;
Tự coi mình có duyên với đời, sư thầy Thích Đàm Lan luôn coi “thiện” là lẽ sống của đời chân tu. Bà bộc bạch: “Cuộc đời là vô thường, sinh ra làm người không dễ. Ai rồi cũng trở về với cát bụi, chỉ có tấm lòng thiện nguyện là còn mãi”. Chính nhờ tâm niệm này mà bao năm qua chùa Bồ Đề đã trở thành địa chỉ tin tưởng và ấm áp của những mảnh đời bất hạnh.
“Duyên” trời cho
Sư thầy Thích Đàm Lan sinh ra trong một gia đình đắc đạo ở huyện Thanh Hà, Hải Dương. Trong số bảy anh chị em của bà thì có sáu người xuất gia tu hành. Ký ức tuổi thơ của bà là những lần theo mẹ vào chùa, khấn Phật làm phúc. Những câu chuyện về cứu nạn cứu khổ, từ bi hỉ xả đã khiến cho bà say mê. 13 tuổi bà đã quyết định vào chùa theo học các lớp giáo lý nhà Phật, 16 tuổi xuất gia tu hành.
Vào đêm mùa Đông cách đây 25 năm, sư thầy bị đánh thức bởi tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt. Trước cửa chùa, một em bé không tã lót tím tái, run rẩy được đặt trong một chiếc làn. Không kìm được xúc động, bà cùng sư thầy trong chùa đã mang bé đi cấp cứu, chắt chiu từng giọt sữa đặc rót vào miệng đứa trẻ. Giây phút nhìn thấy môi em mấp máy, hai bàn tay nhỏ xíu quơ quơ như cầu cứu làm bà thấy lòng vừa hạnh phúc, vừa nghẹn đắng thương cảm. Sự nghiệp cưu mang nuôi nấng trẻ em bị bỏ rơi của bà bắt đầu từ đó.
Niềm vui mỗi ngày của su thầy Thích Đàm Lan là được chăm sóc các em nhỏ
Bà tâm sự: “Đạo phải gắn với đời, giáo lý của Phật phải gắn với chúng sinh, trời đã cho tôi cái duyên làm từ thiện, lúc nào tôi cũng phải cố gắng để hoàn thành thiên chức cao quý này”.
Hiện tại, nhà chùa đang chăm nuôi 130 em nhỏ, 35 cụ già cơ nhỡ và 32 trường hợp có hoàn cảnh éo le khác. Trong số những em bé bất hạnh ở đây, có đến hơn một nửa là các em bé sơ sinh đến ba tuổi. Mỗi em nhỏ lại có một hoàn cảnh xuất thân éo le khác nhau. Có em bị bỏ rơi ngay cổng chùa, có em được các Phật tử nhặt được ở lò gạch...Thậm chí, có nhiều em bị down, dị tật vừa chào đời đã bị “bố mẹ” ruồng bỏ. Cứ mỗi lần nhắc lại những trường hợp này, sư thầy Thích Đàm Lan lại không khỏi nghẹn ngào.
Ám ảnh nhất là lần, một cô gái trẻ tâm thần mang đứa con đến trước cửa chùa. Người mẹ tóc tai rũ rượi, ánh mắt vô hồn, quần áo nhếch nhác, bế trên tay một em bé sơ sinh đen kịt với những vết nhau vẫn còn bám đầy quanh người. Trong giây phút sinh tử, người mẹ ấy đã dùng răng để cắn rốn cho con, sinh linh bé bỏng cứ khóc ngằn ngặt khi nhìn thấy sư thầy. Lần ấy, nếu không mang đi cấp cứu kịp thời có lẽ hai mẹ con đã gặp nguy hiểm đến tính mạng do nhiễm trùng nặng.
Hay như trường hợp của cụ Bình ở Q.Long Biên, 80 tuổi bị chính năm người con đẻ của mình hắt hủi. Lang thang ngoài đường không một đồng dính túi, đói khát, uất ức cụ Bình đã tìm đến đây xin nương nhờ cửa Phật. Lần đầu tiên nhìn thấy sư thầy, ông Bình bật khóc nức nở như đứa trẻ.
Cũng có khi sư thầy lại trở thành chuyên gia tâm lý, động viên và hóa giải hận thù. T. - cô sinh viên quê tận Điện Biên tìm đến nhà chùa khi đã cận kề tháng sinh. Giây phút vượt cạn, cô cũng cắn răng vượt qua một mình. Hàng đêm, nhìn người mẹ trẻ ôm con khóc nức nở, sư thầy không khỏi xót xa, đau đớn. Bà đã quyết định liên hệ với gia đình người yêu T, tác động lâu dài từ nhiều phía. Kết quả là chỉ vài tháng sau, nhà trai đã xuống nhận cháu và đón “con dâu” về nhà. Bây giờ, cả hai đã có cuộc sống hạnh phúc, ổn định. Thỉnh thoảng vào những dịp lễ tết, T. vẫn gọi điện thăm hỏi sư thầy và các em trong mái nhà bình yên này.
Ngôi chùa “tốt đời, đẹp đạo”
Hầu hết các bé vào đây đều được chính sư thầy Thích Đàm Lan đặt tên và thủ tục khai sinh. Mỗi cái tên mang một ý nghĩa và sự kỳ vọng riêng. Con trai mang họ Cù, con gái mang họ Kiều và điều đặc biệt là đều mang tên Anh. Sư thầy chia sẻ: “Họ Cù là của Đức Phật, còn họ Kiều là tên của một nhân vật trong truyền thuyết nhà Phật - bà Kiều Đàm Di. Tôi đặt tên Anh cho các cháu với mong muốn các cháu luôn cứng rắn, vững vàng dù sau này có đi đâu vẫn nhận ra anh em của mình”.
25 năm làm thiện nguyện, cưu mang hàng trăm mảnh đời bất hạnh nhưng sư thầy Thích Đàm Lan chưa bao giờ xin tiền làm việc thiện, tất cả đều do các nhà hảo tâm tự nguyện quyên góp. Chi phí eo hẹp nên bà luôn phải tính toán sao cho hợp lý: “Khổ nhất là vào đầu tháng khi phải đóng học cho các cháu, trả tiền lương cho các mẹ và tính toán tiền ăn cho cả chùa. Nhiều đợt hết tiền, mọi người đành động viên nhau rau cháo qua ngày”.
Vất vả, khó nhọc nhưng các em ở đây đều rất chăm ngoan và hiếu học. Có rất nhiều trường hợp đã vào đại học, cao đẳng như em Trang, em Hồng...
Cụ Nguyễn Thanh Hải (77 tuổi) rưng rưng: “Trên đời tôi chưa gặp một ai tốt như sư thầy Thích Đàm Lan, tôi đã được cưu mang và hồi sinh thực sự dưới mái nhà bình yên này. Ngày nào cũng như ngày nào, thầy đều dành thời gian ân cần hỏi han từng người một. Chưa bao giờ tôi thấy sư thầy quát mắng hay nặng lời với ai”.
Khi được hỏi về trăn trở của mình, giọng sư thầy trầm hẳn xuống, bà mong có thể mở rộng chùa Bồ Đề, bởi lẽ nơi đây hiện tại đã quá tải. Các cụ già thường xuyên phải che chắn, dựng lều ngoài sân để ngủ. Thứ nữa, bà mong có một phòng học khang trang để các con có thể tĩnh tâm học tập mà không phải ngồi gốc cây hay trong phòng của các sư thầy.
Chiều, chùa Bồ Đề như sôi động hẳn lên bởi những âm thanh thường nhật cuộc sống: tiếng trẻ con bi bô tập nói, tiếng í ới chào hỏi của những đứa trẻ tan giờ lên lớp, tiếng mâm đũa va vào nhau lạch cạch... Trông thấy sư thầy đến thăm, lũ trẻ con tranh nhau được ngồi gần thầy, một vài đứa trẻ òa khóc tị phần khi sư thầy chưa bón cơm kịp. Nhìn nụ cười rạng rỡ của sư thầy Thích Đàm Lan bên những tâm hồn trẻ thơ non nớt, tôi hiểu vì sao bao nhiêu năm qua bà đã gắn trọn đời mình với những mảnh đời bất hạnh.
Hà Trang - TT&VH)