;
Người Phật tử chân chính hiểu giáo lý nhân quả, không bao giờ cầu khấn van xin với bất cứ thần tượng nào. Không một thần thánh nào can thiệp vào nhân quả của một cá nhân, ngoại trừ cá nhân đó chuyên hành thiện hoặc hành trì giới luật nghiêm túc và miên mật, có thể chiêu cảm chư thiện Thần hỗ trợ, bảo vệ một mức độ nào đó.
Của cải vật chất là thế gian pháp, nó sẽ đến với những ai đủ phước báu từng gieo trồng trong quá khứ; tùy mức độ phước báu mà tài lộc được chiêu cảm tương xứng, ví như lượng nước chỉ vừa đủ trong một vật chứa. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp dư thừa phước báu nhưng họ từ chối tài lộc đến để hưởng thụ, họ chấp nhận sống giản dị vừa đủ, hoặc họ chuyển tài lộc đó cho những ai có hoàn cảnh kém may mắn, phước báu họ tích lũy thêm.
Cũng không tránh khỏi những trường hợp phước báu kém mà dùng thủ đoạn cố thu gom để có tài sản theo lòng tham, những người như thế, không đủ phước báu để duy trì tài sản, lúc nào đó tài sản sẽ ra đi kéo theo thảm họa khổ đau1
Cổ nhân từng nói : “tri túc, tiện túc hà thời túc” mình biết đủ trong hoàn cảnh hiện có, nói thế không có nghĩa mình thụ động an phận, mà vẫn phải sống và đóng góp lợi ích cho xã hội, không nghĩ đến quyền lợi theo lòng tham. Sở dĩ con người khổ là do lòng tham làm chủ. Kẻ sống trên núi tiền vẫn cảm thấy lo âu, tính toán, bất an, ngược lại người nghèo biết đủ thì luôn được nhàn nhã an lạc – “tri nhàn, tiện nhàn, hà thời nhàn”. Cái vui vẻ hạnh phúc không do ai đem lại, cũng không xuất hiện trên cơ sở vật chất mà do chính tự thân không bị lòng tham làm chủ.
Có nhũng người suốt đời bon chen, cật lực kiếm tiền mà vẫn nghèo, cũng không thiếu có người không cần phải khổ thân mà vẫn có của ăn của để. Cổ nhân cũng đã bảo: “si lung ám á giao hào phú, trí tuệ thông minh khước thọ bần” nghĩa là người ngu ngơ khờ khạo lại giàu có, lắm kẻ khôn lanh tính toán vẫn nghèo, hoặc của nắm trong tay cũng sẽ ra đi vì thiếu phước.
Như vậy phước báu quyết định cuộc sống với tài lộc, nhưng ít ai nghĩ đến nguồn gốc sanh tài lộc mà cứ phải suốt đời bon chen, đôi khi hành động tội lỗi, chiếm đoạt của người để rồi, không sớm thì muộn, tài sản đó sẽ vuột khỏi tầm tay, thay vào đó là tai họa sẽ đến.
Một câu chuyện tuy không thực nhưng rất thực đối với cuộc sống, dạy cho những ai luôn nghĩ đến tiền mà không nghĩ đến việc gieo phước, tuy không hành động, đôi khi ý tưởng xấu xa sâu độc hại người, lời nói nham hiểm cũng là lúc tự mình bào mòn phước báu tự thân.
Chuyện kể, anh Cyclo hàng ngày, trước khi đi làm, đều cẩn trọng để trên bàn thờ ông Địa ly cà phê, điếu thuốc và tờ vé số, mỗi chiều, anh ta lắng nghe chăm chú giờ xổ số, thế rồi niềm hy vọng tiêu tan, anh ta lủi thủi tiếp tục còng lưng trên chiếc xe ba bánh kiếm sống qua ngày; cứ thế, ngày ngày trôi qua, tiền vé số, ly cà phê và điếu thuốc cứ tiếp tục hao tốn một khoản tiền, gom lại một năm, số tiền đó không hề nhỏ so với sức lao động và mức thu nhập hàng ngày của anh ta. Một hôm buồn phiền, anh ta giải khuây vài chung rượu vì suốt ngày không có khách. Say xỉn, anh ta đem ông Địa vứt xuống ao. Ngày hôm sau, khi tỉnh rượu đẩy xe ra khỏi nhà, phát hiện bàn thờ không có ông Địa mà ly cà phê và tấm vé số vẫn còn. Anh ta hỏi người nhà – ai lấy cắp ông Địa của anh? Người nhà bảo – anh vứt xuống ao chứ ai mà lấy, anh ta đem lên, rữa sạch, tiếp tục thờ.
Một trưa hè, gió thoang thoảng, anh ta thiêm thiếp nằm trên võng bên chái hiên lá, thấy ông Địa về trách – “sao mầy cứ đem tao vứt xuống ao?” – “tại sao ngày nào tôi cũng cúng cà phê thuốc lá cho ông mà ông không hề cho tôi trúng số” – “vậy mày hãy đi theo tao”
Hai người vào một ngân hàng to lớn, từng gói tiền cuộc sẵn, ông Địa bảo –“mầy vào đó lựa cuộn nào có tên mày thì lấy”. Lựa suốt ngày mà không tìm thấy, anh ta nói với ông Địa “ không có tên tôi” ông Địa đáp –“không có tên mày thì lấy gì tao cho, tao chỉ là người đi phát thơ”. Anh ta hỏi –“thế làm sao tôi có tên”? “mày phải đầu tư vào ngân hàng, có tich lũy mới có lợi nhuận, nghĩa là ngân hàng phúc lộc mày phải biết làm phúc, bố thí, cúng dường, giúp người… từ nhân đó mới có quả báo chứ”
Câu chuyện tuy hư mà vẫn thực, cuộc sống không gieo nhân tốt làm sao có quả tốt. Cứ bo bo bảo thủ, hưởng thụ xa hoa thì phước lộc mỗi ngày một tiêu hao, chưa nói trong cuộc sống vô tình hay cố ý ta làm những chuyện tổn phúc, làm người khổ đau, khinh miệt kẻ nghèo kém may mắn, lừa gạt cướp của, dùng quyền lực hà hiếp kẻ cô thế, dùng lời lẽ thoá mạ kẻ khác…cho dù sống trên khối tài sản, có ngày cũng sẽ tiêu vong.
Tóm lại, tài sản vật chất là của thế gian, không do ta tạo ra, khi sanh ta đến thế gian hai bàn trắng, lúc lìa đời ta cũng không mang chúng theo được, của thé gian đến với ta do phuc báu ta gieo trồng trong quá khứ, quá khư không gieo phúc thì đời nay sao có lộc mà hưởng. Vì vậy, nhà Phật bảo: “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị, dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thi” muốn biết nhân quá khứ hãy xem đời sống hiện tại, muốn biết kiếp sau hãy xem việc làm ngày nay. Thế thì van xin cầu khấn là việc mê tín, nếu khấn cầu đều được giàu có may mắn thì mọi người chả ai cần lao tác, cứ ở không mà khấn cầu.
30/5/2018