;
Vấn nạn thuốc giả
Trong đợt này, Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư lấy gần 400 mẫu dược liệu thì có tới 60% mẫu chưa đạt chất lượng. Trong đó, 20% số thuốc còn bị trộn rác như cát, xi măng, lẫn tạp chất, giả mạo, tẩm ướp hóa chất độc hại…
Một cửa hàng bán thuốc Đông y tại chợ phiên làng Đám, xã Đại Áng , Thanh Trì, Hà Nội (ảnh minh họa) . |
Thông tin này khiến nhiều bệnh nhân lo lắng, bởi xưa nay không ai nghĩ uống thuốc Đông y trong bệnh viện lại có thể có độc. Trong đó, các chuyên gia đầu ngành Đông y nhận định, nghiêm trọng nhất là nhiều vị thuốc trộn tạp chất, nhuộm màu và giả mạo như bạch linh, hoài sơn, thỏ ty tử, hồng hoa. Ngoài ra, còn một số thuốc “treo đầu dê bán thịt chó”, sử dụng không đúng bộ phận như: Kim ngân hoa (sử dụng kim ngân đằng), liên nhục (dùng nắp hạt sen), phục thần (dùng bạch linh).
Vì sao mà ngay cả bệnh viện cũng bị “nhầm lẫn” thuốc?
Bà Trần Thị Hồng Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho rằng, lý do là vì “kỹ nghệ” làm giả thuốc đông dược ngày càng cao. Nếu trước đây, để phát hiện bạch linh giả, người ta cho vào nước, nếu thuốc tan thì biết là đồ giả. Nhưng hiện tại, bạch linh giả được tẩm canxi cacbonat để không tan trong nước.
Thuốc thỏ ty tử không chỉ được trộn bột xi măng cho nặng mà còn nhuộm màu để không bị phát hiện. Còn thuốc hồng hoa cũng bị nhuộm màu công nghiệp cho đỏ đẹp và nặng hơn mà hiện Vụ vẫn chưa xác định ra đó là hóa chất gì.
Ngoài ra, một số thuốc khác bị làm giả như nhân hạt cao lương giả ý dĩ, rễ sim giả ô dược, củ mỡ giả hoài sơn… Cho dù đã phát hiện và ngăn cấm nhiều năm nhưng nhiều thuốc vẫn nhuộm “thuốc độc” gây ung thư RhodaminB cho đỏ đẹp và chống nấm mốc…
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cũng nêu ra hàng loạt thuốc giả như “long vải” giả long nhãn, củ sắn giả bạch linh, thanh thảo giả đông trùng hạ thảo. Điều này khiến người bệnh bị móc túi mà bệnh không khỏi… Ngoài ra, người chế biến còn xông lưu huỳnh hay formaldehyde để chống nấm mốc… Có nhiều loại thuốc khác kém chất lượng đã được tinh chế hết chất bổ, chỉ còn “bã” như các loại sâm, linh chi…
Khó quản lý?
Theo nhận định của ông Phạm Vũ Khánh – Vụ trưởng Vụ Y dược cổ truyền, thuốc Đông y rất khó kiểm định vì “để trên bàn là thuốc nhưng dưới đất có thể là rác”. Dược liệu lại ở dạng tươi và sơ chế “không thể không mốc”. Nếu không thường xuyên được kiểm tra, phơi phóng, sấy khô thì chỉ vài ngày có thể ẩm mốc, làm “nhạt” hàm lượng hoạt chất, biến thuốc loại 1 xuống thành loại 3-4. Khi được hỏi về việc đánh giá thế nào về chất lượng của thị trường dược liệu hiện nay, ông Khánh cho biết, Vụ cũng không biết, vì Cục Dược quản lý nguồn gốc, xuất xứ của dược liệu.
Theo lương y Trung, việc thuốc bị nấm mốc, mối mọt là do không đủ độ khô, nếu được sao sấy ở nhiệt độ thích hợp và bảo quản kín thì không bao giờ bị nấm mốc. Ngoài ra, một số máy móc rút ngắn thời gian cho bác sĩ như: Máy sắc thuốc với nhiệt độ cao, máy nghiền thuốc… cũng đang phá hủy hàm lượng hoạt chất của thuốc dẫn đến việc hàm lượng không đúng như mô tả.
Khi hàm lượng hoạt chất thấp thì người bệnh uống thuốc không đủ liều lượng, không khỏi bệnh. Những kỹ năng phân biệt thuốc, bảo quản, chế biến thuốc đúng cách, không lương y nào lại không thuộc. Tuy nhiên, có thể vì lợi nhuận, người ta vẫn làm. Trong khi cơ quan quản lý còn lơ là…
“Các cơ sở khám chữa bệnh có thể ham rẻ, mua thuốc không rõ nguồn gốc chứ không thể đổ tại khó phân biệt. Vì theo cảm quan của một người làm Đông y lâu năm, có thể phân biệt đâu là hàng nhái, hàng giả. Hoặc đơn giản chỉ cần chiếu theo các tiêu chuẩn, đặc điểm của Dược điển Việt Nam thì đều có thể phân biệt được” – lương y Trung cho biết.
Diệu Linh - DV