;
Nhận diện kẻ thù của chính mình – Phần 1
Nhận diện kẻ thù của chính bạn – Phần 3
Một vài năm trước, tôi hướng dẫn lớp thiền định tại một trường tiểu học ở Washington, DC. Các bức tường dọc hành lang của trường được dán đầy những câu châm ngôn như là: “Hãy đối xử với mọi người theo cách mà bạn muốn được đối xử”, “Hãy chơi công bằng”, “Đừng làm tổn thương những người khác cả về thể chất lẫn tinh thần”... Trong số đó, thông điệp còn đọng lại trong tôi là: “tất cả mọi người đều có thể tham gia”.
Giờ đây “mọi người đều có thể tham gia” là phương châm sống của tôi. Có thể chúng ta không đồng ý với nhau, có thể chúng ta tranh luận với nhau để bảo vệ chính kiến của mình, nhưng dù gì đi chăng nữa thì mọi người đều được tham gia và có phần của mình. Tất cả chúng ta đều xứng đáng được góp phần vào thế giới này, cuộc sống này. Việc nhận định một ai đó là kẻ thù bắt nguồn từ mối quan hệ giữa ta và họ trong quá khứ. Những nhận định như vậy ít khi nào nói lên những phẩm chất của người khác một cách khách quan; mà có xu hướng phóng đại ác cảm chủ quan của chúng ta.
Có lẽ ai đó đã làm hại chúng ta trong quá khứ, vì vậy bây giờ chúng ta cảm thấy e ngại họ. Có lẽ chúng ta đã làm điều gì đó khiến người ta không thích, và bây giờ người ấy đang tức giận với chúng ta. Chúng ta lập nên một số tiêu chuẩn trong đầu để xếp loại những gì mà chúng ta cho là có hại, gây tổn thương, và đáng sợ, và, cho dù những đặc tính ấy ở nơi người khác không hề ảnh hưởng gì đến ta, ta đều định dạng họ là kẻ thù. Khi ai đó trông khó coi hoặc có vẻ đáng gờm, và tình cờ rơi vào đúng những tiêu chuẩn về sự nguy hại mà ta đặt ra, chúng ta liền cho rằng họ muốn làm hại chúng ta, và chúng ta không chần chừ trong việc tìm cách loại bỏ họ.
Trong trường hợp không thể loại bỏ được, chúng ta cảm thấy thất vọng, tức giận và lại càng tin chắc đó là kẻ thù khó chịu của chúng ta. Điều cuối cùng hầu hết chúng ta muốn nghe và nên nghe; đó là chúng ta có phần trách nhiệm trong việc tạo ra kẻ thù cho chính mình. Thực tế thì có thể chúng ta chưa từng gây ra những tội lỗi như lái xe cán nát bãi cỏ mà ta mới trồng, đơm đặt những tin đồn ác độc về những người thân yêu của chúng ta, hay là cảm thấy vui sướng khi cướp khách hàng của đồng nghiệp. Nhưng nếu chúng ta đã từng tìm cách loại bỏ những kẻ thù của mình, những kẻ mà ta không ưa ấy, thì chúng ta phải chịu trách nhiệm về việc tạo ra sự thù hằn, hiềm khích.
Mỗi người đều có tiềm năng trở thành khó ưa và có hại, cũng giống như mọi người đều có tiềm năng trở nên dễ thương và hữu ích. Hãy nghĩ về một người mà bạn yêu tha thiết; nếu bạn nhìn lại, bạn có thể thấy có một lúc nào đó họ đã (vô tình) làm một điều nguy hại cho bạn, rồi có những lúc bạn nổi giận với họ hoặc họ nổi điên với bạn.
Vậy thì khái niệm về hai chữ "kẻ thù" không phải là một định nghĩa cố định gắn liền vĩnh viễn cho bất kỳ một ai đó mà ta cho rằng họ định làm hại chúng ta. Đó là một cái tên tạm thời mà ta gán cho người khác khi họ không làm những gì chúng ta muốn hoặc họ làm một điều gì đó mà ta không muốn. Nhưng cho dù người khác có làm hay không làm điều gì đó đi chăng nữa, thì nghiệp quả của việc tạo ra kẻ thù sẽ luôn quay lại với chúng ta.
Một người bạn đã được nuôi dạy như một Kitô hữu từng nói với tôi rằng từ khi còn rất nhỏ, bất cứ khi nào ông nghe điều răn "hãy yêu người như chính bản thân mình," trái tim của ông như chắp cánh bay cao. Và tiếp đến là một câu hỏi khó: Nhưng bằng cách nào? Làm sao? Nếu bạn thực sự không ưa tay hàng xóm của bạn, hoặc là cảm thấy sợ họ một cách vô cớ, hoặc chỉ đơn giản là thấy họ không vừa mắt? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn cảm thấy ghét bản thân mình hoặc khi suy xét và thấy rằng cả ngày trôi qua mà bạn không làm được việc gì tốt? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn phải thường xuyên sống trong một tâm trạng hay một thế giới bất hòa và bất ổn như vậy? Bạn có cảm thấy mình luôn ở thế phòng thủ, thù địch, cô lập và đơn côi? Chúng ta có thể bắt đầu bóc tách vấn đề bằng cách nhìn vào tình trạng của chúng ta và giải quyết dần. Chúng ta hay có não trạng nhị phân để phân loại con người vào những nhóm đối lập như trắng-đen, phải-trái, tốt-xấu…
Sự rập khuôn, làm theo nguyên tắc, là một cơ chế được thiết kế để tồn tại, và là đường tắt để đi xuyên qua thế giới (mà ta cho là) nguy hiểm này. Chúng ta cố gắng quản lý sự hỗn độn của cuộc sống bằng cách tạo ra một khu vực có trật tự với các định dạng đặc trưng, nhưng những quy định này lại khá lỏng lẻo.
Sau đó, chúng ta khái quát hóa các định dạng đó theo những hình mẫu sẵn có của chúng ta và phân loại họ theo tầng lớp, nhóm hoặc quốc gia. Vấn đề là một khi chúng ta đã gắn nhãn cho họ và xếp vào một loại cho gọn gàng, chúng ta không muốn nhìn xa hơn, vào tận các chi tiết phong phú, đặc thù của từng con người mà chỉ nhìn vào cái nhãn đơn điệu mà ta đã gắn.
Chúng ta thường quy định biểu hiện đặc trưng của nhóm chúng ta bằng các quy tắc và tiêu chuẩn chung; nhưng lại quên rằng mọi người đều có nét đặc thù riêng của họ. Có khi ta lấy mình, gia đình mình, nhóm của mình làm trung tâm và là tiêu chuẩn trong khi cho những nhóm khác là ngoại lai, hay thấp kém, để tăng cường cảm giác về giá trị bản thân. Nhưng những động thái này cũng sẽ nhốt chúng ta vào vòng lẩn quẩn và não trạng hẹp hòi với bên đây là “chúng ta” đối lập với bên kia là “họ”, và gần như là đi vào vòng lặp bất tận của việc tạo ra phe đối lập hay kẻ thù. Thực ra, chu kỳ “sản xuất kẻ thù” này có thể được dừng lại bởi...
Còn tiếp...
Trích từ “Love Your Enemies: How to Break the Anger Habit and Be a Whole Lot Happier”. Tạm dịch là "Hãy yêu kẻ thù của bạn: Làm thế nào để phá vỡ thói quen giận dữ và cùng nhau hạnh phúc hơn", bởi Sharon Salzberg và Robert Thurman. © 2013 bởi Sharon Salzberg và Robert Thurman. Được xuất bản với sự cho phép của Hay
Việt Dịch: Diệu Liên Hoa
Sharon Salberg và Robert Thurman – Lion’s Roar