;
Từ xưa đến nay, hình ảnh người tu sĩ luôn là biểu tượng, là khuôn mẫu về nhân cách đạo đức trong nhân gian. Sự mẫu mực này được thể hiện qua các quan hệ ứng xử hàng ngày giữa con người với con người.Từng giây, từng phút và cả cuộc đời thể hiện nếp sống đạo hạnh thông qua lời nói, ý nghĩ đến hành động; đó là nhất tâm với Tam bảo, lấy giới luật làm đầu, hòa nhã trong giao tiếp, dẹp bỏ ngã mạn và lòng tham,… Họ sống với nếp sống đạm bạc giản dị, trải rộng tâm từ, bao dung độ lượng, luôn làm việc thiện, vì vậy họ đã rất gần gũi, thân thuộc và gắn kết với đời sống của người dân nên đạo Phật đi vào được lòng quần chúng nhân dân đất Việt là vậy.
Thế nhưng, trong sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ ngày nay, rất nhiều tu sĩ đã hòa vào dòng chảy này và trực tiếp tham gia mạng xã hội công khai rộng lớn đó là facebook. Trong một nickname của một vị Tỳ kheo ni trẻ, cô sư này đứng đầu quản chúng của một ngôi Già lam có quy mô Thiền viện, đồng thời là người chủ diễn đàn, quản trị trang Web của một Trung tâm dạy Thiền. Trên facebook có rất nhiều bạn bè và người theo dõi, thế nhưng nội dung thì không thể hiện sự chia sẻ, dẫn dắt tín đồ thiền sinh, phật tử huân tập theo giáo lý Đức Phật từ những trường bộ Kinh... Không thể hiện tinh thần từ bi, không huân tập hạnh khiêm cung, … mà chỉ thấy chia sẻ những bài viết, những bình luận với tâm trạng yêu thương bi lụy, dùng lời lẽ cay độc gây thù hận, kích động, khiêu khích, tạo mâu thuẫn nhằm thu hút, lôi kéo phật tử, thiền sinh tập chung mũi nhọn búa rìu dư luận theo ý mình bằng một sự ngã mạn, ngông cuồng.
Trong một status trên trang của vị Ni nọ đã chia sẻ và bình luận bài viết “Người tình là gì”, bài viết có hình ảnh minh họa là một vị tăng lộ vai trần đối diện cô bé còn tuổi vị thành niên. Hoặc đưa những hình ảnh thân thiết Thầy trò đang ngồi gói bánh và ở giữa là cậu bé con nuôi hợp pháp của thầy. Còn có hình ảnh sư cô đội ngược mũ lưỡi trai chụp ảnh cùng với tín đồ phật tử trong một trại hè; thậm chí là cả ảnh chụp cùng với các em gái trong phòng ngủ của một vị tăng trong một dịp tổ chức lễ Vu lan!…
Hình ảnh chụp lại status trên trang của vị Ni - nhân vật trong bài viết.
Tất cả những hình ảnh này thật hết sức phản cảm, tu sĩ không nên chia sẻ và bình luận nội dung này trên trang của mình, bởi những điều đó hoàn toàn không phù hợp với oai nghi, phẩm hạnh của một tu sĩ chân chính, nhất là khi tu sĩ ấy đã là một Tỳ kheo Ni và đứng đầu một tứ chúng. Tín đồ, phật tử cần những lời giáo hóa, chỉ bảo những lời Phật dạy phù hợp với căn cơ của từng người, cần trích dẫn những bài kinh Pháp cú, hay những câu chuyện về “những người con gái của Đức Phật” … không nên bình luận về “Người tình là gì”, bởi sư cô chưa đầy 30 tuổi đầu nên chưa thể hội tụ đủ kinh nghiệm và nghệ thuật sống để dạy hay chuyển hóa một đối tượng nào đó, tín đồ chỉ biết sư cô khởi xướng và có cùng tâm tư với mình.
Hoặc tấm hình sư cô đội ngược mũ, cái hành động này nó chỉ phù hợp với đám trẻ trai du côn, du đãng. Với các em thiếu nhi, lẽ ra phải hướng dẫn, dạy bảo các em trong việc kính ngưỡng các sư, và phải có một khoảng cách khuôn khép nhất định chứ không thể a dua hòa theo các em như thế được.
Việc chia sẻ hình ảnh và những hành động, lời nói bình luận công khai trên mạng xã hội như trên, nếu trong con mắt của người giữ giới Luật Phật thì việc làm của tu sĩ này chưa hội đủ được những phẩm chất căn bản của một người xuất gia. Không biết rằng vị thầy của sư cô đó có cho rằng thái độ và hành động của đệ tử mình là được phép? Hay cho đó chỉ là sự ngông cuồng của tuổi trẻ? Bất luận lý do gì thì cũng cần phải nhìn nhận, đánh giá ở góc độ người xuất gia. Suy cho cùng, đây là sự nuông chiều đệ tử của vị trụ trì, cũng có thể do vị thầy bận quá nhiều việc nên bỏ rơi việc dạy bảo đệ tử. Chẳng vì thế mà vị ni đó được ngao du trên đất Phật gần một tháng trời ngay trong thời gian đang học lớp giảng sư, thậm chí là sinh sống tại nhà Phật tử.
Mối quan hệ giữa thầy và trò cần phải có sự tôn kính. Khi người đời lạy một vị thầy là vì họ kính tín vị thầy đó bởi ở đức tu, cái đường ăn, nét ở, sư nhu hòa, khiêm cung, tâm từ rộng mở của vị thầy đó chứ không phải vì cái áo khoác trên người, hay vì những lời tâng bốc ma mị về một quyền năng nào đó. Do vậy, người thầy cần phải quan tâm giáo dục đệ tử trong việc phát triển nhân cách người tu, có như thế mới dẹp bỏ dần những ngã mạn, sân si; những tập khí, nghiệp lực của người đời để đem lại sự bình an, trong lành cho mỗi chốn Già lam. Có như thế mới đưa được chúng sanh đến bờ giác ngộ, an vui, giải thoát.
Mạng xã hội chỉ là một cái cơ thể hiện sinh hoạt hàng ngày của một cá nhân, nhưng với một tu sĩ thì nó đại diện tư tưởng cho một tăng đoàn nơi trú xứ của người đó. Có thể có những điều nêu ra ở trên không phạm vào giới cấm nhưng thiết nghĩ, nó hoàn toàn không có nghĩa là được phép làm. Với biểu hiện xa rời giới luật, nếu không có sự ngăn ngừa thì chắc chắn một ngày không xa sẽ có nhiều việc làm ảnh hưởng đến uy tín của Ni giới Việt Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Đây mới chỉ là những vấn đề cơ bản công khai trên mạng, không biết phía sau đó sẽ là gì? Nếu nói đến thời gian công phu và tu tập hàng ngày của tu sĩ thì làm sao tu sĩ đó còn thời gian phóng đãng tâm hồn trên mạng xã hội như thế được?
Sự suy tàn hay hưng thịnh của mỗi hệ phái, của Phật giáo Việt Nam, chính là ở ý thức của mỗi tứ chúng đệ tử xuất gia. Thiết nghĩ, các bậc giáo phẩm của từng Hệ phái, Ban trị sự Giáo hội trực thuộc cần có sự quan tâm, nhắc nhở các vị trụ trì trong việc giáo dục Tăng Ni trẻ tự giác sống theo phạm hạnh của các bậc chân tu, chứ không chỉ là lời giáo hóa suông. Đồng thời, chấn chỉnh kịp thời, nhắc nhở các vị trụ trì trong việc giáo dục đệ tử huân tập nghiêm trì giới luật. Nên lắng nghe và tiếp thu các luồng thông tin truyền thông, từ các tín đồ phật tử phản ảnh về chúng đệ tử mình để có một sự quán sát thấu đáo và nghiêm khắc trong cách răn dạy, không bao biện, né tránh hoặc “lách luật” để che đậy những việc làm chưa đúng của đệ tử mình.
Để làm được việc này, nhất thiết phải có một cộng đồng trách nhiệm, đồng bộ từ Giáo hội đến các vị trụ trì, các tu sĩ và tín đồ, phật tử. Nên chăng, trang thông tin truyền thông của giáo hội có mục Bạn đọc để tiếp nhận thông tin từ các nơi phản ánh về đời sống cũng như mặt trái của tu sĩ, từ đó Ban sẽ trực tiếp xác minh hoặc truyền tải thông tin đến Ban trị sự tỉnh, thành nơi xảy ra vụ việc để kiểm chứng. Có như vậy mới phát hiện và uốn nắn kịp thời những tu sĩ (nhất là tu sĩ trẻ) trẻ có biểu hiện xa rời giới luật và đi ngược truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam.
Đã đến lúc giáo hội cần có phương châm thực hiện bằng hành động cụ thể, không nên để sự việc xảy ra rồi tội ai người đó chịu. Mỗi tu sĩ luôn luôn phải trau dồi giới hạnh, có ý thức về việc làm của mình để không làm tổn thương đến thanh danh của một tôn giáo vốn là biểu tượng văn hóa của một dân tộc, để đạo Phật luôn trường tồn, phát triển và đem lại niềm tin cho nhân loại về con đường giải thoát mà bậc đại giác ngộ đã lưu truyền hậu thế./.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của BBT).
Hoang Phan
Những biểu hiện thái độ và có hành động như trong bài viết là đáng phê phán và lên án. Oai nghi tế hạnh của người tu sĩ để đâu rồi, nên có hình ảnh rõ để người đọc dễ kiểm chứng. Cần phải có sự giám sát của người tại gia để giúp tu sĩ đi đúng pháp và sống đúng phạm hạn của người xuất gia, đó là trách nhiệm của người phật tử chân chính.
Thích 5 Trả lời 10/28/2016 1:23:53 PM