;
Tâm Bồ Đề là gì?
Tâm Bồ đề tuy nói hai nhưng chỉ là một, bởi đó là chân tâm, tánh giác trong lặng, tròn đầy, không một gợn nhơ của mỗi chúng sanh chúng ta. Vì thanh tịnh, không một gợn nhơ mà nó chiếu khắp mọi nơi, không bị ngăn ngại. Câu hỏi nghi vấn, chúng
sanh chúng ta ai cũng có sẵn vậy sao phải tu làm chi cho mệt? Đơn giản, chân tâm, tự tánh đó đã bị nghiệp lực bủa vây, bị màn vô minh từ vô thỉ che lấp, phủ kín, nên nó không thể phát khởi, không thể chiếu khắp như nó vốn thường có. Vì thế chúng ta tu học chính là nhằm thắp lại, khơi sáng lại chân tâm tự tánh vốn sẵn có của mỗi chúng ta. Trong đạo gọi đó là Giác. Bồ đề là Giác. Giác điều gì?
1. Nhân quả báo ứng như bóng theo hình và tơ hào không sai một ly;
2. Giác 8 nỗi khổ của kiếp con người: sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ;
3. Giác thân người khó được, Phật pháp khó gặp, khó nghe;
4. Giác sanh-tử vô thường trong từng gang tấc.
5. Chỉ có Phật pháp mới giúp thoát khổ, vĩnh ly sanh tử luân hồi.
Khi chúng ta giác được những điều này thì, đồng nghĩa chúng ta muốn thoát khổ, vĩnh ly khổ - tiền đề cho phát bồ đề tâm.
Phát Bồ Đề Tâm là gì?
Phát là khởi hành, là bước tiến đầu tiên trong việc gần gũi Tam bảo. Bước tiến này chính là bước dũng mãnh dấn thân đi theo con đường mà Đức Bổn Sư Thích Ca đã chỉ dạy: Bỏ ác, hành thiện, giữ tâm thanh tịnh. Đây là bước chuyển hoá tâm: từ tham, sân, si, mạn, nghi, phân biệt, chấp trước sang tâm: nhìn thấu-buông xả-tự tại-tuỳ duyên-niệm Phật.
- Nhìn thấu: Nhân quả báo ứng như bóng theo hình và tơ hào không sai một ly; Giác 8 nỗi khổ của kiếp con người: sanh, lão, bệnh, tử, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc, oán tắng hội khổ, ngũ ấm xí thạnh khổ; Giác thân người khó được, Phật pháp khó gặp, khó nghe; Giác sanh-tử vô thường trong từng gang tấc.
- Buông xả: Tham, sân, si, mạn, nghi, phân biệt, chấp trước.
- Tự tại: Không bị những tâm tham, sân, si, mạn, nghi, phân biệt, chấp trước chi phối và lôi kéo.
- Tuỳ duyên: Khéo léo chuyển hoá tâm thức (tâm khởi lên khi 6 căn đối sáu cảnh trần còn gọi phân biệt, chấp trước) để uyển chuyển đối người, tiếp vật. Đây là điều khó cho người tu tại gia chúng ta trong bước khởi đầu tu học. Nguyên nhân: vì chúng ta rơi vào chấp hình tướng tu học (ăn chay, ăn mặn; chay trường, chay kỳ, chẳng ăn chay; trì giới, chẳng trì giới), chấp hình thức tu học (niệm Phật nhiều, niệm Phật ít, niệm chánh niệm, chẳng chánh niệm), chấp pháp tu học (chấp thiền, chấp tịnh, chấp mật). Những kiến chấp này khiến chúng ta bị rơi vào trạng thái kẹt trong pháp tu. Tu là sửa để thoát khổ, nhưng nay tu lại kẹt trong khổ do không biết tuỳ duyên.
- Niệm Phật: Niệm Giác. Niệm niệm Phật = niệm niệm giác. Giác điều gì? Là những điều mà chúng ta đã nêu trên. Nhưng nếu hàng ngày chúng ta niệm Phật, thậm chí mọi nơi, mọi chốn, mọi thời, mọi khắc mà không giác được 5 điều nói trên=niệm Phật trong phiền não và điên đảo, vọng tưởng.
*NGƯỜI TU TỊNH ĐỘ CẦN GÌ KHI PHÁT TÂM BỒ ĐỀ ĐỂ VÃNG SANH CỰC LẠC?
Tín-Nguyện-Hạnh là Tin sâu-Nguyện thiết-Thực tâm hành.
- Tín=Tin sâu: 5 điều nói trên. Tin sâu cõi Tịnh độ là có thật, chẳng hư nguỵ.
- Nguyện-Nguyện thiết: nhờ tin sâu mà có nguyện thiết. Nguyện chân chánh thực hành theo lời của Bổn Sư, chọn pháp môn phù hợp với căn cơ rồi tha thiết nguyện, chân chánh đi theo con đường Bổn Sư đã chỉ bày, lấy đó làm phương tiện để chuyển hoá nghiệp, chuyển hoá khổ, tiến tới giác ngộ, giải thoát=phá mê-khai ngộ-lìa khổ-được vui-chuyển phàm-thành thánh; nguyện một đời nương đại nguyện lực của Phật A Di Đà – phát bồ đề tâm nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật – Cầu sanh Tịnh Độ quyết không thoái chuyển.
- Hạnh=Thực tâm hành: Hạnh là đức hạnh, giới hạnh (trong đạo gọi là giới đức) của người tu đạo. Chúng ta tu mà không giữ trọn giới đức=không thực tâm hành. Giới đức của người tại gia: Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu bia hay dùng chất kích thích. Khai triển 5 giới thành 10 thiện tức 3 nghiệp của thân; 4 nghiệp của khẩu; 3 nghiệp của ý:
a. Thân: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm
b. Khẩu: không nói lời lưỡng thiệt, không nói lời đâm thọc, không nói dối, không nói lời sân hận
c. Ý: không tham, không sân, không si
5 Giới – 10 thiện này chính là hành trang để chúng ta tiến về Tịnh Độ. Ngoài những điều nói trên ra mà chúng ta mong về Tịnh độ thật chẳng có cơ hội.
Đây là điều hàng ngày, khi tu học, mỗi chúng ta đều phải thường quán chiếu thật sâu sắc để mình không bị lạc đường.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nguyện có ai thấy nghe
Đều phát tâm bồ đề
Khi mãn báo thân này
Đồng sanh Cực lạc quốc.
Nam Mô A Di Đà Phật !
Cư sĩ Thiện Nhân