;
Chư tôn đức lãnh đạo Trung ương Giáo hội PGVN chứng minh và Đoàn chủ tọa Hội thảo
Tham dự hội thảo có Chư tôn giáo phẩm lãnh đạo TƯ GHPG Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng (HT)Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch HĐTS; HT. Thích Thanh Nhiễu - Phó chủ tịch (PCT) thường trực HĐTS; HT. Thích Quảng Tùng – PCT HĐTS, Trưởng ban Từ xã hội; HT.Thích Thế Chơn - PCT HĐTS; Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử; HT. Thích Thanh Chính – UV TT HĐTS; HT. Thích Bảo Nghiêm - PCT HĐTS, Trưởng ban Hoằng Pháp, Trưởng BTS GH PGVN tỉnh Hà Tĩnh, Trưởng ban tổ chức hội thảo; HT.Thích Hải Ấn - UV TT HĐTS, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Huế; HT. Thích Thọ Lạc - UV TT HĐTS, Trưởng ban Văn hóa; HT.Thích Đồng Bổn - Giám đốc Trung tâm Phật học Chánh Trí - Chùa Phật học Xá Lợi; Giáo sư, thiền sư Lê Mạnh Thát; TT.Thích Đạo Phong - UV TT HĐTS; TT. Thích Chiếu Tuệ - UV HĐTS, Phó thường trực BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh, phó ban tổ chức.
Hòa thượng Thích Hải Ấn và Giáo sư, thiền sư Lê Mạnh Thát (ảnh phải)
GSTS Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng trường Đại học Vinh; Phó GSTS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam; Phó GSTS Chu Văn Tuấn - Viện trưởng viện Tôn giáo Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; Phó GSTS Nguyễn Quang Hồng - giảng viên khoa lịch sử Trường Đại học Vinh; Chư tôn đức UV HĐTS, lãnh đạo Phật giáo thành phố Hà Nội; Nghệ An; Hà Tĩnh, Chư tôn đức Phật giáo 13 huyện thị tỉnh Hà Tĩnh.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thảo, HT.Thích Bảo Nghiêm – Trưởng ban tổ chức chào mừng sự hiện diện của Chư tôn đức, quý vị khách quý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đồng thời cho biết, Hà Tĩnh - một vùng địa linh nhân kiệt, mảnh đất với bề dày văn hóa truyền thống đã sinh ra những tài năng kiệt xuất những danh nhân văn hóa thế giới, những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như chùa Hương Tích, chùa Diên Quang, chùa Quỳnh Viên, chùa Thiên Tượng…
Những cổ vật Phật giáo còn lưu lại tại các chùa, các tư gia tại Hà Tĩnh
Hội thảo quốc gia “Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử văn hóa Phật giáo Việt Nam” là sự khẳng định cho sự hồi sinh sức sống trường tồn của văn hóa Phật giáo nói chung và văn hóa Hà Tĩnh nói riêng trong dòng chảy của văn hóa dân tộc.
GSTS Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng trường Đại học Vinh phát biểu.
Phật giáo khởi nguồn từ Ấn Độ cách đây khoảng gần 3.000 năm, được tiếp nối truyền bá bởi các bậc tổ sư, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia tiếp nhận đạo Phật từ rất sớm. Có ý kiến cho rằng Đạo Phật lần đầu tiên được truyền bá vào Việt Nam ở vùng đất Đồ Sơn (Hải Phòng), chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc) và Luy Lâu, nhưng thực tế nhiều sử liệu chứng minh cho thấy Phật giáo đã vào Việt Nam qua câu chuyện nhà sư Phật Quang từ Ấn Độ theo du thuyền đưa đạo Phật vào Việt Nam truyền cho Chử Đồng Tử ở Chùa Quỳnh Viên trên núi Nam Giới (còn gọi là núi Long Ngâm), xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay, bên cạnh đó hội thảo sẽ làm rõ về mặt thời gian, thế kỷ thứ III trước hay sau Công nguyên, Phật giáo vào Việt Nam từ Ấn Độ hay Trung Quốc?
TT. Thích Chiếu Tuệ - Phó thường trực BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh phát biểu.
Tại hội thảo đã có nhiều tham luận, ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, Chư tôn đức đưa ra tập trung vào các luận điểm, chứng cứ và bằng chứng khoa học về địa lý, nhân vật, nét văn hóa để khẳng định rằng chùa Quỳnh Viên nằm trên núi Long Ngâm, (thuộc xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) ngày nay là nơi xuất phát đầu tiên của Đạo Phật Việt Nam.
Cụ thể, ý kiến của Giáo sư – thiền sư Lê Mạnh Thát cho rằng Phật giáo đã được truyền vào Việt Nam không phải từ thế kỷ 2 sau Công nguyên mà là thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên qua dữ liệu truyền thuyết công chúa Tiên Dung là con gái vua Hùng Vương (ở thế kỷ thứ 2) như vậy, một dẫn chứng có tên tuổi đã gắn liền với triều đại Hùng Vương. Dữ liệu thứ hai nói về núi Quỳnh Viên qua câu thơ của vua Lê Thánh Tông (khoảng năm 1460) trong một lần xa giá đến Chiêm Thành qua vùng Cửa Sót (tức núi Nam Giới) dừng chân có để lại bài thơ vịnh cửa biển này trong đó có câu: "Di miếu mạn truyền kim Vũ Mục/Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên" (nghĩa: Ngôi miếu còn lại ngày nay truyền rằng đó là miếu thờ Vũ Mục. Kể về ngọn núi danh tiếng thì có núi Quỳnh Viên xưa” đời vua Lê Thánh Tông, thế kỷ thứ 15 mà tên Quỳnh Viên đã là rất xưa.
Giáo sư - thiền sư Lê Mạnh Thát dẫn chứng cứ liệu nhà sư Phật Quang (Ấn Độ) theo du thuyền đưa đạo Phật vào Việt Nam truyền cho Chử Đồng Tử tại chùa Quỳnh Viên, núi Nam Giới, Hà Tĩnh.
Một dữ liệu khác từ “Lịch triều hiến chương loại chí” (Bộ bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam) do nhà sử học Phan Huy Chú - (quê gốc xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà ngày nay) một danh nhân văn hoá Việt Nam soạn và cũng nói về núi Quỳnh Viên có nhà thờ Chữ Đồng Tử.
Phó trưởng Ban tôn giáo Chính phủ - Trần Thị Minh Nga phát biểu.
Phó GSTS Chu Văn Tuấn - Viện trưởng viện Tôn giáo Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Hòa thượng Thích Quảng Tùng - Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hải Phòng – nơi cũng từng nhận là Phật giáo truyền bá vào đây đầu tiên, cho rằng, theo cứ liệu khoa học và ý kiến, tham luận nếu đúng như trên núi Quỳnh Viên có nền nhà của vợ chồng Chử Đồng Tử và xác định đúng là nhà ông Chử Đồng Tử và núi Quỳnh Viên là chùa Quỳnh Viên thì khẳng định 100% Phật giáo đã vào Hà Tĩnh trước, không thể là vùng đất Đồ Sơn (Hải Phòng), chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc) được, cần phải tiếp tục bổ sung thêm các chứng cứ khoa học để khẳng định rõ ràng chứ không thể chỗ nào cũng cứ nhận như thế được.
Hòa thượng Thích Quảng Tùng - Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP. Hải Phòng
Tại hội thảo ban tổ chức đã nhận được hơn 90 bài viết của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, Chư tôn đức từ các tỉnh thành, và đã chọn 75 bài sử dụng in ấn vào kỷ yếu.
Từ những ý kiến, luận chứng, luận điểm của các nhà nghiên cứu và Chư tôn đức hội thảo đã làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề và chứng minh, đồng thuận khẳng định về cội nguồn xuất phát đầu tiên của Phật giáo Việt Nam là ở Quỳnh Viên núi Long Ngâm, (thuộc xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) ngày nay.
HT.Thích Đồng Bổn - Giám đốc Trung tâm Phật học Chánh Trí - Chùa Phật học Xá Lợi phát biểu về các nhân vật liên quan đến lịch sử Phật giáo Hà Tĩnh qua các thời kỳ.
Những ý kiến, tham luận và sự thống nhất tại hội thảo các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, và Chư tôn đức nêu vấn đề sẽ còn tiếp tục bổ sung các dẫn chứng khoa học làm sáng tỏ hơn nữa vai trò của chùa Quỳnh Viên, truyền thuyết về Chử Đồng Tử quá trình hình thành, phát triển, những bước thăng trầm của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo trên vùng đất Hà Tĩnh và những đóng góp to lớn của Phật giáo Hà Tĩnh đối với quê hương, đất nước trong lịch sử dân tộc, qua đó tôn vinh những giá trị cao đẹp, và thành quả to lớn mà tiền nhân và các thế hệ Tăng ni, Phật tử đã cống hiến xả thân vì đạo. Xây dựng khu di tích Quỳnh Viên xứng tầm với giá trị lịch sử và văn hóa Phật giáo Việt Nam cũng như của dân tộc.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn Phát biểu
Phát biểu tại hội thảo, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn cho rằng, “Văn hóa là nền tảng của dân tộc, lịch sử là cội nguồn của dân tộc”, do đó việc nghiên cứu, ghi chép và lưu trữ lịch sử một cách khoa học là trách nhiệm của chúng ta, thế hệ đang được thừa hưởng những giá trị của lịch sử. Hà Tĩnh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi khởi nguồn của tích sử nhà sư Ấn Độ, Phật Quang truyền đạo cho Chử Đồng Tử tại chùa Quỳnh Viên – núi Nam Giới. Người xưa từng nói “lịch sử là cội nguồn của dân tộc của đất nước, mất lịch sử là mất cả cội nguồn của dân tộc mình”, vấn đề tôn trọng lịch sử ôn lại lịch sử, hình thành lịch sử của các khoa học đó là trách nhiệm của con người chúng ta. Lịch sử Dân tộc Việt Nam cũng thế mà lịch sử Phật giáo VN cũng vậy - Hòa thượng khẳng định.
HT. Thích Thọ Lạc - UV TT HĐTS, Trưởng ban Văn hóa TƯ GHPGVN.
Ông Nguyễn Hải Nam - Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy phát biểu.
Đúc kết các ý kiến và bế mạc hội thảo, PGS. TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn đến TƯ GHPPGVN, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn và Chư tôn đức trong Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các nhà nghiên cứu Phật học, các GSTS nhà chuyên môn đã tham dự, gửi tham luận đến hội thảo, Ông cho rằng cuộc hội thảo hôm nay hết sức phong phú có nhiều ý kiến tham luận dẫn chứng có giá trị về nội dung hội thảo, và được sự quan tâm của GHPGVN các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cấp, các tổ chức cũng như các nhà khoa học, Phật tử trong cả nước.
PGS. TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu đúc kết hội thảo.
Cần quan tâm hơn nữa đến công tác bảo tồn tôn tạo và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của các di tích Phật giáo, qua đó cần sự giúp đỡ của các tổ chức chính quyền, mặt trận tổ quốc, để cộng đồng có nơi sinh hoạt văn hóa vì Phật giáo có vai trò quan trọng trong hộ quốc, an dân với tinh thần gắn kết với nhau xây dựng một cộng đồng tốt đẹp thực hiện được đời sống dân giàu nước mạnh công bằng và văn minh. Hội thảo “Phật giáo Hà Tĩnh trong dòng chảy lịch sử - Văn hóa Phật giáo Việt Nam” đã kết thúc thành công tốt đẹp mang lại nhiều giá trị lịch sử, nhiều cứ liệu khoa học cho Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Hà Tĩnh nói riêng.
Hồng Lam - Diệu Tường
Một số hình ảnh ghi nhận
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=ROcd-gj4GfI}