Nhiều người dân thấy Chư Tăng/Ni dùng đồ sang, hiện đại… cảm thấy khó chấp nhận (ảnh minh họa) |
“Cúng dường, không dùng Phật tử sẽ buồn”
Lâu nay Chư Tăng/Ni luôn được xem là
những người có cuộc sống rất thanh đạm. Tuy nhiên những năm gần đây,
hình ảnh một số tu sĩ sử dụng các vật dụng, phương tiện đi lại quá sang
trọng, hiện đại… khiến không ít người dân cảm thấy khó chịu.
Chị Khả Anh (quận Thủ Đức, TPHCM) tâm
sự: “Mình thấy người tu giờ sống sướng quá, đi xe tay gas xịn phóng ào
ào trên các tuyến đường. Đi ăn cũng chọn những quán chay lớn, gọi các
món ăn không rẻ… Trong khi mình đi làm cực khổ, chạy cái xe số cọc cạch,
muốn ăn hay mua gì cũng phải tiết kiệm chi ly để đủ sống”.
Không chỉ có chị Khả Anh, anh Hoàng
Trọng, một Phật tử ở Hà Nội cũng chia sẻ: “Không biết người xuất gia lấy
đâu ra tiền mà các thầy ngoài này đi toàn xe hơi, có lần mình chở một
thầy đi công việc và được biết thầy đang học bằng lái xe ô tô để về mua
xe. Nghe đâu có Phật tử cúng dường số tiền trị giá bằng nửa chiếc xe
rồi. Lúc đó ngẫm lại không biết với mức lương công chức như mình khi nào
mới mua nỗi…”
Không chỉ có những việc dùng đồ sang
trọng, nhiều người dân còn thắc mắc khi thấy một số Tăng/Ni dùng đồ da
thú như dép da, túi da, bao tay điện thoại bằng da…
Lý giải về việc này, hòa thượng Thích
Thiện Tánh, Phó Trưởng bản Thành hội Phật giáo TPHCM cho biết: “Người
xuất gia ngày nay không thể như thời của đức Phật còn tại thế. Chư
Tăng/Ni không thể dùng dép rơm hay đi chân đất để đi lại, mà phải có đôi
dép mang vào chân để khi đi ra ngoài có thể bảo vệ sức khỏe của bản
thân...
Phật tử cúng dường các tịnh tài, tịnh vật, người xuất gia thọ nhận (sử dụng - PV) để gieo duyên Phật pháp với họ (ảnh minh họa) |
Ngoài ra người tu hành không thể đi bộ
mấy chục km để làm công tác Phật sự khi có nhu cần thực hiện gấp, lúc
đó phải nhờ vào chiếc xe làm phương tiện mà di chuyển để hành đạo.
Không chỉ thế có những Phật tử vì quý
mến thầy của mình mà mua những vật dụng sang trọng, hiện đại đem tới
cúng dường. “Những vị thầy này dù không muốn sử dụng nhưng cũng phải
dùng để gieo duyên với người Phật tử đó. Không dùng họ sẽ buồn, vì thế
mới có những hình ảnh mà một số vị ngoài đời chưa hiểu cảm thấy khó
chịu”, Hòa thượng Thích Thiện Tách cho hay.
Đồ “sang, mặn” phải hạn chế dùng
Chính những yếu tố trên nên với các
vật dụng như dép, đồng hồ, điện thoại, xe máy, ô tô… Chư Tăng/Ni sử dụng
chỉ nhằm mục đích để hỗ trợ cuộc sống tu học và hoằng pháp.
Theo Hòa thượng Thích Thiện Tánh: “Tuy
nói như vậy nhưng để tránh những người tu còn trẻ, công năng tu tập còn
thấp bị vướng vào các vật dụng quá sang trọng do Phật tử cúng dường và
tự mua sắm, Chư Tôn Đức vẫn luôn luôn nhắc nhở các Tăng/Ni trẻ, không
được dùng đồ thái quá, lòe loẹt, chỉ nên dùng với mục đích chống đỡ các
bệnh tật cho bản thân.
Chỉ nên xem những vật dụng đó là
phương tiện, không nên đòi hỏi quá tốt, cần ý thức về vấn đề mình là một
người xuất gia, xung quanh vẫn có những người nghèo khổ, vì thế dùng
cái gì cũng không nên quá lắm, đừng chạy đua như người thế gian, không
được đặt nặng vấn đề sống để hưởng thụ”.
Đối với người tu các vật dụng chỉ nên là phương tiện hỗ trợ cho việc tu học và hoằng pháp (ảnh minh họa) |
Cùng quan điểm với Hòa thượng Thích
Thiện Tánh, Sư Minh Đạt, Tịnh xá Trung Tâm quận Bình Thạnh chia sẻ thêm:
“Đối với người xuất gia những gì cần chỉ gói gọn trong vấn đề ăn, mặc,
ở, bệnh, còn những vấn đề khác chỉ nên xem là sự hỗ trợ.
Chính vì thế người tu hành cần sống
trong môi trường thanh đạm, những vật dụng như điện thoại, xe cộ… chỉ
nên xem là phương tiện, không được thái quá, đừng có chạy theo một này
mốt kia như người thế gian.
Với những vị Tăng/Ni làm ra được đồng
tiền từ việc giảng dạy, làm kinh tế… có thể sử dụng vào mục đích cá nhân
nhưng cũng không được sử dụng phung phí.
“Riêng việc một số Tăng/Ni sử dụng các
phương tiện, vật dụng có liên quan đến các xác thân của những con vật
như đồ da… thì nên nhớ lại trong giới luật cũng đã có ngăn cấm không cho
dùng các đồ lông thú, xương, sườn, ngà… da của các con vật.
Chính vì thế người tu cần chú ý để
tránh những vật dụng như thế. Nếu người nào sử dùng thì có nghĩa chưa ý
thức rõ vấn đề này hay vì giới nhỏ ít để ý nên đã phạm vào giới mà không
biết, tuy tội này không phải nặng nhưng đã phạm thì cần sám hối và dứt
trừ”, Sư Minh Đạt cười nói
Hoài Lương - KTO