tỏ ra ân hận và thành tâm sám hối. Nàng phát nguyện sẽ chung sống và phụng sự chồng với tư cách như người hầu. Từ đó, gia đình của cư sĩ Cấp Cô Ðộc trở nên đầm ấm, an lạc và hạnh phúc thật sự.
Nam mô Bổn Sư Thích ca Mâu ni Phật. (3 lần, 3 xá)
2/ Kinh người vợ mẫu mực: “ Chính tôi được nghe, lúc Ðức Thế Tôn còn lưu trú tại vùng Ba-ga thì sự việc này xảy ra. Cha và mẹ của Na-ku-la là một trong những cặp vợ chồng giàu có nhất ở vùng này. Họ cũng còn là các Phật tử thuần thành, gương mẫu. Càng về già, cha của Na-ku-la càng lâm trọng bệnh. Một hôm nọ, bệnh của ông trở nên ngặt nghèo hơn nhưng vợ ông vẫn bình tĩnh và khích lệ chồng đúng tinh thần chánh pháp.
-Anh thương yêu của em, chúng ta là đệ tử của Ðức Thế Tôn, chớ rời bỏ xác thân này với một tâm hồn còn đầy luyến ái, vì đây là nghiệp cuối đời không tốt cho sự tái sinh. Thế Tôn luôn quở trách điều này.
- Anh thương yêu của em, người hãy an nhiên mà ra đi, đừng có bận lòng, lo lắng: “Vợ ta sẽ không đủ sức nuôi dưỡng các con và không thể xoay sở nổi cho gia đình” Xin anh chớ có lo lắng như vậy. Về phần mình, em sẽ cố gắng dệt vải nhiều hơn, chải lông cừu nhiều hơn. Em có thể thay thế anh nuôi nấng và giáo dục cho con cái nên người. Em sẽ lo chu tất cho gia đình mình.
- Anh hương yêu của em, anh chớ lo lắng: “Vợ ta sẽ bước thêm một bước nữa, sẽ tái giá với người khác”. Trong suốt bao nhiêu năm chúng ta chung sống, anh đã dư biết tiết hạnh của em như thế nào rồi. Em sẽ giữ tiết hạnh ấy cho đến suốt đời. Xin anh chớ có ra đi với một tâm hồn còn đầy ái luyến. Thế Tôn luôn quở trách điều đó.
- Anh thương yêu của em, xin chớ có lo lắng: “Vợ ta sẽ không tiếp tục vâng giữ giới hạnh đầy đủ, sẽ không còn tu tập, sẽ không thể đi vào và sống trong chánh pháp của Ðức Thế Tôn.” Xin anh hãy an tâm, khi nào em còn là đệ tử của Ðức Thế Tôn thì khi đó em sẽ còn vâng giữ, tu tập, và sống với chánh pháp.
- Anh thương yêu của em, đó là những điều tâm huyết của em mà bản thân anh cũng đã thừa biết trong những năm tháng chúng ta chung sống hạnh phúc bên nhau, em xin nhắc lại để anh an tâm. Nếu có điều gì nghi vấn, anh có thể cho người đến thưa hỏi Thế Tôn, hiện nay Ngài đang lưu trú ở vùng Ba-ga. Xin anh hãy an nhiên dù có phải ra đi. Chớ để tâm tư bị vẩn đục bởi những lo lắng, ái luyến trong giờ phút quan trọng này.
Nghe những lời nhắc nhở chân thành, đầy thương mến của vợ, sức sống của ông dường như trỗi dậy hơn bao giờ hết. Ông toát mồ hôi, cảm thấy thoải mái lạ thường và biết rằng mình vừa thoát qua cơn bệnh trầm kha. Ông vô cùng cảm động và sung sướng. Vài hôm sau, ông và vợ thân hành yết kiến Ðức Thế Tôn, bày tỏ niềm hạnh phúc của mình. Sau khi nghe ông trình bày, Ðức Phật liền dạy rằng: - Này gia chủ, thật là một diễm phúc cho ông được vợ khéo khích lệ, nhắc nhở trong lúc lâm trọng bệnh. Ông hãy an tâm. Những lời của nữ gia chủ, vợ ông đều đúng với những gì Như Lai đã dạy. Nữ gia chủ, mẹ của Na-ku-la là một người vợ lý tưởng.
Khi nghe Ðức Phật xác tín và tán thán, các cập vợ chồng có mặt lúc đó đều vui mừng và phát nguyện sống vì hạnh phúc cho nhau ở đời này và đời sau.
Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật (3 lần, 3 xá).”
***
Phật giáo vào Việt Nam chủ yếu là con đường giải thoát, cứu khổ. Việc hôn lễ trong dân gian không có gì trở ngại với niềm tin tôn giáo. Do vậy sau mỗi hôn lễ theo truyền thống dân tộc, các tín hữu thường về chùa làm lễ cầu an gọi là lễ “hằng thuận”. Ngày nay vì nhu cầu cuộc sống không có thì giờ tổ chức nhiều lễ lược, phần đông muốn kết hợp tổ chức đám cưới tại chùa. Quý thầy cũng đã hoan hỷ giúp đỡ tín hữu hoàn thành hôn lễ. Tuy nhiên mỗi chùa, mỗi thầy làm theo thanh quy riêng của chùa mình nên chưa có đồng nhất. Nhưng một hôn lễ tại chùa thường được diễn tiến như sau:
Vân tập trước sân chùa hay sau nhà Tổ, hai họ: nhà trai bên trái, nhà gái bên phải. Cách ăn mặc, sắp xếp thứ tự theo truyền thống dân tộc, tuỳ nghi không bắt buộc, thông thường: cô dâu, chú rễ, cha mẹ, bà con, bạn bè. Tất cả vào chánh điện, đứng hai bên đối diện nhau, cô dâu chú rể đứng ở giữa, thầy phụ lễ (hay một cư sĩ trong chùa) hướng dẫn cô dâu chú rể đi thỉnh sư quan lâm chánh điện cử hành hôn lễ. Khi đến Tăng đường, cô dâu chú rể nghiêm chỉnh vái chào, (đọc) tác bạch. Sư hứa khả (nhận lời). Lạy hay vái chào, bắt đầu thỉnh sư: Một người bưng khay lễ (hoa và đèn), một người đánh khánh dẫn, Tăng đoàn thông thường 4 Sư (có lọng che), đàng sau là cô dâu chú rể. Khi thầy vừa đến chánh điện mọi người chấp tay niệm Phật nghênh tiếp. Thầy tiến thẳng lên pháp tòa, cô dâu chú rể vào vị trí ấn định (giữa chánh điện). Ðằng sau hoặc hai bên là phụ dâu và phụ rể.
Lễ chính thức:
1/ Ba hồi chuông trống Bát Nhã chấm dứt, lên đèn,dâng hương cúng Phật bằng một thời kinh ngắn :
“- Nguyện hương: . . .
- Kỳ nguyện: Tư thời Việt Nam quốc, . . . cung tựu . . .tự (chùa), đăng lâm bảo điện, cung đối Vạn đức Từ dung, tu hương thiết cúng. Kiền thỉnh Tăng già phúng tụng huyền văn, chuyên vì lễ tân hôn kỳ phước chi sự.
Kim thiện tín Phật tử: Nam chủ hôn tánh . . .Nữ chủ hôn tánh . . .hiệp tín chủ đẳng.
Thiết niệm: Thiện tín đẳng, thân sanh tử nữ, tánh: (tên của tân lang và tân giai nương) sanh cư Dục giới, nghiệp hệ túc duyên, hiệp ưng nghi thất nghi gia, thành liễu hữu tình quyến thuộc, hoàn nguyện đống tu đồng giải, kỳ quy Vô thượng Bồ đề. Tư giả: thời duy ngoạt, tiết xuân (ha, thu, đông) thiên. Thanh tịnh hương hoa, hiển mật viên chi diệu vị, trang nghiêm phạm võ, phần giới định chi chơn hương, bái bạch Tam bảo Từ tôn, chứng minh gia hộ. Nam mô chứng minh sư Bồ Tát .
- Ðảnh lễ: Chí tâm đảnh lễ . . .
- Tán: Dương chi . . .
- Tụng: Ðại bi . . .
- Bát nhã . . .
- Tiêu tai thần chú . . .
- Nguyện trú kiết tường . . .
- Hồi hướng: Hằng thuận công đức thù thắng hạnh . . .
- Tân hôn phục nguyện: Cung văn, trí quang tịch chiếu, vĩnh vi tam giới chi đạo sư, bi nguyện hoằng thâm, phổ tác tứ sanh chi từ phụ. Ðơn tâm củng bắc, tế thủ hòa nam. Thượng lai xưng dương Phật hiệu, phúng diễn tôn kinh, tập thử công đức, chuyên vì tín chủ Phật tử, tân hôn lễ kỳ phước sự.
Phục nguyện: quảng thùy tỷ hộ, thường giáng trinh tường, bảo tân hôn cầm sắc hòa hài, niên niên hưởng vô biên phước quả. Ðạo đại chúng vô nhơn vô ngã, sanh sanh hoằng bất diệt pháp môn.
Phổ nguyện : Thọ miên miên viễn, hưởng bá tuế chi hà linh, pháp giới hữu tình, tề thành Phật đạo
Nam mô A Di Ðà Phật.
- Tam tự quy. . .
2/ Thầy ban một thời pháp (giảng hay đọc theo lời kinh). Ðơn cử một Huấn Thị (bài giảng):
Nam mô A Di Ðà Phật.
Hôm nay, ngày lành tháng tốt, hai cháu cùng về chùa làm lễ Phật; chư Tăng và thân nhân của hai cháu ở trước Phật đài làm lễ cầu nguyện Phật, Bồ Tát gia hộ cho đời sống của hai cháu được luôn luôn và vĩnh viễn an lành.
Bổn phận làm cha mẹ, trông con khôn lớn, đến tuần cập kê, định đôi bạn, lựa chọn nhà có đức hạnh nhân từ, con hiền cháu thảo, để gây dựng hạnh phúc cho gia tộc, duy trì giòng giống con Lạc cháu Hồng.
Vậy, muốn lập nên gia nghiệp với đời, cần phải có chồng có vợ, đồng ưu cộng tác, trên thuận dưới hòa, thì chắc chắn gia nghiệp được thành tựu. Nên sách có câu: “Phu phụ hòa gia đạo thành”,vợ chồng đồng một lòng thì dù biển đông tát cũng cạn. Vậy, hai cháu làm sao ăn ở cho có nhân, có nghĩa, có đức, có hạnh; chồng hòa vợ thuận thì đường đời của hai cháu sẽ được vinh quang. Lại muốn xứng đáng là người Phật tử, trong đời sống hàng ngày cuả hai cháu, phải tôn trọng danh dự nhau, nhắc nhở nhau. Không nên va chạm tự ái nhau. Luôn luôn nói lời chơn thật, không bao giờ lừa dối nhau, lúc nào cũng phải trung thành với nhau, phải nghiêm khắc lấy mình mà khoan dung cho bạn.
Ngoài ra, phải tôn kính cha mẹ và các bực trưởng thượng, thương yêu và nâng đỡ cho đàn em, nhất là góp phần phụng sự Tam Bảo.
Giờ đây, thầy xin nhắc nhở hai cháu để biết bổn phận mà làm. Như trong kinh Phật đã dạy:
-Bổn phận vợ đối với chồng nên như thế này: Luôn luôn phải kính yêu và hòa thuận với chồng. Khi chồng ra đi và lúc trở về, vợ phải đón đưa niềm nở. Khi nào chồng có nóng giận nặng lời, vợ không nên bừng mặt cãi lẫy, làm cho mất vẻ thuận hòa, có khi phải rã rời giềng mối. Khi nào chồng có lời khuyên dạy chánh đáng, vợ phải vâng theo. Luôn luôn phải trung thành với nhau, giữ gìn tiết hạnh, không được ngoại tình. Ðó là bổn phận vợ đối với chống.
-Bổn phận làm chồng đối với vợ phải nên như thế này: Khi vợ ra đi và lúc trở về, chồng phải đón đưa niềm nở. Phải ăn uống có giờ khắc, để cho vợ khỏi phải phiền lòng, vì nấu nướng không chừng mực. Phải tùy phận nghèo, giàu của mìnhcho vợ được mua sắm quần áo và đồ trang sức vừa theo sở thích, không nên hẹp lòng làm trái ý vợ. Phải tin cậy vợ mà phó thác cho công việc nhà. Không được sanh tâm tà vạy, sớm mận tối đào, làm cho vợ ghen tương sầu khổ. Ðó là bổn phận làm chồng đối với vợ.
-Bổn phận làm dâu con đối với cha mẹ chồng nên như thế này: Phải có lòng hiếu kính cha mẹ, tùy thuận lời cha mẹ dạy bảo, không được cãi lại. Phải ngủ sau dậy trước, lo cơm nước cho chu đáo. Phải làm công việc nặng nhọc trong nhà cho cha mẹ. Phải luôn luôn nhớ đến công ơn cha mẹ sanh thành dưỡng dục chồng mình, mà bổn phận làm dâu con có trách nhiệm nối dòng dõi cho gia nghiệp chồng. Khi cha mẹ chồng có đau ốm, làm dâu con phải chăm nom thuốc thang, thay đổi thức ăn uống, cầu cho cha mẹ chóng lành khỏi, để trong nhà được an vui. Ðó là bổn phận làm dâu con đối với cha mẹ chồng.
-Bổn phận làm con rể đối với cha mẹ vợ nên như thế này: Phải có lòng kính yêu cha mẹ vợ như cha mẹ mình. Có mặt hay không có mặt cha mẹ vợ, không nên có một lời bất bình hoặc bất kính. Phải nhớ công ơn cha mẹ vợ, có công sanh thành dưỡng dục vợ mình, coi như vàng ngọc mà đem ban cho mình. Khi cha mẹ vợ cần đến việc gì nhờ con rể, hãy vui vẻ sẵn sàng, không sợ nhọc mỏi. Ðó là bổn phận làm con rể đối với cha mẹ vợ.
Vậy có mấy lời thay mặt chư Tăng, thầy xin khuyên hai cháu nhớ gắng ghi mà thực hành thì sẽ được vui vẻ suốt đời, bá niên giai lão để nối truyền gia nghiệp, được hiển tổ vinh tông, làm cho gia tộc sum vầy, vinh vang cho hai họ.
3/ Cho cô dâu chú rể đọc 5 lời nguyện sống y chánh pháp. . .
4/ Thầy trao nhẫn cưới: (Bước ra trước cô dâu chú rể, cầm hộp nhẫn).
-Ðây là hai bảo vật: tượng trưng cho sự bền chắc, kiên cố; Có đặc tính sáng suốt, tốt đẹp. Thầy trao cho hai cháu, mong cho hai cháu được đạo tâm kiên cố. Tốt lành trong hành vi, ngôn ngữ; sáng suốt trên đường đời cũng như trên đường đạo.
-Nầy hai cháu luôn nhớ chữ “NHẪN” suốt hành trình bên nhau.
(cô dâu chú rể nhận nhẫn mang vào cho nhau,thầy có thể cho cô dâu chú rể vái chào nhau theo nghi thức).
5/ Cha mẹ đôi bên khuyên bảo,trước sự chứng kiến của thầy. Thầy có thể cho cô dâu cú rể lạy tạ ơn cha mẹ.
Ngoài ra, hoàn cảnh cho phép muốn tổ chức trang trọng hơn: Tụng kinh Dược Sư trước lễ, vào lễ có đoàn dâng hoa cúng Phật, có múa lân chào khách và chúc mừng đôi tân lang, trai Tăng cầu phúc, tiệc chay tại chùa để bà con có dịp hàng huyên chúc tụng. Trong những năm gần đây việc tổ chức đám cưới tại chùa khá phổ thông không những ở trong nước mà ở nước ngoài, hai bên trai gái khác quốc tịch vẫn được đưa đến chùa làm lễ thành hôn, có kết quả tốt đẹp trong cuộc sống lứa đôi.