;
Nhận diện kẻ thù của chính bạn – Phần 2
Nghiền nát sự cạnh tranh
Sharon Salzberg
Cạnh tranh ngày nay được xem tương đương với một môn thể thao đổ máu (như đấu bò hay săn bắn), và không chỉ giới hạn trên sân chơi hay trong vòng thi đấu. Gần 70 năm trước đây, nhà lý luận phân tâm học Karen Horney giới thiệu về tinh thần cạnh tranh quá mức (hypercompetitiveness) như một đặc điểm của tính cách. Cô mô tả các chiến lược siêu cạnh tranh như là một hoạt động không thân thiện với con người, mà ngược lại; chúng "chống lại con người". Những quan sát và phát hiện của cô ấy giờ đây thể hiện rất rõ trong nền văn hóa của chúng ta. Hành vi coi trọng “chúng ta” so với “chúng nó” đến mức cực đoan đã tạo ra một thế giới cô đơn. Người ta luôn thấy có một dạng kẻ thù mới nào đó tồn tại để mà chống lại. Vì thế, chúng ta bị nhốt vào một vòng tròn luẩn quẩn; luôn nỗ lực làm cho chính mình tốt hơn, cao hơn bằng cách hạ thấp người khác.
Tôi còn nhớ lần xem cuộc thi khiêu vũ nghệ thuật trên băng tại Thế vận hội mùa đông năm đó. Một cặp đôi vừa mới kết thúc phần trình diễn của họ với nhiều nỗ lực và các kỹ thuật phức tạp thì người bình luận đã thốt lên: "Thiếu nghệ thuật!" Mặc dù việc nâng mình lên bằng cách dìm người khác xuống đôi khi được xem là bình thường ở một số nơi, cảm giác ưu việt mà nó mang lại không thật. Ngược lại, một thái độ tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng đối thủ sẽ tạo nên tinh thần đoàn kết.
Một lần khác, hội Thiền Minh Sát (Insight Meditation) tổ chức một khóa tĩnh tâm cho các thành viên hội đồng quản trị của chúng tôi, trong đó người hướng dẫn đã cho chúng tôi một bài tập. Chúng tôi được chia ra thành từng cặp để chơi trò chơi carô và tính điểm của mình. Thường thì người chơi sẽ tìm cách để chiến thắng đối phương và đạt điểm cao hơn. Nhưng có một cặp đôi nhận thấy rằng nếu họ hợp tác thay vì cạnh tranh và gây trở ngại cho nhau thì số điểm tổng hợp của nhóm sẽ cao hơn các đội khác. Không như những đội còn lại tham gia với tinh thần thắng thua, đội hợp tác kia quyết định không làm việc theo kiểu cạnh tranh quyết liệt và kết quả là họ vượt xa số điểm của các đội còn lại nhờ vào tinh thần hợp tác.
Cạnh tranh là tự nhiên, là bản năng sinh tồn của con người. Nhưng khi cạnh tranh tạo ra sự thù địch thì chúng ta cần phải đặt câu hỏi về sức mạnh của nó trong cuộc sống của chúng ta, là nơi dành cho niềm vui của sự cảm thông và chia sẻ khi thấy người khác hạnh phúc tràn vào và trú ngụ. Nếu chúng ta luôn sống trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu và cạnh tranh, khi thấy người khác có được điều tốt đẹp, chúng ta sẽ cảm thấy hụt hẫng. Mặc dù thực sự chúng ta chẳng bị mất mát điều gì nhưng khi nếp nghĩ bị che phủ bởi đám mây mờ của tinh thần cạnh tranh đố kỵ và phán xét, thì ngay cả khi không làm gì, tính cách cạnh tranh khắc nghiệt vẫn hoành hành trong tâm trí và làm khổ ta.
Ngược lại, nếu chúng ta đón nhận thành công của người khác với một thái độ hoan hỷ, sẻ chia, chúng ta có thể thực sự được “chung vui”, thực sự nhận được niềm hạnh phúc từ sự may mắn của người khác. Thay vì để cho tâm cạnh tranh đố kỵ hoành hành trong đầu với những câu đại loại như: “Ồ không, hắn đạt được điều đó, nhưng đáng ra phải là tôi mới đúng! Nó là của tôi, và hắn đã lấy mất”. Chúng ta nên chấp nhận sự thật rằng bản thân ta không bao giờ có thể đạt được giải thưởng đó và vui mừng với sự thành công của người khác. Nếu chúng ta tiếp cận cuộc sống với tâm trạng giành giật, thiếu thốn, thì tâm ta sẽ luôn cảm thấy khổ sở về những gì chúng ta còn thiếu thay vì sự an vui, hài lòng vì những gì chúng ta đang có. Và rồi bất cứ ai có điều gì mà ta không có sẽ trở thành kẻ thù của chúng ta. Trái lại, khi chúng ta có thể cùng chung vui, vui mừng khi thấy người khác được hạnh phúc, chúng ta nhận ra rằng chúng ta có được niềm vui và sự an lạc bất tận, bất cứ khi nào ta muốn là có, vì chúng luôn ở trong chính tâm ta và sẽ tuôn trào nếu ta không tìm mọi cách ngăn chặn chúng lại.
Cách tiếp cận với sự hoan hỷ, hạnh phúc trong cuộc sống là thông qua lòng từ bi, với con tim dễ rung động trước những nỗi đau của người khác và sẵn sàng xoa dịu chúng. Lòng từ bi luôn tràn đầy sinh lực và sức mạnh. Như tu sĩ Phật giáo Nyanaponika Thera nói, "Lòng từ bi có thể loại bỏ các rào chắn nặng nề, mở ra cánh cửa tự do, khiến cho con tim hẹp hòi trở nên vĩ đại và rộng lớn bao trùm cả thế giới. Lòng từ bi xóa đi tâm hồn chai sạn, nặng nề tê liệt; ban đôi cánh cho những người còn bị bám chấp vào bản ngã thấp hèn”. Khi nhìn kỹ vào cuộc sống của một người mà ta gọi là đối thủ cạnh tranh, chúng ta sẽ thấy những khó khăn mà người đó đã phải chịu đựng, sẽ thấy danh vị, may mắn mong manh và hão huyền đến dường nào. Khi chúng ta có thể thấu hiểu được người mà ta gọi là kẻ thù cùng với những nỗi niềm đau khổ của riêng họ, việc thắng thua dường như không còn quan trọng nữa.
Còn tiếp...
Việt Dịch: Diệu Liên Hoa
Sharon Salberg and Robert Thurman – Lion’s Roar