;
Hình ảnh trích từ các clip trên mạng xã hội
Câu chuyện bóng đá và nhà chùa trong thời đại toàn cầu hóa đã được giới điện ảnh quan tâm và xây dựng thành một bộ phim thú vị “Chiếc cúp” (The cup), do Khyentse Norbu làm đạo diễn.
Phim “Chiếc cúp” nói về một nhóm tu sĩ trẻ tuổi người Tây Tạng ở một tu viện thuộc vùng Dharamsala, bên sườn Himalaya, Ấn Độ, nơi Đức Dalai Lama lưu trú.
Dù tu viện thiếu thốn về các phương tiện hiện đại, và thời khóa thực hành nghiêm mật, nhưng không khí của bóng đá đã lan đến đây, các vị sư trẻ rất quan tâm và hào hứng xem các trận tranh tài giữa các đội tuyển và thuộc tên các ngôi sao.
Bộ phim sống động, đã chọn cách thể hiện phù hợp, qua môn thể thao “vua”, chuyển tải một thông điệp mang tính cảnh báo về sức mạnh của toàn cầu hóa, nó thách thức truyền thống, và cần thiết phải có giải pháp mang tính trung đạo, nếu không muốn bị đổ vỡ về lối sống.
Nhưng việc một vị được cho là sư, đến Campuchia để cổ vũ cho U23 Việt Nam trong trận gặp U23 Thái Lan, được lan truyền trên mạng xã hội: “CĐV độc đáo nhất…”, đã khiến dư luận phản ánh, bày tỏ quan hai luồng quan điểm trái chiều nhau, trong đó có nhiều bình luận tiêu cực, không đồng thuận về hành vi của vị sư này.
Một số bình luận cho rằng vị sư được cho là “CĐV độc đáo nhất…” trên ở Hải Dương, cũng là người tham gia nhiều hoạt động từ thiện, nhưng cũng từng gây sóng trên cộng đồng mạng với những việc làm khiến nhiều người châm biếm.
Liên quan tới người tu sĩ, chúng tôi nhớ lại lời dạy của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, nguyên Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni GHPGVN từng nhấn mạnh không chỉ cần sự hiểu biết về Phật pháp đúng, mà còn phải giữ gìn giới luật đã thọ, và quan trọng không kém, đó là có oai nghi (ứng xử) phù hợp, tránh để tạo nên sự đàm tiếu, châm biếm trong dư luận, vì như thế sẽ gây tổn thương cho Đạo, hình ảnh đại diện của Tăng đoàn.
Yêu thể thao và có tinh thần cổ vũ cho bóng đá trẻ Việt Nam là điều không ai cấm, nhưng chọn cách ứng xử phù hợp với người được cho là tu hành, tự khẳng định mình là người xuất gia, thì thiết nghĩ là nên cân nhắc. Xin hãy dành thời gian đọc, nghe thêm những lời chỉ trích, châm biếm và mỉa mai trong các bình luận, các ý kiến đây đó trên mạng xã hội về những gì mình đã làm, để có sự điều chỉnh phù hợp với người “nhà chùa” là điều rất cần thiết, nhất là đối với những vị ở vai trò lãnh đạo Giáo hội các cấp.
Bạn có ý kiến gì về hiện tượng này, nên hay không? (ý kiến xin gửi vào phần bình luận bên dưới).
Thị Quan - Báo Giác Ngộ