;
Ở miền Bắc, hầu như làng nào cũng có chùa, không tòa ngang dãy dọc hàng trăm gian với gác chuông, tam quan đồ sộ thì cũng nhỏ nhắn mái ngói rêu phong nép bên những hàng cổ thụ.
Ngày rằm, mồng Một dân chúng tới chùa, lễ Tết già cả gái trai nô nức, chen nhau lên chùa trong khói hương nghi ngút. Qua những câu ca dao, như: “Cho dù cha đánh mẹ treo. Em cũng không bỏ hội Keo hôm rằm”, “Gái chưa chồng nhớ hang Cắc Cớ, trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy” cho thấy nhiều lễ hội chùa lớn như chùa Keo, chùa Thầy, chùa Hương, Yên Tử đã trở thành lễ hội cả vùng, lễ hội tầm quốc gia, kéo dài hàng tháng, thu hút hàng vạn khách thập phương tham gia.
Ấy vậy mà hiện nay, những ngôi chùa tưởng như gần gũi ấy nhiều khi lại xa xôi diệu vợi…
Từ một vị sư tự thiêu…
Đại đức Thích Thanh Hoằng (thế danh Nguyễn Thành Mười, 42 tuổi) đã tự thiêu tại chùa Tư Phúc, thôn Sơn Đồng, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình lúc 22 giờ 30 ngày 28/11/2012 gần đây. Sư xuất gia từ năm 1995, trụ trì chùa từ năm 2002 đến nay.
Báo Thanh Niên dẫn thông báo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình rằng: việc tự sát bằng hình thức tự đốt của đại đức Thích Thanh Hoằng là hành động tiêu cực cá nhân; xuất phát từ sự mâu thuẫn với những người đã đến chùa bắt nợ, là bế tắc trong xử lý công nợ chứ không phải do mâu thuẫn với nhân dân và chính quyền thôn, xóm.
Tuy nhiên, trao đổi với Vnexpress, đại tá Trần Xuân Tuyết, giám đốc Công an tỉnh Thái Bình lại cho biết, do trước đó, nhà sư này được cho là không được tín nhiệm của người dân và quan hệ không tốt với phật tử, nên đã bị bỏ phiếu đề nghị chuyển đi nơi khác, nên “không chịu được áp lực, nhà sư đã viết thư để lại và tự thiêu”.
Như vậy, mỗi cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình lại trả lời một nẻo, gây nhiễu loạn thông tin khiến dư luận hoang mang.
Lẽ ra, trong sự việc như thế này, thì tỉnh Thái Bình phải thống nhất một đầu mối thông tin và chỉ một mà thôi. Điều đáng lưu ý là trong thông báo của Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Thái Bình khẳng định: đây không phải là do mâu thuẫn với nhân dân và chính quyền thôn, xóm; nhưng ông giám đốc công an tỉnh lại cho biết là do sư trụ trì không được dân tín nhiệm, nên đã bị bỏ phiếu đề nghị chuyển đi nơi khác.
Chưa rõ nguyên nhân nào khiến sư trụ trì phải tìm tới cái chết bằng cách tự thiêu, nhưng theo một nguồn tin riêng của người viết thì mâu thuẫn giữa đại đức Thích Thanh Hoằng và dân làng Sơn Đồng đã có từ lâu, dân làng nhiều lần tìm cách trục xuất sư đi mà chưa được, vì chưa có lý do hợp lệ; gần đây không rõ chuyện gì mà một số người lạ mặt đi ô tô tới chùa đòi xiết đồ với lý do thầy trụ trì nợ nần, nhưng bị Phật tử ngăn cản vì đó là đồ đạc của chùa, chứ không phải của thầy trụ trì khiến họ bỏ đi, nhưng đe nẹt là sẽ quay lại.
Một đồn mười, mười đồn…một nghìn khắp làng trên xóm dưới, thậm chí cả chuyện sư có bồ bịch, bài bạc thua nợ.
Nhân cớ đó, dân làng tổ chức cuộc họp và biểu quyết để thầy đi “lánh nạn” hay ở. Số muốn thầy đi “lánh nạn” chờ tới khi nào tình hình yên ổn thì quay về lớn hơn số muốn bảo bọc thầy ở lại. Sư khóc, xin ở lại, nhưng không lay chuyển được tình hình và chuyện gì đến đã đến như thông tin trên báo chí.
Chùa Tư Phúc vốn là ngôi chùa cổ, nằm ở đầu làng Sơn Đồng, kiến trúc qui mô khá lớn với niên đại thời Nguyễn và cũng mới được tu sửa, xây dựng lại gần đây, tuy nhiên, cổ vật quý giá nhất một quả chuông đồng thời Mạc – đây là cổ vật hiếm hoi thời Mạc ở Thái Bình (một số ngôi chùa có cổ vật, kiến trúc khá toàn vẹn và được coi là cổ nhất Thái Bình cũng chỉ là thời Lê – Trịnh như: chùa Keo, chùa Đọ, chùa Kênh Đồng…).
Nghe nói, khá nhiều người ở các nơi đã tới nhòm ngó quả chuông quí giá này, nhưng đều bị sư trụ trì từ chối.
Cũng như phần lớn chùa chiền miền Bắc và Bắc Trung Bộ, sau năm 1954 khi nhà nước triển khai phong trào hợp tác xã đã bị bỏ hoang, ghẻ lạnh và bị biến thành lớp học, nhà kho hoặc san thành bình địa để thủ tiêu sự mê tí dị đoan, đồng thời với việc tịch thu ruộng chùa để chia cho dân nghèo thì chùa Tư Phúc cũng bị thờ ơ.
Tăng ni tứ tán, chùa chiền nếu giữ được thì cũng vá víu nhờ sự tận tình của một số Phật tử hoặc người có tín tâm hiếm hoi trong làng. Cùng với đình phủ miếu mạo dường như bỏ ra ngoài lề sự phát triển của xã hội, chùa làng cũng chịu chung số phận, nghiệp.
Ngôi chùa chỉ theo thóp khói hương, chuông mõ vào những ngày rằm, mồng Một hoặc Tết lễ đôi lần một năm. Nhiều chùa chỉ còn ông từ (thủ nhang), bà vãi lo đèn hương, cho nên kinh kệ gần như xếp xó hoặc không ai còn đọc, hiểu.
Người dân tới lễ chùa chỉ coi chư Phật, Bồ Tát như những vị thần có khả năng quyền phép vô biên, tha hồ ban phúc giáng họa như trong phim…Tây Du Ký hay phim truyền hình của Tàu nhan nhản trên TV, tùy theo việc có bày biện được mâm cao cỗ đầy với đủ xôi oản chân giò, rượu thịt hay khấn hay vái dẻo chứ không hoặc rất ít am tường lịch sử, giáo lý cơ bản nhà Phật.
Sau 1986 – thời kỳ đổi mới và gần đây thì nhiều chùa chiền được tu sửa, phục dựng lại, nhưng đó cũng chỉ là phần xác (nhiều khi cái xác ấy còn vá víu, hoặc tô trát, mổ xẻ tới mức không còn nhận ra dáng vẻ chùa Bắc), còn phần hồn thì vẫn rất lơ mơ.
Phần đông dân chúng vẫn xem chùa là nơi “vui già” của các bà, các cô và vẫn nhìn tăng ni trụ trì như những người khấn vái thuê khi nhà hữu sự: người chết hoặc tình duyên khó khăn hoặc con cái thi thố, học hành, hiếm muộn hoặc cầu thăng quan tiến chức, cầu buôn may bán đắt...
Không hiểu thì không phục, không biết thì không kính, cho nên chuyện nhiều người trong làng coi tăng ni như bằng vai phải lứa, chê trách là trốn tránh nợ đời như những mô típ quen thuộc trong văn học nghệ thuật: Thị Kính (chèo cổ Quan Âm Thị Kính), Lan (Lan và Điệp)…, là lười biếng không chịu tự làm mà ăn và là đầu đề chế giễu trong các chuyện tiếu lâm, tục tĩu, nhất là chuyện ăn uống chay – mặn, thậm chí gọi là thằng, con không phải là hiếm.
Khoảng cách giữa người xuất gia và người dân trong con mắt dân chúng gần như bằng không, thậm chí còn là số âm khi được bồi đắp thêm bằng những câu chuyện tiếu lâm, tục tĩu thì rất dễ hiểu tại sao họ lại không cần tăng ni trụ trì, không cần tới chùa.
Thậm chí, vài năm gần đây, khi một số tăng ni được giới thiệu hoặc tự nguyện tới trụ trì chùa làng thì vẫn có không ít làng quê từ chối vì lý do, làng nghèo không nuôi được sư hoặc đón sư về chùa chỉ tốn tiền, tốn gạo.
Theo một số người dân thì sư trụ trì chùa Sơn Đồng cũng phải tăng gia sản xuất để tự nuôi bản thân và gìn giữ nơi thờ Phật bằng cách trồng rau màu và chăn nuôi lợn.
Thế nên, chuyện có mâu thuẫn hoặc nếu như có mâu thuẫn giữa tăng ni trụ trì chùa và dân làng nhiều khi cũng không có gì khó hiểu.
Cũng ở huyện Quỳnh Phụ này, trước đó không lâu, dân của một làng cũng đã phải họp và đồng lòng trục xuất một vị ni trụ trì chùa đi nơi khác, dù trước đây khi về chùa vài năm đã xây cất, tu sửa ngôi chùa nhỏ nhắn ọp ẹp trở nên mới mẻ, tinh tươm hơn, nhưng chỉ vì sư thầy hay sa sả quát mắng Phật tử - phần lớn là những cụ già, rồi túm tóc đánh tiểu, đưa người – nói là người nhà – ăn mặc mắt xanh đỏ tím vàng về chùa và hầu đồng liên miên.
Còn một số người hiểu biết thì rất rầu lòng khi tới một ngôi cổ tự đẹp bậc nhất Việt Nam ở một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, bởi người dân cho biết và không ít người được chứng kiến là cứ đưa cho vị sư trụ trì vài chai là tha hồ chén chú chén anh, rồi muốn xem cổ vật, báu vật nào của chùa cũng được…
Khác với tăng ni Nam Trung Bộ trở vào và miền Nam được học hành bài bản từ nhỏ, không ít tăng ni miền Bắc trình độ có giới hạn và số lượng lại rất mỏng. Ngay như huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình theo bản báo cáo nhân đại hội giáo hội Phật giáo huyện vừa qua thì cả huyện có hơn 100 ngôi chùa nhưng tới nay mới có chừng 30 tăng ni trụ trì, trong đó nhiều tăng ni phải kiêm quản.
Một tỉnh miền núi phía Bắc có không ít di tích chùa cổ từ thời Lý Trần, dân số khoảng 800 nghìn người thì tới nay mới có 5 tăng ni trụ trì và mới thành lập được ban đại diện giáo hội Phật giáo tỉnh, hoặc như thành phố Sơn La – thủ phủ tỉnh Sơn La với chừng 80 nghìn dân lại chưa có ngôi chùa nào; trong khi theo thông tin trên báo đài của nhà nước thì Tây Bắc là vùng phát triển rất mạnh mẽ của đạo Tin lành trong những năm gần đây, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc ít người.
Phật pháp với tín ngưỡng bản địa miền Bắc – chuyện cũ mà không cũ
Theo sử sách thành văn thì gần 2000 năm trước, khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào miền Bắc Việt Nam – khi ấy đang là bị Trung Quốc đô hộ thì đã dung hòa với tín ngưỡng thờ thần thánh thiên nhiên của người Việt mà biểu hiện rõ nhất là tích Man Nương và Tứ Pháp ở vùng chùa Dâu Luy Lâu (Bắc Ninh ngày nay).
Có lẽ chính vì nếp tùy duyên bất biến ấy mà đạo Phật đã bén rễ và phát triển vững chắc trong gần 2000 năm qua tại Việt Nam cũng như nhiều nước châu Á?
Do một thời gian dài, chùa chiền miền Bắc bị bỏ hoang, tăng ni phiêu bạt, không còn ai hướng dẫn, mặt khác cộng với sự đứt gãy về việc học chữ Hán Nôm để có thể đọc, tìm hiểu được lịch sử ngôi chùa qua những văn bia, câu đố, hoành phi cổ trong chùa, nên hiện nay phần lớn Phật tử, dân làng đều lạ lẫm trước những ban thờ, hệ thống tượng trong chùa làng miền Bắc; ngay cả không ít tăng ni miền Nam, miền Trung ra trụ trì, hoằng pháp cũng không là ngoại lệ.
Một cô giáo dạy môn xã hội ở tỉnh Thái Bình chăm đi chùa, nhưng khi hỏi thì cười bảo là chỉ biết chùa có thánh Ông, thánh Mẫu, còn lại là…cười tươi.
Ngoài thờ Phật, Bồ tát thì bất cứ ngôi chùa làng miền Bắc nào cũng có gian thờ đức ông, thờ Mẫu của tín ngưỡng Tứ Phủ, thờ đức Thánh Trần hoặc gần đây thường được gọi là đạo Mẫu, thờ Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào Bắc Đẩu của đạo Nho, đạo Lão…Nếu như tín ngưỡng thờ Ngọc Hoàng thượng đế là của đạo Lão, đạo Nho đến từ Trung Quốc từ hàng nghìn năm trước ngay trong thời 1000 năm Bắc thuộc thì tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ thánh Trần là sản phẩm tư duy của người Việt, bắt nguồn từ văn hóa thờ Mẹ, nặng tính Mẫu hệ của cư dân cổ vùng Đông Nam Á cũng như từ truyền thống đánh giặc giữ nước, tưởng nhớ anh hùng dân tộc, tổ tiên hàng nghìn năm qua của cư dân bản địa.
Ngay cả thời Lý – Trần, khi Phật giáo được xem là quốc giáo, với nền minh triết Phật học phát triển tột độ thì việc thờ cúng tổ tiên, anh hùng dân tộc – những người có công với đất nước, tín ngưỡng thờ Mẫu không vì thế mất đi, mà vẫn được nhà nước quan tâm.
Còn hiện trạng việc thờ cúng như trong các ngôi chùa miền Bắc hiện nay có thể là sản phẩm được kết tinh lại từ thời Lê sơ – Mạc cách đây 500 năm? Đó thực sự là gốc rễ sâu bền mà Phật giáo muốn phát triển vững mạnh ở miền Bắc không thể không quan tâm! Nó như một mạch nước ngầm có thể bị nhà cửa, đường sá, công trình xây dựng đè nén lúc này hay lúc khác, nhưng không vì thế mà mất đi, vẫn âm thầm chảy và có thể một lúc nào đó lại lộ thiên, chảy ào ạt.
Thế nhưng, điều đáng nói là một số tăng ni trẻ miền Nam, miền Trung ra hoằng pháp hoặc một số tăng ni trẻ miền Bắc vào miền Nam, miền Trung tu học khi về lại dẹp bỏ ngay tín ngưỡng thờ Mẫu thờ Thánh này. Một số sư cô miền Nam khi ra Bắc trụ trì chùa làng, khi xây chùa mới đã ngay lập tức hạ bệ toàn bộ hệ thống tượng Ngọc Hoàng, Mẫu xuống ngôi chùa nhỏ bên cạnh hoặc một ngôi chùa lớn ở Sài Gòn khi xây dựng chùa mới ở một làng quê miền Bắc cũng đã chỉ thờ mỗi tượng đức Phật A di đà cực lớn rất đắt tiền (nhập từ Đài Loan), còn lại dồn hết tượng Phật, Bồ Tát, thánh thần cổ kính khác xuống ngôi nhà nhỏ bên cạnh.
Điều này khiến dân làng rất sốc và e ngại, lo sợ. Hàng trăm năm qua, Phật pháp đã chung sống chan hòa, “hòa quang đồng trần” với tín ngưỡng dân gian miền Bắc, cũng như Phật pháp đã lan tỏa bên cạnh tín ngưỡng thờ Quan Công, ông Địa, thần tài, vương mẫu, bà Ngũ Hành… ở chùa miền Trung, miền Nam; nhưng không vì thế mà Phật pháp tầm thường đi.
Mặt khác, nếu muốn gỡ những dây leo, tầm gửi ra khỏi thân cây đại thụ thì cũng phải gỡ từ từ, chứ gỡ kiểu bứt dây động rừng như vậy thì không rõ hậu quả sẽ thế nào?
Không rõ hậu quả thế nào nhưng trước mắt là một số con nhang đệ tử của tín ngưỡng thờ Mẫu thờ thánh ra mặt chống đối tăng ni mới về quyết liệt. Dân gian miền Bắc vốn có câu “đất vua chùa làng”, thế nhưng hiện nay không ít nơi vin vào cớ rằng tăng ni trụ trì mới biến chùa làng thành chùa riêng của mình, nên đã gây khó khăn không ít cho việc hoằng dương chính pháp.
Báo Thanh Niên cho biết: chùa Nôm ở làng Nôm, Hưng Yên – một ngôi cổ tự tại một làng cổ nổi tiếng đất Bắc hòa hợp với cầu đá 9 nhịp, những mái nhà truyền thống dưới hàng cổ thụ thì sau khi được sư trụ trì – với sự hỗ trợ cung tiến của những Phật tử giàu có ở thành phố, ở địa phương khác – đứng lên tu sửa đã chềnh ềnh một tam quan bằng gỗ quí như đè nát của chùa chính, rồi làm thêm vô tội tạ những công trình khác không theo qui chuẩn kiến trúc nào, tới mức một số người cao tuổi trong làng phải kêu lên: “Chùa Nôm không phải của làng Nôm nữa rồi mà của riêng ông sư ấy”.
Câu chuyện về việc phá gác khánh, hay sơn mới bằng sơn công nghiệp hàng chục bức phù điêu tuyệt tác có tuổi đời hàng trăm năm chùa Trăm Gian (Hà Nội) – di tích lịch sử cấp quốc gia được xếp hạng từ rất sớm mới đây tiếc thay chưa phải là dấu chấm hết cho những dự án vẽ voi trùng tu một cách…bạo tàn.
Chùa một làng dân cư đông đúc, sung túc khi có sư thầy về trụ trì đã bị không ít người làng chống đối quyết liệt. Dân làng bị chia là 3 – 4 phe, phe thì theo thầy cúng, phe thì theo sư ở chùa làng khác, tới mức rải truyền đơn chửi mắng nhà sư không thiếu điều tiếng gì.
Dân quê miền Bắc vốn bị mang tiếng là thủ cựu, “đất lề quê thói” thành nếp hàng trăm năm nay, nên không thể một sớm một chiều giũ bỏ sạch. Chưa tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận chính pháp thì lại vô tình đẩy họ ra xa mình thì việc hoằng pháp có lẽ cũng không dễ dàng.
Một sư cô ở miền Nam ra trụ trì một chùa nhỏ ở vùng đồng bằng sông Hồng và hiện nay được dân làng rất tin tưởng, kính phục, cho biết: “Các cụ có câu: “Dục tốc bất đạt”, mình phải “mưa dầm thấm lâu”, phải giải thích cho người dân hiểu tại sao các cụ ngày xưa lại thờ chung Phật cùng những tín ngưỡng, tôn giáo khác như vậy, ví dụ như thờ Mẫu thì phải phân tích cho dân hiểu là nếu một người phụ nữ như Thánh Mẫu Liễu Hạnh được tôn làm mẫu nghi thiên hạ thì chắc chắn phải có rất nhiều điểm tốt, để cho người dân, nhất là chị em phụ nữ đáng học hỏi; mặt khác theo tích cổ thì Mẫu Liễu cũng đã qui y làm đệ tử của Phật bà Quan Âm. Các thánh thần được thờ trong chùa cũng nằm trong quan niệm của nhà Phật, nhưng vẫn còn dưới Phật, Bồ Tát, mình phải hướng Phật tử và dân chúng hiểu đúng về điều đó, để đừng quá mê muội, quá bám víu trên con đường hướng tới cõi Phật, tới giải thoát. Mình muốn đến với họ thì phải hiểu họ và cũng phải làm cho họ hiểu mình, hiểu dần dần”.
Một điều đáng nói nữa là kiến trúc, mỹ thuật và không gian chùa làng miền Bắc cũng đang bị biến tướng quá mức sau khi được tu sửa, xây mới. Nhiều cổ vật hàng trăm năm tuổi bỗng chốc hóa thành sơ sinh.
Tại những ngôi cổ tự đẹp nhất, danh tiếng nhất miền Bắc cũng đều không có tượng Phật, Bồ Tát lộ thiên vì người xưa quan niệm: để tượng Phật giữa mưa nắng là bất kính, là có tội, cho nên tượng Phật bao giờ cũng được đặt ở vị trí cao nhất, kín nhất trong gian tam bảo. Hiện nay, cùng với sự ảnh hưởng của việc hoằng pháp của nhiều giảng sư, tăng ni miền Nam, miền Trung thì kiến trúc, mỹ thuật và không gian chùa miền Nam, miền Trung cũng dội ngược ra Bắc.
Nếu như chừng 10 năm trước, rất hiếm hoặc không ngôi chùa nhỏ nhắn làng quê nào có chon von, chót vót tượng Nam Hải Quán Thế Âm bồ tát bằng đá hoặc thạch cao trắng – mà một giáo sư nổi tiếng ngành sử học không ngần ngại gọi là tượng “thần bạch y” – thì nay gần như các chùa đua nhau làm, nếu không có tượng Quán Thế Âm màu trắng lộ thiên trước cửa chùa thì là điều gì ….bất kính lắm lắm.
Một điều nhức nhối nữa là đại dịch tượng sư tử Tàu tràn lan khắp chùa lớn lần chùa nhỏ. Theo hiểu biết của người viết thì những chùa cổ nhất, đẹp nhất miền Bắc xưa và cả những danh tự của miền Trung như chùa Thiên Mụ, chùa Bảo Quốc, chùa Từ Hiếu…và ngay cả những ngôi chùa cổ nhất, đẹp nhất của người Việt và cả người Hoa góp công góp của xây dựng ở miền Nam, như: chùa Phụng Sơn, chùa Hội Sơn, chùa Giác Viên, chùa Giác Lâm…cũng không hề có bóng dáng tượng sư tử Tàu; vậy mà hiện nay gần như mọi chùa chiền từ Nam ra Bắc, từ Bắc xuôi Nam đều chỗm chệ tượng sư tử Tàu, cảm giác nếu “kém miếng (thì) khó chịu”.
Điều gì đang diễn ra, điều gì khiến người ta cần phải làm như vậy? Những tượng sư tử đá thời Lý, Trần của chùa Việt xưa bị vất lăn lóc, dãi nắng dầm mưa, những cặp tượng chó đá thân thuộc, hiền hòa hoặc nghê đá trước cổng chùa Bắc cách đây vài chục năm cũng đã trở thành phế tích.
Đấy là chưa nói tới việc nhiều ngôi chùa thuần Bắc, rất đẹp và phù hợp với không gian, khung cảnh xung quanh, khí hậu, thời tiết với tường vôi trắng, mái ngói đỏ, ngói nâu rêu phong sau khi được trùng tu hóa thành xanh đỏ tím vàng với rồng cuốn phượng leo cực kỳ rối rắm, không theo bất cứ quy chuẩn nào, không còn nét đặc trưng nào, tới mức dân làng không thể nhận ra, khiến không ít người nghi ngờ, thậm chí coi thường về sự am hiểu văn hóa, lịch sử và nhất là trình độ thẩm mỹ của những tăng ni trụ trì.
Đó cũng là một lý do để ngôi chùa tự đẩy mình ra xa cách với dân làng.
Thói thường khi người ta chán chường thì sẽ đi tìm một con đường, lối đi khác để được an ủi, chia sẻ và cảm thông mà hiện nay đang có rất nhiều con đường, lối đi thênh thang đang vồ vập người dân nông thôn – nơi vẫn chiếm tới 80 % dân số Việt Nam và là một bộ phận quan trọng trong việc gìn giữ, phát triển văn hóa, tâm linh đất Việt.
Tuệ Tâm - PTVN