;
Để tri ân một đất nước mà tôi đã được sinh ra; để nhớ công ơn cha mẹ, thầy tổ và bạn bè. Đó là lý do tôi đã phát nguyện dồn hết công sức xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên nơi đất Phật trên xứ Ấn Độ. Thông thường trong cuộc đời mỗi người chỉ tập trung làm một công trình mà mình yêu thích, bởi vì còn phải dành thì giờ cho nhiều công việc thường ngày. Chẳng hạn đối với riêng tôi là học hỏi thêm, du lịch, chiêm bái các nơi linh địa và mong mỏi được làm việc phước đức. Thế mà do phước duyên tốt đưa đến, tôi lại có được nhân duyên tốt xây dựng thêm ngôi chùa thứ hai lại cùng mang tên Việt Nam Phật Quốc Tự tại Lâm Tỳ Ni ở Vương Quốc Nepal, một địa điểm thiêng liêng mà bao nhiêu kinh sách đều đã nhắc đến. Đây chính là vùng đất của vua Tịnh Phạn ngày xưa, nơi gần 2.600 năm trước Thái tử Tất Đạt Đa thuộc dòng Thích Ca đã giáng trần. Hồi ký của thầy Huyền Trang có ghi lại rằng vương quốc này với chu vi chừng 4.000 lý (khoảng 1.880 km). Nơi vùng Terai, dưới rặng Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ. Vào năm 563 trước Công Nguyên, khi sắp đến ngày lâm bồn, Hoàng hậu Maya Devi xin nhà vua cho phép mình rời hoàng cung trở về quê nhà tại Vương Quốc Devadaha để sinh con đầu lòng theo đúng phong tục và truyền thống xứ này. Khi rời khỏi kinh thành chừng 25 cây số, ngang qua một khu vườn tại làng Lâm Tỳ Ni (Lumbini), Thái tử Tất Đạt Đa đã giáng trần dưới gốc cây Vô ưu trong khu vườn xinh đẹp này. Đến năm 250 trước Công Nguyên, Hoàng đế A Dục và đoàn tùy tùng khi đến chiêm bái nơi đây đã cho dựng một trụ đá để ghi dấu nơi linh địa nầy. Thế nhưng sau những biến cố chính trị và tôn giáo qua nhiều thế kỷ, vùng đất thiêng này đã chìm dần vào bóng quên lãng. Vào một ngày đầu xuân năm 1969, lần đầu tiên khi đặt chân đến chiêm bái Lâm Tỳ Ni. Tôi thật sự bàng hoàng. Cảnh quan vùng đất thiêng thật điêu tàn, chung quanh trụ đá thánh tích kỷ niệm nơi Đức Phật đản sinh bị người dân địa phương phóng uế bừa bãi. Tôi buồn rầu đi quanh nơi này lòng thầm khấn nguyện, nếu quả thật đây là nơi linh thiêng và đúng là chỗ Phật đản sinh thì xin cho tôi được nhìn thấy thánh địa phát triển trước khi nhắm mắt từ giã cõi đời nầy. Kể từ đó trong tất cả những lần hướng dẫn môn sinh học hỏi giáo lý nhà Phật, hay trong bài giảng cho các sinh viên học về Lịch sử Á Châu và Bang giao quốc tế, tôi luôn luôn đề cập đến nỗi băn khoăn này. Tôi so sánh Lâm Tỳ Ni đối với Phật giáo chẳng khác gì thánh địa Mecca của Hồi giáo, Vatican của Thiên Chúa giáo, Benares của Ấn Độ giáo hay Jerusalem của Do Thái giáo. Thế mà buồn thay Lâm Tỳ Ni nay phải chịu cảnh hoang phế điêu tàn. Một vài anh em trong số những học trò của tôi đang làm việc ở các cơ quan quốc tế hoàn toàn chia sẻ nỗi niềm này và âm thầm vận động trong suốt mười mấy năm trời cho ý nguyện làm sống lại thánh địa Lâm Tỳ Ni. Cho đến năm 1993, việc làm rất tâm thành của các anh chị em thân hữu cũng đạt được kết quả: Quốc vương Birendra và chánh phủ vương quốc Nepal chấp thuận cấp cho tôi mảnh đất tại Lâm Tỳ Ni để xây dựng ngôi Việt Nam Phật Quốc Tự thứ hai, mà cũng là ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật Thích Ca giáng trần.
MỘT QUYẾT ĐỊNH ĐẦY PHIÊU LƯU VÀ MẠO HIỂM
Chùa Việt Nam Trên đất Phật Nepal.
Bắt đầu từ năm 1987, tôi tập trung mọi sức lực vào việc xây dựng Việt Nam Phật Quốc Tự (Việt Nam Bouddha Bhumi Vihara), ngôi chùa Việt Nam đầu tiên nơi xứ Phật; tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bouddha Gaya) trên đất Ấn Độ để cảm tạ công ơn Đức Phật, đồng thời cũng là một món quà tinh thần dâng tặng quê hương xứ sở. Nhưng khi bắt tay vào làm tôi mới nhận ra mình đang lao vào một công việc cực kỳ phức tạp và xiết đỗi gian nan. Bồ Đề Đạo Tràng nằm trong thị trấn Gaya thuộc bang Bihar ở phía Đông Bắc Ấn Độ. Tại đây tôi quen biết với nhiều nhân vật lãnh đạo địa phương và trung ương, luôn sẵn sàng giúp đỡ trong công việc. Nhưng ngược lại cũng có điều bất tiện là mỗi khi họ lui tới thăm viếng thường có rất nhiều công an cảnh sát tiền hô hậu ủng, khiến cuộc sống của tôi mất đi sự yên ổn thường ngày. Đó là chưa kể do lòng quý mến của họ hay yêu cầu công việc mà có khi chỉ trong một buổi sáng tôi phải đi dự điểm tâm với bảy vị chức sắc ở bảy địa điểm khác nhau. Ngoài ra còn có không biết bao nhiêu buổi tiệc tùng chiêu đãi đến độ tôi không còn đủ thời giờ cho việc xây dựng ngôi chùa, tôi bèn nhất tâm khấn nguyện: - Xin chư Phật, chư Bồ Tát, chư Long Thần Hộ Pháp và hồn thiêng đất nước phù hộ, con đến đây nhằm mục đích xây dựng ngôi chùa mà không dè lại được nhiều người quý mến mời tham dự tiệc hoài chịu không thấu. Cầu xin quý vị linh thiêng gia hộ cử người đến thay thế con trong chuyện này. May mắn và mầu nhiệm thay, mấy tháng sau có thầy U Pawara (hiện nay là Tiến sĩ Phật học, một trong những tu sĩ rất nổi tiếng của Myanmar chuyên về vấn đề giáo dục) đến lưu lại V.N.P.Q. Tự tu tập. Thầy rất hoan hỷ thay mặt tôi trong những lần tham dự tiệc. Sau đó một năm rưỡi thì lại có thêm Thầy U Nymenda (hiện nay là tiến sĩ sử học, phó viện trưởng đại học Phật giáo Yangoon, Myanmar), Thầy cũng là vị rất hoan hỷ thay thế tôi trong những lần tiệc tùng. Ngoài việc được ăn ngon, theo thông lệ ở đây sau mỗi buổi chiêu đãi các quý khách đều được biếu tiền hoặc quà cáp, có khi còn được tặng vé máy bay thăm viếng nơi này nơi khác. Thế là tôi thoát khỏi được chuyện giao tiếp để có thể chuyên tâm vào công trình xây dựng ngôi chùa còn đang ngổn ngang chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành, tôi vô cùng tri ân sự can đảm giúp đỡ thay thế tôi trong vấn đề nầy. Bỗng nhiên một cơ duyên đưa đẩy tôi sang tận xứ Nepal. Một buổi sáng sớm tôi vừa chuẩn bị đi kiểm tra công việc của thợ thầy bỗng nhiên nghe tiếng hụ còi inh ỏi. Một xe cảnh sát dẫn đầu theo sau là cả một đoàn xe tiến thẳng vào chùa. Tôi bước ra ngoài đón khách, lòng nghĩ thầm chắc lại là một phái đoàn chức sắc quan trọng đến thăm chùa. Thế nhưng thật bất ngờ, hóa ra đó chính là những anh chị em từng theo tôi tu tập mấy năm trước mà cũng là những người đầu tiên đóng góp tiền để xây dựng ngôi chùa Việt Nam tại Bồ Đề Đạo Tràng. Cùng đi với anh em có cả Tổng giám đốc Cảnh sát bang Bihar và một vị Bộ trưởng đặc trách Văn phòng Chính phủ Ấn Độ nên mới có sự hộ tống và bảo vệ chặt chẽ của cảnh sát như vậy. Tôi kinh ngạc không hiểu có chuyện gì mà anh em lại đi thành một phái đoàn rầm rộ và xuất hiện đột ngột không kịp viết thư, hay báo trước cho tôi như lệ thường. Đoán biết được thắc mắc của tôi nên anh em nói ngay: - Thưa thầy có một việc bất ngờ rất quan trọng nên chúng con bay qua đây mà không kịp thông báo cho thầy hay. Anh em xin phép lên lạy Phật trước rồi mới vào trong uống trà. Khi đã an vị, một người đại diện cả nhóm đứng lên trịnh trọng nói với tôi: - Thưa thầy, những mơ ước của thầy trước đây nay đã thành hiện thực. Tôi thắc mắc: - Nói thật là tôi có nhiều mơ ước lắm nên chẳng biết anh định nói đến mơ ước nào? Anh đáp: - Thưa thầy, cách đây mười mấy năm khi hướng dẫn anh em đến Lâm Tỳ Ni chiêm bái nơi Đức Phật giáng trần, thầy đã nói rằng một trong nhiều mơ ước lớn nhất của thầy là được nhìn thấy Lâm Tỳ Ni phát triển đúng với tầm vóc lịch sử của nó. Thế là suốt bao nhiêu năm qua anh em chúng con âm thầm vận động, đến nay Quốc vương Birendra và Thủ tướng K. Prasad của Nepal đã chấp thuận cấp đất tại Lâm Tỳ Ni cho thầy. Ngài cấp máy bay cho anh em qua Ấn Độ mời thầy sang bàn việc nhận đất. Trên đời đôi khi có những việc xảy đến ngoài dự liệu và sự tưởng tượng khiến mình không kịp suy nghĩ hay phản ứng. Đó là tình cảnh của tôi lúc bấy giờ. Khi nghe anh em nói tôi bàng hoàng đến độ không biết phải xử sự ra sao. Tôi bèn hoãn binh bằng cách đề nghị với họ: - Thôi bây giờ mấy anh em ra viếng cội bồ đề nơi Phật đắc đạo đi. Phần thầy phải lên lạy Phật để tĩnh tâm và tọa thiền xem công việc này có tốt hay không. Thâm tâm tôi định bụng hễ họ đi xong tôi cũng lập tức rời khỏi chùa để lánh mặt hầu có thời gian bình tâm suy nghĩ. Việc xây dựng chùa tại Bồ Đề Đạo Tràng còn đang dở dang, hiện mấy chục người thợ đang làm việc tại đây thì làm sao tôi rứt ra được mà tính tới việc vươn đến Lâm Tỳ Ni! Nhưng anh em vẫn bám sát tôi và trả lời rằng đã đến đảnh lễ tại gốc bồ đề trước khi đến đây. Thái độ của họ càng làm tôi bối rối hơn và không biết nên xử sự ra sao. Anh em thuyết phục: - Thưa thầy đây là chuyện gấp rút, thầy phải chịu khó thu xếp công việc và đi theo chúng con ngay tức khắc bởi vì cơ hội này không đến lần thứ hai. Bên Nepal mọi việc đã sẵn sàng, mọi người đang chờ đợi đón tiếp thầy nên không thể không đi được. Anh em tỏ ra rất tha thiết và nói thêm một câu khiến tôi quyết định đi theo họ: - Thưa thầy, xin thầy đừng quên Đức Phật Thích Ca giáng trần chỉ có một lần mà thôi. Vậy là tôi chỉ còn kịp về phòng lấy cái áo tràng và quơ vội vài thứ linh tinh bỏ vào chiếc túi rồi leo lên xe. Từ khi anh em đến chùa cho tới lúc đó chưa đầy một tiếng đồng hồ. Quả thật không khác gì một cuộc “bắt cóc”! Phi trường Gaya cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 12 cây số, lúc bấy giờ sân bay nhỏ này vừa mới khánh thành và máy bay tôi đi hôm đó là một trong những chuyến bay nước ngoài đầu tiên đáp xuống phi trường Gaya. Từ Bồ Đề Đạo Tràng chỉ sau chừng hai mươi phút cất cánh là phi cơ đã bay dọc theo dãy Himalaya. Xưa nay tôi vốn rất say mê núi tuyết, say mê cảnh hùng vĩ của Hy Mã Lạp Sơn. Vậy mà hôm đó tôi không hề để mắt tới những rặng núi trùng trùng, điệp điệp, lấp lánh rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời. Ngồi trên máy bay mà lòng tôi băn khoăn không yên, vừa lo lại vừa giận anh em đã đẩy tôi vào hoàn cảnh lạ thường không kịp suy tính đắn đo gì cả. Sau này anh em kể lại: - Thưa thầy, đó là lần đầu tiên anh em thấy thầy nổi bồ đề gai! (Đây là cụm từ vui mà tôi và anh em thường dùng để ám chỉ việc tức giận, bởi vì ai cũng biết cây bồ đề vốn không có gai). Quả thật lúc đó tôi giận lắm mà không biết phản ứng ra sao ngoài việc đằng hắng để anh em biết rằng tôi đang phiền lòng. Tôi chỉ chờ cơ hội họ tỏ thái độ gì không phải là sẽ vịn cớ đó để bắt họ quay về. Tuy nhiên anh em vốn hiểu quá rõ tôi nên họ cứ ngồi im phăng phắc không ai lên tiếng gì cả. Khi máy bay đáp xuống phi trường quốc tế thủ đô Kathmandu của Nepal tôi vẫn còn chưa hết bực bội. Cửa máy bay vừa mở ra tôi đã nhìn thấy bên dưới có trải thảm đỏ rất trịnh trọng. Nghĩ rằng nghi thức ấy là để tiếp đón các anh em đi cùng với mình nên tôi vội lùi ra sau, nhưng mọi người cho biết sự chuẩn bị long trọng này dành để đón tiếp tôi khiến tôi hết sức ngại ngùng. Dưới chân máy bay đã có các quan chức cao cấp của Nepal đứng chờ sẵn, trong số đó có cả vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, người mà trước đây có lần tôi từng xin gặp mặt, nhưng ông từ chối không chịu tiếp. Thế là tôi không còn cách nào khác đành dẫn đầu phái đoàn hùng dũng bước xuống. Rồi cả phái đoàn được tặng vòng hoa theo phong tục Nepal. Rồi tay bắt mặt mừng đúng theo nghi thức lễ tân. Anh Michel, một trong những học trò người Pháp của tôi và là thành viên trong Chương trình trao đổi văn hóa của UNESCO, đứng phía sau thì thầm vào tai tôi: - Thầy bước đi trông oai vệ lắm nhưng có điều quần của thầy ống cao ống thấp! Lúc đó tôi mới nhìn xuống và thấy rằng quả đúng như vậy. Có lẽ lúc ngồi trên máy bay tôi bực bội quá nên đã xăn ống quần lên hồi nào không hay! Sau phần nghi lễ xã giao trang trọng, mọi người cùng bắt đầu buổi làm việc chính thức giữa hai bên trong không khí vui vẻ cởi mở khiến tôi cảm thấy sự phiền não biến mất lúc nào không hay. Nhưng đến cuối buổi họp tôi bị căng thẳng trở lại khi ban đón tiếp phía Nepal thông báo: - Quốc vương và Thủ tướng kính mời thầy về nghỉ tại Dinh quốc khách. Tôi vội nói: - Không, không, tôi chỉ là một người bình thường nên xin phép được ở bên ngoài. Chỉ có các anh em đây làm việc tại cơ quan quốc tế mới là quốc khách nên vào ở trong đó. Chúng tôi sẽ liên lạc với nhau bằng điện thoại, không có gì trở ngại cả. Phía Nepal không đồng ý nhưng tôi cương quyết không nhượng bộ. Cuối cùng họ chọn giải pháp dung hòa là thu xếp cho tôi ở tại khách sạn Yak Yati. Đây là khách sạn năm sao nổi tiếng của Kathmandu chuyên đón tiếp các vị thượng khách của Chính phủ Nepal với cách phụïc vụ rất chu đáo và được canh gác bảo vệ nghiêm ngặt. Giải quyết xong chuyện ăn ở lại nảy sinh thêm vấn đề mới. Anh em cho biết: - Chiều mai nhà vua sẽ có buổi gặp gỡ riêng với thầy và sau đó sẽ diễn ra lễ chính thức trao giấy chứng nhận cấp đất, có mời đại diện các báo và truyền thanh, truyền hình. Nghe vậy tôi rất e ngại vì thấy rằng mọi chuyện trở thành quan trọng rồi. Nhưng đây chính là ý trù định của các anh em. Họ muốn qua các phương tiện truyền thông địa phương và quốc tế đưa sự việc ra bên ngoài đồng thời đánh động cộng đồng Phật giáo thế giới để cùng hợp sức bảo vệ, phát triển vùng thánh địa Lâm Tỳ Ni. Tôi hoàn toàn chống lại chuyện này và nói rằng: - Ý tôi muốn cứ âm thầm mà làm, chừng nào mọi việc xong xuôi hãy công bố cũng chẳng muộn. Bây giờ làm rùm beng lỡ sau này gặp khó khăn trở ngại khiến không làm được thì mất uy tín vì mang tiếng thất hứa. Chúng tôi thảo luận, bàn cãi rất căng thẳng hơn ba tiếng đồng hồ mà không đi đến thống nhất. Tôi bèn đưa ra ý kiến: - Tôi đồng ý đến yết kiến nhà vua, nhưng còn việc giao đất tôi đề nghị chỉ tiến hành ký kết giữa tôi với các vị đại diện chính phủ Nepal, không có báo chí tham dự. Cuối cùng anh em đồng ý với yêu cầu của tôi. Ngày hôm sau khi mọi thủ tục ký kết giao nhận xong xuôi, phía Nepal cho một máy bay đặc biệt đưa tôi xuống vùng Lâm Tỳ Ni để chọn đất. Lúc bấy giờ tôi vui mừng lắm vì mặc dù đã đến Lâm Tỳ Ni rất nhiều phen nhưng đây là lần đầu tiên tôi được ngắm nhìn toàn cảnh nơi Đức Phật giáng trần từ trên cao. Tôi hào hứng đến độ nói với viên phi công: - Nhờ anh điện thoại về hỏi ý kiến cấp lãnh đạo có thể cấp cho tôi toàn bộ vùng đất này hay không? Tôi sẽ biến Lâm Tỳ Ni thành một công viên tầm cỡ quốc tế. Viên phi công sửng sốt: - Không thể được thưa thầy. Chúng tôi được lệnh chỉ chọn vùng đất trong phạm vi hai mẫu mà thôi. Trong cơn phấn khởi không kềm chế nên tôi nói vui thế thôi, chứ đối với tôi hai mẫu đất đã tốt lắm rồi. Tôi nhờ anh cho phi cơ bay là là bảy tám vòng gần mặt đất để quan sát thật kỹ bên dưới. Cuối cùng tôi quyết định chọn khoảnh đất gần nơi Đức Phật đản sinh với ý nghĩ sau này sẽ thuận lợi cho Phật tử ngụ tại chùa Việt Nam ra lạy Phật được gần. Sau khi tôi chọn xong, viên phi công gọi điện về cấp chỉ huy báo cáo để chấm tọa độ đàng hoàng rồi cho máy bay đáp xuống phi trường Bhairahawa của vùng Lâm Tỳ Ni. Tại đây họ dùng xe Jeep chở tôi đến xem tận mắt miếng đất mà tôi vừa chọn. Khi đến nơi, tôi thất vọng não nề và buồn không thể nói nổi khi khám phá miếng đất mình vừa lựa chọn hết sức cẩn thận hóa ra lại là một vùng toàn ao hồ! Tôi đi tới đi lui quanh khu đất mà thở dài não nuột, băn khoăn nghĩ ngợi chỉ muốn xin đổi lại nhưng ngần ngại vì nhớ rằng anh phi công đã báo cáo về để bộ phận cấp đất điền vào giấy tờ đâu ra đó rồi. Thấy tôi buồn ra mặt, anh phi công đến gần nói với tôi: - Thưa thầy, thầy chọn đất chỗ này là tốt lắm. Tôi ngạc nhiên: - Sao anh biết tốt? - Chỗ này nhiều nước, nghĩa là sau này chùa Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Nghe anh nói tự nhiên tôi cũng thấy vui và bỏ ý định xin đổi miếng đất khác để khỏi sinh thêm rắc rối. Có đất rồi phải bắt tay ngay vào việc xây cất vì các anh em thân hữu có tâm cho biết: - Thưa thầy mình phải làm sớm chứ nếu miếng đất bỏ không thì một thời gian sau chính phủ Nepal sẽ thu hồi lại. Thế nhưng nan giải nhất vẫn là vấn đề tài chính. Các anh em bàn: - Thầy đừng lo, tụi con hứa khi trở về nước sẽ tìm cách xoay sở, trễ lắm hai tháng sau sẽ gửi tiền qua cho thầy. Tôi còn đang lưỡng lự thì các anh em cố vấn: - Bây giờ thầy cứ đứng ra tổ chức lễ động thổ cất chùa, mời đại diện các nước, đại diện chính phủ Trung ương xuống chứng kiến coi như mình chính thức bắt tay vào xây dựng. Tôi thuận làm theo ý họ và nhờ anh em làm những việc cần thiết: - Thôi được, tôi sẽ đứng làm chủ lễ. Các anh em tiếp tay trong việc mời đại diện các nước, đại diện chính phủ vương quốc Nepal trung ương, địa phương và các tôn giáo đến dự. Lúc bấy giờ vùng này toàn hồ ao, cây cối rậm rạp và chưa có đường lộ. Đã vậy mấy ngày trước khi làm lễ trời lại đổ mưa dầm dề khiến tôi hết sức lo lắng, nếu thời tiết cứ kéo dài như thế e rằng không thể nào tổ chức cúng kiến được. Tôi bèn thắp ba cây nhang và đứng ra khấn nguyện: - Chúng con gồm toàn những người thành tâm đến đây xây chùa trên đất thiêng và đang chuẩn bị lễ động thổ. Xin chư Phật, chư Bồ tát, chư Long thần hộ pháp Bát bộ kim cang và hồn thiêng đất nước gia hộ cho trời quang mây tạnh để có thể làm lễ động thổ. Mầu nhiệm thay, sau đó trời nắng đẹp liên tục suốt mấy ngày liền, nhờ vậy hôm làm lễ đất đai rất khô ráo. Tôi có niềm tin mỗi khi tiến hành việc gì quan trọng đều mời những vị đức độ đến tham dự để nương nhờ phúc đức của chư vị đức độ đem lại may mắn cho công việc. Vì thế tôi thân chinh đến mời một bậc cao tăng đức trọng là Ngài U Nyaneinda (thường gọi là Thầy Cả) làm chủ lễ. Thầy Cả đang trụ trì chùa Miến Điện đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Phật giáo Thế giới tại Bồ Đề Đạo Tràng. Ngoài ra tôi cũng mời nhiều vị thầy đức độ các nước khác đến để cùng tụng kinh, chú nguyện trong buổi lễ động thổ. Trước đây Thầy tôi dạy rằng mỗi khi tiến hành làm lễ xây dựng công trình nào thì phải đi quanh miếng đất ấy từ ba đến bảy vòng theo chiều kim đồng hồ, vừa đi vừa tụng kinh đọc chú. Nhưng ngặt một nỗi vùng này toàn hồ ao lênh láng nước, phần tôi sẵn sàng lội tới đâu cũng được nhưng còn các vị thầy kia thì biết làm sao? Tôi bèn năn nỉ: - Tôi chắp tay lạy quý thầy, xin vui lòng giúp đỡ chúng tôi bằng cách lội ba vòng quanh miếng đất. Nhưng các thầy từ chối: - Chúng tôi không dám lội đâu, lỡ rắn cắn thì sao! Cuối cùng Thầy Cả đề nghị: - Thôi bây giờ chúng ta đặt bốn cây tre tại bốn góc của miếng đất rồi dùng dây chỉ nối lại với nhau. Sau đó khi các thầy tụng kinh thì cầm sợi dây để kinh chú chạy vòng khắp miếng đất cũng giống y như mình đi vậy. Mặc dù ý kiến này hoàn toàn hợp lý nhưng tôi vẫn thấy không ổn, rủi ro đang tụng kinh mà con chim bay ngang qua làm đứt sợi dây quả là điềm xấu. Hai bên bàn cãi một hồi, tôi cố gắng thuyết phục các thầy chịu khó lội nước một phen nhưng Thầy Cả buông một câu làm tôi cứng họng: - Nhưng thưa thầy, thầy bận quần thì dễ rồi còn chúng tôi quấn xà rông làm sao mà lội? Thế là tôi phải thuận để mọi người ngồi tụng kinh trên đường chứ không đi vòng quanh miếng đất. Tôi ngồi tụng mà lòng không yên nhưng đành thúc thủ vì không còn cách nào khác. Nhưng khi tôi vừa tụng xong một thời kinh thì điều mầu nhiệm bỗng xuất hiện: từ phía Nam một anh chàng bản xứ cưỡi voi lững thững hướng về phía chúng tôi. Ngay lập tức tôi chạy đến hỏi thăm. Anh ta cho biết đang trên đường vô rừng làm việc, tình cờ ngang qua đây thấy đông người nên ghé vào xem. Thế là tôi hỏi mượn con voi để các thầy cưỡi vòng quanh miếng đất và được anh vui vẻ đồng ý. Vậy là Thầy Cả chủ lễ bèn leo lên ngồi chễm chệ trên mình voi, con voi bước đi khoan thai trong tiếng tụng kinh đều đều khiến tôi vô cùng xúc động. Điều ngạc nhiên nhất là những người dân Nepal tụ tập chung quanh theo dõi buổi lễ bỗng nhiên bật khóc rưng rức. Tôi thắc mắc không hiểu tại sao mình vui mừng mà họ lại khóc? Sau khi hỏi thăm tôi mới vỡ lẽ rằng đối với người dân trong vùng đây chính là một điềm linh ứng mầu nhiệm. Họ cho biết: - Thưa thầy, khi nào có những cuộc lễ như thế này mà voi xuất hiện chính là điềm lành. Xưa kia Hoàng hậu Maya nằm mộng thấy voi sau đó sinh ra Thái tử Siddhartha. Lần này thầy làm lễ mà tự nhiên voi xuất hiện chắc chắn sẽ được thành công viên mãn. Tôi nghe vậy vui mừng vô cùng. Sau khi các vị thầy đã dạo quanh một vòng và tụng kinh xong, bỗng nhiên anh nài nhất định kéo tôi lên đi cùng với anh. Tôi từ chối không được nên phải chiều ý. Con voi nhắm thẳng hướng Nam đi tới còn phía sau lưng chúng tôi là dãy núi tuyết Hy Mã Lạp Sơn trùng điệp ẩn hiện phô vẻ đẹp tuyệt vời dưới ánh nắng ban mai. Tôi vừa thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên vừa cảm nghiệm sâu sắc những mầu nhiệm lạ lùng đang xảy ra, niềm vui tràn ngập trong lòng. Ngồi trên mình voi tôi tụng thời kinh Phổ Môn và trì chú. Một điều lạ lùng không giải thích được là tự dưng anh nài đưa tôi đi không phải chỉ một mà đến ba vòng xung quanh miếng đất của Việt Nam Phật Quốc Tự mà Chính phủ Nepal đã cấp. Chưa hết, đi xong ba vòng anh vẫn không chịu ngừng mà cho voi hướng thẳng đến chỗ trụ đá vua A Dục. Trước sự việc bất ngờ này tôi xúc động đến độ bàng hoàng và đúng ngay lúc đó trong lòng tôi nảy ra một quyết định táo bạo. Thế là khi đến nơi Đức Phật giáng trần, tôi cung kính đảnh lễ và thành tâm khấn nguyện: - Con vừa tận mắt chứng kiến những điều mầu nhiệm lạ thường vì thế xin phát nguyện ở lại đây để xây dựng ngôi Việt Nam Phật Quốc Tự, ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật giáng trần. Để tạ ơn anh nài, tôi hào phóng biếu tặng 500 rupi (khoảng gần 10 Mỹ kim) nhưng anh cương quyết từ chối khoản tiền khá hậu hỉ so với một ngày công lao động của người địa phương. Điều này càng làm tôi tin tưởng vào sự mầu nhiệm lạ thường đang diễn ra và vô cùng xúc động. Sau đó tôi trở về địa điểm nơi các phái đoàn đang nghỉ chân và dùng cơm trưa. Tôi vui mừng quá đến độ bỏ cơm vì không hề thấy đói. Chờ khi mọi người ăn xong và chuẩn bị ra về, tôi mới trịnh trọng báo tin: - Tôi đã quyết định lưu lại nơi này. Quả là một tin động trời! Các thầy nghe vậy đều tỏ ra lo ngại tôi sẽ gặp nhiều bất trắc trong cuộc sống đơn thân độc mã tại vùng đất còn hoang vu và đầy dẫy nguy hiểm. Tôi trấn an mọi người: - Quý vị đừng lo, tôi sẽ dựng chòi để sống tại đây. Thầy Cả trấn tĩnh trước tiên và nhắc tôi nhớ đến vấn đề thiết thực nhất: - Hiện nay thầy có bao nhiêu tiền mà đòi ở lại? Tôi lục tìm hết trong các túi và thấy rằng mình còn đúng 60 đô la Mỹ. Lúc bấy giờ mọi người đều chung một nhận định rằng lưu lại một nơi hoang vắng như thế này chỉ với chừng đó tiền quả là việc làm có phần mạo hiểm. Vì vậy quý thầy và các đoàn chịu khó bỏ ra hơn hai tiếng đồng hồ thuyết phục tôi bỏ ý định ấy để cùng trở về Bồ đề Đạo tràng. Một số thầy còn hứa hẹn sau vài tháng chuẩn bị thật kỹ lưỡng sẽ cùng tôi trở lại Lâm Tỳ Ni để bắt đầu việc xây cất. Tuy nhiên tôi vẫn không thay đổi được ý nguyện và nói rõ rằng: - Tôi cảm nhận được một sự mầu nhiệm nên đã phát nguyện ở lại, giờ đây không thể nào nào làm khác hơn được. Mọi người đều ngao ngán trước quyết định đầy phiêu lưu của tôi. Cuối cùng, có lẽ vì quá xúc động nên tất cả cùng nhau tụng bài kinh MahaMangala Sutta để hồi hướng và cầu xin cho ý nguyện của tôi được thành tựu. Thầy U Pawara, Thầy Nanda và Thầy U Thoundara đều ân cần nhắc nhở tôi phải hết sức cẩn thận vì nơi này vốn đầy dẫy rắn độc, cũng như đề cao cảnh giác về nguy cơ thú dữ từ các vùng rừng lân cận thỉnh thoảng vẫn mò đến đây. Tôi rất cảm xúc và hết lòng cám ơn sự lưu tâm của mọi người. Thế nhưng không ai biết rằng tôi còn có một tài sản lớn lao khác: đó là ý chí quyết tâm và lòng tin vào sự mầu nhiệm. Điều này giúp cho tôi vượt qua mọi nỗi lo âu về việc thiếu thốn phương tiện để sinh sống, kể cả tiền bạc. Vì vậy tôi cảm thấy rất thanh thản, không hề bận tâm hay nao núng trước bao nguy hiểm và thử thách đang chờ đón mình. Tôi cũng ấp ủ niềm hy vọng việc làm của mình sẽ không ngừng lại ở phạm vi một ngôi Việt Nam Phật Quốc Tự mà có thể lan rộng, chẳng khác gì một âm thanh phát ra nhờ cộng hưởng mà truyền đến tai nhiều người, như lời của Giáo sư Asha Ram Shakya - đại diện Chính phủ vương quốc Nepal - đã phát biểu trong buổi lễ động thổ: -Bằng việc can đảm vượt qua mọi khó khăn để khởi công xây cất ngôi chùa quốc tế đầu tiên nơi Phật giáng trần, Việt Nam Phật Quốc Tự đã mở ra một trang sử vàng son mới cho lịch sử Phật giáo thế giới. Đây thật là một điều đáng tự hào. Tôi kêu gọi Tổng hội Phật giáo vương quốc Nepal cũng như các quốc gia trên thế giới nên sớm theo gương Việt Nam Phật Quốc Tự để bảo vệ và phát triển Lâm Tỳ Ni. HÌNH THÀNH MỘT LIÊN HIỆP QUỐC PHẬT GIÁOViệc xây dựng ngôi Việt Nam Phật Quốc Tự ở Lâm Tỳ Ni mang lại cho tôi không biết bao nhiêu vất vả cực nhọc, lao tâm khổ trí và chịu đựng rất nhiều áp lực. Mặc dù là người tiên phong xây cất, nhưng trong khi một số các chùa khác nhờ có chính phủ nước họ cấp kinh phí xây dựng nên đã nhanh chóng hoàn thành, riêng chùa Việt Nam được xây dựng bằng tiền dạy học của tôi cùng những khoản đóng góp của Phật tử khắp nơi trên thế giới nên kéo dài hơn cả chục năm vẫn chưa xong. Tuy nhiên, đó chỉ là vấn đề thời gian và tôi luôn tin tưởng ngôi chùa rồi cũng sẽ hoàn thành trong sự mầu nhiệm. Thời gian đầu ngoài khó khăn to lớn về vấn đề tài chính lại còn một trở ngại không nhỏ là cho dù tôi có đủ tiền bạc để cất một ngôi chùa nguy nga đồ sộ, không sớm thì muộn những người cực đoan và không có thiện tâm quanh đây cũng sẽ gây phiền nhiễu cho đến chừng nào tôi không chịu đựng nổi phải bỏ đi thì thôi. Đó mới chính là điều tôi băn khoăn, lo lắng. Hằng ngày tôi vẩn duy trì những thời kinh, trì chú, niệm Phật và tọa thiền một cách đều đặn để mong sao kiếm được một giải pháp tối ưu có thể bảo vệ và phát triển Lâm Tỳ Ni thật hiệu quả. Và cuối cùng tôi đã tìm ra. Cho đến nay tôi vẫn còn nhớ đó là vào đêm rằm tháng 10 năm 1993. Sau khi tụng kinh, trì chú, niệm Phật và tọa thiền, một ý tưởng bỗng nảy ra trong trí tôi: phải làm sao biến nơi này thành một liên hiệp quốc của Phật giáo. Có nghĩa là phải thuyết phục cho được mỗi nước xây dựng một ngôi chùa tại đây mà quan trọng là phải do chính người của xứ đó xây cất thì mới có ý nghĩa và đặc biệt mới có thể bảo vệ được thánh địa. Đơn giản bởi vì một khi các nước tự đứng ra xây cất thì công việc sẽ nhanh chóng thành tựu và được bảo quản một cách tốt đẹp. Rồi khi ngôi chùa của nước nào hiện diện tại Lâm Tỳ Ni đương nhiên cả dân tộc và đất nước họ dần dà cũng sẽ gắn bó với vùng đất thiêng này. Thế là tôi lập tức bắt tay hình thành ngay một “Ủy ban sứ giả quốc tế” quy tụ một số anh em đang làm việc trong các cơ quan quốc tế để cùng đi đến các nước vận động. Những anh em này cùng có tâm nguyện mong muốn Lâm Tỳ Ni phát triển. Bản thân tôi cũng nỗ lực vận dụng tất cả các mối quan hệ của mình để thuyết phục các chính phủ cũng như tổ chức Phật giáo trên thế giới tham gia vào chương trình này. Sau nhiều năm kiên trì theo đuổi mục đích không mệt mỏi, đến nay kết quả có được quả thật lớn lao ngoài sự mong đợi: tổng cộng có 19 công trình của các nước đã và đang xây dựng các ngôi chùa và cơ sở văn hóa tại Lâm Tỳ Ni. Nhật Bản xây cất xong đại tháp hòa bình và đưa vào hoạt động một thư viện cùng bảo tàng viện tầm vóc quốc tế. Chính phủ và dân chúng Myanmar đã dựng xong ngôi đại tháp và một tu viện khá đồ sộ. Hoàng gia, Chính phủ cùng dân chúng Thái Lan đang xúc tiến hình thành một ngôi chùa đồ sộ uy nghiêm. Chính phủ và giáo hội Phật giáo Trung Hoa Lục Địa hoàn thành trong thời gian ngắn một ngôi chùa đẹp đẽ và nguy nga phỏng theo mô hình Thiếu Lâm Tự nằm kề bên Việt Nam Phật Quốc Tự. Chính phủ và dân chúng Tích Lan cũng đang xây cất một tu viện khá to lớn. Riêng Hàn Quốc có cả một chương trình qui mô nhằm xây dựng một tu viện tầm cỡ với chánh điện có thể chứa tới bốn ngàn người. Phật giáo các nước Đức, Pháp … cũng đang tích cực nỗ lực xây dựng chùa xứ họ. Gần đây vị Tổng thống Mông Cổ và Hoàng hậu nước Bhutan vừa thân chinh sang Nepal xin được khu đất gần Việt Nam Phật Quốc Tự để chuẩn bị xây chùa. Trong tương lai gần tôi hy vọng sẽ thuyết phục được hai nước Mỹ và Nga xây dựng chùa tại đây. Những cường quốc đã từng cung cấp phương tiện quân sự cho Việt Nam trong cuộc chiến tranh khi trước thì nay chúng ta cố gắng thúc đẩy và góp sức ủng hộ bằng nhiều phương tiện trong việc hình thành ngôi chùa của nước họ tại thánh địa. Nhớ lại khi tôi làm lễ khởi công xây dựng ngôi chùa quốc tế đầu tiên tại Lâm Tỳ Ni vào ngày 23 tháng 9 năm 1993 (tức mùng 8 tháng 8 năm Quý Dậu), nơi đây vẫn còn là một vùng đầm lầy nước đọng, đường sá chưa mở mang, những tiện nghi tối thiểu của một đời sống văn minh như điện và nước đều chưa có. Mười năm trôi qua, biết bao giông tố phong ba, bao nhiêu sức lực đã bỏ ra và nhất là công khó đi đến các nước để kiên trì vận động, giờ đây nhìn lại thành quả đạt được thật xiết bao vui mừng. Lâm Tỳ Ni ngày nay có nhiều khởi sắc, đã có điện nước, có đường dây liên lạc điện thoại trong nước, quốc tế, cả điện thoại di động và mạng internet. Hệ thống đường sá được tỏa đều đến khắp các chùa xây dựng rải rác trong vùng. Chương trình xây dựng chùa của các nước mang lại hàng ngàn công ăn việc làm, không chỉ cho công nhân của nhiều nước mà cả người địa phương, các dịch vụ đi kèm nở rộ giúp cho nhiều vùng chung quanh ngày càng nhộn nhịp trù phú. Đây chính là một sự mầu nhiệm mà bản thân Quốc vương Birendra khi còn sống cũng như nhiều trào Thủ tướng của Nepal trong suốt những năm qua đều không khỏi ngỡ ngàng mỗi khi đến đây tận mắt chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Lâm Tỳ Ni. Đây là một niềm tự hào đồng thời cũng là một phước báu cho dân tộc chúng ta khi lần đầu tiên trong lịch sử người Việt Nam đã góp một phần công sức vào việc hình thành cụm chùa quốc tế tại một vùng đất thiêng được thế giới công nhận là di sản văn hóa nhân loại
Thế là trong số bốn thánh địa quan trọng nhất của Phật giáo thì ngôi Việt Nam Phật Quốc Tự đã hiện diện tại hai nơi là Bồ Đề Đạo Tràng tại xứ Ấn Độ; và Lâm Tỳ Ni nơi Vương quốc Nepal.