;
Nhận diện kẻ thù của chính bạn – Phần 3
Hãy lưu ý đến tâm trạng cũng như tông giọng, giai điệu của suy nghĩ trong tâm trí của bạn. Hãy quán sát xem bạn đã tỏ ra hợm hĩnh, tranh đua và khinh miệt người khác, hay là tỏ thái độ ghen tỵ trong từng việc nhỏ nhặt qua cử chỉ giọng nói của bạn ra sao. Những cảm xúc xảy ra trong tâm bạn được thể hiện thông qua giọng nói, lời lẽ và cử chỉ của bạn sẽ được phản ánh qua cảm xúc của đối phương giống như vậy.
Bây giờ cố gắng nhìn thấy điểm tốt đẹp nào đó của đối thủ. Hãy quán tưởng khi người ấy thực sự hạnh phúc khi đang yêu, đắc cử hay trúng số như thế nào. (Nếu đủ can đảm, bạn hãy tưởng tượng kẻ thù của bạn nhảy múa vui vẻ như thế nào khi chiến thắng bạn.) Hãy tưởng tượng kẻ thù của bạn hân hoan khi gặp bạn, hoặc nếu không thể tưởng tượng được đến như vậy, ít nhất thì hãy tưởng tượng ra kẻ ấy không nổi giận với bạn.
Hãy tưởng tượng ra kẻ thù của bạn đang tận hưởng hạnh phúc trong cuộc sống riêng của hắn đến độ không còn rảnh để nghĩ đến việc làm phiền bạn nữa.
Hãy nghĩ về những điều sẽ làm cho kẻ thù của bạn thực sự hài lòng và sung sướng. Đó có thể không phải là những điều kẻ thù của bạn hiện đang muốn và chăm chăm nghĩ đến, là chiến đấu và đè bẹp bạn. Khi bạn không còn làm phiền kẻ thù của bạn, không còn gây nên cảnh giới khiến hắn phải hùng hổ đấu tranh, thì kẻ thù của bạn sẽ không còn quan tâm đến việc gay gắt hay chống lại bạn nữa.
Trong quá trình quán sát mình từ góc nhìn của đối phương, bạn sẽ bắt đầu thấy rằng điều làm cho bạn dễ bị tổn thương, nguy hiểm, dễ bị tấn công chính là tâm thức phân biệt đối xử thẳm sâu trong bạn; vì trong lòng bạn không có chỗ dung chứa “hắn”. Nhưng khi bạn nhận ra giữa bạn và “hắn” ít ra là có những điểm cơ bản rất giống nhau. Rằng tất cả đều mong muốn và khát khao hạnh phúc, tránh xa đau đớn khổ sở.
Lúc đó bạn sẽ không còn muốn phá hủy hạnh phúc của kẻ thù hay của chính bạn. Khi bạn thực sự nhận thức được rằng nỗi tổn thương, giận dữ và sợ hãi trong lòng bạn có thể biến một người thành kẻ thù của bạn, và ngược lại bạn hoàn toàn có thể có thể khiến mọi con người trên cuộc đời này trở thành anh em, bạn bè chí cốt. Điều này sẽ giúp giải tỏa những năng lượng mà bạn dùng để xù lông nhím lên bảo vệ mình và cái tôi của mình.
Bây giờ, bạn có thể dùng khoản năng lượng đó để nhổ bật gốc những kẻ thù thực sự bên trong của bạn: tâm trạng giận dữ, nỗi sợ hãi, và thói ghen ghét đố kỵ. Bằng cách này, những kẻ thù mà bạn ghét cay ghét đắng sẽ trở thành đồng minh của bạn, thầy của bạn, người hỗ trợ bạn, và thậm chí là bạn của bạn. Cuối cùng, bạn sẽ có thể nhìn thấy nét đẹp và đáng yêu bên trong hắn và không còn nỗi sợ âm ỉ bên trong về hắn.
Sau đó, khi tình cờ gặp người ấy, bạn sẽ thấy họ ít gây rắc rối với bạn hơn và không còn cảm thấy sợ hãi hay lo lắng về người ấy. Tâm trạng mới này của bạn sẽ ảnh hưởng đến phản ứng của hắn. Hắn sẽ bớt đối kháng với bạn, mặc dù có thể hắn không biết tại sao. Khi nhìn thấy cuộc đời với toàn bạn bè thân hữu như vậy chính là lúc bạn đang thiền định.
Hết.
Trích từ “Love Your Enemies: How to Break the Anger Habit and Be a Whole Lot Happier”. Tạm dịch là "Hãy yêu kẻ thù của bạn: Làm thế nào để phá vỡ thói quen giận dữ và cùng nhau hạnh phúc hơn", © 2013 bởi Sharon Salzberg và Robert Thurman. Được xuất bản với sự cho phép của Hay
Việt dịch: Diệu Liên Hoa
Sharon Salberg và Robert Thurman – Lion’s Roar