;
Bìa sách ấn bản tiếng Anh (2016) và tiếng Pháp (2017)
Mục lục
Rigpa và Lhaksam: Hai món quà của Đức Đạt-lai Lạt-ma hiến tặng cho thế giới:
Lời tựa của Sofia Stril-Rever...........................................................................
Lời tựa của Jeffrey Hopkins ..........................................................................
Phần thứ nhất
Con đường Phật giáo
1. Vài nhận định..............................................................................................
2. Lòng từ bi nhân ái.......................................................................................
3. Thiền định...................................................................................................
4. Trí tuệ..........................................................................................................
Phần thứ hai
Dẫn nhập về phép Đại hoàn thiện
5. Căn bản chung của tất cả các học phái Phật giáo Tây Tạng.........................
6. Tâm thức nguyên sinh của ánh sáng trong suốt...........................................
Phần thứ ba
Bình giải về
Ba chữ đánh thẳng vào điểm chủ yếu
của Patrul Rinpoché
7. Giáo huấn thứ nhất..................................................................................
8. Con đường tối thượng của sự nghỉ ngơi...................................................
9. Tinh thần vajra hay "lòng nhân ái toàn cầu"
10. Giáo huấn thứ hai........................................................................................
11. Con đường thăng tiến tuần tự......................................................................
12. Giáo huấn thứ ba: Sự giải thoát tự nhiên.....................................................
13. Tính cách đồng nhất của cả ba giáo huấn....................................................
Phần thứ tư
Đối chiếu giữa hai học phái:
dịch thuật xưa và dịch thuật mới
14. Cấu trúc căn bản của học phái dịch thuật xưa trong phép Đại hoàn thiện...
15. Lời khuyên của tôi.....................................................................................
Phụ lục............................................................................................................
Thư tịch chọn lọc...........................................................................................
Chương 2
LÒNG TỪ BI NHÂN ÁI (1)
Căn bản trong việc luyện tập
[(1) Lòng từ bi nhân ái, tiếng Tây Tạng là Tse wa (rtse ba) là một thuật ngữ nói lên tình mẫu tử và nỗi âu lo vô biên của chư Phật đối với mỗi chúng sinh. Tôi (tức là bà Sofia Stril-Rever) không hoàn toàn đồng ý với Tiến sĩ Jeffrey Hopkins khi ông dịch chữ tse wa là "empathie/empathy"/"sự quý mến" hay "lòng yêu mến". Trong trường hợp này, tôi nghĩ rằng nên dịch là "compassion aimante"/"loving compassion"/"lòng từ bi nhân ái", bởi vì theo Phật giáo thuật ngữ này nói lên tình thương yêu và lòng quyết tâm loại bỏ khổ đau cho tất cả chúng sinh. (Sau khi tham vấn hai chuyên gia Anne Benson và Christian Bruyat trong Ủy ban dịch thuật Padmakara thì hai vị này đều cho rằng quan điểm trên đây là hữu lý) - gcts].
Trong ba chương tiếp theo đây tôi sẽ trình bày về các đường hướng chủ yếu nhất trên con đường tâm linh của Đức Phật, đó là việc luyện tập lòng từ bi, phép thiền định và trí tuệ. Lòng từ bi nhân ái - nói lên lòng thương mến và nhân từ - là căn bản chủ yếu của Phật giáo. Động cơ thúc đẩy lòng từ bi, tình thương yêu, sự tốt bụng, lòng khoan dung và sự tự nguyện dù có đôi chút khác biệt giữa các học phái triết học [trong Phật giáo], hoặc giữa các phương pháp tu tập thuộc các tông phái [Phật giáo] khác nhau, nhưng mục đích tối hậu vẫn là một, đó là sự trợ giúp tất cả chúng sinh. Trong Phật giáo, các phương pháp tu tập nhằm phát huy, trau dồi và thực thi lòng từ bi, rất phong phú và đa dạng,.
Bước đầu trên đường tu tập Phật giáo không có gì là khó khăn cả, chỉ cần không làm hại kẻ khác thế thôi. Cội rễ sâu xa mang lại cách hành xử đó là tinh thần phi-bạo-lực, có nghĩa là không được phép gây ra tai hại [đối với bất cứ một chúng sinh nào, và cả môi trường và sự sống nói chung]. Lòng từ bi do đó sẽ là thái độ hành xử căn bản nhất (tức là cung cách ăn ở tiên khởi và sơ đẳng nhất của một người bước vào con đường tu tập Phật giáo). Sau đó là phải tập trung vào việc giúp đỡ kẻ khác, đồng thời làm giảm bớt sự ích kỷ của mình. Lòng từ bi sẽ trở nên chín chắn và già dặn hơn (không còn là một xúc cảm bồng bột và nhất thời). Lúc đầu, khi khả năng giúp đỡ của mình chưa được phát huy đầy đủ thì việc thể hiện lòng từ bi cũng chỉ là việc không làm hại đến kẻ khác. Thế nhưng khi khả năng đó đã trở nên mạnh mẽ hơn thì việc biểu lộ lòng từ bi cũng phải cụ thể hơn, tức là phải hướng thẳng vào việc giúp đỡ kẻ khác bằng hành động. Dầu sao trong cả hai trường hợp, căn bản chủ yếu vẫn là lòng từ bi.
Nếu muốn đạt được mục đích đó thì phải phát huy nội tâm mình. Vậy nếu muốn phát huy nội tâm thì phải làm thế sao? Đấy là cách ý thức cái Tôi - mà chính mình tạo ra nó một cách tự tại - lệ thuộc vào tâm thức và thân xác mình như thế nào. Cảm tính về cái Tôi đó là một yếu tố (một sự cảm nhận) tự nhiên, tự tại, và thật ra cũng đúng như vậy. Điều đó cũng tốt, bởi vì nó giúp chúng ta biết tìm kiếm hạnh phúc và tránh né khổ đau (câu này rất quan trọng, bởi vì nếu cứ nói con người là "vô ngã" không có "cái tôi" nào cả, thì tìm kiếm hạnh phúc và tránh né khổ đau để mà làm gì, một khi không có "cái tôi" hay "cái ngã" nào để mà cảm nhận hạnh phúc ấy và gánh chịu các thứ khổ đau ấy? Dó đó "cái tôi" hay "cái ngã" có thật nhưng không bất biến, tự tại và trường tồn - dưới hình thức một "linh hồn" chẳng hạn - như chúng ta thường hiểu. Cái tôi hay cái ngã cũng chỉ là một hiện tượng, biến cố hay phóng tưởng tâm thần, tương tự như các hiện tượng, biến cố hay phóng tưởng khác, liên hệ mật thiết với nghiệp của một cá thể, hiện ra bên trong tâm thức của cá thể ấy. Dưới một góc nhìn khác thì "cái tôi" hay "cái ngã" cũng chỉ là một thứ động lực phát sinh từ các bản năng sinh tồn, truyền giống và sợ chết, là những gì thúc đẩy, sai khiến và chỉ huy mình. Dưới góc nhìn này thì không nên xem cái tôi hay cái ngã của mình quá lớn khiến mình trở thành một kẻ ích kỷ, tham lam, hung dữ với chủ đích bảo vệ nó). Hạnh phúc là một quyền hạn tự nhiên, chính đáng và hợp lý, chỉ cần nhìn vào sự kiện tất cả chúng ta đều mong cầu tìm được hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau thì cũng đủ để hiểu được điều đó là đúng (thật dễ hiểu: tìm kiếm hạnh phúc và tránh né khổ đau là các cảm tính phát sinh từ sự mong muốn được no ấm, thỏa mãn trong việc truyền giống, tránh khỏi mọi thứ khổ đau, bệnh tật và cả cái chết - nếu có thể được, đó là "quyền hạn" của sự sống nói chung, một hình thức thúc đẩy sâu kín của ba thứ bản năng căn bản nhất của sự sống, đó là các bản năng sinh tồn, truyền giống và sợ chết).
Trong tất cả mọi người đều hiện ra cảm tính thúc đẩy tìm kiếm hạnh phúc đó. Vì thế mỗi người trong chúng ta đều ngang hàng nhau trong việc tìm kiếm hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau (nếu nhìn dưới khía cạnh bản năng thì những sự mong cầu ấy nói lên "quyền sống" của mỗi cá thể. Lường gạt, xúi dục, tuyên truyền, ép buộc kẻ khác phải ra trận hay hy sinh mạng sống của mình vì một lý tưởng, một ý thức hệ hay đức tin tôn giáo, là vi phạm vào "quyền sống" tự nhiên và chính đáng đó của mỗi cá thể). Tuy nhiên một vấn đề khác sẽ hiện ra (quyền hạn thì ngang nhau nhưng bổn phận thì tế nhị hơn). Tôi là một con người duy nhất, kẻ khác lại là đa số. Dù tất cả đều ngang hàng nhau trên phương diện mong cầu hạnh phúc, nhưng số lượng thì lại khác. Tôi chỉ đại diện cho một người duy nhất, trong khi đó kẻ khác thì lại đông vô kể. Vậy cũng nên tự hỏi xem mỗi người trong số đông đó phải có bổn phận phục vụ tôi, mang lại hạnh phúc cho tôi, hay là tôi phải có bổn phận mang lại hạnh phúc cho tất cả? Có một phương pháp rất hữu hiệu giúp chúng ta khơi động lòng từ bi và ý thức được bổn phận đó của mình, phương pháp ấy như sau:
Hãy hình dung mình là một người hoàn toàn trung hòa (không thiên vị ai cả) giữa một đám đông người. Phía tay trái mình có ít nhất mười, mười lăm hay một trăm người nghèo khổ. Phía tay phải là một người ích kỷ, vô cùng kiêu căng, chưa từng bao giờ biết nghĩ đến sự an vui của kẻ khác, chỉ duy nhất chăm lo cho chính mình. Bạn ở giữa, tức là người thứ ba đứng ra nhận định tình thế chung quanh.
Người ích kỷ bên phải và đám người nghèo khổ bên trái, cả hai phía tất cả đều mong cầu hạnh phúc và tránh khỏi khổ đau, đều có cùng một quyền hạn được hưởng hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau như nhau. Với tư cách một người đứng giữa để xét đoán, bạn sẽ chọn bên nào?
Đấy là cách luyện tập giúp mình biết thay đổi thái độ đối với kẻ khác.
Ngoài ra cũng còn một phương pháp khác nữa là cách ý thức được không một ai có thể sống trong một bối cảnh cô lập trong một xã hội mang bản chất con người này. Chúng ta cùng tương kết với nhau một cách tự nhiên, vì thế bắt buộc chúng ta phải chung sống với nhau, đã là như thế thì tại sao chúng ta lại không tạo cho mình một thái độ tích cực và một thể dạng tâm thần nhân từ hơn? Ngược lại chúng ta cũng nên tự hỏi tại sao mình lại cứ khăng khăng nuôi dưỡng hận thù để mà tạo ra thêm mọi thứ khó khăn cho cuộc đời này?
Phải ý thức được một cách thật sâu xa từ bên trong chính mình là nếu chỉ biết chăm lo cho chính mình thì đó là một điều lầm lẫn thật to lớn. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn cứ để cho sự trau chuốt cái ngã của mình và tên đồng lõa của nó là vô minh, ngự trị trong trái tim mình. Dù mình là một con côn trùng hay một chúng sinh tiến hóa hơn thì sự trau chuốt cái ngã bao phủ bởi vô minh, sẽ làm méo mó sự quán thấy của mình về thế giới, khiến mình chỉ biết tìm kiếm tối đa hạnh phúc cho riêng mình (cái tôi hay cái ngã thúc đẩy bởi bản năng và bị che lấp bởi vô minh - nên hiểu bản năng và vô minh ở đây là tác động của nghiệp chi phối mình - sẽ khiến cái nhìn của mình về thế giới bị méo mó và lệch lạc. Tùy vào mức độ lệch lạc và méo mó đó nơi mỗi cá thể mà thế giới sẽ hiện ra hoàn toàn khác hẳn với mỗi người. Cũng vậy, thế giới hiện ra không giống nhau giữa một con sâu và một con chuột. Đặt một cái que trước đầu một con sâu, nó sẽ bò lên cái que, sau đó có thể cầm cả cái que đặt vào một bụi cây; cài một miếng mồi vào một cái bẫy, con chuột vì bản năng và vô minh thúc đẩy, sẽ bị sập bẫy). Thế nhưng hầu hết các cố gắng tập trung vào việc tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình không những thất bại mà chỉ tạo ra thêm đổ vỡ mà thôi (đôi khi dưới tác động của bản năng và vô minh, mình hành động không khác gì như một con sâu hay một con chuột, nhưng không hề ý thức được điều đó).
Nếu suy ngẫm về tình trạng thế giới ngày nay thì tất chúng ta sẽ phải nhận thấy là việc trau chuốt cái ngã chỉ là cách làm hạ phẩm giá của mình (tham lam, khoe khoang, bám víu vào quyền lực, tìm cách tâng bốc mình chỉ là cách làm hạ phẩm giá của mình mà thôi). Các vấn đề khó khăn mà chúng ta đang gặp phải đều phát sinh từ sự trau chuốt cái ngã. Thế nhưng sự trau chuốt đó nào có phải chỉ xảy ra trong kiếp sống này đâu, chúng ta bị sa lầy trong tình trạng đó từ lúc khởi thủy của thời gian. Nhà du-già uyên bác Shantideva (Tịch Thiên) trong quyển Hành trình đến giác ngộ (Shantideva, La Marche vers l'Eveil, nhà xuất bản Padmakara, tháng 11, 1997 - gcts. Kinh sách Hán ngữ dịch quyển sách này là "Nhập bồ-đề hành luận" - ghi chú thêm của người chuyển ngữ) có nói rằng chúng ta phải nhận thấy việc trau chuốt cái ngã của mình sẽ tạo ra cho mình một sự trơ trẽn đến mức độ nào, cứ so sánh với cảnh tượng tràn đầy phẩm tính tuyệt vời mang lại bởi lòng vị tha, và sự quý mến kẻ khác thì sẽ rõ. Nếu biết cân nhắc lợi hại giữa sự yêu quý bản thân mình và chăm lo cho kẻ khác, thì tất các bạn sẽ phải hiểu rằng mình nên chọn cung cách hành xử nào.
Sự cân nhắc lợi hại đó thật hết sức cần thiết trong các xã hội của chúng ta ngày nay, nhất là trước tình trạng khó khăn trầm trọng đang xảy ra trong các lãnh vực sinh hoạt của con người, chẳng hạn như các sự xung đột xã hội, các sự hung bạo, khủng bố và chiến tranh. Trong tình trạng đó, sức mạnh của lòng từ bi, tình thương yêu và lòng nhân từ sẽ giữ một vai trò vô cùng chủ yếu. Sự hài hòa và tình thân thiện mà tất cả chúng ta đều cần đến, dù là trong gia đình, nơi trường học, trong sự sinh hoạt tập thể, trong từng quốc gia hay trên toàn thế giới, chỉ có thể thực hiện được bởi lòng từ bi và sự tốt bụng. Biết giúp đỡ lẫn nhau, quan tâm đến nhau và kính trọng nhau sẽ giúp chúng ta giải quyết dễ dàng và tốt đẹp mọi vấn đề khó khăn. Sự hài hòa không thể nẩy nở được trong một bầu không khí nghi kỵ, lừa đảo, sách nhiễu hay ganh đua bần tiện
Sự chiến thắng bằng hăm dọa hay hung bạo dù vinh quang đến đâu cũng chỉ tạm thời mà thôi. Các chiến thắng đó cũng chỉ mang lại các thứ lợi lộc không xứng đáng, nếu không thì cũng chỉ là để đưa đến các khó khăn khác mà thôi. Chỉ hai thập niên sau Thế chiến Thứ Nhất thì đã xảy ra Thế chiến Thứ Hai, khiến có thêm hàng triệu người vong mạng. Sau đó thì các cuộc xung đột khác lại tiếp diễn không ngừng, hết xung đột này đến cuộc xung đột khác. Bước vào thiên niên kỷ mới này, thế giới vẫn tan hoang với những cảnh đẫm máu khắp nơi, không có dấu hiệu nào cho thấy là sẽ sớm chấm dứt cả. Nếu nhìn lại lịch sử lâu dài đó của hận thù và giận dữ, thì tất chúng ta sẽ phải nghĩ đến việc tìm kiếm một con đường khác tốt đẹp hơn. Chúng ta chỉ có thể giải quyết các vấn đề khó khăn bằng một nền hòa bình chân chính. Nền hoà bình đó không thể thực hiện được bằng những lời kêu gọi hạ bớt sự giận dữ, mà phải hiện ra từ bên trong con tim và tâm thức mình khi mình đã mang lại được cho chúng một sự an bình thật sự. Chính đấy mới đúng là cách giúp chúng ta kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.
Thế nhưng chuyện đó có thể thực hiện được hay không? Các sự tranh chấp, lừa đảo và lạm dụng khiến chúng ra rơi vào tình trạng mà chúng ta đang thấy ngày nay, hơn nữa các tiến bộ kỹ thuật còn tiếp tay làm cho tình trạng đó càng trở nên trầm trọng hơn. Đã đến lúc mà chúng ta phải tập cho mình những thói quen mới hầu giúp mình tìm ra một lối thoát. Điều đó có vẻ như quá lý tưởng và không thực tế, nhưng chẳng có phương pháp nào khác hơn ngoài lòng từ bi, các giá trị nhân bản và tính cách đồng nhất của nhân loại. Đấy là những gì duy nhất có thể mang lại hạnh phúc lâu bền. Cốt lõi của lòng từ bi chính là sự âu lo cho kẻ khác, mang lại cho mình lòng quyết tâm trợ giúp kẻ khác với khả năng của mình.
Tôi đi hết xứ này đến xứ khác mang nặng trong lòng tình đoàn kết giữa nhân loại với nhau. Tôi luyện tập tâm thức tôi đã từ hàng nhiều chục năm nay, nhờ đó dù tiếp xúc với những người thuộc các nền văn hóa khác nhau, nhưng không hề xảy ra một sự khó khăn nào cả. Tôi tin một cách vững chắc rằng dù có sự khác biệt về văn hóa, chính trị hay kinh tế nhưng trên căn bản tất cả chúng ta đều như nhau. Càng tiếp xúc với thế giới, tôi càng cảm thấy vững tin vào sự đồng nhất của nhân loại. Tính đồng nhất đó, mang lại bởi sự hiểu biết và kính trọng lẫn nhau, sẽ tạo ra một nền tảng chung đưa đến một thái độ hành xử thực tế và vững chắc.
Bất cứ nơi nào đã viếng thăm thì tôi cũng đều nói lên điều đó. Tôi tin rằng sự luyện tập lòng từ bi, tình thuơng yêu cũng như sự ý thức đích thật về tình huynh đệ sẽ phải là tôn giáo toàn cầu. Là người Phật giáo, Ki-tô giáo, Ấn giáo, Hồi giáo hay Do thái giáo, hay không theo một tôn giáo nào cả thì cũng không quan trọng gì lắm. Điều đáng quan tâm hơn là phải cảm thấy mình là một với toàn thể nhân loại.
Bures-Sur-Yvette, 19.01.18
Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA
Hoang Phong chuyển ngữ