;
Trong các kinh điển thuộc Hán tạng, ‘Phật thị hiện thuyết pháp’ có thể được xem như là một ‘thuật ngữ’ quen thuộc, phổ biến đối với quý Phật tử Đại Thừa. Thuật ngữ này không thấy xuất hiện trong Tam Tạng Kinh Điển Thượng Tọa Bộ, hay Phật Giáo Nam Truyền.
Tuy nhiên, trong các kinh bổn sinh, thuộc Tiểu Bộ Kinh Nikàya, quý bạn đọc có thể nhận biết ‘Phật thị hiện thuyết pháp’ thông qua những sắc tướng bàng sinh như con nai thuyết pháp, con chó thuyết pháp, con gà thuyết pháp, con quạ, con két vv thuyết pháp bằng giọng người, và giáo pháp của ‘quý bàng sinh’ này tồn tại ở đời 10 ngàn năm, 40 ngàn năm có khi lên đến 60 ngàn năm, khiến vô lượng hữu tình bỏ tà theo chánh, bỏ trượng, bỏ kiếm, đoạn ác tu thiện, sống an vui và sau khi xả bỏ thân mạng, được sinh về thiên giới hay cõi đời này, hưởng sự vui ‘thù thắng’ do thiện nghiệp tích tập trong đời.
Đặc biệt, có những chân ngôn chẳng hạn từ con chim công (Tiền thân 491) khiến người nghe hốt nhiên đại ngộ, thấu hiểu đặc tính vô thường, khổ và vô ngã của tất cả pháp, thâm nhập tri kiến Bích Chi Phật, giải thoát sinh tử.
Trong bài luận này ‘Phật thị hiện thuyết pháp’ tập trung làm sáng tỏ những vấn đề sau: 1) Làm sao nhận biết Phật thị hiện thuyết pháp? 2) Phật thị hiện thuyết pháp bằng cách nào? 3) Tại sao Phật thị hiện thuyết pháp?
Làm sao nhận biết Phật thị hiện?
Trong Tiểu Bộ Kinh Nikàya có nhiều tích truyện bổn sinh kể về các loài bàng sinh thuyết pháp. Trong bài luận này, để trả lời ‘thích đáng’ ba vấn đề nêu trên, bút giả xin trích dẫn câu chuyện tiền thân số 388 Con Heo Mõm Dài (Tiền Thân Tundila) và những vần kệ tương ưng, phù hợp với ý nghĩa và mục đích của bài viết này.
Nội dung chính của câu chuyện 388 xin được tóm tắt như sau:
Một cụ bà nuôi hai con heo rừng, được cụ mang về từ khi còn rất nhỏ do heo mẹ bỏ rơi trong rừng. Bà rất thương hai chú heo như con mình nên cho chúng ăn ngon và chăm lo chúng chu đáo, theo thời gian hai chú heo lớn và béo tròn.
Có nhiều người đề nghị bà cụ bán chúng nhưng bà kiên quyết nói ‘không’ vì thương chúng như con. Một hôm có 30 người uống rượu năn nỉ bà bán, nhưng vẫn không thể làm bà lung lay. Cuối cùng bọn họ phục bà cụ uống rượu say và bà đồng ý bán một con.
Bà nói chỉ bán con heo em và không bán con heo anh (Bồ Tát là con heo anh, tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni). Con heo em biết mình sắp bị làm thịt nên sợ chết, khóc lóc. Nhân đây, Bồ Tát (con heo anh) liền thuyết pháp với dáng an tịnh của một vị Phật:
Người không sinh mạng là vui
Người còn sinh mạng bời bời lo toan
Con người phải chết chớ buồn
Phải vui như hội trăng tròn quanh năm.
Trong khi ngài xem xét Thập hạnh viên mãn (Ba-la-mật), ngài đặt Từ hạnh viên mãn ra trước mặt làm kim chỉ nam và ngâm hai vần kệ đầu, giọng ngài lan xa tận Ba-la-nại khắp cả mười hai dặm. Ngay lúc nghe giọng ấy, toàn dân Ba-la-nại từ quốc vương, phó quốc vương trở xuống đều đi đến đây, cùng những ai không đến đều đứng nghe trong nhà họ.
Quân sĩ nhà vua chặt hết bụi cây, san bằng mặt đất và rải cát lên. Ðám người thô tục đã tỉnh cơn say rượu, liền quăng bỏ thòng lọng và đứng nghe Pháp, bà già nọ cũng tỉnh rượu luôn. Bồ-tát bắt đầu thuyết Pháp cho Heo bé giữa đám quần chúng.
Như vậy bậc Ðại Sĩ thuyết Pháp bằng giọng ngọt ngào với vẻ kỳ diệu của một vị Phật. Ðám đông hàng ngàn người búng ngón tay, vẫy khăn tung hô và bầu không khí vang dậy tiếng reo:
- Tốt lành thay, tốt lành thay!
Vua Ba-la-nại tôn kính mời Bồ-tát lên vương tọa, và làm cho bà già vinh hiển bằng cách truyền tắm hai chú Heo với nước tẩm hương, mặc lễ phục, trang điểm vàng ngọc trên cổ và ban cho địa vị các vương tử trong kinh thành. Vì thế vua bảo vệ hai chú Heo với một đoàn quân hộ tống đông đảo.
Bồ-tát dạy Ngũ giới cho vua và tất cả dân chúng ở Ba-la-nại cùng Kàsi đều giữ Ngũ giới. Bồ-tát thuyết Pháp cho dân chúng vào các ngày trai giới (mồng tám và rằm) và ngồi xử án. Trong thời gian còn tại thế, không có người nào chịu bản án bất công cả. Sau đó vua băng hà, Bồ-tát cử hành tang lễ của vua, rồi ngài truyền viết một sách ghi đủ các phán quyết và bảo:
- Các vị phải theo sách này để xử án.
Sau khi thuyết Pháp cho quần chúng với nhiệt tâm, Ngài cùng chú Heo bé đi vào rừng trong lúc quần chúng than khóc kêu gào. Lời thuyết giảng của Bồ-tát lưu truyền suốt sáu mươi ngàn năm sau.
(Tiểu Bộ Kinh Nikàya. Tiền thân số 388. Con Heo Mõm Dài).
Như vậy, có bốn căn cứ trong đoạn trích tóm lược trên chỉ dấu cho thấy Phật hay Bồ Tát Pháp Thân Đại Sỹ thị hiện thuyết pháp.
Vần kệ cho thấy ‘ta (con heo) từ ‘chỗ’ vô sanh mà sanh
Người không sinh mạng là vui (con heo anh từ chỗ vô sanh mà sanh nên an vui, không sợ hãi)
Người còn sinh mạng bời bởi lo toan (con heo em chấp vào sắc tướng giả tạm này của mình nên lo toan u sầu than khóc vì sợ mất mạng ‘huyễn hoặc’ này.)
Vần kệ đầu tiên cho thấy con heo từ chỗ vô sanh mà sanh, tức là từ Pháp thân (Phật hay Bồ Tát Pháp Thân Đại Sỹ, từ Bát Địa - Thập Địa) thanh tịnh, thường trụ, bất biến, không sanh, không diệt, không nghiệp, không báo mà sanh, vì thường tịch lặng nên được an vui (chơn lạc). Câu kệ này còn có nghĩa là ‘Sắc’ (con heo) tức là ‘Không’ (từ nơi chơn như, không tánh mà sanh). Chỗ này tương đương với hai câu kệ sau đây trong Kinh Hoa Nghiêm:
Thân Phật vốn vô sanh
Mà thị hiện xuất sanh.
(Phẩm Như Lai Hiện Tướng thứ 2).
Như vậy, vần kệ trên chỉ dấu cho thấy con heo anh vốn vô sanh (Pháp thân Phật) mà thị hiện xuất sanh để thuyết pháp.
Thập hạnh viên mãn ba-la-mật: Trong khi ngài (con heo anh) xem xét Thập hạnh viên mãn (Ba-la-mật), ngài đặt Từ hạnh viên mãn ra trước mặt làm kim chỉ nam
Trong Chánh Giác Tông hay Phật Sử (Tiểu Bộ Kinh Nikàya, Pali tạng), Bồ Tát tu tập viên mãn thập ba-la-mật là Bồ tát sắp thành Phật, tương đương với Bồ Tát Pháp Thân Đại sỹ Thập Địa như Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Phổ Hiền vv.
Bồ Tát ở địa này, thân tự tại tùy duyên ứng hiện hóa độ chúng sanh trong các cõi nước khắp mười phương. Như vậy, con heo là chỗ thị hiện của Bồ tát Pháp Thân Đại sỹ Thập Địa, hay Pháp thân Phật.
Mười phương vi trần cõi
Lưới sáng trùm khắp nơi
Quang minh đều có Phật
Khắp hóa độ quần sanh.
(Phẩm Như Lai hiện tướng, thứ 2)
Thuyết pháp với dáng an tịnh của một vị Phật
Chư Hiền Thánh Tăng kết tập kinh điển đồng tâm nhất trí trong việc dùng ngôn từ như bậc Đại sĩ, vị Phật dành cho con heo anh trong khi thuyết pháp “Bậc Ðại Sĩ thuyết Pháp bằng giọng ngọt ngào với vẻ kỳ diệu của một vị Phật.”, hàm ý Phật thị hiện qua sắc tướng con heo để thuyết pháp cho đại chúng xứ Ba-la-nại và xứ Kasi.
Pháp âm vô ngại
Không những bậc Đại Sĩ thuyết pháp cho con heo em mà cho cả những người xung quanh, và hơn thế nữa giọng ngài lan xa tận Ba-la-nại khắp cả mười hai dặm. Ngay lúc nghe giọng ấy, toàn dân Ba-la-nại từ quốc vương, phó quốc vương trở xuống đều đi đến chỗ con heo đang thuyết pháp, cùng những ai không đến đều đứng nghe trong nhà họ.
Lời thuyết pháp của ngài vô chướng ngại vì Thanh Không (không thêm, không bớt, không sanh, không diệt, không nghiệp, không báo, không trước, không sau, chẳng động, chẳng khởi, vv). Pháp âm đồng một âm thanh, chẳng phải âm thanh của loài heo mà nghe như tiếng loài heo, chẳng phải âm thanh của loài người, nghe như âm thanh (giọng) người. Tùy theo nghiệp báo sai biệt nên nghe khác nhau.
Vì Thanh Không, nên không có chướng ngại về mặt không gian và thời gian, tức là sự sự vô ngại. Cho nên chân ngôn không những con heo em được nghe hiểu, những người tại chỗ được tín thọ, mà còn vượt qua không gian 12 dặm đến cung vua Ba-la-nại khiến vua quan và thần dân tìm đến chỗ con heo để nghe thuyết pháp, và ngay cả những người ở tại nhà của mình cũng nghe được pháp âm của ngài, một bậc Đại Sỹ, một vị Phật qua sắc tướng con heo anh.
Thế Tôn hay diễn một âm thanh
Hữu tình mỗi mỗi tùy loài giải.
(Phẩm 4. Nhân Địa Pháp Tạng. Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh. Hán Văn: Cư Sỹ Hạ Liên Cơ kết tập. Việt Văn: Tâm Tịnh.)
Phật thị hiện bằng cách nào?
Từ Tánh Không (hay Pháp thân, Phật tánh) mà đến
Đồng tử Thiện Tài thưa: Đại Thánh từ xứ nào đến?
Bồ tát Di Lặc nói: Chư Bồ tát không đến không đi, như vậy mà đến. Không đi không trụ (dừng ở), như vậy mà đến. Không xứ sở, không bám chấp, không sanh, không trụ, không dời, không động, không khởi, không luyến, không bám, không nghiệp, không báo, không khởi, không diệt, không đoạn, không thường, như vậy mà đến.
(Hoa Nghiêm Kinh. Phẩm Nhập Pháp Giới, thứ 39)
Đoạn kinh văn trên cho thấy chư Đại Bồ Tát Pháp Thân Đại Sỹ như Bồ Tát Di Lặc, hay chư Phật từ nơi Tánh Không, Phật tánh hay Pháp thân, Quang minh thanh tịnh mà đến, mà thị hiện, mà hóa hiện.
Quang Minh hóa hiện thành đài tòa
Quang minh thanh tịnh đấng biến tri
Trong vật trang nghiêm đều hiện bóng.
(Hoa Nghiêm Kinh. Phẩm Hoa Tạng thế giới, thứ 5)
Vần kệ thứ nhất, “Người không sinh mạng là vui”, có nghĩa là: con heo anh từ nơi vô sanh mà sanh, tức là Tánh Không, Pháp Thân thanh tịnh mà thị hiện thân heo như huyễn (hiện bóng) để thuyết pháp.
Như Đại Nguyện ‘thuở xưa” mà đến
Bồ Tát Di Lặc dạy: Này, Thiện nam tử (Thiện Tài Đồng Tử), Bồ Tát từ nơi đại nguyện mà đến, vì nguyện lực thuở xưa gia trì (Nhập Pháp Giới, thứ 39).
Như vậy, Chư Phật, chư đại Bồ Tát nhờ nguyện lực thuở xưa mà thị hiện.
Tại sao Phật thị hiện?
Vì muốn điều phục và cứu hộ chúng sanh, chư Phật, Bồ Tát từ nơi đại từ đại bi mà đến, mà thị hiện
Này thiện nam tử! Bồ tát từ nơi đại bi mà đến, vì muốn điều phục các chúng sanh. Từ nơi đại từ mà đến vì muốn cứu hộ các chúng sanh (Nhập Pháp Giới, thứ 39).
Trong tích truyện 388 này có đoạn, “Trong khi ngài (con heo anh) xem xét Thập hạnh viên mãn (Ba-la-mật), ngài đặt Từ hạnh viên mãn ra trước mặt làm kim chỉ nam”, chỉ dấu cho thấy bậc Đại sỹ vì lòng đại từ, đại bi mà đến, mà thị hiện thành con heo thuyết pháp cứu mạng con heo bé, thuyết pháp ngũ giới, bát quan trai giới, thập vương pháp (Bố thí, nhân từ, đức hạnh, công bình, thân ái, nhu mì, ôn hòa, nhẫn nhục, Ăn năn, bi mẫn) cho vua quan, thần dân của vương quốc Ba-la-nại và cả xứ Kasi để họ bỏ tà theo chánh, bỏ trượng, bỏ kiếm (đoạn tận sát sanh), đoạn ác tu thiện, khiến cho nhà nhà lạc an, đất nước thái bình, mưa thuận gió hòa, mọi hữu tình đều được sống an yên, hạnh phúc. Giáo pháp của Ngài tồn tại ở đời sáu mươi ngàn năm, mang lại lợi lạc lâu dài cho mọi người và mọi loài.
Để ý kỹ có thể nhận thấy rằng câu kệ đầu, Người không sinh mạng là vui, là chân pháp bất tử, dường như là một sự tuyên bố rằng: Ta (con heo) từ ‘nơi’ vô sanh mà sanh, hơn nữa để trấn an con heo em không chấp vào sắc thân như huyễn.
Trong khi đó, những lời pháp của Ngài cho đại chúng chỉ chú trọng vào ngũ giới, bát quan trai giới và thập vương pháp, mà không thuyết pháp ‘bất tử’, với mục đích để mọi người đoạn ác tu thiện, để có cuộc sống hiền thiện, an lạc trong đời sống hiện thời, và đời sau được tái sinh về thiện thú.
Trong khi đó, chuyện Đại Khổng Tước số 491, Ngài là con chim công thuyết pháp cho người thợ săn, và sau khi nghe thời thuyết pháp ngắn gọn, người thợ săn thấu hiểu tường tận pháp chân đế và trở thành một Bích Chi Phật như đoạn trích sau đây:
Trong lúc người thợ săn nghe bài thuyết Pháp của ngài, ngay tại chỗ người ấy đang đứng, người ấy hiểu lập tức mọi yếu tố cấu tạo nên các vật hữu hình (tứ đại), thấu suốt cả ba đặc tính căn bản của chúng (đó là: vô thường, khổ, vô ngã) và thâm nhập tri kiến của một Ðộc Giác phật.
(Tiểu Bộ Kinh Nikàya. Tiền Thân số 491. Chuyện Ðại Khổng Tước (Tiền thân Mahà-Mora).
Kết luận
Như vậy, từ lòng đại từ đại bi và từ đại nguyện ‘năm xưa’ vì muốn điều phục và cứu độ chúng sanh mà quý ngài xuất hiện. Tích chuyện 388 này được xem như là một sự thị hiện của Bồ Tát Pháp Thân Đại sỹ Thập Địa (đã thành tựu viên mãn thập Ba-la-mật), hoặc Pháp Thân Phật qua sắc tướng con heo thuyết pháp, mang lại an vui, hạnh phúc cho loài người và muôn loài chúng sanh trong một thời gian lâu dài (60 ngàn năm).
Ngoài ra, còn nhiều tích truyện tiền thân khác thuộc Tiểu Bộ Kinh Nikàya cho thấy Phật hay Bồ Tát thị hiện để ban vui, cứu khổ hữu tình chúng sanh, chẳng hạn chuyện tiền thân số 22 Con Chó Rừng Hiền Trí, không những cứu đàn chó rừng thoát cảnh diệt vong, mà còn thuyết pháp cho vua, cận thần, binh sĩ và thần dân để toàn vương quốc sống hiền từ và an lạc.
Đặc biệt, chuyện tiền thân số 23 và 24 cho thấy Phật hay Bồ tát thị hiện con Ngựa thuần chủng, hy sinh cả tính mạng của mình để cứu tám quốc gia khỏi cảnh chiến tranh tương tàn, và trước khi xả thân mạng ‘ngựa’ huyễn hoặc vì bị thương nặng, Ngài (con ngữa Sindl thuần chủng) thuyết pháp cho tám vị vua, và từ đó nhân dân tám quốc gia sống an hòa, thái bình, như được đúc kết bằng những vần kệ cảm tác sau:
Vương Mã Sinh Trí Dũng
Tiền Thân có kể chuyện rằng
Ba La Nại Quốc phú cường dân đông
Nhưng rồi Trú Xứ bị vây
Bởi vua bảy nước tiến quân chiếm thành
Vua kia phái một kỵ thần
Xông vào trận tuyến cùng Ngựa Sin-dh
Vương Ngựa thuần chủng giống rồng
Phi nhanh nướt đại xé tan quân thù
Bắt ngay năm vị vua đầu
Đến vua thứ sáu bị gươm đâm người
Máu ra đau đớn khôn cùng
Ngựa không chịu nghỉ dưỡng thương đầu hàng
Khuyên người Kỵ sĩ bó băng
Lao ngay vào chốn ba quân không người
Bắt ngay hoàng đế cuối cùng
Mang về ra mắt Vua thành Bratta
Lại khuyên Vua thả cừu quân
Sống nhu hòa thuận an yên nhân quần
Khuyến Vua thưởng phạt công minh
Theo thập vương pháp toàn dân chan hòa
Ngay khi vừa dứt Lời Vàng
Sin-dh nhắm mắt ra đi an lành!
(Tiểu Bộ Kinh Nikàya. Tiền thân số 23. Chuyện con ngựa thuần chủng (Tiền thân Bhojanìya)
Cứu giúp bằng đạo lý là công hạnh của các vị Bồ Tát hoặc những hành giả Đại Thừa phát Vô Thượng Tâm, tu Bồ Tát Đạo, được ghi lại trong nhiều Kinh Đại Thừa Phật Giáo, cụ thể như sau:
Thường làm theo tâm từ
Từ bỏ tưởng giận hại
Đại bi thương chúng sanh
Quặn lòng rơi nước mắt
Cứu giúp bằng đạo lý
Ấy là Bồ Tát Hạnh.
(Kinh Hiền Ngu. Phẩm I. Phạm Thiên Thỉnh Pháp. Hòa Thượng Thích Trung Quán dịch từ Hán Văn)
Tâm Tịnh cẩn bút
Nguyện đem công đức này
Hướng về chúng sanh khắp pháp giới
Đồng sanh Tây Phương Tịnh Độ