;
10g đêm ngày 21/5 của Cali, mới đặt chân đến nhà cô em, nơi mà gần 6 năm, Trí được dung thân miễn phí (đây là chuyện hy hữu tại đất Mỹ khi mà mọi việc, cho dù bà con, cũng phải tính bằng tiền).
Sáng ngày 22/5, lễ tốt nghiệp diễn ra tại sân cỏ của trường Long Beach, trên ngàn sinh viên tốt nghiệp nhiều ngành nghề khác nhau, được tổ chức khá long trọng; có những ngành như kiến trúc, xây dựng computer có hàng trăm sinh viên được xướng tên, gần 2 tiếng giới thiệu các chuyên ngành,.thật đột ngột ngở ngàng, chương trình kết thúc khi ngành Aerospace đến giờ chót những sinh viên tốt nghiệp được nêu tên một cách nhanh gọn không quá 10 người. Các sinh viên xúng xính trong bộ áo truyền thống màu đen như các cha cố, gương mặt tươi vui rạng rỡ. Trên không trung, chiếc máy bay đầm già kéo theo giòng chữ hoan nghênh sinh viên tốt nghiệp, bay ba vòng rồi biến mất dạng.
Giờ giấc thay đổi, đồng hồ sinh học cơ thể chưa chuyển kịp với thời gian bên ngoài, nên việc ngủ ngày, thức đêm, suốt tuần lễ làm đầu óc bần thần, đi đứng như kẻ mộng du; thế nhưng, ngày ngày phải theo Trí và mẹ Phương đi chợ Costco hoặc Walmart để sắm ít đồ cần thiết; ăn những món chay tại các tiệm người Việt. Viếng thăm các chùa như chùa Ni Quan Âm, chùa Quán Thế Âm của thầy Pháp Châu, chùa Điều Ngự của thầy Viên Lý, chùa Pháp Vân của sư Chơn Trí, rồi Hòa thượng Kim Triệu của hệ phái Nam Tông; các chùa đều tổ chức Phật đản vào ngày chủ nhật (27/5) bởi lẽ chỉ ngảy nghỉ mới có người đến chùa.
Cư sĩ Nguyên Giác, tức Phan Tấn Hải - Tổng biên tập Việt Báo – mời đến tiệm chay cùng 2 cộng tác viên của báo, ngày hôm sau lại có thêm anh Tâm Diệu - Thư viện Hoa Sen, anh Đỗ Hữu Tài (gốc Giao Điểm) trao đổi nhau tinh hình sinh hoạt Phật giáo trong và ngoài nước; Cũng chính anh Phan Tấn Hải, tối thứ bảy 26/5 mời tham dự đêm nhạc “Thu Vàng” trong một thính phòng chỉ đủ trên trăm người tham dự, nhưng thật ấm cúng khi bên ngoài khí hậu se lạnh. Những nhạc bản xưa được trình bày bởi các ca sĩ: Thu Vàng – Trung Nam – Diệu Trang – Xuân Thanh – Lan Hương – Vũ Hùng – Trịnh Hoàng Hải.
Xưa kia, Thái Thanh thủ đắc giọng ca cá biệt cho những nhạc phẩm Phạm Duy, thì ngày nay, Thu Vàng cũng đã gây ấn tượng sâu sắc cho khán thính giả, không những nhạc phẩm của Phạm Duy như: “Những giòng sông chia rẽ - Chiều về trên sông” mà còn nhạc phẩm “Giấc Mơ Hồi Hương” của Vũ Thành, “Thiên Thai” của Vân Cao, “Mùa Thu Không Trở Lại” của Phạm Trọng Cầu, “Hương Xưa” của Cung Tiến, “Hồn Vọng Phu”3 của Lê Thương. Mặc dù giọng ca chưa được nhiều người biết đến, người từ Việt Nam qua, cũng gây sự ngỡ ngàng thich thú không những cho khán thính giả mà còn tạo sự chú ý cho Ban tổ chức và các nhạc sĩ bậc thầy hiện diện, bởi không chỉ là ca sĩ mà còn là nghệ sĩ nhập hồn vào ca khúc.
Cali vẫn trầm lắng với không khí trong lành và khí lạnh tràn về bất chợt. Vẫn những làn đường luôn trôi nhanh giòng xe như thoi đưa trên cao tốc đan xen mắc lưới. Những khu nhà im ắng lặng chìm trong không gian cô tịch. Mọi sinh hoạt lặng lẽ chỉ vừa đủ cho người lắng nghe, chỉ riêng một con chim lạ luôn vang vọng tiếng thét não nùng suốt đêm ngày trên dây điện trung thế như tìm bạn đời chợt biến mất, làm cho lữ khách mất ngủ trong đêm phải lắng nghe với tâm cảm bi thương não nuột.
Cái não ruột nặng nề hơn khi trong không gian của ngôi nhà nhỏ hẹp luôn tạo những đợt sóng ngầm xung kích lẫn nhau với những con người được mệnh danh là bà con ruột thịt đối với đứa cháu vừa thành đạt, được một tấm lòng bao dung giúp đỡ. Chính sự đố kỵ ngấm ngầm từ lâu, nay có sự may mắn đến với đứa cháu gọi mình bằng cô, như giọt nước làm tràn đầy, họ manh tâm tạo ngờ vực, chia rẽ giữa cháu mình với ân nhân đang dang tay giúp đỡ nó.
“Con có biết nó là thằng có gia cảnh nghèo? Tại sao con đến với nó khi nó có người yêu tại Việt Nam? Con hãy từ bỏ ý định kết hôn với nó vì nó cũng là du học sinh như con….”
Nhiều vấn nạn của người cô cố tạo cho Sumi lung lay tâm lý. Thật ra Sumi tuổi vừa 18, tuy là con gái, nhưng đáo để không vừa, giả ngu ngơ đẩy người đàn bà đầu 2 thứ tóc đến chỗ tin là gia đình Sumi sai lầm hoặc là gia đình đó đang có ý đồ bất minh khó hiểu. Thật ra chả có gì phải khó hiểu, tại tâm hồn bất chánh nên tự tạo một ảo giác sai lầm để rồi tự mình bất an trước sự kiên định của gia đình Sumi.
Cái gì trước khi thành công cũng phải trãi qua gian nan gai góc, 07 năm trước khi bước chân đến Mỹ, du học sinh còn non lòng dạ trẻ đó cũng đã bị những người mệnh danh là tu sĩ và những người trong hội của chùa, từng được Mỹ là đất nước xa lạ, dang tay cưu mang để ngày nay họ có cuộc sống ổn định và khá giả, thế mà họ không đủ rộng lượng cưu mang một đứa trẻ cùng quê hương, xa nhà trên xứ lạ, tẩn xuất nó lang thang thiếu ăn, không nơi nương tựa qua đêm, thế mà nó đủ nghị lực vượt qua khó khăn đầu đời để ngày nay tương đối vững chải. Cái khổ đầu tiên đó giúp cho nó kiên định khi gặp cú sốc trước dịp may đang đến gần; cái gai góc lại phát xuất từ trong gia đình thật nham hiểm bỉ ổi, một đứa cháu vốn bị ghét bỏ từ gia đình bên nội, nay thành đạt học vị, lại thêm cái may được một gia đình khá giả cưu mang, vì thế, họ tận lực vùi dập chia rẽ. Nhưng lòng dạ hiểm độc làm sao thắng được tâm độ lượng và phước nghiệp của một người.
Cali vẫn bình dị trong sinh hoạt và bôn ba trong cuộc sống. Tiếng hót đau thương của con chim lạ giữa trời đêm lọt thỏm giữa không gian u tịch vô tâm của con người, cũng thế, cái ác tâm của con người trước sự thành đạt và dịp may của đứa trẻ đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, cũng sẽ nhạt nhòa khi mà tâm kiên định trước mọi thử thách, mọi khó khăn cũng sẽ trôi nhanh như lọn mây tan loãng giữa mênh mênh của bầu trời.
Giữa vô vàn cỏi lòng rộng mở, vẫn xuất hiện những điểm đen của vài tâm hồn hoen ố ích kỷ hiểm độc, đó là bản chất đương nhiên trong xã hội. Dẫu sao, vẫn phải cám ơn những cánh tay rộng mở cứu giúp lẫn nhau, trong đó cô P đã dành cho cháu một không gian riêng biệt miễn phí để cháu học hành thành đạt ngày hôm nay và lòng từ tiếp theo đang giúp cháu tiếp bước vào đời một cách nhiệt tình hơn cả ruột thịt, cháu đã gọi người ấy bằng mẹ. Hai mẹ con đồng cảm, mở một tương lai tươi sáng cho 2 đứa trẻ dìu nhau vào đời.
27/5/2018