nguoiphattu.com Sáng ngày 16/4 Nhuận/ Nhâm Thìn (nhằm ngày 5/06/2012), toàn thể chư tôn đức tăng ni trong tỉnh vân tập về tại chùa Sắc Tứ Khải Đoan – Tp Buôn Ma Thuột – Đak Lak, làm lễ tác pháp an cư PL 2556.
An Cư xuất hiện từ rất sớm và được xem như là một truyền thống tu tập hằng năm vào mùa mưa của các đạo sỹ Bà La Môn và các tôn giáo Ấn Độ cổ đại. Đến thời Đức Phật, ban đầu ngài vẫn chưa chế định hàng xuất gia phải An Cư, nhưng về sau, xuất phát từ nhóm Tỷ-kheo Lục Quần[1]lang thang du hóa khắp nơi, dẫm đạp lên những loài sinh vật nhỏ bé đang sinh trưởng trong mùa mưa[2]làm tổn hại đến tinh thần từ bi, tôn trọng sự sống của người đệ tử Phật nên bị ngoại đạo và quần chúng chê trách: “Vì sao các sa-môn Thích Tử lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa? Ngay cả các du sĩ ngoại đạo, dù giáo lý được thuyết tồi tệ, vẫn sống cố định một chỗ trong mùa mưa, ngay cả những con chim sau khi làm tổ trên các ngọn cây cũng sống cố định trong mùa mưa. Còn các sa-môn Thích Tử thì lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa. Các vị ấy đang dẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt chúng sanh nhỏ nhoi”[3].
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đang trú tại thành Vương Xá, tinh xá Trúc Lâm[4]biết được sự việc, nhân đó Đức Phật mới chế luật cho hàng đệ tử xuất gia mỗi năm vào mùa Hạ[5]phải nhóm họp nhau lại một chỗ, kiết giới hạn, cùng nhau ăn ở tịnh tu trong thời gian ba tháng, Ngài dạy: “Này các Tỷ-kheo, ta cho phép An cư trong mùa mưa. Đây là hai thời điểm vào Mùa An cư: Thời điểm trước và thời điểm sau. Thời điểm trước là ngày kế của ngày trăng tròn tháng A-sa-đà, thời điểm sau là vào ngày sau trăng tròn tháng sau”,“này các Tỷ-kheo, trong ba tháng mùa mưa không nên du hành. Vị nào đi ra ngoài nếu không có lý do chánh đáng thì phạm Dukkata[6]”.
An cư, Phạn ngữ Varsa, Pàli ngữ Vassa, Hán dịch là Vũ kỳ[7], còn được gọi là Hạ An cư, Vũ An cư, Tọa hạ, Hạ tọa, Kiết hạ, Tọa lạp, Nhất hạ cửu tuần, Cửu tuần cấm túc, Kiết chế an cư[8]. An cư cũng có nghĩa: “Thân tâm đều tĩnh lặng gọi là An, đến thời gian quy định phải ở yên một nơi gọi là Cư”[9]hoặc “Thu nhiếp thân tâm yên tĩnh là An, thời kỳ phải ở lại là Cư”[10]. Nói một cách khác, An cư Kiết hạ là thời gian hàng xuất gia[11]phải sống yên ổn một chỗ. Như thế nào để một vị Tỷ-kheo sống yên ổn? Trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Thế Tôn dạy có năm yên ổn trú[12]là giữ gìn ba nghiệp[13] thanh tịnh, nghiêm trì giới luật và cuối cùng là trau dồi trí tuệ để thành tựu đạo nghiệp.
Cũng trong phẩm này, Đức Thế Tôn một lần nữa nhấn mạnh đến việc giữ gìn giới luật và thực hành đúng với giáo pháp mà ngài đã dạy, không phiền hà đến người khác và không gây tổn hại cho các loài chúng sanh: “Này Ananda, khi nào vị Tỷ-kheo tự mình đầy đủ giới và không làm phiền hà người khác với Tăng thượng giới. Cho đến như vậy, này Ananda, chúng Tỷ-kheo sống an ổn trú”[14].
An cư Kiết hạ là thời gian hàng xuất gia ở yên trong một khu vực có phạm vi nhất định, được ấn định các đường ranh giới gọi là cương giới. Có hai loại cương giới: Cương giới tự nhiên và cương giới ấn định. Cương giới tự nhiên lấy sông, núi, gốc cây... làm mốc giới hạn. Cương giới ấn định là giới hạn được hình thành qua sự thống nhất trong buổi họp Tăng-già. Các cương giới này có thể lớn nhỏ khác nhau, tùy theo số lượng Tỷ-kheo chung sống thống nhất. Nếu trú xứ rộng rãi, thì cương giới gồm hai lớp: Vòng ngoài gọi là đại giới. Mỗi bề có thể dài nhiều km, kể cả nhà và ruộng vườn của dân chúng. Vòng trong gọi là tiểu giới, bao gồm Thiền đường, Tổ đường, phòng ốc... Trong suốt mùa An cư, các Tỷ-kheo không được tự ý ra khỏi cương giới nếu không có duyên sự đặc biệt. Trường hợp nếu có, phải thưa trình trước Tăng chúng bằng việc thực hiện Tăng-già yết-ma.
Đức Phật lại mở rộng phạm vi cho các Tỷ-kheo bận nhiều công việc mà chia ra ba thời kỳ An cư: Tiền, trung và hậu An cư. Bắt đầu ngày 16 tháng 4 là tiền An cư, ngày 17 tháng 4 đến 16 tháng 5 là hậu An cư. Trung an cư tính từ 17 tháng 4 đến 15 tháng 5[15].
Như đã trình bày, An cư là truyền thống chung cho hàng tu sỹ của bất kỳ tôn giáo nào ở Ấn Độ lúc bấy giờ. Mặt khác, khi Đức Phật chưa chế định luật An cư, nhưng các Thánh tăng sống tri túc và nghiêm trì giới luật vẫn ở cố định một chỗ trong mùa mưa[16]. Do vậy, ngoài việc tôn trọng truyền thống, hạn chế dẫm đạp lên những côn trùng nhỏ bé, An cư vào mùa mưa là thời điểm thích hợp nhất để hàng Tỷ-kheo nỗ lực tu tập thiền định, phát triển tâm linh, tăng trưởng nội lực. An cư còn mang ý nghĩa quan trọng về xây dựng đời sống hòa hợp trong Tăng đoàn, đồng thời Tăng đoàn thanh tịnh và hòa hợp là tiêu biểu của sức sống cụ thể của giáo pháp mà Đức Thế Tôn đã từng giảng dạy. Đó cũng là nơi nương tựa tinh thần vững chắc và là niềm tin chân chánh cho những Phật tử tại gia sống giữa cuộc đời hỗn tạp.
Ngày nay, đời sống của hàng xuất gia không giống như thời của Đức Phật, không phải mỗi người du hóa một phương với ba y, một bình bát và ngủ dưới gốc cây, hang núi[17], mà đời sống theo từng Tông phái, Tổ đình riêng, chùa riêng… thì An cư là một truyền thống tu học hết sức cần thiết cho đời sống tu tập của Tăng già.
Tóm lại, duyên khởi của An cư Kiết hạ của hàng xuất gia dù như thế nào thì trong ý nghĩa sâu xa, nó là sinh mạng tồn tại của Chánh Pháp được duy trì bằng đời sống thanh tịnh và hòa hợp của cộng đồng Tăng lữ. Chừng nào chúng Tỷ-kheo còn nhiệt thành trong phận sự An cư ba tháng thì bấy giờ Chánh Pháp vẫn còn sức sống mạnh mẽ để loài người làm nơi qui ngưỡng và xây dựng một thế giới an lành.