;
Lời tâm sự của tác giả
Gần đây, tôi có cơ duyên được đọc ấn phẩm Hương pháp tập 6 của chùa Hoằng Pháp. Đó quả thật là ấn phẩm rất hay, có ý nghĩa rất thiết thực đối với người Phật tử trước những vấn đề thực tế đương đại. Đọc kỹ ấn phẩm tôi cảm nhận tâm tư của Thầy Thích Chân Tính cũng như Ban biên tập mong muốn sâu sắc làm thế nào để mọi người hiểu đúng và thực hành đúng Chánh pháp, làm thế nào để đưa Phật pháp ứng dụng sâu rộng trong đời sống để được lợi ích thiết thực đối với mỗi chúng sinh; làm thế làm để Phật hóa từng gia đình để cải biến thế gian trở thành cõi Cực Lạc thanh lương.
Càng đọc tôi lại càng thấy các Thầy thật đáng khâm phục, không nề hà gian khổ gánh vác trọng trách độ sinh lớn lao vĩ đại. Ngẫm đến thân mình càng cảm thấy mình thật hổ thẹn, chỉ lo sống an nhàn bản thân mà quên đi trách nhiệm với hai chữ Phật Tử, mang ơn đậm sâu của Phật mà chẳng có tâm báo đền. Vì vậy tôi vội quên đi khả năng thô thiển kém cỏi của mình về cả thế pháp lẫn Phật pháp, vội vàng viết ra những cảm xúc tâm tư của mình trước những vấn đề Phật giáo đương đại. Ngưỡng mong Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật đấng giáo chủ cõi Ta Bà, đấng Từ tôn Đại đạo sư A Di Đà Phật giáo chủ cõi Cực Lạc, cùng chư Đại Bồ tát, Thánh chúng hai cõi thầm gia hộ cho lời phàm thuật ý Phật; các Thiện tri thức tùy hỉ, đóng góp, phê bình cho bài viết của con được lợi ích.
Trong ấn phẩm này, tôi để ý thấy bài viết của cư sĩ Tâm Hạt diễn tả đúng thực tại đang diễn ra trong Đạo tràng Tịnh Độ ở quê tôi, làm các đồng tu Tịnh Độ hoang mang. Đó là có một số bài giảng của một số thầy phủ nhận cõi Tịnh độ, cho là không thật có.
Với những đồng tu Tín tâm kiên cố, những đồng tu này đã cảm nhận hương vị giải thoát nơi pháp môn Niệm Phật vi diệu, nắm chắc nghĩa lý của pháp môn này, như cây Bồ Đề ăn sâu vững chắc vào đất mẹ, thì những bài viết như vậy chỉ để tự mình kiểm định lại niềm tin của chính mình, như một cơn gió chẳng làm cây Bồ Đề trưởng thành lung lay. Nhưng đối với đồng tu sơ cơ mới bước vào đạo, còn bị choáng ngợp nơi biển Phật pháp mênh mông không bến bờ, phân vân giữa các pháp môn của Phật, còn bị chấp chặt nơi chữ nghĩa văn tự chẳng thể tự chủ thì những bài giảng như vậy quả là một thử thách niềm tin không hề nhỏ.
Do đó, trong bài viết nhỏ này, tôi muốn nói lược lại khái quát tư tưởng của pháp môn Tịnh độ, mong muốn những đồng tu Tịnh độ có thể phát sinh niềm tin chân thật nơi pháp môn kỳ diệu này.
I. Khái quát tư tưởng pháp môn Tịnh Độ.
(Tham khảo trong Pháp môn Tịnh độ)
Tịnh Độ là một trong mười tông phái của Phật giáo Trung Hoa. Pháp sư Huệ Viễn được coi là Tổ đầu tiên của Tịnh tông Trung Hoa; thành lập Bạch Liên Xã quy tụ được hơn ba ngàn cả tăng lẫn tục toàn các bậc hào kiệt trong đời, trong đó có 18 vị là bậc thượng thủ, để lại cho hậu thế đời sau vô số câu chuyện vãng sinh ly kỳ.
Đây là tông phái siêu việt, với nhiều đặc thù thuộc Đại thừa viên đốn. Gọi Đại thừa bởi tông này lấy tâm Bồ đề làm nhân, lấy quả vị cứu cánh Phật làm quả. Viên, bởi tông này lý sự vẹn toàn, tóm thâu cả Tiểu thừa giáo, Đại thừa thỉ giáo, Đại thừa chung giáo và Đại thừa đốn giáo. Đốn, vì tông này không luận bàn về pháp tướng mà chỉ chuyên về chân tánh, không cần trải qua nhiều thứ lớp, tu tập trong một đời có thể chứng lên quả vị Bất thối chuyển. Đây chính là những điểm siêu xuất, đặc thù của tông Tịnh Độ.
Giáo nghĩa Tịnh Độ được y cứ trên ba bộ kinh và một bộ luận làm cơ sở nòng cốt để phát huy gồm: Phật Thuyết A Di Đà kinh, Vô Lượng Thọ kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh (còn gọi Thập Lục Quán kinh) và một bộ luận là Tịnh độ vãng sanh luận của Bồ tát Thế thân. Kinh A Di Đà được đức Thế Tôn tuyên thuyết tại tinh xá Kỳ Viên thuộc nước Xá Vệ, nội dung giới thiệu vị giáo chủ và y báo trang nghiêm ở cõi Cực Lạc, khuyên chúng sanh phát nguyện sanh về thế giới ấy bằng phương pháp chuyên trì danh hiệu Phật A Di Đà, đồng thời dẫn lời tán dương và ấn chứng của mười phương chư Phật để làm tăng tiến niềm tin cho người niệm Phật.
Ở núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành Vương Xá, Ngài tuyên thuyết kinh Vô Lượng Thọ, diễn tả quá trình hành Bồ tát đạo của Tỳ kheo Pháp Tạng (tiền thân Phật A Di Đà), trong khi tu nhân đã đối trước Đức Thế Tự Tại Vương Như Lai phát bốn mươi tám đại nguyện thù thắng cao cả để trang nghiêm Phật độ, nhiếp hóa quần sanh. Kế đó nói về công đức tu hành, trí tuệ thần biến của Thánh chúng cõi ấy, khiến chúng sanh sanh tâm khát ngưỡng phát nguyện quay về.Tại vương cung Tần Bà Sa La thuộc thành Vương Xá, do sự thỉnh cầu của hoàng hậu Vi Đề Hy, Ngài tuyên thuyết kinh Quán Vô Lượng Thọ, chỉ bày mười sáu pháp quán làm cơ sở vãng sanh Tịnh độ.
Sau này Bồ tát Thế Thân nương vào kinh Vô Lượng Thọ tạo bộ Tịnh độ vãng sanh luận, tán dương cảnh giới trang nghiêm thù thắng của Cực Lạc và xiển dương pháp tu Ngũ niệm môn (lễ bái, tán thán, phát nguyện, quán tưởng và hồi hướng) làm nhân tố cầu vãng sanh. Ngoài ba kinh và một luận trên, còn có rất nhiều kinh luận Đại thừa khác như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bảo Tích… Đại trí độ, Đại Tỳ bà sa… cũng đều tán thán và đề cao tư tưởng cầu sanh Tịnh độ của Phật A Di Đà.
Niệm là nhớ nghĩ, buộc tâm vào một đối tượng Chánh pháp, không rong ruổi theo niệm trần, thường tỉnh thường giác hiện rõ trước mặt. Niệm Phật là quán tưởng thân tướng hay niệm danh hiệu Phật, danh này bao trùm các công đức, trí tuệ, từ bi… của các Đức Phật. Lấy danh hiệu làm đối tượng niệm, tâm thanh tịnh làm chủ thể niệm, thường trụ vào bản tánh bất sanh bất diệt ấy tất sẽ đạt đến cảnh giới an vui chân thật.
Cốt lõi của Pháp môn Tịnh độ là pháp Trì danh hiệu Phật.
Đối với pháp này, Tổ Ngẫu Ích dạy rất rõ ràng: "Thứ nhất phải tin đến cùng cực, thứ hai, phải luôn luôn phát nguyện,và thứ ba là công phu niệm Phật đừng gián đoạn. Đủ ba điều này kẻ thậm ngu cũng được vãng sinh. Thiếu ba điều bày kẻ thông minh lanh lợi cũng chẳng được vãng sinh. Ai báng pháp này chính là phỉ báng tam thế chư Phật, Bồ tát. Trên đỉnh Tỳ Lô trở thành tầng thấp nhất của ngục A Tỳ. Buồn thay!"
II. Quyết nghi trong pháp môn Tịnh độ.
Trong Luận Trí Độ có nói: Biển Phật pháp mênh mông hễ tin là vào được.
Lại nói: Biển cả Phật pháp lấy Tín để vào, lấy Trí để chứng.
Kinh Pháp Hoa, Đức Phật cũng dạy: Tất cả các kinh điển đại thừa đều phải do cửa Tín mà vào, chẳng phải do tự lực cửu giới chúng sinh suy lường mà hiểu được.
Ngẫu Ích đại sư trong tác phẩm Di Đà yếu giải có nói: Các kinh đại thừa đều lấy Thật tướng làm Chánh thể. Thật tướng là cách gọi khác của Tự tánh, Tịnh tông gọi là Tự tánh Di Đà.
Kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ đều lấy Tự tánh Di Đà làm Thể. 48 Đại nguyện độ sanh của Phật Di Đà, nguyện nào cũng đều từ Tự tánh thanh tịnh phát khởi ra.
Do đó nương theo Đại nguyện của Phật Di Đà khởi tu tức là trở về với Tự tánh Di Đà, tức là thành Phật. Do nơi Tự tánh chẳng thể nghĩ bàn nên suy lường chẳng thể vào được, phải vào bằng niềm tin thanh tịnh.
Vì vậy nếu nói chẳng phát nguyện về cõi Tây Phương mà chỉ cần quay về Tự tánh Di Đà, thì cũng là chẳng hiểu Tự tánh Di Đà là gì? Như muốn lên tầng chót của ngôi nhà mà chẳng muốn bước vào cửa nhà, việc ấy nhất định không được.
Đại sư cũng dạy: Hai câu "Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ" thế gian tranh nhau truyền tụng mà chẳng biết thế nào là Tâm Tánh. Bởi Di Đà là Tự tánh Di Đà nên chẳng thể không niệm. Bởi Tịnh độ chính là duy tâm Tịnh độ nên chẳng thể không sanh về.
Ôi, người tu ai chẳng biết Đại sư Ngẫu Ích Trí Húc xuất thân Thiền môn, tu tâm được đại triệt đại ngộ, lìa nhị biên, chẳng mắc Có lẫn Không, thấu suốt nguồn tâm, thông suốt nghĩa lý Tam tạng 12 bộ kinh, đi sâu vào tạng bí mật của chư Phật nên quyết xoay hướng Tịnh độ làm nơi nương về, lại còn đặc biệt lấy hiệu là Tây Hữu, ngụ ý Tây Phương Cực Lạc là nơi thật có.
Đáng tiếc, đáng thương cho những ai sơ cơ học Thiền, tự mình chưa hiểu, chưa chứng Phật pháp; nghe nói tất cả các cõi Phật đều không, liền cho rằng cõi Tây Phương là cõi hữu vi nên quả quyết là không thật có.
Trong Chứng Đạo ca, sư Huyền giác có câu thơ:
Than ôi! Mạt pháp: ác gian thời!
Phước bạc chúng sinh say đắm đời
Cách Phật lâu xa tà kiến nặng
Ma cường pháp nhược oán không vơi
Được nghe đốn ngộ Như Lai giáo
Cuồng hận phá, tan nát tả tơi.
Ác do tâm, khổ lụy thân sầu
Chớ oán trời người, không được đâu
Muốn khỏi sa vào vô gián ngục
Như Lai diệu pháp phải qui đầu
Lại viết:
Pháp viên đốn vượt thoát thường tình
Diệt bỏ nghi nan chớ để sinh
Nhân ngã luận bàn xin chẳng dám
Đoạn, thường hố thẳm tránh điêu linh.
Thị chẳng thị, phi cũng chẳng phi
Lạc xa ngàn dặm, sai hào li
Thị như Long nữ khắc thành Phật
Thiện Tịnh vì phi đọa A-tỳ.
Nên người xưa có câu: Thà chấp Có to như núi Tu, còn hơn chấp Không nhỏ như hạt cải.
Thị là Có: Có như Long Nữ tám tuổi trong kinh Pháp Hoa trong khoảnh khắc thành Phật. Phi là không: Tỳ kheo Thiện Tinh dù chứng đến tứ thiền định, bác không Niết bàn, Nhân quả mà tự đọa ngục A Tỳ.
Vì thế nếu còn nghi Pháp Phật chỉ nên tự thẹn do ta vô minh, tối tăm nghiệp chướng ngăn che chẳng thấy được chân lý chứ chẳng nên phỉ báng pháp chân thật của Như Lai.
Phải biết một điều dù mặt trời có thể lạnh, mặt trăng có thể nóng; quyết định cõi Tây Phương Cực Lạc thật có cũng như tất cả chúng sinh đều có Phật tánh.
Nếu nói cõi Tây Phương không có thật cũng giống như tuyên bố tất cả chúng sinh không có Phật tánh, đồng với chư Phật mắc tội vọng ngữ.
Vì sao? Vì cõi Tây Phương chẳng phải là pháp hữu vi của phàm phu, chẳng phải là pháp vô vi của Tiểu thừa.
Vì cõi Tây Phương chính là Pháp thân Phật không thể nghĩ bàn, lưu xuất mười phương ba đời chư Phật vì A Di Đà Phật là Pháp giới tạng thân Phật, có khả năng thu nhiếp và hiển hiện pháp thân tất cả chư Phật.
Vì cõi Tây Phương là Báo thân Phật Không thể nghĩ bàn vì luôn sinh ra vô lượng thân Phật trong tâm tưởng mọi chúng sinh.
Vì cõi Tây Phương là Hóa thân Phật không thể nghĩ bàn vì luôn hiển hiện thân Phật ngay nơi thân tâm của người xưng niệm Nam mô A Di Đà Phật.
Lại có người thắc mắc cõi Tây Phương cũng có chúng sinh, nhà cửa, vườn cây ao nước chim hót thì chẳng phải hữu vi là gì? Đáp rằng đó là vì Tự tánh bản nhiên thanh tịnh như thế.
Đó chẳng phải cảnh giới mà căn tánh phàm phu, Nhị thừa dùng trí suy lường mà hiểu được.
Vì những nghĩa trên có thể nói các pháp hữu vi không thật có, không thật không; thà uống sắt nóng, ăn gươm bén, nằm bàn chông nhọn muôn ức kiếp chứ chẳng nên quả quyết nói cõi Tây Phương là quyền biến, không thật có.
Vì sao? Vì như thế tức là tự đoạn tất cả thiện căn của mình, tự dứt tất cả giống Phật của mình; tự biến mình thành Nhất xiển đề bậc thượng, dù tất cả chư Phật xuất thế cũng chẳng thể cứu.
Chỉ nên lìa các vọng chấp tình kiến, dẹp bỏ lòng kiêu mạn, lắng các ngoại duyên, tự mình trực nhận cõi Tây Phương mới thấy lời chư Phật là lời chân thật, lời không hư dối, lời lợi ích.
Vả chăng, nếu cõi Tây Phương không thật có, là quyền biến, là phương tiện thì vô số tấm gương vãng sinh như Tổ Huệ Viễn, Tổ Ngẫu Ích, Tổ Ấn Quang,. là dối gạt chúng sinh hay sao? Lời phát nguyện vãng sinh của các Bậc đại sĩ Văn Thù, Phổ Hiền là hư vọng hay sao?
Xin hãy bình tâm suy xét vậy.
III. Niệm Phật thế nào để có lợi ích chân thật.
Học Phật ban đầu phải từ niềm tin chân thật, nhưng nếu không có Trí để chứng nhận giá trị Phật pháp thì không đủ. Vì không có Trí tuệ thì niềm tin dễ bị lung lay, lầm lạc.
Đức Phật có dạy: Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta.
Đức tin dù là tin vào Chánh pháp mà không có sự nhìn nhận đúng đắn cũng là mê tín. Do vậy người xưa có câu: Tâm tà tu pháp Chánh, Chánh cũng trở thành Tà. Nhiều người học Phật mà không hiểu, thích nói chuyện huyền hoặc, thần thánh sa đà vào cúng bái giải hạn, chẳng những chẳng giúp Chánh pháp phát triển mà còn làm Chánh pháp giảm mất giá trị.
Vì vậy Tin Phật thì cần phải hiểu Phật pháp. Thế nào là hiểu Phật pháp? Là hiểu rõ giá trị Phật pháp là vô thượng, không gì quý hơn, như viên Bảo châu Như ý chữa lành tất cả bệnh khổ của chúng sinh, đưa tất cả chúng sinh đến bờ an vui, bờ giải thoát. Chẳng phải buồn buồn không có việc gì thì đến chùa tu cho vui, không thích thì chẳng tu nữa. Tu như thế chẳng thể nào hưởng được lợi ích chân thật từ Chánh pháp, niệm Phật với tâm thái như vậy khó có thể vãng sinh.
Đức Phật dạy dù cả cõi tam thiên đại thiên thế giới đầy lửa cháy mà vì cầu pháp môn Niệm Phật cũng phải băng qua. Đức Phật còn nói nhiều vị Bồ tát muốn nghe kinh này chẳng được, do chẳng được nghe kinh này có cả triệu vị Bồ tát thối mất tâm Bồ đề. Như thế đủ nói lên giá trị của Pháp môn Niệm Phật này.
Mà trong mọi pháp tu của Phật thì pháp môn Niệm Phật là dễ dàng, tiện lợi nhất, thẳng chóng ổn thỏa nhất đối với hàng Phật tử tại gia.
Tin rằng cái thân xác ngũ uẩn của Ta và cõi Ta Bà là hư vọng; Phật Di Đà và cõi Cực Lạc là Chân thật; pháp môn Niệm Phật là tu từ Vọng trở về Chân nên nhất định thành tựu, công phu tu hành nhất định không luống uổng.
Vì quả vị Phật là tối thượng, siêu việt; mà vãng sinh tức là thành Phật; muốn đạt quả Vãng sinh phải dùng cái Tâm tương ưng mà niệm Phật.
Thế nào là tương ưng?
Đức Thế Tôn tuyên nói: Vãng sinh Tây Phương đồng một ý nghĩa với THÀNH PHẬT vì Vãng sinh tức là THÀNH PHẬT.
Do đó thành tựu Đại sự Vãng sinh tức nhất định thành tựu quả vị Phật. Thành tựu quả vị Phật tức thành tựu được Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn; cũng là trước tự lợi mình, sau là lợi ích tất cả chúng sinh, đưa tất cả chúng sinh lên bờ giác.
Qủa vị Phật là CHÂN THẬT, LỢI MÌNH VÀ LỢI NGƯỜI.
Vì thế muốn niệm Phật nhanh chóng thành tựu Đại sự Vãng sinh, hoàn thành Đại sự thành Phật phải dùng tâm tương ưng, tức là đầy đủ hai yếu tố: CHÂN THẬT, LỢI MÌNH VÀ LỢI NGƯỜI.
1. Thế nào là Tâm Chân thật?
Tổ Ngẫu Ích dạy: "Công phu niệm Phật chỉ quý ở tín tâm chân thật. Thứ nhất phải tin rằng: Ta là Phật chưa thành, Di Đà là Phật đã thành, thể vốn không hai. Thứ đến là tin Ta Bà thật sự khổ, An Dưỡng đích xác đáng nương về, ưa chán rành rành; mỗi việc thiện dù nhỏ nhặt cũng đều hồi hướng về Tây Phương."
Kinh Duy Ma Cật có nói: Tâm ngay thẳng là Tịnh độ. Vì vậy muốn được vãng sinh thì niệm Phật phải dùng tâm ngay thẳng, thành thật mà niệm Phật. Đại sư Tịnh Không cũng thường dạy phải nên dùng tâm "Lão thật niệm Phật" mà niệm Phật.
Tổ thứ 13 Tịnh tông là Ấn Quang đại sư cũng nói: Niệm Phật với lòng thành kính một phần thì được một phần lợi ích, mười phần thành kính thì được mười phần lợi ích.
Vậy nên nếu niệm Phật mà vẫn mang tâm hơn thua với đời, dùng tâm cong queo tà vạy, mua rẻ bán đắt giành lợi về mình mà chẳng có tâm sám hối thì Đại sự Vãng sinh khó thành.
Đại sư Thiện Đạo, tổ thứ của Tịnh độ nói rằng: Sở dĩ đức Thích Ca xuất hiện nơi đời để tuyên nói Di Đà hải nguyện.
Vì chúng sinh từ vô thủy kiếp bị vô minh che lấp, chẳng thấy được Tự tánh Di Đà thanh tịnh, tròn đầy của mình nên xuất hiện nơi đời khai bày Tri kiến Phật, tức Tự tánh Di Đà; dẫn dắt chúng sinh Ngộ nhập Tri kiến Phật, tức là được thành tựu Đại sự Vãng sinh, bất thoái thành Phật.
Chìa khóa để mở được cánh cửa vào Tây Phương, tức Tự tánh Di Đà chính là Tâm tu hành của mỗi chúng sinh. Một chiếc chìa khóa cong vẹo, lệch lạc đương nhiên chẳng thể mở được cánh cửa này. Nhưng do chúng ta từ vô thủy kiếp tranh đua, giành giật, tâm chúng ta bị ô nhiễm cong veo từ lâu nên phải được tu sửa, rèn giũa dần dần để được tâm chính trực, tâm thành thật như chư Phật vậy.
2. Thế nào là TÂM LỢI MÌNH LỢI NGƯỜI?
Vì pháp Phật là chân thật, là lợi ích tất cả chúng sinh nên ngay khi ta khởi tâm tu hành cũng là ta làm lợi ích chính mình.
Trong Phẩm Thí dụ kinh Pháp Hoa, đức Thế Tôn lấy thí dụ một trưởng giả giàu có vô lượng, vì các con nhỏ dại ngu si chơi đùa trong nhà lửa chẳng biết nguy hiềm mà nói với các con rằng: Này các con! Cha có nhiều món đồ chơi: xe dê, xe hươu, xe trâu đẹp đẽ ít có. Các con ở trong nhà lửa nên mau ra đây, tùy ý các con muốn cha đều sẽ cho các con.
Khi các con ra khỏi nhà lửa, người trưởng giả nghĩ rằng: Của cải ta nhiều vô cực, không nên dùng xe xấu kém cho các con, nay những trẻ thơ này đều là con ta, đồng yêu không thiên lệch, ta có xe trâu bằng bảy thứ báu nhiều vô lượng nên lấy lòng bình đẳng mà cho chúng, chẳng nên thiên lệch
Nay đức Thế Tôn đặc biệt ban chúng sinh pháp môn Niệm Phật, đều bình đẳng ban cho tất cả chúng sinh xe trâu to lớn đẹp đẽ vậy.
Nếu những chúng sinh nào được xe to lớn, lại lấy tâm Tiểu thừa tự lợi mà tu thì chẳng khác gì đem xe lớn đi đường nhỏ gập ghềnh, hóa ra lại khó đi đến đích.
Đó cũng là thực tế một số người học Phật được pháp môn Trì danh hiệu Phật kỳ diệu này, khư khư giữ lấy chẳng muốn chia sẻ với người khác. Giữ lấy riêng mình tu, liền bỏ bê trách nhiệm của mình với gia đình với xã hội; gặp người lại thường chê người khen mình, không hết lòng giúp đỡ đồng tu.
Đó là những người chỉ mang tâm tự lợi mà chẳng có tâm lợi người; tu hành với tâm thái như thế chẳng tương ưng với tâm Phật, nên dù có tu niệm nhọc nhằn cũng khó thành tựu được Đại sự Vãng sinh.
Lại có một số người được pháp môn Niệm Phật này, mang tâm hướng ra bên ngoài niệm Phật. Thế nào là tâm hướng ra bên ngoài niệm Phật?
Đó là người chỉ thích niệm Phật chung với nhóm đồng tu, mà chẳng đoái hoài công việc, gia đình; thích nói chuyện Phật pháp cao xa huyền hoặc rồi lại quay ra chê lỗi người thân sát sanh ăn mặn lo hưởng thụ mà chẳng biết tu; chỉ lo niệm Phật cốt cho nhiều mà chẳng biết lắng lòng quán sát tâm thái lúc niệm Phật, chẳng chí thiết phát nguyện vãng sinh. Đây gọi là tinh tấn bề ngoài mà thật ra là giải đãi bên trong.
Ví như một cái cây muốn phủ bóng mát bên ngoài thì trước hết nó phải che phủ những cây con thân cận bên nó. Một viên đá khi ném xuống nước thì gợn sóng phải bắt đầu từ tâm viên đá sau đó mới lan tỏa dần ra bên ngoài. Một bông hoa thơm thì nó phải thơm từ bên trong.
Khi ta dùng tâm hướng ra bên ngoài niệm Phật chẳng những chẳng ích lợi người thân mà cũng chính là chẳng ích lợi cho chính mình. Trái lại, người thân của ta sẽ đánh giá Phật giáo là mê tín, không thực tế, rồi cô lập chống đối ta. Khi đó chính ta lại phải chịu trách nhiệm gây ra tội phỉ báng Chánh pháp cho người thân, mà bản thân chúng ta cũng chẳng có được sự an tâm trong quá trình tu tập.
Đó là hai tâm thái niệm Phật thường gặp của một số Phật tử tại gia mà không tương ưng với tâm Phật, chưa thực hành đúng Chánh pháp và không mang lại lợi ích cho đạo pháp.
Thật ra, nếu chẳng phải các bậc Bồ tát tái lai trở về cõi Ta bà độ sanh, thì phàm phu đời mạt chúng ta chẳng thể ngay lập tức tu hành với tâm tương ưng tâm Phật, tu hành được đúng Chánh pháp ngay được.
Có điều chúng ta phải biết quán xét bản thân, nhìn nhận lỗi lầm chính mình; thành thật với chính mình mà sửa đổi dần thì nhất định sẽ tu hành đúng pháp, nhất định cải biến tâm phàm thành tâm Phật; nhất định hoàn thành được Đại sự vãng sinh lợi mình và lợi người.
Đức Lục Tổ Huệ Năng dạy rất hay: Người chân tu chỉ thấy lỗi mình chẳng thấy lỗi người.
Như Ngài pháp sư Tịnh Không kể ban đầu Ngài xuất gia, mẹ ngài thích ăn cá, ngài bảo người ra chợ mua cá chế biến sẵn về dâng mẹ, sau mới dần chuyển được tâm của mẹ ngài vào đạo.
Người tu ban đầu nên phải tự sửa mình trước và khéo léo tùy thuận gia cảnh mà vẫn vững vàng đạo tâm. Ta tu tập làm sao để người thân thấy tu tập Phật đạo quả thật lợi ích hiện tiền.
Vì tu tập đúng pháp đương nhiên ta tích lũy được phước đức thiện căn, chẳng trở ngại công việc mà công việc sự nghiệp lại càng thuận lợi tiến triển tốt đẹp.
Người thân thấy ta ngày càng hoà đồng, trách nhiệm với gia đình, công việc sự nghiệp tốt đẹp; trở thành chỗ dựa đáng tin cậy về vả tinh thần và vật chất, đương nhiên sẽ ngày càng tinh tưởng, thấy rõ được giá trị Phật pháp. Khi đó, chúng ta mới có thể tùy duyên hướng dẫn họ vào Phật đạo. Chúng ta hỗ trợ người thân, gia đình; gia đình cũng lại hỗ trợ chúng ta tu tập. Như vậy mới có thể Phật hóa gia đình, mới có thể cải biến cõi Ta Bà uế trược này trở thành cõi Cực Lạc thanh lương. Nếu được như vậy mới thật là được tâm tương ưng với tâm Phật, con đường đến Tây Phương ở ngay trước mặt vậy.
Tin, hiểu và thực hành được như vậy, dùng tâm thái tương ưng mà niệm Phật sẽ phát khởi Chánh Tín, Chánh nguyện mà khi bỏ báo thân này được tham dự vào Hải hội Bồ tát cõi An Lạc.
Lại nữa, phát khởi được Chánh Tín Chánh nguyện sẽ thành tựu được một niệm Tín giải thanh tịnh. Thành tựu được một niệm này thì mới có thể gọi là một niệm tương ưng một niệm Phật. Ngay trong niệm ấy sẽ được sinh ngay cõi Tây Phương. Người đó ngay lúc ấy và về sau đã được sống trong hào quang Phật Di Đà, quyết định lâm chung vãng sinh.
Trong tác phẩm Mấy điệu sen thanh của Cố Hòa thượng Thích Thiền Tâm dịch cũng có viết về những gương niệm Phật còn sống mà tâm thức người ấy đã hiện ảnh nơi hoa sen cõi Tây Phương Cực Lạc rồi.
VIỆT QUỐC PHU NHÂN
Việt quốc phu nhân Vương thị, nguyên là vợ của Kinh Vương. Kinh Vương lại là chú của Triết Tôn hoàng đế đời Tống. Phu nhân chuyên niệm Phật ngày đêm không gián đoạn, lại hướng dẫn các hàng tỳ thiếp đều tu Tịnh độ cầu sanh Cực lạc. Trong hàng tỳ thiếp ấy, có một cô thường hay biếng trễ. Phu nhân gọi lên bảo: "Không thể vì một mình ngươi, mà phá hoại quy củ của ta!". Rồi liền đuổi ra khỏi đoàn thể.
Người thiếp sợ hãi ăn năn, phát tâm tinh tấn niệm Phật không nài mỏi nhọc. Một hôm, cô bảo bạn đồng sự rằng: "Em sắp đi xa!". Đêm lại mùi hương lạ bay đầy phòng, cô không bịnh chi mà qua đời. Cách vài hôm sau, cô bạn đồng sự thưa với phu nhân rằng: "Đêm vừa rồi, con mơ thấy người thiếp mãn phần nhờ chuyển lời kính xin cảm tạ ân đức vô lượng của phu nhân. Bởi nhờ phu nhân răn trách, mà cô đã được sanh về Cực lạc!'. Phu nhân bảo: "Nếu nó có thể ứng mộng cho ta biết thì ta mới tin!". Đêm ấy, phu nhân nằm mộng thấy người thiếp quá cố đến tạ ân như lời đã nói, liền hỏi: "Cõi Tây phương có thể đến được chăng?". Cô đáp rằng được, rồi dẫn phu nhân bay đi. Độ giây phút, đến một bảo trì to rộng mênh mang, ánh sáng giao hòa chói suốt. Trong ao báu, hoa sen lớn nhỏ xen lẫn gồm nhiều màu sắc và quang minh, có đóa hoặc tươi màu sắc và quang minh, có đóa hoặc tươi hoặc héo. Phu nhân hỏi duyên cớ, người thiếp thưa: "Chúng sanh ở Ta bà vừa phát tâm niệm Phật cầu về Cực lạc, thì nơi đây liền hóa sanh một hoa sen. Nếu đương nhân mỗi ngày tinh tấn tu niệm, thì hoa càng thêm lớn và tươi đẹp. Trái lại nửa chừng lần lần biếng trễ, tất hoa sẽ héo. Như không tiếp tục tu hành, hoa liền tàn rồi ẩn mất. Còn phát tâm tinh tấn niệm Phật trở lại, thì một hoa sen khác mọc lên. Nếu công tu lâu ngày vẫn không thối chuyển, tất tịnh quả sẽ thành thục. Khi đương nhân bỏ báo thân ở Ta bà, thần thức sẽ nương gởi vào thai sen ấy, đợi đến khi hoa nở thấy Phật". Nhìn ra xa, trên một đài hoa có vị đầu đội mão ngọc, cổ đeo chuỗi anh lạc, phục sức và thân tướng trang nghiêm, phu nhân hỏi: "Ai đấy thế?". Người thiếp thưa: "Đó là Vô vi cư sĩ Dương Kiệt. Vị ấy vừa mới vãng sanh về đây". Phu nhân thấy một người khác mặc triều phục, ngồi trên đóa sen hơi kém hơn, lại hỏi thăm. Cô thiếp đáp: "Đó là cư sĩ Mã Vu, chờ khi công thành quả mãn, cũng lại sắp vãng sanh về đây". Phu nhân hỏi: "Còn ta sẽ sanh về chỗ nào?". Người thiếp liền dẫn bà bay đi độ vài dặm. Nơi ấy có một hoa tòa to lớn, cánh bích ngọc, đài hoàng kim, phóng ánh sáng rực rỡ. Người thiếp chỉ đóa hoa nói: "Đây là chỗ sanh của phu nhân, thuộc về kim đài thượng phẩm!".
Khi thức dậy, phu nhân ghi nhớ rõ điềm mộng, nỗi vui mừng bi cảm lẫn lộn, càng tinh tấn tu hành. Đến hơn tám mươi tuổi, nhằm ngày sinh nhật, sáng sớm bà thức dậy, hai tay bưng lò trầm hương nhỏ, khói thơm bay tỏa, nghiêm kính đứng hướng về phía Quan Âm Các. Tất cả tỳ thiếp y phục chỉnh tề, sắp thành hàng bước đến định làm lễ chúc thọ. Nhưng khi nhìn xem lại, thì phu nhân đã thoát hóa.
Vì sao nói chỉ thành tựu một niệm Tín giải (Tin- Hiểu) thanh tịnh này mà vãng sinh Tây Phương?
Vì một niệm Tín giải thanh tịnh đó xuất phát từ Tự tánh thanh tịnh; Tịnh tông gọi là Tự tánh Di Đà. Một niệm Phật này do đầy đủ Tín, Nguyện phù hợp với Đại nguyện độ sanh của Phật Di Đà nên được vãng sinh về cõi Cực Lạc, hay cũng được gọi là một niệm Nhất tâm.
Đã nói là Đại nguyện độ sanh tức là độ ngay chúng sinh lúc còn sống, chứ chẳng phải chỉ là lúc lâm chung Phật mới tiếp dẫn. Có điều do chướng nặng mà nhiều người tu chẳng tự biết mà thôi. Nhiều người hiểu lầm Tịnh tông về điểm này nên cứ nghĩ niệm Phật là chết, chẳng chịu tiếp nhận pháp môn này thật đáng thương, đáng tiếc.
Vì cõi Tây Phương cũng chính là Diệu cực pháp thân Phật Di Đà, còn gọi là Tạng giới Pháp thân, sự sự vô ngại, một là tất cả, tất cả là một như cảnh giới kinh Hoa Nghiêm diễn tả. Nơi đó, một niệm cũng là vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp; vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp quy về một niệm. Chỉ cần một niệm nhất tâm thanh tịnh sanh qua cõi ấy tức là vĩnh viễn sinh nơi cõi ấy, tức là đạt bất thối chuyển, tức ngay khi còn sống đã được dự vào chánh định tụ, quyết định vãng sinh, đến khi một hơi thở ra không trở lại lập tức được Phật A Di Đà cùng thánh chúng tiếp dẫn về thế giới Cực Lạc.
Vì thế đức Thế Tôn ân cần dặn dò: Đã vãng sinh cõi Tây Phương tức là thành Phật vậy.
Kinh nói một hay 10 niệm vãng sinh chính là nói đến niệm Nhất tâm này vậy.
Nhiều người đọc qua văn tự thấy nói 10 niệm được vãng sinh, nảy sinh ý nghĩ: Vậy cần gì phải khổ công tu tập, đợi đến lúc già chết niệm Phật còn kịp.
Do cái tâm ban đầu đã chẳng ngay thẳng thành thật, thì tất khó có thể thành tựu được một niệm Tín giải thanh tịnh như vậy, chẳng phù hợp với Bản nguyện Phật Di Đà nên sự nghiệp vãng sinh khó có thể thành tựu được.
Trong câu chuyện Việt Quốc Phu Nhân, có người lại hỏi rõ ràng người thiếp nói: chỉ cần phát tâm Niệm Phật là hoa sen nở, sao lại nói cần phải một niệm nhất tâm thanh tịnh?
Đáp: Trong đó cũng nói rõ phát tâm niệm Phật nở hoa sen thì hoa sen cũng có hoa tươi, hoa héo úa, chưa đảm bảo được Đại sự vãng sinh.
Chưa đạt đến một niệm Nhất tâm này thì lòng tin chưa quyết định. Ví như con chim bay lượn bất định trên mặt biển thì bóng nó in xuống mặt nước, nếu nó bay qua nơi khác thì bóng dáng chẳng còn.
Diệu Hằng - Hải Ngộ
Namo A Di Đà Phật Chân thành cảm ơn Phật tử Pháp Đức. Bài viết của Pháp Đức rất đầy đủ chân thật khiến người đọc như tôi phải luôn nhớ về một niệm tín tâm thanh tịnh, tương ưng với hải nguyện của Đức Phật A Di Đà và lòng từ bi vô hạn của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Tôi tự xét mình và thấy hoa sen của mình đã héo gần tàn. May mà hôm nay tôi tìm đọc bài viết này, tôi quyết tâm niệm Tự Tánh Di Đà và quyết tâm nguyện quay về cõi Phật Tây phương thanh tịnh không giải đãi, không gián đoạn nữa. Tôi kính xin chân thành hẹn gặp Phật tử Pháp Đức ở cõi Tây Phương của Đức Phật A Di Đà. Namo A Di Đà Phật Diệu Hằng -Hải Ngộ
Thích 1 Trả lời 6/20/2022 11:35:22 AM