;
Bài viết này sẽ khảo sát về vấn đề, rằng trong thời Đức Phật đã có chữ viết, tại sao Ngài không sử dụng chữ viết để truyền pháp. Duyên khởi bài này là do Cư sĩ Thanh Liên và anh Trần Quốc Định nhắc rằng, thời Đức Phật đã có chữ viết, nhưng trong một bài viết trước đây người viết đã nhầm lẫn ghi là chưa có chữ viết. Nơi đây xin sám hối với Tam Bảo về tất cả những sai lầm đã từng có, và trân trọng cảm ơn hai vị cư sĩ đã chỉ ra lỗi trên.
Học thuộc lòng, đọc lớn tiếng, chư thiên nghe Kinh
Khi đọc Kinh Phật, chúng ta thấy rằng tụng đọc Kinh Phật lớn tiếng là truyền thống có từ thời kỳ Đức Phật mới hoằng pháp. Không phải đọc trên chữ, mà là học thuộc lòng để tụng đọc lớn tiếng. Như trường hợp Kinh AN 7.53 cho thấy vị nữ cư sĩ Velukantakì (mẹ của ngài Nanda) đã thức dậy sớm, tụng đọc Kinh Nhật Tụng Pàràyana (Con đường qua bờ kia) - khóa nhật tụng này gồm 16 Kinh trong Phẩm 5 của Kinh Tập.
Và khi đọc lớn tiếng như thế, chư Thiên sẽ nghe được, nơi đây là vị Thiên vương Vessavana (Tỳ-sa-môn) trong khi bay từ phương Bắc về phương Nam đã ngừng lại, chờ đọc hết phẩm Pàràyana mới dám bay qua. Trích Kinh AN 7.52, bản dịch của Thầy Minh Châu như sau:
“Một thời, Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahàmoggallàna đang du hành ở Dakkhinàgiri, cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ, nữ cư sĩ Velukantakì, mẹ của Nanda thức dậy trước khi mặt trời mọc, và đọc lớn tiếng bài “Pàràyana” (Con đường đưa đến bờ bên kia). Lúc bấy giờ, Đại vương Vessavana (Tỳ-sa-môn) đang đi từ phương Bắc đến phương Nam vì một vài công việc.
Đại vương Vessavana nghe nữ cư sĩ Velukantakì, mẹ của Nanda, sau khi lớn tiếng đọc xong bài Pàràyana, liền đứng lại, chờ đợi cho bài được đọc xong. Và nữ cư sĩ, mẹ của Nanda, sau khi lớn tiếng đọc xong bài Pàràyana, liền im lặng.” (1)
Chúng ta biết rằng tụng đọc với tốc độ trung bình cho hết Phẩm Pàràyana (2) sẽ mất khoảng gần 1 tiếng đồng hồ. Nghĩa là, tâm phải rất chí thành mới có thể một mình, mỗi buổi sáng dậy sớm, tụng đọc lớn tiếng cho trọn Phẩm Pàràyana và tâm chí thành đó có oai lực tới nỗi buộc vị thiên vương kia phải ngừng bay, chờ đợi.
Chúng ta biết thêm rằng, cụ bà trình ngài Xá Lợi Phất rằng cụ bà biết tâm cụ bà rất bình lặng, kể cả khi biết người con trai duy nhất đã bị vua sát hại, trích kinh này, nơi đoạn vấn đáp của ngài Xá Lợi Phất và cụ bà như sau:
“—Thật vi diệu thay, Mẹ của Nanda! Thật hy hữu thay, Mẹ của Nanda! Bà có thể nói chuyện, mặt tận mặt với một Thiên tử có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy.
—Thưa Tôn giả, không phải chỉ có sự vi diệu như vậy, sự hy hữu như vậy đối với con. Con còn có một sự kiện vi diệu, hy hữu khác! Ở đây, thưa Tôn giả, Nanda, đứa con độc nhất của con, khả ái, khả ý, vì một lý do gì đó, bị các vua dùng sức mạnh bắt giữ và đoạn mạng sống. Thưa Tôn giả, trong khi đứa trẻ bị bắt giữ hay đang bị bắt giữ, khi bị trói hay đang bị trói, khi bị giết hay đang bị giết, con rõ biết tâm của con không có đổi khác.” (1)
Chưa hết, cụ bà cư sĩ này tuyệt vời tới mức đã tự biết là đã đắc quả Bất Lai (còn gọi là Bất Hoàn hay A Na Hàm) vì đã đoạn tận năm hạ phần kiết sử, như lời cụ bà nói với ngài Xá Lợi Phất, trích:
“—Thưa Tôn giả, không phải chỉ có sự vi diệu như vậy, sự hy hữu như vậy đối với con. Con còn có một sự kiện vi diệu, hy hữu khác! Ở đây, thưa Tôn giả, năm hạ phần kiết sử được Thế Tôn thuyết giảng, con thấy rõ không còn pháp nào ở nơi con chưa được đoạn tận.” (1)
Hướng dẫn đông người tụng đọc, xua đuổi tà ma, dịch bệnh
Như trên là trường hợp thời khóa riêng của cụ bà cư sĩ Velukantakì, khi đọc tụng lớn tiếng một mình. Trường hợp khác, có khi đại chúng cùng tụng đọc lớn tiếng. Và rồi có lúc đích thân Đức Phật đọc kinh lớn tiếng cho đại chúng nghe.
Như thế, nếu sử dụng chữ viết, thời đó phải viết chữ trên lá, số người mù chữ hiển nhiên là nhiều hơn người biết chữ, và cũng không thể có mỗi người một bản kinh để cầm trên tay để đọc cho chính xác. Cách đơn giản của thời Đức Phật là: nghe kinh, học thuộc lòng, để cùng tụng đọc lớn tiếng.
Trong Kinh kể rằng, có một trường hợp Đức Phật dạy ngài Ananda hãy hướng dẫn cư dân thành phố Vesali vừa đi quanh thành phố, vừa tụng đọc lớn tiếng Kinh Ratana Sutta (Kinh Châu Báu) để trừ đại dịch đang tàn phá nơi này.
Sau khi ngài Ananda cùng cư dân về lại tu viện gặp Đức Phật, chính ngay lúc đó đích thân Đức Phật tụng đọc lớn tiếng Kinh Châu Báu cho đại chúng nghe. Có nghĩa là, không đọc thầm trong đầu. Và khi ngài Ananda tác pháp, là cùng cư dân thành phố tụng đọc lớn tiếng.
Theo chú thích của ngài Thanissaro trên trang Access to Insight về Kinh Châu Báu (Tạng Pali ghi thành 2 nơi: Kinh Kp6, Kinh Snp 2.1), ghi về cơ duyên của Kinh này, trích dịch như sau:
“Cơ duyên cho bài kinh này, nói một cách ngắn gọn, theo Luận thư chú giải, như sau: Thành phố Vesali bị nạn đói tàn phá, làm nhiều người chết, đặc biệt là đối với dân nghèo. Vì có quá nhiều xác chết đang nằm phân hủy, những tinh linh hung dữ bắt đầu quậy phá thành phố; thế rồi sau đó là dịch bệnh. Bị ám ảnh bởi ba nỗi sợ hãi: nạn đói, nạn phi nhân quậy phá, và nạn dịch bệnh, người dân thành phố tới xin Đức Phật, lúc đó đang cư trú ở Rajagaha, giúp để thoát 3 đại nạn.
Đức Phật mới đi bộ tới thành phố Vesali, cùng với đông đảo Tỳ khưu, trong đó có thị giả là Đại đức Ananda. Khi Đức Phật tới thành phố, có những cơn mưa xối xả tuôn xuống, cuốn trôi những xác chết đang tan rã. Bầu không khí trở nên trong lành, thành phố sạch sẽ.
Sau đó, Đức Phật dạy ngài Ananda bài Kinh Châu Báu, chỉ phương pháp cùng đi với cư dân đi một vòng thành phố tụng đọc kinh này để bảo vệ cho dân thành phố Vesali. Ngài Ananda làm theo lời dạy, và rảy nước đã tịnh hóa từ bình bát khất thực của Đức Phật. Kết quả là tà ma bị trục xuất, đại dịch lắng xuống.
Sau đó, ngài Ananda cùng cư dân thành phố Vesali về lại hội trường nơi Đức Phật và các môn đệ đang chờ. Khi đó, Đức Phật đọc tụng lớn tiếng bài Kinh Châu Báu đó cho đại chúng nghe…” (3)
Trong Kinh DN 33, ghi lời ngài Xá Lợi Phất thay mặt Đức Phật cũng dạy rằng đại chúng “phải cùng nhau tụng đọc không cãi cọ nhau” để an lạc cho chúng sanh, an lạc cho chư Thiên và cho loài Người. Hiểu rằng, chúng sanh có nghĩa là các cõi vô hình mà mắt người không thấy được.
Trong Kinh DN 33, câu “phải cùng nhau tụng đọc không cãi cọ nhau” được ngài Xá Lợi Phất lặp đi, lặp lại 22 lần. Cuối Kinh, Đức Phật khen ngợi "Lành thay, lành thay Sāriputta! Này Sāriputta, Ngươi đã khéo giảng, khéo tụng kinh này cho chúng Tỷ kheo"... Nơi đây, trích Kinh DN 33, bản dịch của Thầy Minh Châu như sau:
“Này các Hiền giả, thế nào là Pháp được Thế Tôn chúng ta khéo giảng dạy, khéo trình bày, một pháp có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh do vị Chánh Đẳng Giác trình bày? Ở đây, tất cả cần phải cùng nhau tụng đọc không cãi cọ nhau, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.” (4)
Do vậy, ngày nay chúng ta có Kinh in chữ trên giấy, có thể thầm lặng đọc, nhưng cũng nên nhớ rằng Đức Phật từng dạy là hãy đọc Kinh lớn tiếng để làm lợi ích cho bản thân, cho chư Thiên, cho các giới vô hình chung quanh mình. Có một lý do nữa, đọc tụng lớn tiếng dễ thuộc lòng Kinh hơn. Đức Phật trước khi đọc bài Kệ 241 trong Kinh Pháp Cú đã rầy ngài Laludayi là đã không tụng đọc Kinh, nên chưa thuộc Kinh.
Bản Anh văn, Kệ 241, của ngài Ācāriya Buddharakkhita là: “Non-repetition is the bane of scriptures; neglect is the bane of a home; slovenliness is the bane of personal appearance, and heedlessness is the bane of a guard.”
Bản Việt dịch, Kệ 241, của Ngài Minh Châu là: "Không tụng làm nhớp kinh. Không đứng dậy, bẩn nhà. Biếng nhác làm nhơ sắc, Phóng dật uế người canh." (5)
Đức Phật từ nhỏ đã xuất sắc về đọc, viết và nhiều môn học
Theo một số tài liệu, Đức Phật từ thơ ấu đã được vua cha cho học nhiều môn, và môn nào ngài cũng xuất sắc hơn các vương tử khác. Như thế, cũng cho thấy lý do Đức Phật yêu cầu đại chúng đọc tụng Kinh lớn tiếng hẳn là cũng từ kinh nghiệm riêng khi quan sát về cách dạy và học của thời kỳ đó. Cũng là để thấy, Đức Phật không viết Kinh xuống lá để luu trữ là đã cân nhắc lợi hại.
Trong tác phẩm Đường Xưa Mây Trắng, ấn bản 1992, tác giả Thích Nhất Hạnh viết về thời kỳ Đức Phật khi còn là cậu bé Hoàng tử Siddhatta đã học như thế nào nơi Chương 6 “Bóng mát cây hồng táo” trích như sau:
“Đến tuổi đi học, Siddhatta được học đọc, học viết, học vẽ, học âm nhạc và học thể thao. Siddhatta được học chung với các vương tử khác trong dòng họ Sakya. Tất ca đều là con trai. Trong số các bạn học của Siddhatta, có Devadatta, Kaludayu và Kimbila. Devadatta là em chú bác của Siddhatta. Kaludayi là con của một vị đại thần trong triều, Kimbila là một người em cô cậu của Siddhatta.
Vì tư chất thông minhh, Siddhatta học rất mau chóng. Thầy dạy chữ của Siddhatta là giáo sư Visvamitra. Devadatta đã là một đứa trẻ thông minh đối với ông, nhưng Siddhatta mới là đứa trẻ làm cho ông kinh ngạc. Ông chưa bao giờ dạy một đứa trẻ thông minh đến như thế.” (6)
Trong tác phầm “A Young People's Life of the Buddha” của ngài Bhikkhu Silacara (1871-1951), một vị sư người Anh xuất gia theo truyền thống Theravada Miến Điện, ghi về thời thơ ấu của Đức Phật đã học đọc, học viết và học toán số, trích dịch như sau:
“Sau khi được nuôi dưỡng dưới sự chăm sóc thương yêu của dì Mahapajapati, người đã chăm sóc đứa con của người chị gái đã quá cố như thể hoàng tử Siddhatta là con của bà, cho đến khi cậu được 8 tuổi, các giáo viên lúc đó đã được cử đến để dạy hoàng tử về đọc, về viết, và về số học. Dưới hướng dẫn của các giáo viên này, hoàng tử nhanh chóng học được tất cả những gì các giáo viên phải dạy trong môn học họ phụ trách.
Thực tế, hoàng tử học rất nhanh và giỏi đến nỗi mọi người, các giáo viên, phụ vương và di mẫu đều kinh ngạc về sức học nhanh chóng của cậu. Vì bất kể môn học nào hoàng tử được dạy, ngay khi được nghe bất cứ điều gì, tâm trí hoàng tử lập tức ghi nhớ những gì được dạy và không bao giờ quên mất, qua đó cho thấy cậu hoàng tử đặc biệt có năng khiếu về số học.”(7)
Viết là một nghề ưu thế trong xã hội thời Đức Phật
Trong Kinh Ud 3.9, ghi về cuộc tranh luận giữa các vị sư rằng nghề nào là nghề tốt nhất, lúc đó các sư chia nhau nói nghề giỏi nhất là dạy voi, dạy ngựa, bắn cung, nghệ thuật viết --- writing -- vâng, đúng là có nghề viết nữa, tức là đã có chữ viết trong thời Đức Phật.
Trích dịch Kinh Ud 3.9, như sau: "Trong câu trả lời, một số vị sư nói rằng nghề làm voi là nghề thủ công tốt nhất. Các vị sư khác nói rằng nghề tốt nhất là nghề cưỡi ngựa, hoặc chế tạo xe ngựa, hoặc bắn cung, hoặc kiếm thuật, hoặc tính toán, hoặc kế toán, hoặc tính toán, hoặc nghệ thuật viết (writing, writing-craft), hoặc làm thơ, hoặc vũ trụ học (cosmology), hoặc phong thủy." (8)
Tới buổi chiếu, các vị sư mới kể lại cho Đức Phật, và Đức Phật mới rầy, "Khi ngồi lại với nhau, các tu sĩ nên làm một trong hai điều sau: hoặc thảo luận về giáo pháp, hoặc giữ im lặng bậc thánh.”
Kinh Tạng Pali cũng ghi rằng, vào thời Đức Phật, nghệ thuật viết là một nghề có ưu thế trong xã hội. Những người học viết chữ thời đó sẽ có thể “sống thoải mái và không bị cực nhọc” nhưng vì học viết quá gian nan, cho nên “học chữ viết thì các ngón tay sẽ bị đau.”
Chúng ta không rõ tại sao ngón tay dễ bị đau khi học viết chữ. Có thể vì viết bằng dao khắc chữ lên vỏ cây bạch dương (birch bark manuscripts) hay là viết chữ lên các tấm bảng vàng (suvaṇṇapaṭṭa) đòi quá nhiều công phu?
Trong Tạng Luật, Chương Phân Tích Giới Tỳ Khưu, nơi Điều Học Về Người Kém Hai Mươi Tuổi, bản Việt dịch của ngài Bhikkhu Indacanda ghi rằng, trích:
“Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, trong thành Rājagaha có nhóm mười bảy thiếu niên là bạn bè. Thiếu niên Upāli là thủ lãnh của chúng.
Khi ấy, cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Có phương cách gì để sau khi chúng ta từ trần, Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc?” Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli có thể học chữ viết, như thế sau khi chúng ta từ trần Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc.”
Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli học chữ viết thì các ngón tay sẽ bị đau.” Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli có thể học tính toán, như thế sau khi chúng ta từ trần Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc.” (9)
Như thế, do quyết định của Đức Phật, Kinh phải được học thuộc lòng để thành một văn hệ truyền khẩu. Thời đó chưa có giấy, chưa có máy in, số người biết chữ lại ít. Đặc biệt là do địa phương rộng lớn, nhiều phương ngữ dị biệt trong ngôn ngữ các bộ tộc. Rồi tới nhiều thế kỷ sau, Kinh mới được chép xuống thành chữ.
Tuy nhiên, theo ngài Sujato, người đã dịch hầu hết Tạng Pali sang tiếng Anh, có thấy một luận thư Pali chú giải Kinh MN 140 ghi rằng có một số văn bản được viết thành chữ trong thời Đức Phật sinh tiền, nhưng không có chứng cớ nào cho thấy như thế, dù là có thể như thế, và cổ thư đó nói rằng lúc đó Kinh viết lên các tấm vàng để lưu trữ lâu bền (They were said to be inscribed on gold plates (suvaṇṇapaṭṭa), so barring the accidents of history, they could even survive.) (10)
Tới thời chúng ta, có khi tụng đọc lớn tiếng không thích hợp, nếu đang sống trong các ký túc xá sinh viên, hay trong các khu nhà công nhân, hay trong các xóm chợ ồn ào, nơi nhiều người theo nhiều tôn giáo khác nhau cùng cư ngụ.
Hay khi đang tu định (vì nhị Thiền là tịch lặng âm thanh, là im lặng bậc thánh). Nhưng thông điệp của Đức Phật là, hãy học thuộc lòng một số Kinh cốt tủy để tu học thực tiễn, như lời dạy rằng, “Pháp được Thế Tôn khéo nói, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu…” Và pháp đó khi chúng ta kinh nghiệm ngay nơi thân tâm của mình, thường trực, sáng trưa chiều tối, mới đúng là đang tụng đọc Kinh.
Thư viện Hoa Sen
GHI CHÚ:
(1) Kinh AN 7.53: https://suttacentral.net/an7.53/vi/minh_chau
(2) Qua Bờ Bên Kia: https://thuvienhoasen.org/p15a30611/pham-qua-bo-ben-kia-cac-bai-ke-gioi-thieu
(3) Giới thiệu Kinh Châu Báu: https://accesstoinsight.org/ati/tipitaka/kn/khp/khp.1-9x.piya.html#khp-6
Kinh Châu Báu: https://thuvienhoasen.org/a21766/kinh-chau-bau
(4) Kinh DN 33: https://suttacentral.net/dn33/vi/minh_chau
(5) Kinh Pháp Cú, Kệ 241: https://thuvienhoasen.org/p15a7962/pham-11-20
(6) Đường Xưa Mây Trắng: https://thuvienhoasen.org/p97a13790/quyen-mot-phan-2
(7) A Young People's Life of the Buddha: https://www.accesstoinsight.org/lib/authors/silacara/youngpeoples.html
(8) Kinh Ud 3.9: https://suttacentral.net/ud3.9/en/sujato
(9) Điều Học Về Người Kém Hai Mươi Tuổi: https://suttacentral.net/pli-tv-bu-vb-pc65/vi/indacanda
(10) Kinh viết lên vàng: https://discourse.suttacentral.net/t/first-written-buddhist-canon/5388/9