nguoiphattu.com Vấn đề phát triển căn lành rất quan trọng và thường xuyên theo dõi, chăm bón, vun bồi cho thêm phần vững chắc và lớn mạnh, để đạt được mục đích cứu cánh là Phật quả. Vấn đề phát triển căn lành theo Kinh Đại Phẩm Bát Nhã và Hoa Nghiêm Đại Sớ thì đại khái có 03 hay có 05 loại...
A. Mở đầu
Tâm địa, đất Tâm là Bản thể của tất cả chúng sanh. Cũng như đất quả địa cầu là cơ sở y cứ của vạn vật và các hiện tượng. Do đó, về mặt Bản thể, Chân lý, cây Bồ đề trong Tâm chúng sanh cũng phải từ Bản thể mà y cứ và phát triển thành to lớn, đơm hoa, là hoa Trí tuệ, trái là trái Phật quả. Tuy nhiên, gốc có vững chắc, rễ bám chặt, ăn sâu, chắc chắn thì mới bảo đảm cho toàn thể thành quả biểu tượng. Như Cổ đức nói: Xuân về hoa nở trên đất Tâm. Trăng sáng năm xưa tỏ hơn Rằm. Vườn hoa đạo lý hương ngào ngạt. Mãi mãi ngàn sau vẫn ngát hương.
Vì vậy, vấn đề phát triển căn lành rất quan trọng và thường xuyên theo dõi, chăm bón, vun bồi cho thêm phần vững chắc và lớn mạnh, để đạt được mục đích cứu cánh là Phật quả. Vấn đề phát triển căn lành theo Kinh Đại Phẩm Bát Nhã và Hoa Nghiêm Đại Sớ thì đại khái có 03 hay có 05 loại như: Căn lành tối thắng, căn lành tự tánh, căn lành công đức, căn lành tịnh giới và căn lành chủng tánh.
B. Nội dung
1. Căn lành Tối thắng (Tối thắng thiện căn): Chính là hai vấn đề mấu chốt của Bản thể, của Tâm tánh chúng sanh. Vì nó là căn bản của Bồ đề, Niết bàn, vừa là Nhân, là Quả của chúng sanh. Thế nên, Kinh Lăng Nghiêm nói: "Tất cả chúng sanh đều có sẵn vô thủy Bồ đề, vô thủy Niết bàn. Do đó, nếu chúng sanh y cứ trên Bồ đề, Niết bàn đã có từ vô thủy mà tu hành, thì cuối cùng nhất định sẽ chứng được Vô thượng Bồ đề, Vô thượng Niết bàn, là thành Phật, là quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”. Nói dễ hiểu, Phật là người đã chứng được Niết bàn tuyệt đối và Trí tuệ vô thượng, không còn ai và Pháp nào cao hơn nữa. Như Cổ đức nói: "Bồ đề Tâm tự thuở nào. Xưa nay thanh tịnh làu làu gương xưa. Muốn tu chứng đạo Chân thừa. Bồ đề Tâm nguyện sớm trưa tu trì”.
2. Căn lành Tự tánh (Tự tánh thiện căn): Mỗi chúng sanh đều có đủ 02 mặt ác và thiện, là xấu ác và tốt đẹp. Tùy theo môi trường tương ứng mà nó phát triển theo. Do đó, về mặt tu hành, thì chúng sanh phát triển theo mặt thiện, mặt tốt, vì đang hiện hữu trong môi trường tốt là có Tam bảo, có Phật pháp, rất thuận duyên cho sự phát triển căn lành về Tự tánh. Đó là Vô tham (Giới), Vô sân (Định), Vô si (Tuệ). Như thế, khi tu tập ba môn Vô lậu học Giới Định Tuệ là phát triển căn lành tự tánh sẵn có của mỗi chúng sanh. Mà đây cũng là ba Đức của Pháp thân là Giải thoát đức, Pháp thân đức và Bát nhã đức. Như Cổ đức nói: "Lửa lòng đã tắt từ lâu. Tự tâm thanh tịnh một bầu thanh lương. Mưa từ nước pháp cành dương. Chúng sanh lợi lạc bốn phương đượm nhuần”.
3. Căn lành về Công đức (Công đức thiện căn): Công đức ấy được biểu thị hai mặt Tự tánh và Tự tướng. Như Luận Đại Thừa Khởi Tín nói: "Tất cả chúng sanh đều có sẵn tự tánh 6 độ, do đó Bồ tát y cứ tự tánh 6 độ mà tu hành 6 pháp Ba la mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Bát nhã Ba la mật, cuối cùng chứng được tự tánh 6 độ, thành tựu phúc trí trang nghiêm”. Mà phúc trí trang nghiêm là Phật, cho nên Phật là đấng đầy đủ hai pháp Phúc đức và Trí tuệ (Lưỡng túc tôn). Trong đó, Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Thiền định là Phúc đức. Tinh tấn, Bát nhã là Trí đức. Như Kinh Hoa Nghiêm nói: "Xưa vì chúng sanh khởi đại bi tu hành Bố thí Ba la mật… Bát nhã Ba la mật, nên được tướng tốt thân đẹp đẽ, chúng sanh trông thấy đều vui mừng”.
Về công đức Pháp thân là Giới Định, Tuệ, Giải thoát, Giải thoát Tri kiến Pháp thân. Do đó, khi đã tùy thuận bản thể tu tập thì nhất định chứng được 5 phần Pháp thân. Dù chưa thực chứng hoàn toàn, nhưng tương ưng thì cũng biến thành công dụng được. Như Cổ đức nói "Năm phần hương tỏa khắp 10 phương. Kết lại thành mây nguyện cúng dường. Pháp thân thanh tịnh 10 phương Phật. Mỗi niệm tương ưng lý Chơn thường”. Nói rõ hơn, về mặt Tự tánh Kinh Pháp Bảo Đàn nói: "Tự tâm thanh tịnh là Giới. Tự tâm không loạn là Định. Tự tâm chiếu soi vạn pháp là Tuệ. Tự tâm không phiền não là Giải thoát. Tự tâm không chấp thủ là Giải thoát tri kiến Pháp thân.”
4. Căn lành về Tịnh giới (Tịnh giới thiện căn): Như Kinh Tạp A Hàm nói: "Chúng sanh ngày nay được thân người, đây dủ 6 căn mắt tai mũi lưỡi thân và ý, là do đời trước đã thụ giới, giữ giới trang nghiêm thanh tịnh, nên đời nay được quả báu tốt đẹp như thế”. Nói thế cũng có nghĩa là đời này sẽ tiếp tục đầy đủ nhân duyên, gặp ngôi Tam bảo Phật pháp Tăng, đủ duyên lành thọ các loại giới pháp, nỗ lực tu trì trang nghiêm thanh tịnh, để đời sau tiếp tục hưởng trọn phần công đức, mà hiện tại mình đang tu hành theo giới pháp đã thọ. Như Pháp trích lục nói: "Thanh tịnh dường như ngọc lưu ly. Dứt trừ sạch nghiệp trong ba kỳ. Thân tâm thanh tịnh trời xuân sắc. Phúc tuệ trang nghiêm chứng Vô vi”.
5. Căn lành về Chủng tánh (Chủng tánh thiện căn): Mỗi chúng sanh sinh ra và hiện hữu trên thế gian theo một hệ thống dây chuyền, là một loại zen đã có sẵn truyền thống với nhau. Ví dụ như chư Thiên, loài người v.v… cho đến các bậc Thánh, Phật, Bồ tát, Thinh văn, Duyên giác v.v… Tuy nhiên, điều căn bản là con người, nhất là chúng ta đang có chủng tánh Bồ tát, là nhân để tu Bồ tát đạo, thành tựu Phật quả. Vì như Kinh Anh Lạc nói: "Con người là tối thắng. Vì có hai khả năng chuyển hóa thâm tâm thanh tịnh, thành tựu Phật quả; Biến đổi hoàn cảnh xã hội thăng hoa, tiến bộ an vui hạnh phúc”. Nói thế có nghĩa là trong 6 loài, chỉ có loài người là ưu việt. Vì các chúng sanh, cảnh giới khác đều có mặt hạn chế: Quá vui như chư Thiên, quá khổ như Ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục thì không thể tu hành, giải thoát, thành Phật được dù bản thể là đồng nhất, nhưng nhân tính rất quan trọng do đó cần phát huy. Vì các quả vị Phật, Bồ tát đều y cứ trên con người mà thiết lập, nhất là chủng tánh Bồ tát được hình thành và phát triển thuận lợi nhất.
Vì vậy, phải tương ưng và nỗ lực tu tập. Như Cổ đức nói: "Con nhà Tông không giống lông cũng giống cánh”. Một điều đặc biệt là người xưa thường nhấn mạnh: "Thiên niên thiết thọ khai hoa dị. Nhất thất nhân thân tái phục nan” (Cây thiết thọ ngàn năm nở hoa còn dễ. Một khi đã mất thân người thì khó tìm lại được). Thế nên, làm sao cho nở mặt nở mày dòng giống, chủng tánh của mình, là chủng tánh Phật, chủng tánh Bồ tát qua hiện thân ngũ uẩn, tứ đại này. Như Cổ đức nói: "Muôn hạnh trông về Bi Trí Dũng. Những mong sáng tỏ bậc siêu trần”.
C. Kết luận:
Tất cả căn lành đều có đủ trong tâm tánh chúng sanh. Điều quan trọng là phải tin, hiểu và thực hành, phát triển và chứng nhập, đạt thành kết quả cứu cánh. Như Kinh Pháp cú nói: "Ví như hoa tươi đẹp. Có sắc lại thêm hương. Lời nói hay cũng thế. Do làm có kết quả”. Thực vậy, dù tự tánh có đủ, mà không nỗ lực tu hành thì vẫn không có kết quả, vẫn bị sinh tử luân hồi, khổ đau mãi mãi. Vì vậy mà Cổ đức thường huấn thị: "Các ngươi cố gắng tu hành. Mai sau thành Phật chúng sanh được nhờ”. Có nghĩa là chính mình và chúng sanh đều được lợi lạc, cứu cánh, giải thoát, qua sự giáo hóa độ sanh của chúng ta khi đã hoàn thành nhân cách tuyệt đối, giác ngộ, giải thoát, thành Phật.
(Bài giảng của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn - Chủ tịch HĐTS GHPGVN giảng tại Hạ trường Tịnh xá Trung Tâm)