;
Mỗi ngày vào 6 giờ sáng, mọi người đều tập trung lên trai đường để dùng điểm tâm. Khi tiếng chuông vừa dứt, đại chúng cùng ngồi xuống trang nghiêm, chắp tay, theo dõi hơi thở. Sư Phụ khởi niệm: “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, đại chúng cùng niệm theo. Tiếng khánh và tiếng niệm Phật hòa vào nhau như một bài hợp xướng. Bất chợt, tôi hướng mắt nhìn về Sư Phụ, thấy người chắp tay thật trang nghiêm, mười ngón khép lại đẹp như một búp sen chớm nở.
Sau khi niệm Phật xong, Sư Phụ nở một nụ cười nhẹ nhàng, hiền từ. Đôi mắt của người luôn tràn đầy thấu hiểu và yêu thương. Khi người nhìn về phía chúng tôi, ai cũng có cảm giác được che chở trong một nguồn năng lượng từ ái bao dung, như tình thương của người cha dành cho những đứa con nhỏ của mình.
Bữa ăn sáng ở đây rất giản đơn, chỉ là ít đồ kho và chút rau luộc, nhưng tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Niềm an lạc có được khi chúng tôi cùng thực tập ăn trong chánh niệm, nhận biết về hiện hữu nhiệm mầu đang diễn ra. Bầu không khí trong trai đường trang nghiêm, thanh tịnh, đâu đó vang lên tiếng leng keng nho nhỏ của những chiếc đũa muỗng va vào nhau. Nếu ở ngoài đời, với số lượng hơn 300 người cùng dùng bữa như thế này thì tiếng nói cười và âm thanh sẽ ồn ào biết bao nhiêu.
Trước khi bữa ăn sáng kết thúc, Sư Phụ đều dành 15 – 20 phút chia sẻ với đại chúng về những câu chuyện đạo lý để mọi người ứng dụng vào đời sống tu tập. Những lời dạy của người tuy giản dị nhưng có lẽ anh em chúng tôi dành cả đời tu để thực hành chưa chắc đã được. Người dạy: “Không sợ người nói xấu, chỉ sợ mình làm xấu”, “Có khi im lặng tốt hơn nói, có khi nói tốt hơn im lặng”, “Người có ý chí phi thường, phải có sức chịu đựng phi thường, mới làm được việc phi thường”,… Từ những câu chuyện thực tế mà Người đã trải qua hoặc qua nhiều câu chuyện khác trong cuộc sống, người liên hệ tới những lời Phật dạy để truyền trao pháp nhũ cho chúng tôi.
Với giọng nói nhẹ nhàng, ôn tồn nhưng kiên định, đánh vào tâm khảm chúng tôi như tiếng chuông tỉnh thức. Các hàng đệ tử được an trú trong lời dạy chân thành, thâm sâu, bởi một nội tâm có bề dày tu tập. Tôi lắng nghe mà trong lòng trào dâng cảm xúc khó tả, không thể nói được bằng lời, nhắm mắt lại, tôi tủm tỉm cười: Ôi! Thật là an lạc, hạnh phúc và bình an.
Có lần tôi bị đau răng, làm một bên má sưng lên, nên ăn uống hay nói chuyện đều rất khó khăn, vì vậy mà tôi không đi tụng kinh ngày hôm đó. Thấy đèn trong phòng còn sáng, Sư Phụ nhẹ nhàng bước vào phòng, người vỗ nhẹ lên vai làm tôi giật mình, nhưng tôi không hay biết, cứ tưởng là sư đệ cùng phòng, quay lại nhìn mới biết là Sư Phụ, tôi luống cuống thưa:
- Con kính chào Sư Phụ!
Người nhìn tôi và hỏi:
- Một bên má bị làm sao mà sưng vậy?
- Mô Phật! Con bị đau răng.
- Thế bị mấy ngày rồi, đã đi xuống phòng y tế khám và xin thuốc uống chưa?
- Bạch Sư Phụ! Con bị ba ngày rồi, tuy đã uống thuốc nhưng vẫn còn đau ạ!
- Cố gắng uống thuốc rồi nghỉ ngơi cho mau khỏe.
Người mỉm cười rồi bước ra ngoài hành lang, còn tôi vẫn ngoái nhìn theo bóng dáng Sư Phụ. Những bước chân nhẹ nhàng, không quá nhanh, cũng không quá chậm. Nhìn người tôi cảm thấy bình yên đến lạ! Tôi bỗng liên tưởng hình ảnh của người giống như một cội cổ thụ giữa rừng già với tán lá sum sê, mà anh em chúng tôi là những chú chim nhỏ, ẩn náu nương nhờ giữa bể đời sóng gió.
Tôi ngồi trên ghế, thả lỏng toàn thân và theo dõi cơn đau, chú niệm vào từng hơi thở vào ra, cố gắng quán sát luồng cảm thọ mà mình đang hứng chịu. Thoáng bên tai là tiếng niệm Phật của đại chúng vang lên từ chánh điện. Lòng tôi bỗng nhẹ nhàng, những cơn đau cũng dần dần dịu lại. Chợt, một bàn tay ấm áp quen thuộc đặt lên vai. Tôi nhận ra là bàn tay Sư Phụ, nhưng vào giờ này người đang ngồi tịnh tọa niệm Phật mà. Chưa kịp định hình thì một giọng nói vang lên:
- Con cứ nghỉ ngơi đi, Thầy đem sữa và thuốc đau răng, khi nào bớt đau thì nhớ uống.
- Dạ, mô Phật!
Nói xong Sư Phụ bước ra ngoài, còn tôi ngồi trong liêu phòng với cảm xúc lâng lâng khó tả. Tôi nhìn ra ngoài, những chiếc bóng đèn hoa sen đung đưa treo dọc hành lang Tăng xá, tiếng dép của người vang nhẹ rồi tắt hẳn, không gian tĩnh lặng bao trùm chốn thiền môn.
Một hồi chuông vang lên báo hiệu giờ tịnh tọa, những dư ba với hình ảnh và tiếng nói của người như vẫn còn đọng lại dòng cảm xúc trong tôi. Tôi mường tượng lại cảm giác khó tả khi Sư Phụ vỗ lên vai, ấm áp và hạnh phúc vô cùng, lâu lắm rồi tôi mới có lại được cảm giác như vậy. Ký ức ngày thơ bé chợt ùa về, đó là những ngày sống bình yên bên bố mẹ, cùng em trai, lớn lên trong một gia đình đầy ắp tiếng cười. Mẹ tôi luôn mỉm cười mỗi khi thấy chúng tôi trở về nhà sau những ngày xa nhà đi làm hay đi học. Bốn thành viên trong gia đình cùng quây quần trong bữa cơm đầy ấm cúng, hạnh phúc.
Tôi chợt nhớ đến bài thơ của Sư Bà chùa Phong Hanh:
Khi rời xa
Mới biết ý nghĩa của gia đình
Mới biết niềm vui
Trong từng cử chỉ
Mới biết hạnh phúc phải đâu nào xa xỉ
Vì chỉ một nụ cười
Cũng đủ ấm con tim
Giữ mãi gia đình trong một góc riêng
Để nhớ
Để mong
Để âm thầm cầu nguyện
Xin nỗi buồn đừng hằn trên mặt Mẹ
Và nụ cười đừng chia cách môi Cha
Gia đình thân thương
Trong hình bóng quê nhà,
Nơi có Mẹ Cha
Có ông bà anh chị,
Có cả xóm giềng và những người tri kỷ,
Luôn cạnh bên chia sẻ nỗi vui buồn…
Tôi vẫn đang tiếp tục trên con đường tu học Phật pháp, tập buông bỏ tham ái, hướng đến viễn ly cao thượng - chân lý giác ngộ giải thoát. Hành trang mang theo là những lời dạy và hình ảnh thân quen của Sư Phụ. Người đã dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp phát triển của đạo Pháp, dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng người vẫn tiếp tục âm thầm đào tạo một thế hệ Tăng trẻ có tài, có đức, phụng sự cho Phật giáo trong tương lai. Công ơn ấy thật khó có gì so sánh cho bằng.
Cổ đức có câu: “Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng, Nghĩa ơn thầy muôn kiếp khó đáp đền”. Nghĩ đến đây, tôi tự động viên khích lệ mình phải nỗ lực, cố gắng tu tập tốt hơn, ngõ hầu báo đáp công ơn cha mẹ đã cho tôi hình hài và nuôi dưỡng khôn lớn, báo đáp ân thầy Tổ đã cho hình tướng đầu tròn áo vuông – giới thân huệ mạng, và ơn chúng sanh vạn loài đã cưu mang tôi trong cuộc đời này.
Tịnh Trường