;
Nhưng nói đến phước báu của những việc thiện là để khuyến khích những người căn cơ còn yếu năng làm việc thiện nói chung và phóng sinh nói riêng. Còn ý nghĩa thật sự của việc phóng sinh lại nằm ở pháp phóng sinh Ba-la-mật. Đó chính là pháp phóng sinh bằng chính tâm từ bi, thương xót cho những chúng sinh bị lâm nạn, bị giam cầm,… mà ra tay cứu giúp, phóng sinh cho chúng chứ không vì cầu phước báo cho mình.
Bởi thế mới nói: “Kẻ trí thì muốn gieo nhân lành, người ngu thì mong gặt quả ngọt”, cho nên mới phân làm Bồ-tát và chúng sinh. Những ai phát tâm Bồ-tát thì sẽ hành trì pháp phóng sinh Ba-la-mật này. Theo đó sẽ tùy duyên khi gặp các con vật đang bị bắt nhốt trong chậu, trong lồng, chờ đem đi làm thịt, chúng ta bỏ tiền mua rồi thả ra liền, càng sớm càng tốt, để cứu mạng sống của chúng thì quả là công đức thù thắng biết bao!
Nếu ai phóng sinh mà chỉ để mong cầu phước báu cho mình hoặc người thân mà không biết đến pháp phóng sinh Ba-la-mật này thì công đức và phước báu ấy cũng chỉ là hữu lậu nhân thiên.
Tuy nhiên, suy cho cùng thì mọi hành động phóng sinh đều là tốt đẹp! Nhưng suy xét kỹ một chút, chúng ta thấy trong hoàn cảnh ngày nay việc phóng sinh không còn trọn vẹn ý nghĩa thù thắng. Ngược lại, còn vô tình gieo thêm nhiều tội nghiệp.
Tại sao phóng sinh mà gây ra tội? Chúng ta hãy cùng suy ngẫm.
Hiện nay trong thời buổi kinh tế thị trường, tất cả mọi thứ cái gì cũng có thể đặt sẵn, và phóng sinh cũng vậy. Theo con được biết, ở nhiều chùa cứ tới dịp lễ lớn hoặc khóa tu hay lễ chẩn tế,…các thầy thường phóng sinh.
Để có được đủ số lượng phóng sinh, người ta thường hay đặt trước tới hàng tuần hay cả tháng, như vậy nhà cung cấp sẽ truy bắt các con vật và nhốt chúng vào lồng hay chậu để chờ tới ngày giao.
Điều này khiến, các con vật có thể bị thương, bị chết do không được sống trong môi trường tự nhiên. Thật tội nghiệp! Thêm vào đó, ở khắp các ngôi chùa hay lăng đình đều có những người đến bán lồng chim phóng sinh và đa phần đó là những con chim bị bắt từ nhiều ngày trước.
Gần đây, báo Tuổi trẻ có phóng sự về việc phóng sinh tại lăng Ông – gần chợ Bà Chiểu mới thầy tội nghiệp thay cho những con chim bị đưa vào vòng luân hồi của giam cầm và đói khát.
Đó là những con chim bị bắt về rồi bán cho khách phóng sinh tại chỗ, sau đó chúng không có sức bay đi xa vì thành phố ồn ào, cây cối không nhiều nên chúng chỉ quanh quẩn xung quanh khu vực và sau đó mới bị những người buôn chim này dụ bằng thức ăn ở những gốc cây và bị bắt lại rồi bán tiếp cho khách, cho đến khi chúng kiệt sức và không còn tiếp tục trong vòng luân hồi giam cầm đó nữa thì chúng sẽ bị bỏ xác nơi gốc cây sân đình để mặc cho lũ dòi bọ gặm nhấm.
Còn ở một số ngôi chùa gần sông, người ta bắt cá đem bán cho khách, rồi sau đó khách phóng sinh xong, người buôn bắt lại bán tiếp cho khách. Cứ như vậy, chúng bị hành xác cho đến mệt mỏi, chết đi.
Tội nghiệp thay! Do đâu mà những con vật vô tội lại ra nông nỗi này, chúng bị biến thành một món hàng để con người tha hồ tạo nghiệp – người làm phước cho đến khi chúng kiệt quệ mà bỏ thân giữa đường. Phải chăng do phóng sinh mà những chúng hữu tình này phải lầm than!
Ta hãy phân tích đâu là phước, đâu là tội!
Xét về góc độ tội phước, người phóng sinh, họ không hề nghĩ đến hoặc chưa biết đến việc những con vật bị bắt, bị đối xử như thế, nên họ cứ nhiệt tình phóng sinh. Do đó, họ được hưởng công đức của việc thiện phóng sinh này. Nhưng vô tình họ đã tạo điều kiện cho những người buôn bán vật phóng sinh tác nghiệp,
Những người này do chạy theo đồng tiền, mà không biết rằng mình đang gây nên tội lỗi sát sinh hại vật. Suy cho cùng, nếu không có người phóng sinh thì đâu có người bắt vật. Nghĩa là không có người muốn tạo phước thì đâu có người gieo nghiệp. Như vậy, có phải vô tình phóng sinh gây ra tội hay không?
Xét về góc độ ý nghĩa, phóng sinh là để nuôi dưỡng lòng từ bi và cứu vớt chúng hữu tình ra khỏi cái chết, sự khổ đau. Thế nhưng ở đây, không những không cứu giúp được cho chúng sinh mà còn vô tình làm cho chúng bị thương, bị đói, bị chết chóc. Quả thật là phản ý nghĩa, phản tác dụng!
Lại có người biết rằng phóng sinh như trên sẽ gây hại nhưng vẫn làm vì nghĩ rằng mình cứ phóng sinh thì công đức của mình vẫn trọn vẹn chứ mình đâu có mang tội!
Nghĩ như vậy có ích kỹ lắm chăng? Khi mà chỉ vì lợi ích của ta mà quên đi người khác, như vậy đâu thể là con Phật? Số khác thì cho rằng đằng nào chúng cũng bị bắt rồi thôi mình cứ phóng sinh coi như cứu được bao nhiều thì hay bấy nhiêu. Một mình mình mà sao lay chuyển được cái vòng lẩn quẩn tai hại này.
Nghĩ như vậy có phần tích cực hơn. Và cách nghĩ đó đặt cho ta một câu hỏi lớn mà có lẽ cả cộng đồng Phật tử chúng ta phải chung tay tháo gỡ. Đó là: “Làm sao để chấm dứt tình trạng phóng sinh gây hại cho loài vật và làm sao cho việc phóng sinh mang trọn ý nghĩa thù thắng nhất?”
Con biết, mình còn quá trẻ, 22 tuổi đời với tài hèn sức mọn thì làm sao lay chuyển được ý thức của hàng ngàn Phật tử bây giờ? Chính vì vậy mà hôm nay con gửi bài viết này với lời lẽ của sở học còn nông cạn của con tâm thành gửi đến quý thầy và quý Phật tử để cầu mong giải đáp.
Con cũng tin rằng cùng với sự gia hộ của chư Phật, chư Bồ-tát, cũng những lời chỉ dạy của chư tôn đức, hàng Phật tử chúng con sẽ thay đổi nhận thức, và có hành động đúng đắn hơn để việc phóng sinh vẹn tròn ý nghĩa.
Và sau đây con xin mạn phép được đưa ra vài ý kiến cho việc phóng sinh:
- Khi phóng sinh tại chùa, nên cử người ngẫu nhiên tìm đến các chợ mua các con cá, con vật,…đang ngốt trong chậu (lồng) về thả chứ không đặt trước để tránh người ta đi bắt cá bán cho mình. Và khi đi mua phải đảm bảo tính chất ngẫu nhiên và không lặp lại nhiều lần tại một địa điểm mua cũng không có tính định kỳ để những người bán không biết trước mà chuẩn bị. Như vậy, ta cứu được một số lượng cá lẽ ra bị con người làm thịt.
- Chấm dứt việc đặt mua chim hay cá phóng sinh tại chùa
- Hạn chế hay ngăn chặn người ta mang lồng chim vào chùa bán vào những ngày lễ đồng thời dạy cho Phật tử biết không nên phóng sinh như vậy.
- Quý thầy sẽ thường xuyên giảng cho Phật tử về ý nghĩa phóng sinh và sự tai hại do việc phóng sinh không đúng cách, đồng thời hướng dẫn cho Phật tử phóng sinh thế nào cho trọn công đức.
Kính bạch chư tôn đức và thưa quý Phật tử, con tin tưởng và hy vọng vào một ngày mai tất cả mọi Phật tử sẽ hành trì pháp phóng sinh Ba-la-mật. Để làm được điều này, mỗi Phật tử chúng ta hãy cùng chung tay vì lợi ích chúng sinh.
Phật tử: Võ Ngọc Tú