;
Gốm thô, thế kỷ I, II TCN phát hiện tại chùa Thanh Quang, xã Đỉnh Bàn - Ảnh Đoàn khảo cổ
Thiền sư Lê Mạnh Thát vừa có chuyến khảo sát tại Hà Tĩnh lần thứ 3 (ngày 22/4/2023) trong 2 năm nay để tìm kiếm các chứng cứ lịch sử và xác minh tư liệu cũng như làm rõ Phật giáo đã truyền vào Việt Nam giai đoạn nào, ở đâu, xem xét vị trí của Cửa Sót, núi Nam Giới trên cơ sở đó làm rõ câu chuyện truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung – Nhà sư Phật Quang và những nhân vật lớn gắn liền với lịch sử dân tộc và lịch sử hình thành phát triển Phật giáo Việt Nam.
Hàng trăm đạo Sắc được lưu giữ ở một di tích trên địa bàn huyện Thạch Hà
Trước đó, trung tuần tháng 9-2022, thiền sư Lê Mạnh Thát cũng có cuộc khảo sát để tìm hiểu về nhân vật Uy Minh Vương Lý Nhật Quang vị hoàng tử thứ tám, con vua Lý Thái Tổ tại Miệu Ao, đền Thánh Mẫu, đền Lê Khôi, đền Nen, tham khảo hàng trăm bộ Sắc phong ghi lại địa danh, con người,văn hóa của vùng đất xưa hiện vẫn còn lưu giữ tại các địa phương ở huyện Thạch Hà.
Bên cạnh nhiều thông tin tư liệu, huyền sử có giá trị tham khảo được biết đến ở các ngôi chùa như Tăng Phúc, Uyên Trừng, Am Dong, Bạch Đế, Đại Hùng…(trung tâm Ngàn Hống) trong đó có thông tin về ngôi chùa Uyên Trừng là nơi đại thi hào Nguyễn Du viết “Văn tế thập loại chúng sinh” tại đây, những thông tin thu nhập sẽ góp thêm tư liệu tham khảo cũng cố và làm sáng tỏ về lịch sử Phật giáo một thời cực kỳ hưng thịnh trên vùng đất Hà Tĩnh xưa.
Tháp tổ còn lại trên khuôn viên chùa Uyên Trừng xưa (ảnh trái thầy Thích Thanh Vượng và thiền sư Lê Mạnh Thát)
Trong lần thứ 3 Đoàn khảo sát gồm: Giáo sư, tiến sĩ Lê Mạnh Thát, Pháp danh Thích Trí Siêu - Phó Viện Trưởng Học Viện Phật giáo Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh; Giáo sư, Tiến sĩ Lâm Thị Mỹ Dung, Trưởng Bộ môn Khảo Cổ học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh; Tiến sĩ Đinh Thị Thùy Hiên; Tiến sĩ Nguyễn Hữu Mạnh, Giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Giáo sư, Tiến sĩ, Trung tướng Hồ Trọng Ngũ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa; Ông Hà Văn Thạch- Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Ông Nguyễn Bá Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà; Ông Nguyễn Bá Chiến - Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Hà; Đại đức Thích Tâm Hiệp; Ông Nguyễn Hoàng Tuyển - Chủ doanh nghiệp Quỳnh Viên Resort.
Theo báo cáo kết quả điều tra của Đoàn khảo cổ trong hai ngày 22-23 tháng 4 năm 2023 đã tìm thấy nhiều thông tin có giá trị được thu thập từ mảnh ngói, miểng sành, di vật, vị trí địa lý...tại rú Mốc (núi Mốc Sơn) trong hệ núi Nam Giới, khu vực chùa Thanh Quang (xã Đỉnh Bàn) và các vị trí liên quan, kết quả cho biết các hiện vật được cho là có niên đại từ thế kỷ thứ I, II Trước Công nguyên và nhiều hiện vật từ đời Trần.
Theo đó, các dấu tích như tảng đá có dấu chân Phật nằm ở tọa độ 18o27’14’’ Vĩ độ Bắc; 105o59’9’’ Kinh độ Đông có một khối đá cát kết lớn, kích thước 3m x3,5m nằm nghiêng theo chiều đông - tây, mặt khối đá chia thành hai phần tương đối bằng nhau, phần phía đông có hình thù giống như bàn chân người với ngón cái nằm ở phía đông bắc; gót chân nằm ở phía đông nam.
Tảng đá được cho là có dấu chân Phật (?) - Ảnh Đoàn khảo cổ
Vị trí được cho là Ao Trời - Ảnh Đoàn khảo cổ
Một số người cho rằng, khối đá này tương truyền có dấu chân Phật, có nhiều khối đá lớn, được cho là Ao trời, với nhiều khối đá lớn chồng đè lên nhau tự nhiên, không do tác động của con người.
Mảnh bát, sứ men ngọc thế kỷ XIII, men trắng vẽ lam thế kỷ XVIII,Trung Quốc. Phát hiện tại chùa Thanh Quang, xã Đỉnh Bàn - Ảnh Đoàn khảo cổ
Đặc biệt, trong số các hiện vật đã thu nhặt có 2 mảnh gốm thô, đồ gốm men, vật liệu và trang trí kiến trúc. Các đặc điểm nhận diện này cho phép suy đoán, đó là những mảnh gốm thời tiền, sơ sử, niên đại khoảng thế kỷ I, II Trước Công nguyên. Có 3 mảnh là mảnh bát của các dòng gốm men trắng và men nâu được cho là gốm men thời Trần, thế kỷ XIII-XIV.
Vật liệu kiến trúc phát hiện tại chùa Thanh Quang, xã Đỉnh Bàn - Ảnh Đoàn khảo cổ.
Trang trí kiến trúc, đất nung, thời Trần, thế kỷ XIV phát hiện tại chùa Thanh Quang, xã Đỉnh Bàn - Ảnh Đoàn khảo cổ
Qua lần khảo cổ này dù chưa tìm thấy di tích nhưng những di vật đã xuất hiện và cho thấy chùa Thanh Quang xã Đỉnh Bàn được xây dựng trên vị trí vốn đã tồn tại các công trình kiến trúc cổ, có thể từ thế kỷ I, II trước Công nguyên, tại khu vực chùa Thanh Quang xã Đỉnh Bàn đã có con người cư trú.
Trong nhiều câu chuyện huyền sử người dân bản địa truyền tụng về núi Mốc (hay núi Mốc Sơn), đặc biệt có câu chuyện về một nhà sư nước ngoài bày dạy cho người dân nơi đây trồng khoái sắn và đã “chết danh” với huyền thoại “Sư Khoai” ở vùng đất này, tuy nhiên với những người có tìm hiểu lịch sử và nghe câu chuyện truyền thuyết về núi Quỳnh Viên thì cho rằng đó là nhà sư Phật Quang trong huyền thoại câu chuyện Chử Đồng Tử - Tiên Dung được truyền tụng và ghi lại lâu nay.