;
Hình minh họa
Ý kiến trao đổi cùng tiến sĩ tôn giáo học Dương Ngọc Dũng
Đôi lời với tiến sĩ Huỳnh Thế Du
Phật giáo sẽ đi về đâu bởi những phát ngôn xuyên tạc của người có trách nhiệm?
Cách đây 20 năm, tôi là một đứa trẻ chưa hết tiểu học, vì ấn tượng bởi chiếc y vàng mà chính anh trai mình đang đắp, bởi một nhân duyên hay chủng tử nào đó, tôi thích đi tu, thích một cách kỳ lạ, thích lắm.
Quyết định xin ba mẹ cho bằng được, nhưng rồi ba mẹ không đồng ý, tôi đã bỏ đi, vào một ngôi chùa để thực tập đời tu. Ba mẹ tìm kiếm khắp nơi, và chợt thấy tôi đang quyét rác bên sân chùa, bị bắt về. Sau đó không lâu, nhiều lần xin đi tu nhưng không được phép, tôi lại tiếp tục bỏ đi vào chùa, nhưng lại bị phát hiện và bắt về.
Sau lần đó, tôi mạnh dạn tuyên bố giữa cuộc họp gia đình là tôi rất thích đi tu, nếu gia đình không cho tôi đi, sau này có chuyện gì thì gia đình đừng hối hận.Thế là ngày 28 tết năm đó, tôi được đi tu đường đường chính chính.
Thưa bác tiến sĩ, nếu tôi ở nhà, tôi cũng sẽ có cuộc sống rất đầy đủ, và sung sướng hơn ở trong chùa nữa là khác, vì là đứa con trai duy nhất trong nhà, vì là cháu đích tôn của nội, và là người kế vị của dòng họ. Nhưng không! Tôi chọn đi tu. Bác nghĩ sao về chuyện này? Phải chăng tôi đi để kiếm sống, để chọn cái nghề mưu sinh chăng? Nên chi bác nói "rất nhiều người xem việc tu hành như một nghề kiếm sống" là không ổn, nên nói rằng số ít, rất ít mới đúng ạ.
Vào chùa rồi, là một chú tiểu, tôi hạnh phúc khi được sống trong ánh đạo, lâu lâu được Phật tử cho đôi dép, cho bịch bánh, cho cây viết, tôi mừng vui vô cùng. Tôi nhớ có lần, tôi bệnh nặng, nằm luôn trên giường không dậy nổi. Ngoài những chén cháo, viên thuốc, hộp sữa của Phật tử cúng, tôi còn được nhận cây kẹo mút của một bà cụ lượm ve chai mà thường ngày tôi gặp, kèm theo dòng chữ: chú cố gắng mút hết cây kẹo này, sẽ khỏi. Và đúng như vậy, tôi đã mút hết cây kẹo ấy, và khỏi bệnh thật.
Những ân tình trong đời tu mà tôi được thọ hưởng, thưa bác, không gì có thể diễn tả hết được, dù chỉ là cây kẹo bé nhỏ thôi bác ạ. Bà cụ ấy đâu có dư gì đâu, đâu có giàu có, nhưng luôn có tâm cúng dường, phần vì thương chú tiểu bé nhỏ, phần vì có tâm với Phật pháp!
Nhiều lần, có người cúng dường tôi tịnh tài mà tôi không nhận, phần vì tôi đã đủ, phần vì gia đình họ quá khó khăn, nhưng sư phụ tôi dạy rằng: "Con cứ đúng như pháp mà thọ nhận, mọi việc ắt thành".
Nên chi "họ dư giả thì họ cúng thôi" là không đúng đâu bác.
Nếu có dịp, mời bác ghé chùa tôi, để thấy rằng ngoài tầm mắt của bác, ngoài suy nghĩ và sự hiểu biết của bác, vẫn còn đây đạo Phật nguyên chất.
Thiền môn quy cũ, tất cả đều được áp dụng bởi thanh quy, kể từ việc nhỏ như quét rác nấu ăn cho đến việc lớn như ứng phó đạo tràng, giảng dạy. Đạo Phật vẫn còn đẹp quá đó thôi, chẳng có sự lung lay nào cả và tôi cảm nhận được điều đó rõ ràng, bởi vì tôi là người đã, đang và sẽ sống trong đời sống ấy! Còn bác, bác đang ở ngoài đời sống ấy, thì xin đừng làm mất niềm tin của mọi người, xin bác hãy cẩn trọng, bởi vì tiếng nói của bác có trọng lượng lắm.
Tôi là một sơn Tăng nghèo, suốt ngày làm bạn với cỏ cây, chuông mõ và lời kinh kệ, bác là người học vị cao, đương nhiên đánh giá nhận xét của bác sẽ rành rẽ hơn tôi, nhưng bác à, bác đang sống đời sống ngoài kia, tôi đang sống đời sống trong này, mỗi đời sống đều có một nét đẹp riêng, mà tôi nghĩ khi mình không sống trong đời sống ấy, thì không nên làm ảnh hưởng đến nó. Đau lắm bác à!
{youtube https://www.youtube.com/watch?v=pRZGDxTlIV4|500|500}
Có duyên, xin mời bác ghé chùa nào đó, lúc 3h30 khuya để nghe một hồi chuông, để lắng nghe một thời kinh khuya, nghe bằng cả trái tim, bác sẽ cảm nhận được điều gì mình nên làm.
Thiền môn đâu đó tiếng chuông
Xin người im lặng lắng lòng tĩnh tâm!
Ngọn Lửa Thiêng
Nguyễn Văn
Đề nghị nhà nước xem lại học vấn và nhân cách của vị TIẾN SĨ này.
Thích 1 Trả lời 10/18/2019 6:17:00 AM