;
Âm mưu phá bỏ Phật giáo của Pháp Luân Công
Âm mưu phá hoại Phật giáo của Pháp Luân Công
Vì sao Phật tử phải lên tiếng về Pháp Luân Công và Lý Hồng Chí
Hoa Ưu đàm và trách nhiệm báo chí truyền thông trong nước
Tôi có dịp tiếp xúc ít nhiều với Pháp luân công trong đúng giai đoạn giáo phái này đang bị hạn chế hoạt động tại Việt Nam. Ba tháng tìm hiểu Pháp luân công không phải là một quãng thời gian dài nhưng cũng đủ để tôi hiểu về cách thức tu luyện của giáo phái này.
Sơ lược về Pháp Luân công
Năm 1992, Lý Hồng Chí bắt đầu giảng dạy công khai một bộ môn khí công kết hợp tĩnh tọa ở vùng Đông Bắc Trung Quốc, lấy tên là Pháp Luân công (PLC). PLC xuất hiện vào cuối thời kỳ “bùng nổ khí công” của Trung Quốc, tuy nhiên trong số các nhóm khí công tại Trung Quốc lúc bấy giờ, PLC là giáo phái duy nhất bị báo chí chỉ trích.
Phản ứng lại các chỉ trích ấy, các học viên PLC đã kéo đến các tòa soạn báo biểu tinh, những cuộc tranh cãi tiếp tục leo thang, đến đỉnh điểm là hơn 10.000 người luyện tập PLC đã kéo tới biểu tình ở gần khu nhà trung ương chính phủ Bắc Kinh để yêu cầu chính quyền thừa nhận tính hợp pháp của PLC.
Lý Hồng Chí kẻ mượn giáo lý nhà Phật lập tà đạo Pháp Luân Công.
Chính quyền Trung Quốc với chính sách độc tài đã tổ chức đàn áp PLC, gây nên một cơn sóng truyền thông mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt là đối với những quốc gia cổ vũ Nhân quyền. Năm 1996, Lý Hồng Chí sang Hoa Kỳ tị nạn và tổ chức giảng dạy PLC tại đây.
Cuốn sách quan trọng nhất của PLC có tên “Chuyển Pháp Luân” (CPL). CPL là tập hợp tất cả những bài giảng của Lý Hồng Chí về PLC khi ông ta đi truyền giảng ở Trung Quốc.
Trong CPL, Lý Hồng Chí đã khẳng định một cách khăng khăng rằng: "pháp môn tu luyện ưu việt đưa con người đạt đến Cao tầng của tâm tánh". Tuy nhiên, do cuốn CPL được viết với nhiều khái niệm trừu tượng nên đa phần các tín đồ của PLC không hoan toàn lĩnh hội được hết các vấn đề mà CPL đề cập đến mà chỉ tin theo và thực tập theo những điều rất rõ ràng.
Hiện nay ở Việt Nam, PLC tổ chức nhiều nhóm tập theo từng khu vực. Số lượng tín đồ theo PLC tại nước ta chưa thấy số liệu cụ thể do tính chất hoạt động ngoài vòng pháp luật của giáo phái, nhưng ta có thể thấy sự ảnh hưởng của PLC khá phổ biến trên Mạng xã hội với nhiều kênh khác nhau mà lớn nhất có thể kể đến Đại Kỷ Nguyên, Trithucvn, Chanhkien, Minhhui…
Tính chất độc tài của Chuyển Pháp Luân (CPL)
Chuyển Pháp Luân (CPL) có tất cả 9 chương, tất cả đều bàn các vấn đề về tu luyện với nhiều tầng bậc khác nhau xoay quanh ba giá trị Chân – Thiện - Nhẫn. Cuốn sách này không chỉ đưa ra các quan điểm về tu hành của Lý Hồng Chí mà còn đả kích rất nhiều các giao phái khác, hạ thấp các giao phái khác là “can nhiễu đến chính pháp” mà Lý Hồng Chí rao giảng.
Ví dụ như, khi đả kích Thiền Tông, Lý Hồng Chí đã đưa ra một loạt những lời lẽ hạ thấp Thích Ca Mâu Ni: “Pháp mà Thích Ca Mâu Ni giảng, cách đây 2 nghìn 5 trăm năm dành cho những người thường ở tầng cực thấp, mới thoát thai từ xã hội nguyên thuỷ”, hay “Thích Ca Mâu Ni dưới cội bồ đề khai công khai ngộ rồi, chưa lập tức đạt đến "tầng Như Lai".
Trong suốt 49 năm truyền Pháp, liên tục tự mình đề cao. Mỗi khi đề cao [lên] một tầng, quay lại xét thấy Pháp mình vừa giảng xong không còn đúng nữa. Lại đề cao lên, phát hiện rằng Pháp mình vừa giảng xong lại cũng không đúng nữa. Cứ đề cao lên, lại phát hiện rằng Pháp vừa giảng xong lại không còn đúng.
Trong toàn bộ 49 năm, không ngừng thăng hoa như thế; mỗi lần đề cao [lên] một tầng, lại phát hiện Pháp giảng trước đó về nhận thức đều là rất thấp.”. Bồ Đề Đạt Ma, vị thiền sư mở đầu Thiền Tông cũng bị Lý Hồng Chí miệt thị không tiếc lời: "Thích Ca Mâu Ni giảng: ‘Pháp vô định Pháp’. Ông ấy căn cứ trên câu thoại của Thích Ca Mâu Ni mà sáng lập pháp môn Thiền tông.
Chúng tôi nói cái pháp môn ấy là thứ dùi sừng bò. Sao lại gọi là dùi sừng bò? Khởi đầu khi Đạt Ma dùi vào trong thì thấy còn rộng; nhị tổ dùi vào thì thấy không còn rộng nữa; tam tổ thì thấy còn lọt được; tứ tổ thì thấy hẹp lắm rồi; ngũ tổ về cơ bản chẳng còn gì để dùi nữa; tới lục tổ Huệ Năng thì đã đến đỉnh [sừng bò] và có dùi cũng chẳng đi đến đâu được nữa.” Những lời lẽ đả kích cho thấy chính bản thân Lý Hồng Chí cũng không đạt được đến ba chữ Chân – Thiện – Nhẫn mà ông ta rao giảng. Các lý lẽ đả kích của Lý Hồng Chí đối với Phật giáo không chỉ ra những lầm lạc của Phật giáo mà chỉ thóa mạ không căn cứ. Hơn nữa, ông ta còn không phân biệt được tư tưởng của Phật và tính chất hệ thống giáo phái của Phật.(1)
Một điều nực cười hơn hết đó là mặc dù đả kích Phật giáo nhưng PLC cứ như một bản giả nhái của Phật giáo. Mặc dù tự khẳng định PLC không phải Phật giáo, song PLC vẫn được các đệ tử coi là môn pháp tu luyện của Phật gia (2), và sử dụng không ít các khai niệm của Phật giáo được dịch ra tiếng Hán như “Chân – Thiện”, “Pháp”, “Đại giác giả”, “Phật gia”, “Phật pháp”… Thậm chí, tên sách “Chuyển Pháp Luân” cũng là một sự nhập nhằng với cuốn kinh Phật giáo cũng có tên “Chuyển Pháp Luân” là tập hợp các bài giảng về sự giải thoát của Thích Ca Mâu Ni tại vườn Lộc Uyển cho anh em Kiều Trần Như.
PLC cho rằng trên đời chỉ có ba tiêu chí “Chân – Thiện – Nhẫn” là đúng đắn nhất và tự gán chúng là Phật pháp, tuy nhiên lại không thể đưa ra định nghĩa rõ ràng thế nào là Chân – Thiện – Nhẫn mà chỉ tự suy đóan gán ghép Phật giáo gắn với Thiện, Đạo giáo gắn với Chân mà chỉ có PLC bao hàm tất cả.
Đặc biệt, PLC tự cho mình là giáo pháp duy nhất đúng đắn. Ngay trong Chuyển Pháp Luân cũng khẳng định: “Các tôn giáo sinh ra trong thế kỷ này; [mà] không chỉ thế kỷ này, mấy thế kỷ trước ở các vùng khác nhau trên thế giới cũng có nhiều tôn giáo mới xuất sinh; phần đông chúng đều là giả.” Hay “Tôi nói với mọi người rằng chúng (chỉ tất cả các tôn giáo khác) đều thuộc về tà giáo; dẫu chúng chẳng hại người, chúng vẫn là tà giáo. Bởi vì chúng can nhiễu đến [việc] con người tin vào chính giáo; chính giáo là độ nhân, còn chúng thì không thể.”
Thêm nữa, Lý Hồng Chí luôn tự nhận những lời giảng pháp của ông ta rất sâu xa: “những gì tôi giảng, ý nghĩa rất sâu xa, kết hợp với những điều tại cao tầng mà giảng”. Và đáng sợ hơn hết đó là sau mỗi đệ tử đều có “pháp thân” của Lý Hồng Chí bám theo như những con chip gắn theo người để điều khiển và giám sát: “đằng sau thân mỗi học viên đều có Pháp thân của tôi, mà không chỉ có một [Pháp thân]; do đó Pháp thân của tôi sẽ làm những việc ấy…
Các Pháp thân của tôi ngồi thành một vòng tròn, trên không úp trên trường luyện công có Pháp Luân lớn, [và] Pháp thân lớn ở trên nắp trông coi trường này. Trường này không phải là một trường bình thường, không phải là một trường luyện công bình thường, mà là một trường tu luyện…Pháp thân của tôi có thể trực tiếp cài Pháp Luân.”
Có thể nói, PLC là giáo phái triệt tiêu mọi yếu tố tự do cá nhân của con người, ấy thế mà Lý Hồng Chí lại được Quỹ Nhân quyền Châu Á trao tặng giải thưởng: “Lãnh tụ tinh thần kiệt xuất” năm 2009. Và nếu như quả thực một ngày PLC trở thành quốc giáo của một quốc gia nào đó thì có thể chắc chắn rằng quốc gia ấy sẽ ở trong một xã hội toàn trị với sự giám sát ở cả thế giới hữu hình và vô hình trong một bầu không khí triệt hạ mọi tính cá nhân.
Chăm bẵm cho đời sống vật lý
Mặc dù Lý Hồng Chí không đề cao “chữa bệnh khỏe người” nhưng đa phần những người tu PLC đều chỉ quan tâm đến không những “khỏe” mà còn phải “đẹp”. Gần đây trên trang Đại Kỷ Nguyên, một website của PLC tại Việt Nam đã đăng tải bài báo về diễn viên múa Lê Vy và sự thích thú của cô khi khám phá ra rằng PLC đã giúp cô chống lại tuổi già mà không cần đi tập múa. Bài báo viết: “Chị kể, từ khi học và luyện 5 bài công pháp nhẹ nhàng của môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, chị thấy mình khỏe khoắn, tươi vui và tràn đầy năng lượng.” (3) (Nhờ pháp thân của Lý Hồng Chí chăng?). Bài báo nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội bởi các chị, các mẹ đã đến tuổi suy tàn nhan sắc, họ rủ nhau đi tập PLC để được như Lê Vy (Như tôi đã nói ở trên, PLC rất biết làm truyền thông).
Phàm đời người, ai cũng phải trải qua Sinh – Lão – Bệnh – Tử, việc tu luyện để kéo dài tiến trình đời sống là một cái nhìn lệch lạc. Con người tu luyện để có một nhận thức cao hơn, vứt bỏ những chấp niệm che mờ tâm trí, để được quay về là chính bản thân mình chứ không phải là cái vỏ mà xã hội khoác lên chúng ta. Nhưng tu luyện để có một cơ thể khỏe đẹp và đời sống dễ dàng không phải tu luyện chân chính mà chỉ là một phương pháp trị liệu tâm lý thời đại một cách tạm thời, một liều “doping” để tiếp tục sống giữa thế gian và trở thanh bộ phát cho những lý lẽ và trường năng lượng mà Lý Hồng Chí đề ra. Lý Hồng Chí cho rằng: “Các Đại Giác Giả độ nhân, [họ] đều có thiên quốc của bản thân mình; Thích Ca Mâu Ni, A Di Đà Phật, Đại Nhật Như Lai, v.v., các Phật Như Lai ấy độ nhân, [họ] đều có thế giới do bản thân mình chủ trì. Tại hệ Ngân Hà này của chúng ta, có trên một trăm thế giới như thế; Pháp Luân Đại Pháp của chúng tôi cũng có thế giới Pháp Luân.” Những đệ tử của PLC đã bao giờ tự hỏi mình rằng liệu mình có phải là “viên gạch” để tạo nên cái “thế giới Pháp Luân” hay “thế giới Lý Hồng Chí”? Người tu luyện chân chính không “dụng” con người theo cái cách ấy.
Một bậc thầy chân chính sẽ chỉ cho đệ tử của mình cách để tự nhận thức, tự giải thoát, hướng tới tự do đích thực chứ không biến đệ tử thành “viên gạch” như vậy. Đương nhiên, cái giá để trở thành viên gạch chính là có một cơ thể khỏe đẹp, tinh thần sảng khoái. Sự hưng phấn của đệ tử PLC khi nhìn thấy “ánh sáng của đại pháp” thật chẳng khác nào “Mặt trời chân lý chói qua tim” (thơ Tố Hữu) của những người Cộng Sản, ấy thế mà họ lại ghét nhau, lạ thật! Có lẽ sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc là quả nghiệp mà PLC phải hứng chịu do tiến trình tu khẩu của Lý Hồng Chí chưa thành.
Thang đo trí tuệ của các đệ tử theo PLC rất thấp. Khi theo PLC, họ không tự đánh giá được bản thân mình rằng liệu sự hiểu biết của họ về vũ trụ, về nhân sinh có tăng tiến hay không, liệu họ có hiểu hơn về bản thân mình hay không. Họ chỉ lấy những chuẩn rất tầm thường như: “cơ thể khỏe mạnh hơn, trẻ trung hơn” hay “tinh thần thoải mái hơn”, “nhiều năng lượng hơn” – những lời lẽ mà ta có thể dễ dàng bắt gặp ở đệ tử của các giáo phái khác khi ca ngợi giáo phái của họ. Để đạt được những tiêu chí ấy, họ đã vứt bỏ toàn bộ tính cá nhân của mình để tự biến mình thành viên gạch xây dựng nên thế giới lý tưởng Pháp Luân.
Đương nhiên, một số điều PLC rao giảng nghe có vẻ cũng rất có lý, nhưng trộn lẫn những điểm cực đoan với một số lý lẽ chiết trung luôn rất dễ kích động những độc giả non nớt trong nhận thức và không có đủ tri kiến sâu rộng.
Có thể, bản thân Lý Hồng Chí và các đệ tử của ông ta “không có ý định rao giảng một tà pháp” (học theo luận điệu của Lý Hồng Chí khi công kích các tôn giáo khác) song ông ta quá tự đắc với quyền năng mình đạt được trong quá trinh luyện khí công và tĩnh tọa, dần dần dẫn đến ảo tưởng về vị trí của một bậc “đại giác giả” – một thủ lĩnh tinh thần. Và đương nhiên Lý Hồng Chí không thoát khỏi căn tính của một người Trung Quốc lạc hậu tự cho mình là trung tâm của thế giới khi ông cho rằng chỉ có PLC là chính pháp duy nhất và ông có sứ mệnh cứu độ thế giới khỏi cơn lầm lạc.
Niềm tin bệnh hoạn đó được đắp bằng cái vỏ của đạo đức mà chính ông ta cũng không nhận thức được rằng mình đang cố bám lấy để trốn chạy khỏi những nghi vấn về bản thân, và đương nhiên, chẳng cái vỏ nào hoàn hảo như cái vỏ đạo đức.
Hà Thủy Nguyên
(1): Các đoạn trích đều từ cuốn Chuyển Pháp Luân
(2): https://plclagi.com/su-that-it-nguoi-biet-ve-phap-luan-cong-o-viet-nam/#Phap_Luan_Cong_la_gi
(3): https://tinhtue.org/bai/nghe-si-mua-le-vy-cuoc-doi-toi-may-man-khi-tim-thay-anh-sang-chan-ly-cua-cuoc-doi-2/
PS: Sau khi tôi chia sẻ bài viết này trên facebook, có một số độc giả cho biết rằng họ không quan tâm đến giáo lý của Lý Hồng Chí mà chỉ tập công thôi vì nghĩ rằng công ấy cũng khỏe người, cũng tốt. Tôi cho rằng lập luận này có mấy vấn đề sau:
Thứ nhất: Các môn luyện khí như khí công truyền thống của Trung Quốc (như Đạt Ma Dịch Cân kinh, Thái Cực quyền, Vịnh Xuân Quyền...) hay Yoga đều có thể mang lại hiệu ứng tương tự, cứ gì cứ phải Pháp Luân Công. Những môn này cũng tạo ra cân bằng, điều hòa cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn chẳng hề kém cạnh. Vậy tại sao không khuyên họ tập những môn đó mà cứ phải là Pháp Luân Công.
Thứ hai: Như ở trên tôi đề cập đến, Lý Hồng Chí đã khẳng định rằng nếu học viên tập công của ông ta thì pháp thân của ông ta sẽ đi theo. Thực hư chuyện pháp thân rất khó nói cho rõ, nhưng lấy gì để đảm bảo rằng sau một thời gian tập Pháp Luân Công người tập không bị tẩy não để tin theo những tín điều mà ông ta đã đề ra?
Thêm nữa, tôi cho rằng các hoạt động của Pháp Luân Công ở Việt Nam hiện nay là một sự phiền nhiễu lớn không phải đối với chính quyền (có khi mấy ông chóp bu cũng tập không chừng) mà là sự phiền nhiễu với dân chúng. Cứ ở đâu có khuôn viên rộng rãi, thế nào cũng có một đám tập Pháp Luân Công bật nhạc ầm ĩ. Đó là một sự chiếm dụng không gian công trắng trợn, gây phiền hà đến những người khác, chẳng khác nào những hoạt động nhảy xập xình. Chưa hết, thấy có người qua lại, họ lao vào đưa tờ rơi và quảng bá về Pháp Luân Công theo lối bán hàng đa cấp. Những tờ rơi truyền bá đó đâu chỉ nói về "chữa bệnh khỏe người" mà còn tuyên truyền ít nhiều về giáo lý trong "Chuyển pháp luân" nữa.
Tôi cho rằng tự do tôn giáo tín ngưỡng là điều tốt, nhưng cần phải có cơ chế để quản lý các tôn giáo tín ngưỡng sao cho không để chúng xâm phạm những vấn đề khác. Pháp Luân Công hoạt động ngoài vòng pháp luật ở Việt Nam nhưng nó lại được ngang nhiên thoát khỏi các trách nhiệm pháp lý mà đáng ra phải tuân thủ, ví dụ như: không bài xích tôn giáo khác, không chiếm dụng không gian công...
Nguồn: https://www.ipick.vn/bai-viet/phap-luan-cong-doi-linh-hon-lay-co-the