;
Muốn Phật pháp trường tồn người nghe Pháp, học Pháp cần đối chiếu lời dạy của các vị thầy đó có đúng kinh điển như lời Đức Phật đã chỉ dạy hay không.(Hình minh họa)
1- Hỏi:
Tại sao khi nghe vị Tỳ kheo giảng pháp tôi vẫn thấy dễ tin hơn khi nghe một vị cư sĩ, cho dù vị cư sĩ có thể nói hợp lý hơn ?
Đáp:
Đây là điều bình thường, vì đó là phước báu của vị tỳ kheo lớn hơn vị cư sĩ rất nhiều. Vị Tỳ kheo giữ tới 250 giới, còn vị cư sĩ giữ có 5 giới. Đó cũng là lý do vị Tỳ kheo được người cư sĩ chắp tay lễ bái cho dù người cư sĩ có tuổi đời lớn hơn vị Tỳ kheo rất nhiều.
2- Hỏi:
Nếu vị Tỳ kheo đó không giữ đầy đủ giới luật thì người cư sĩ có cần chắp tay lễ bái không ?
Đáp:
Nếu là cư sĩ trọng pháp, sống trong pháp thì chúng ta cần hiểu việc lễ bái vị Tỳ kheo là lễ bái Tăng đoàn mà vị ấy là đại diện.
Khi thấy sự kiêu hãnh của người cháu 8 tuổi vừa xuất gia được mọi người lễ lạy, bà Dipama đã nhắc nhở với người cháu: "Đừng có nghĩ là họ vái con đâu nhé. Họ chỉ vái lạy áo Ca-sa của con thôi đó". Hiểu như vậy người cư sĩ càng tri ân người xuất gia. Vì hình ảnh người xuất gia là đại diện cho Tăng đoàn, là phước điền của thế gian.
Trong khi việc vị Tỳ kheo đó có giữ đầy đủ giới luật xuất gia hay không lại thuộc về nhân quả của vị ấy. Như vậy việc người cư sĩ lễ bái vị Tỳ kheo là vì pháp, sống trong pháp chứ không nhất thiết là vị Tỳ kheo là người giữ giới hay không.
3- Hỏi:
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có dạy cần từ bỏ lời dạy của vị Tỳ kheo không đúng như Pháp và Luật đã được dạy trong kinh điển. Tôi nên hiểu việc này thế nào ?
Đáp:
Chúng ta cần hiểu việc lễ lạy vị Tỳ kheo và theo học nơi một vị Tỳ kheo là khác nhau. Có theo học thì mới có từ bỏ nếu vị ấy không dạy theo đúng như Pháp và Luật trong kinh điển. Chúng ta có thể lễ lạy mọi vị xuất gia nhưng theo học với ai lại là duyên nghiệp và mục đích tu học của mỗi người.
- Người ưa thích sự nổi tiếng thì tìm vị Tỳ kheo nổi tiếng.
- Người ưa thích được quan tâm, chú ý sẽ tìm vị tỳ kheo quan tâm chu đáo đến đệ tử.
- Người ưa thích lễ hội, tụng kinh sẽ tìm vị Tỳ kheo hay tổ chức lễ hội, tụng kinh.
- Người ưa thích hành thiền sẽ tìm vị Tỳ kheo hay tổ chức hành thiền.
Nhưng có điều một số vị cư sĩ ít đọc trực tiếp Pháp và Luật được dạy trong kinh điển để đối chiếu với lời dạy của vị Tỳ kheo xem có đúng với kinh điển hay không. Ví dụ có vị dạy "Phật tánh chân tâm thường hằng soi chiếu" thì nên hỏi vị ấy là Đức Phật dạy về "Phật tánh, chân tâm thường hằng soi chiếu" ở bài kinh nào?. Nếu vị ấy nói được thì tin theo, nếu không nói được thì nên xem lại lời dạy của vị đó có đáng tin hay không.
Đến khi những lời dạy sai khác thậm chí là tà kiến của vị Tỳ kheo đó đã ngấm vào đầu rồi mới đọc kinh điển thì cũng dễ bác bỏ luôn cả kinh điển, bám chặt vào những lời dạy (tà kiến) của vị Tỳ kheo mà mình ưa thích. Xa hơn nữa là tung hô, lập tổ, lập tông phái, trường phái để tu tập, ngày càng xa rời kinh điển. Các tông phái vẫn ra đời hàng ngàn năm nay theo cách như vậy, không phụ thuộc vào là Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Phát triển vì PG Phát triển cũng từ Nguyên thủy lập tông, lập phái mà ra.
Ban đầu chúng ta trọng pháp bằng sự lễ lạy vị Tỳ kheo. Nhưng khi học pháp với vị Tỳ kheo thì chúng ta rất dễ vì người quên Pháp. Điều này cũng dễ hiểu vì khi MÊ thì "PHÁP LÀ NGƯỜI", bởi những thói quen bám víu vào vị thầy, vào đối tượng mà mình ưa thích, hài lòng, thầy nói cái gì cũng là chân lý hết.
Khi NGỘ thì "NGƯỜI LÀ PHÁP" bởi chỗ nào cũng là thân, thọ, tâm, pháp (tứ niệm xứ), là cái thực, là sự thật chân đế nằm ngoài ngôn từ, khái niệm, vượt không gian, thời gian, bên trong và bên ngoài thân tâm. Người ấy không còn dính mắc, chấp thủ vào pháp của thượng tọa A, hoà thượng B nữa.
Chúng ta thường có câu: "Nguyện cho Phật pháp trường tồn". Nhưng khi mê, ta nguyện cho pháp của thượng tọa A, hoà thượng B trường tồn thì đúng hơn. Vì Phật pháp có trường tồn hay không cần đối chiếu lời dạy của thượng tọa A, hoà thượng B có đúng kinh điển hay không, mà việc này chúng ta tự hỏi mình đã làm được hay chưa theo như lời Đức Phật đã chỉ dạy. Nếu không có kinh điển thì không có Phật giáo và cũng sẽ không có người tại gia và xuất gia nữa.
Không thể có ai dạy ngang bằng hay hơn Đức Phật được nữa. Vấn đề là chúng ta có tự mình khảo sát hay không mà thôi.