;
Ni sư Thích nữ Hương Nhũ trong giờ giảng dạy.
Khi bắt đầu học Triết học phương Tây thì tôi bắt đầu thích triết học. Người truyền cảm hứng đó không ai khác hơn là Ni sư Hương Nhũ - Phó khoa Đào tạo từ xa (ĐTTX) của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, vừa là Ni sư Chủ nhiệm lớp ĐTTX Khóa VI, cũng là giáo thọ môn lịch sử Triết học phương Tây trong Học kỳ 3 này.
Nghe triết học tôi nghĩ là khô khan lắm! đáng sợ lắm ấy vậy mà, qua lời giảng của sư, tôi bắt đầu mê triết học. Bởi vì ngay thuật ngữ Philosophy có nghĩa là “tình yêu sự minh triết”, yêu thích thông thái, hướng đến trí tuệ. Trong giờ học ngày thứ bảy hôm ấy, khi so sánh đạo Phật với triết Tây phương, Sư đã hỏi chúng tôi:
- Đạo Phật có phải là tôn giáo không? Đạo Phật có phải là khoa học không?
- Đạo Phật có phải là triết học không? Đạo Phật có phải là tâm lý học không?...
Rồi Ni sư giải đáp: Đạo Phật có thể đáp ứng tất cả những yếu tố đó nhưng không yếu tố nào có thể thể hiện trọn vẹn về đạo Phật, cho nên có thể nói “đạo Phật là đạo Phật” vì không còn ý nghĩa và ngôn từ nào nào tuyệt vời hơn như thế nữa !
Anh chị em chúng tôi tự nhiên thích triết vì Ni sư dạy Triết dễ hiểu. Những triết lý đa dạng và phức tạp của các triết gia phương Tây, Sư đã phân tích bằng ngôn từ giản dị chân phương và giúp học viên khắc ghi bằng cách so sánh với minh triết đông phương và những lời dạy của đức Phật.
Phật pháp uyên thâm trở nên gần gũi với đời sống thường ngày. Tấm gương hành trì tu tập và làm Phật sự miệt mài của Sư đã khiến chúng tôi thay đổi nếp nghĩ, thay đổi cách sống. Chúng tôi là cư sĩ học Phật thì phải thể hiện lối sống đẹp trong gia đình: Thuận hòa, hiểu biết, chia sẻ, yêu thương, ngoài xã hội cần trên kính dưới nhường, luôn hoan hỷ với thành công và hạnh phúc của người khác.
Ni sư Thích nữ Hương Nhũ, Giáo thọ sư được nhiều Tăng ni sinh và cư sĩ Phật tử kính trọng, yêu quý.
Hình ảnh vị giáo thọ sư cung kính xưng hô "con" với tất cả tăng sinh và người lớn tuổi làm cho tôi xúc động. Người luôn từ chối ngồi ghế hay ngồi cao mà luôn chọn cách đứng suốt buổi để giảng bài. Người đã đứng như vậy suốt mười mấy năm trời. Nhưng lạ thay! Chúng tôi không bao giờ thấy sự biểu hiện của sự mệt mỏi nơi Người.
Tuổi cũng về già, làm sao không có những sự suy yếu, hay những cơn đau. Điều này ai thấu, ai hay? Sự khiêm cung nhẫn nại với lòng yêu nghề tha thiết của Sư khiến chúng tôi càng thêm cung kính và ngưỡng mộ. Mỗi buổi học là mỗi lần Người gieo vào tâm thức chúng tôi vô số những hạt giống thiện lành.
Đặc điểm của khoa đào tạo từ xa có thành phần học viên là tăng ni và cư sĩ. Do vậy, giới trí thức rất đông.Ni Sư Hương Nhũ đã đáp ứng khát vọng học Phật trong tầng lớp trí thức của chúng tôi: tâm đức, khiêm cung, kiến thức, tự tin, nhiệt tình, hoan hỷ…
Khi bước chân vào lớp ngay từ buổi học đầu tiên tôi đã cảm nhận rằng Sư là Thầy của tôi từ kiếp trước. Tôi thưa với Sư: “Có lẽ nhân duyên của con kiếp trước là đệ tử của sư phụ nhưng con trót mê muội, ham chơi, khiến con lầm đường, lạc lối…nên việc tu tập bị dang dở, bỏ nửa chừng. Kiếp này con được gặp lại, sư phụ đừng bỏ con nha, con nguyện theo sư phụ học đạo giải thoát trọn đời”. “Tạ ơn Thầy đưa con vào biển tuệ, Cảm nghĩa Thầy, con đến bến yêu thương”.
Vẫn biết rằng một lời tri ân không thể nói hết được những năm tháng dài Ni sư hoằng pháp lợi sinh, miệt mài nghiên cứu, giảng dạy, giáo hóa đệ tử chúng con. Vẫn biết rằng ngôn từ thế gian không thể nào diễn tả hết được tình thương lớn của Người dành cho chúng con, vẫn biết rằng chúng con nói được lời tri ân nhưng chẳng bao giờ có thể đền đáp được. Chúng con chỉ xin tạc dạ thâm ân này bằng hành động thực tiễn nhất như lời ni sư dạy dỗ: hàng Phật tử cư sĩ hàng ngày phải chuyển hóa thói hư tật xấu và lo tu nhân tích đức.
Trước từ lực và đạo lực của Sư; cho phép hàng Phật tử chúng con thành kính trang nghiêm đê đầu đảnh lễ tri ân công đức giáo dưỡng của Người nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Nguyện học theo hạnh nguyện của Người: Cung kính – Vâng lời – Biết ơn, huynh đệ chúng con cùng nhau hòa hợp, tinh tấn tu tập, trau dồi trí tuệ và đạo hạnh để xứng đáng là người Phật tử chân chính hộ trì chính Pháp nhiệt thành.
Con nhớ đến một ca từ: Xuân đến xuấn đi nhưng xuân lòng đẹp tươi hoài! Và đó chính là hình ảnh của Ni sư giáo thọ kính yêu: “người lái đò sống mãi tuổi đôi mươi”.
Cư sĩ Bảo Quang
Khoa ĐTTX – Triết học Phật giáo, Khóa VI, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM