;
Ăn chay trong kinh điển Phật giáo đại thừa
Khi mang thai nên tụng kinh cầu nguyện như thế nào để có hiệu quả ?
Ăn uống trong nhà Phật, tại sao lựa chọn ăn chay vậy? Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa còn tại thế khuyến khích chúng ta ăn chay, nhưng bản thân Ngài không có thực hành ăn chay, đó là do môi trường sống không cho phép. Đức Phật là người vô cùng từ bi, người từ bi không muốn phiền phức người khác. Đức Phật mỗi ngày ra ngoài đi trì bát, khi trì bát, người ta ăn cái gì thì cúng dường cái ấy, vậy là thuận tiện. Nếu như Phật muốn đề xướng ăn chay, vậy mỗi một nhà đều phải chuẩn bị một chút thức ăn chay để cung ứng cho người trì bát, vậy thì phiền phức biết bao. Ngài không muốn thêm phiền phức cho người, đây là tùy duyên.
Chư Phật Bồ Tát tùy duyên không sao cả, bởi vì tâm họ từ bi, họ không có phân biệt, không có chấp trước, tâm của họ thanh tịnh, không bị ô nhiễm. Chúng ta là phàm phu, tâm của chúng ta không thanh tịnh, tâm chúng ta sẽ bị ô nhiễm, cho nên ăn uống không thể không có lựa chọn.
Phật giáo chúng ta ngày xưa áp dụng ăn chay bắt đầu từ thời vua Lương Vũ Đế. Lương Vũ Đế đọc kinh Lăng Già, trong kinh Phật khuyến khích Bồ Tát không nên ăn thịt chúng sanh. Sau khi ông đọc xong, ông vô cùng cảm động. Bản thân ông áp dụng ăn chay và khuyến khích người xuất gia cũng áp dụng ăn chay. Vận động ăn chay là bắt nguồn từ đó.
Ăn chay vô cùng quan trọng. Ăn chay là dưỡng sinh, dưỡng tâm, dưỡng tánh. Tánh, dùng cách nói hiện nay là tinh thần, tức là trong ăn chay cũng có cái không tốt cho tính tình, Phật đều đem nó lựa ra. Mọi người biết, nhà Phật nói rau ngũ huân, “huân” có bộ thảo đầu, huân không phải thịt, cho nên rất nhiều người nói ăn huân là ăn thịt, đây là sai rồi! Huân không phải thịt, huân là rau. Thịt, nhà Phật gọi là “huân tanh”. Huân là năm loại rau, mọi người đều biết, đó là tỏi, kiệu (chúng ta gọi là kiều đầu), rau hẹ, hành, hưng cự (chúng ta gọi là hành tây), những thứ này ảnh hưởng sinh lý. Người không có công phu, người không có định công, nếu ăn sẽ gây ra hiệu quả không tốt, cho nên nhà Phật tránh nó. Năm loại này gọi là huân thái. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nói rõ ràng, ăn sống rất dễ động can hỏa, nóng nảy bứt rứt. Cho nên Phật mới khuyên người sơ học, bạn muốn bảo vệ tâm trạng lương thiện của mình phải để ý, việc ăn uống sẽ ảnh hưởng tâm trạng. Ăn chay gìn giữ tâm từ bi, không ăn thịt chúng sanh, cho nên ăn chay là vệ sinh, vệ tánh, vệ tâm. Đây là sự lựa chọn tốt nhất, là đạo dưỡng sinh tốt nhất, nó dưỡng sinh, dưỡng tánh, dưỡng tâm. Đây là đại học vấn. Từ chỗ này sinh khởi tâm yêu thương, bảo vệ tất cả chúng sanh, hoan hỷ, vô điều kiện chăm lo tất cả chúng sanh, giúp đỡ tất cả chúng sanh. Tâm Bồ Đề là sinh ra từ đây.
…Bố thí vô úy rất đơn giản, rất thuận tiện chính là ăn chay. Ăn chay là từ nay về sau không hại tất cả chúng sanh. Tuy là trong Phật pháp không khuyên người ăn trường chay, Phật chỉ khuyên bạn không sát sanh, không hề khuyên bạn không ăn thịt. Nếu như muốn nói đến bố thí vô úy, thì việc ăn chay là rất quan trọng. Khoa học kỹ thuật hiện đại phát triển lò sát sanh, tôi chưa đi tham quan qua, thế nhưng khi tôi còn nhỏ, sanh ra lớn lên ở trong nông thôn, trong nông thôn giết heo bán thịt, khi nhà bán thịt giết heo, họ nắm tai của heo lên nói với nó: “Heo ơi, heo ơi! Ngươi đừng trách ta. Ngươi là một món ăn của nhân gian. Họ không ăn thì ta không giết. Ngươi đi tìm người ăn mà đòi mạng đi”. Các vị thấy, họ đem tất cả trách nhiệm đổ cho người ăn, các vị người nào ăn thịt thì tiêu rồi, vấn đề sẽ rất nghiêm trọng. Họ đem trách nhiệm đổ hết cho người ăn, họ không có tội, tội lỗi đều là ở người ăn thịt. Cho nên chúng ta có thể ăn chay, có thể không ăn thịt tất cả chúng sanh, đó chính là vô úy bố thí, bồi dưỡng tâm từ bi của chính mình. Đây là việc tốt, bồi dưỡng tâm từ bi của chính mình, quyết không tổn hại bất cứ một chúng sanh nào. Không những là không thể sát hại, mà ngay đến làm cho chúng sanh vì ta mà sanh phiền não thì chúng ta liền có tội, có lỗi lầm.
Trích lời dạy của HT. Tịnh Không từ:
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên (tập 18)
Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 13)