;
Nhân duyên Đức Thế Tôn chế định học giới cho phép an cư mùa mưa được tạng Luật ghi lại như sau:
“Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm), nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, việc cư trú mùa mưa chưa được Đức Thế Tôn quy định cho các Tỳ-khưu.
Trong trường hợp này, các vị Tỳ-khưu ấy đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:
- Tại sao các Sa-môn Thích tử lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa? Các vị đang giẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt nhiều chúng sanh nhỏ nhoi.
Ngay cả các du sĩ ngoại đạo này có giáo lý được thuyết tồi tệ vẫn bám víu và sống cố định trong mùa mưa, ngay cả những con chim này sau khi làm tổ trên các ngọn cây cũng bám víu và sống cố định trong mùa mưa; còn các Sa-môn Thích tử này lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa.
Các vị đang giẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt nhiều chúng sanh nhỏ nhoi.
Các Tỳ-khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị Tỳ-khưu ấy đã trình sự việc ấy lên Đức Thế Tôn. Khi ấy, Đức Thế Tôn nhân lý do ấy, nhân sự kiện ấy đã thuyết pháp rồi bảo các Tỳ-khưu rằng:
- Này các Tỳ-khưu, Ta cho phép vào mùa (an cư) mưa (vassaṃ)”
(Luật tạng Pāḷi, Đại phẩm 1, chương 3 - Vào mùa an cư, tr.347 – Tỳ Kheo Chánh Thân dịch Việt).
Trong mùa an cư, các hành giả có cơ hội củng cố kiến thức Phật học, học hỏi kinh nghiệm tu hành và oai nghi tế hạnh từ các bậc trưởng thượng.
Có thể nói, lời Phật dạy thông qua sự chỉ dẫn đầy kinh nghiệm của các bậc tôn túc sẽ trở nên sống động và thực tiễn hơn bao giờ hết. Nhờ liên tục được sách tấn nên sự tu tập Giới-Định-Tuệ ngày một tăng trưởng.
Quý cư sĩ Phật tử sẽ là những người hộ pháp, hộ độ chư Tăng có đầy đủ điều kiện vật chất để an tâm tu học trong 3 tháng này.
Khi xưa, mỗi ngày Đức Phật và các vị đệ tử đi trì bình khất thực chính là muốn tạo nhân duyên lành với chúng sinh, muốn tạo cơ hội cho chúng sinh gieo trồng ruộng phước, đồng thời tùy duyên thuyết pháp hóa độ.
Chúng sinh phát tâm cúng dường cho Đức Phật và các vị Tỳ-kheo là tạo phước báo cho chính mình, nghe giáo pháp để phát triển trí tuệ, áp dụng vào đời sống làm tăng trưởng thêm phước báo và có được an lạc hạnh phúc trong hiện tại cả tương lai.
Nói về tu phước, tức vun trồng cội phúc, nếu không có điều kiện về vật chất, người cư sĩ sẽ bị hạn chế khi hành các thiện pháp.
Chúng ta khó thực hành đầy đủ, trọn vẹn các pháp bố thí gồm có tài thí, pháp thí và vô uý thí, cúng dường, ấn tống kinh sách, dựng chùa, tạo tượng, xây dựng các đạo tràng tu học, ủng hộ tứ sự cho Tăng Ni tu hành, trợ duyên cho Tăng Ni hoằng pháp.
Ba tháng an cư là cơ hội giúp chư vị Tỳ Kheo nghiêm túc thực hành đầy đủ các thời khóa tu học, bao gồm công phu, tụng kinh, sám hối, tọa thiền, quá đường,… thay vì chỉ phương tiện thực hành một vài thời như các tháng còn lại.
Ở các chùa, tu viện Bắc tông, quý cư sĩ được cộng tu cùng chư Tăng qua các thời khóa. Điều này tạo duyên cho chúng ta vun bồi niệm lực, định lực, tuệ lực, tiến tu trên lộ trình giải thoát. Bên cạnh, nhờ thường xuyên đến chùa tu học, gần gũi các bậc tôn đức, chúng ta sẽ nắm được những phương pháp thực tập chuyển hóa tham, sân, si, phiền não.
Và phải nhớ như vậy mới chu toàn phước tuệ song tu. Đừng nên chỉ chăm bẳm từ thiện, phóng sanh, cúng dường mà quên mất đi nhiệm vụ lo cho tự thân cũng cần giác ngộ và giải thoát.
Phước tuệ song tu là đường lối thực hành bao đời nay của người con Phật. Tùy theo hoàn cảnh và khả năng mà ta linh hoạt để thực hiện. Cứ làm dù biết chưa trọn vẹn.
Vì kết quả sẽ là thiện từ những thiện nghiệp sự đã gieo. Đời này chưa đủ, chúng ta nguyện đời sau sẽ bổ túc và tiếp tục trau dồi phước đức, trí tuệ. Con đường an vui và hạnh phúc, vượt qua chướng nạn nằm trong tầm tay của chúng ta!
Tâm Cung
*Tựa đề do Người Phật tử đặt lại