;
Lời giới thiệu của người dịch
Tập san Hướng nhìn Phật giáo (Regard Bouddhique) số 10, tháng 3 và 4, 2015, với chuyên đề "Phật giáo và việc chữa trị bệnh tật", có một bài ngắn của nữ ký giả Suzanne Dellavoy phỏng vấn nhà sư Tây Tạng Phakyab Rinpoché, từng bị cầm tù và tra tấn bởi quân đội Trung Quốc ở Tây Tạng.
Phyakab Rinpoché, sinh năm 1966 tại Tây Tạng, xuất gia năm 14 tuổi, năm 1994 được chính thức thừa nhận là vị tái sinh thứ 8 của dòng truyền thừa Phakyab. Năm 1999 ông bị quân lính Trung Quốc bắt giam, và sau khi trốn thoát ông xin tị nạn ở Mỹ năm 2003. Khi vừa đến thành phố Nữu Ước thì ông được đưa ngay vào bệnh viện vì các vết thương tra tấn bắt đầu hành hạ ông. Các cơ bắp ở chân bên phải bị chết và lở loét, hôi thối và vô cùng đau đớn. Các bác sĩ Mỹ chăm sóc cho ông đều nhất loạt quyết định là phải cưa chân ông vì không có cách nào khác. Nhớ đến lời Đức Đạt-lai Lạt-ma khuyên ông hãy vận dụng trí tuệ hầu mang lại sức mạnh hỗ trợ mình trong việc chữa trị, ông bèn xin bệnh viện cứ để mặc ông tự chữa lấy bằng thiền định xem sao.
Ông luyện tập các phép luyện tập tsa-loung và du-già về khí lực 12 giờ mỗi ngày. Sau ba năm thì ông hoàn toàn khỏi bệnh. Sau đó ông hợp tác với một đệ tử của Đức Đạt-lai Lạt-ma là bà Sofia Stril-Rever, nữ văn sĩ và học giả Phật giáo chuyên gia về các kinh sách bằng tiếng Phạn và tiếng Tây Tạng, giúp ông viết một quyển sách mang tựa "Thiền định đã cứu mạng tôi" (La Méditation m'a sauvé, Le Cherche du Midi, 2014), được nhiều người biết đến.
Ngoài bài phỏng vấn trên đây, tập san Hướng nhìn Phật giáo còn đưa thêm hai bài ngắn nói về các phép luyện tập tsa loung và các luồng khí lực trong cơ thể mà nhà sư Phakyab Rinpoché đã sử dụng, vì thế cũng xin mượn dịp để chuyển ngữ cả hai bài báo trên đây trong mục phụ lục. Thiết nghĩ đây cũng là dịp giúp người đọc tìm hiểu thêm về một phương pháp luyện tập của một tông phái Phật giáo rất tích cực, cụ thể và thiết thực, có thể mang lại tức khắc kết quả cho người tu tập trong ngắn hạn cũng như lâu dài. Hai phụ lục này là:
Phụ lục 1: Tsa loung, phép tinh khiết hóa các vết hằn trên thân xác bằng tâm thức
Phụ lục 2: Chín phép hít thở mang lại sự tinh khiết hóa
Dưới đây là phần chuyển ngữ bài phỏng vấn nhà sư Phakyab Rinpoché:
Nhà sư Phakyab Rinpoché
Sau khi bị công an Trung Quốc bắt giam và tra tấn, vị đại sư Tây Tạng Phakyab Rinpoché và cũng là vị thừa kế thứ 8 của dòng truyền thừa Phakyab, xin được tị nạn ở Mỹ và đến Nữu Ước năm 2003. Nhờ một tổ chức trợ giúp những người sống sót sau khi bị tra tấn [trên toàn thế giới], ông được đưa ngay vào khu cấp cứu của một bệnh viện. Sau sáu tháng điều trị nhưng các vết thương ở chân phải vẫn không lành, các bác sĩ chuyên ngành chữa trị cho ông bèn lấy quyết định cưa chân của ông từ trên đầu gối (nhà sư Phakyab Rinpoché có hỏi ý kiến nhiều bác sĩ khác, thế nhưng tất cả đều cho biết là không có cách nào khác hơn cả), nếu không cưa chân thì không sao tránh khỏi phải chết vì toàn cơ thể sẽ bị nhiễm trùng. Nhà sư Phakyab rất giỏi về các phép luyện tập du-già về khí lực nội tạng, bèn quyết định tự chữa lấy theo một quá trình kéo dài ba năm. Sau ba năm ông khỏi bệnh và chân phải đi đứng bình thường trở lại.
Trong một chuyến du hành sang Pháp nhà sư Phakyab Rinpoché đã thuật lại các giai thoại thật ly kỳ đó trong cuộc đời mình cho bà Sofia Stril-Rever nghe. Bà này trước đây cũng là tác giả một quyển sách viết về tiểu sử của Đức Đạt-lai Lạt-ma bèn cùng với nhà sư Phakyab thực hiện một quyển sách mang tựa: "Thiền định đã cứu mạng tôi".
***
Tập san Hướng Nhìn Phật giáo: Ông thường nêu cao vai trò của thiền định trong quá trình chữa trị bệnh tật của mình. Tại sao?
Phakyab Rinpoché: Bà biết không, tôi đặt chân lên đất Mỹ trong túi không có lấy một xu, không biết một chữ tiếng Anh nào, không nơi ăn chốn ở, và chân thì què. Hoàn cảnh thật bi đát. Tôi lâm vào tình trạng khủng hoảng nặng nề, ngủ không yên, ăn không ngon, không thiền định được và cũng chẳng còn đủ sức để luyện tập. Tôi chỉ biết bám vào cái tâm thức chật hẹp của tôi. Thế nhưng sau đó tôi chấp nhận thật sâu xa những gì đã xảy ra với tôi và xem đấy là nghiệp (karma) của chính mình. Kể từ giây phút đó mọi sự đều thay đổi hết. [Tôi nghĩ rằng] tôi đang được đưa vào bệnh viện, có một chiếc giường để nằm, suốt ngày được các bác sĩ chăm sóc, trong khi đó nếu còn ở Ấn Độ hay Tây Tạng, thì dù già hay trẻ, trong hoàn cảnh của tôi thì cũng chỉ biết chờ chết trên hè phố mà thôi. Hàng triệu người chết vì nóng bức, giá rét hay nghèo đói, đấy chính là những thứ khổ đau mà tôi đang cảm nhận được trong tôi (xem sự đau đớn của kẻ khác là sự đau đớn của chính mình, đang hành hạ mình), thế nhưng tôi cũng lại nghĩ rằng thật may mắn cho tôi vì tôi đang được chăm sóc và chữa trị. Mỗi khi nghĩ đến những kẻ bất hạnh ấy thì cũng tương tự như tôi bị một vết thương nặng và thật sâu khiến tôi cảm thấy đau đớn vô cùng. Điều đó đã làm đảo ngược tất cả những ý nghĩ đen tối về hoàn cảnh của tôi, giúp tôi phấn khởi hơn: ăn, ngủ, tu tập và thiền định đúng đắn hơn. Dù chân bị lở loét, lao xương, phổi có nước, khắp thân thể đau nhức, thế nhưng tâm thức tôi luôn rộng mở, hoàn toàn rộng mở!
Tôi xin mạn phép được nêu lên thêm một lần nữa là những gì giúp tôi chữa lành bệnh tật chính là chiếc chìa khóa mở toang cánh cửa của lòng từ bi trong tôi.
(dầu sao thì lòng từ bi cũng không phải là một tư duy mà là một xúc cảm, xúc cảm đó sẽ khiến cho khí lực và sức sống trong cơ thể mình chuyển động, giúp mình biết để ngửa hai bàn tay. Từ bi không phải là một hành động chờ đợi hay mượn lòng tốt và sự hy sinh của kẻ khác để thực thi những gì mà mình gọi là lòng từ bi của mình. Tu hành không phải là để thuyết giảng lòng từ bi cho kẻ khác nghe, mà là để thực thi lòng từ bi của chính mình. Chính vì thế mà nhà sư Phakyab Rinpoché đã bị bắt giam và bị tra tấn, và cũng chính lòng từ bi ấy cũng đã khơi động sức sống trong ông và giúp ông chữa lành bệnh tật)
HnPG: Các bác sĩ chữa trị lập hồ sơ bệnh lý cho ông từ lúc đầu đều quả quyết là ông không sao thoát chết được [nếu không cưa chân] vì các vết thương lở loét đã đến giai đoạn cuối cùng. Thế nhưng tại sao sau những năm dài [sau khi ông đã tự chữa lành được các vết thương của mình] thì lại không thấy có ai trong số họ đưa ra một lời giải thích nào về sự kiện này?
Phakyab Rinpoché: Nhiều người mà tôi được dịp tiếp xúc đều cho rằng việc lành bệnh của tôi là cả một phép lạ, thế nhưng thật ra chẳng có gì là phép lạ cả. Các bác sĩ chữa trị cho tôi từ lúc đầu mà tôi vẫn còn tiếp tục liên lạc sau đó và cả với các bác sĩ mà tôi chỉ gặp lại họ sau ba năm chữa trị thật tích cực của tôi, hầu hết đều không biết là phải giải thích thế nào về sự kiện này, một số gạt phăng đi và không trả lời gì cả. Kiến thức của các bác sĩ Tây Phương rất cao, theo họ thì phải cưa chân để cứu tôi và họ thì có đầy đủ khả năng để làm việc ấy trong vài phút, thế nhưng họ lại không sao chữa lành được các vết thương lở loét của tôi bằng cách sử dụng tối đa các thuốc trụ sinh thật mạnh. Thế nhưng tôi lại tự chữa lành được các vết thương ấy và chân tôi đã đi lại được. Các bác sĩ hiểu biết thật rành rẽ cơ thể và tác động của các hóa chất trên cơ thể đó, thế nhưng họ lại không biết gì về sự tương quan giữa tâm thần và thể xác. Đối với họ tâm thức là bộ não! Thế nhưng tâm thức có một sức mạnh của nó, sức mạnh ấy phát sinh từ bên trong nội tâm, từ con tim mở rộng, từ tình thương và lòng nhân ái. Đối với các bác sĩ mà tôi từng tiếp xúc thì dường như họ không hiểu gì về các khía cạnh này. Họ không nhận biết được sự tương tác giữa thể xác và tâm thần.
HnPG: Ông khuyên những người bị các chứng bệnh ngặt nghèo phải hành xử như thế nào?
Phakyab Rinpoché: Phải tuân theo các cách chữa trị đúng với căn bệnh của mình! Các bác sĩ biết rõ là họ phải chữa trị ra sao. Không nên tự ý ngưng việc chữa trị [y khoa]. Đối với việc chữa trị bằng thiền định thì vấn đề khó khăn là phải biết chọn các phương pháp thích nghi. Có rất nhiều phương pháp thiền định, thế nhưng theo tôi thì phương pháp thiền định dựa trên tình thương yêu, lòng từ bi và tình nhân ái hướng vào kẻ khác, là hiệu quả hơn cả. Tất cả mọi người đều có thể luyện tập theo phương pháp này. Phương pháp luyện tập này sẽ mang lại cho người hành thiền sự an bình, thư giãn và giúp họ trở nên bén nhạy hơn trước các tình trạng vô ý thức (inconscients/unconscious/vô minh, u mê), là nhân tố thúc đẩy chúng ta rơi vào ảo giác và đưa đến mọi thứ xúc cảm bấn loạn như sự giận dữ, thèm muốn, và từ đó sẽ tạo ra tình trạng trầm cảm và sự sợ hãi. Các thể dạng tiêu cực ấy sẽ khiến cho tâm thức trở nên yếu đuối và ảnh hưởng đến cả thân xác. [Do đó] thật hết sức quan trọng là phải biến cải các thể dạng [tiêu cực] trên đây bằng phương pháp thiền định dựa vào tình thương yêu.
Nhiều người cho rằng tuyệt đối không nên đương đầu với các trường hợp khó khăn, thế nhưng theo tôi thì các thử thách to lớn mà mình phải vượt qua chính là những vị thầy quý giá nhất giúp mình xử lý các khía cạnh "tiêu cực" trong tâm thức, hầu giúp mình biến cải chúng. Qua góc nhìn đó, thì khoảng thời gian phải điều trị trong bệnh viện trước đây là cơ hội tốt nhất đã từng giúp tôi luyện tập. Tôi học được rất nhiều điều trong khoảng thời gian này. Các hoàn cảnh khó khăn chính là các cơ hội tuyệt vời - nếu không muốn nói là duy nhất - có thể giúp mình tự biến cải lấy chính mình. Thật vậy làm thế nào có thể biến cải được các khía cạnh tiêu cực của tâm thức mình trước các bối cảnh không gây ra một chướng ngại nào? Dù có gặp phải các khó khăn to lớn đến đâu, thì cũng không nên thối chí, không được tránh né, mà phải phát huy sức mạnh của tâm thức mình.
HnPG: Xin ông giải thích thêm là phép luyện tập tsa loung đã giữ vai trò như thế nào đối với việc chữa trị của ông?
Phakyab Rinpoché: Thật hết sức khó để giải thích chi tiết về phép luyện tập tsa loung, [vì đây] là một phép tập luyện tan-tra (câu này cho thấy Kim Cương Thừa và cả Đại Thừa nói chung chịu ảnh hưởng - hay vay mượn - ít nhiều các phép luyện tập tan-tra trong Ấn giáo. Tan-tra là một thuật ngữ chỉ chung một số văn bản/"kinh điển" xuất hiện kể từ thế kỷ thứ VI, nêu lên các đường hướng giáo lý, các thể thức nghi lễ và các quy tắc luyện tập thật chuyên biệt. Ngược lại Ấn giáo cũng đã từng vay mượn một số khái niệm trong Phật giáo. Cũng xin lưu ý thêm là chữ Tantrism/Đạo Tan-tra là một thuật ngữ do người Tây Phương đặt ra vào thế kỷ thứ XIX nhằm chỉ các nghi thức và phương pháp luyện tập tan-tra được sử dụng trong Ấn giáo và cả đạo Ja-in). Một cách tổng quát, tôi luyện tập theo các phép thiền định chuyên biệt, nhằm mang lại thể dạng tĩnh lặng tâm thần và quán tưởng về sự vận hành khí lực trong các kinh mạch của cơ thể, và cả phép thiền định gọi là tonglen (hiến dâng và nhận chịu). Phép luyện tập này sẽ giúp người hành thiền giải tỏa mọi sự bám víu thiển cận, đưa đến các chứng trầm cảm, mất ngủ và tình trạng ẩm thực vô độ. Xả bỏ mọi sự bám víu là cách mở toang cánh cửa nội tâm, giúp mình phát huy lòng từ bi vô biên đối với kẻ khác, chuyển biến mọi sự ích kỷ và biến cải cuộc sống của chính mình.
Phụ lục 1
Tsa Loung
Phép tinh khiết hóa các vết hằn trên thân xác bằng tâm thức
Jean-François Buliard & Philippe Judenne
Trong sự sinh hoạt xã hội ngày nay, tâm thức con người thường vận hành dựa vào các khái niệm (nói chung là sự suy nghĩ của chúng ta qua các sự giao tiếp trong xã hội thường là mang tính cách quy ước, kết quả mang lại từ giáo dục, gia đình và các kinh nghiệm cá nhân trong cuộc sống của mỗi người) và chỉ biết tìm cách biến cải [mình] nhờ vào các phương tiện trí thức (sự suy luận). Thế nhưng các kinh nghiệm cảm nhận đối với chính tâm thức mình thì lại liên hệ đến khí lực nhiều hơn, tiếng Tây Tạng gọi là loung. Đối với một số nền văn hóa đông phương khác thì loung còn được gọi bằng các thuật ngữ như prana (là tiếng Phạn, có nghĩa là sinh khí, sinh lực hay hơi thở) hay qi/t’chi (tiếng Hán, có nghĩa là khí/khí lực). Một tâm thức có thể là cởi mở, trong sáng, hoặc xao động và hoang mang, tất cả đều do khí lực tạo ra. Các truyền thống tu tập tâm linh lâu đời của Ấn Độ và Tây Tạng được thừa hưởng rất nhiều hiểu biết về khí lực, mà thế giới Tây Phương không hề biết đến. Phép tsa loung của Tây Tạng - nghĩa từ chương là "kinh mạch và khí lực" - bao gồm nhiều kỹ thuật tập luyện liên kết giữa thân xác và tâm thức dựa vào sự hô hấp và sự hiểu biết về hệ thống vận hành của khí lực tinh tế luân lưu trong các kinh mạch dẫn truyền (nadi) và các trung tâm khí lực gọi là luân xa (chakra). Các phép luyện tập này là do những người Phật giáo luyện tập về du-già (yogi) khám phá ra và được lưu truyền đến nay. Qua dòng lịch sử suốt nhiều thế kỷ, các vị thầy Phật giáo lại tiếp tục cải thiện thêm dựa vào các kinh nghiệm thực tiễn của chính họ. Việc truyền thụ các kỹ thuật luyện tập này được giới hạn trong khuôn khổ giữa thầy và trò: có nghĩa là giữa một người luyện tập du-già và một vài môn đệ của riêng mình (chỉ truyền thụ cho các môn đệ nào có đủ trình độ và hội đủ khả năng). Hơn nữa phép luyện tập tsa loung, nhất thiết dựa vào sự tập trung tâm thần, cần phải được thực hiện trong một bối cảnh thật trang nghiêm (trong các tu viện hẻo lánh và trong các dịp ẩn cư tổ chức đúng theo các nghi thức cổ truyền) (các nghi thức cổ truyền ở đây là các phương tiện thiện xảo gồm các nghi lễ mang tính cách thiêng liêng, nhằm giúp các môn đệ thụ giáo phát huy một sự tập trung tinh thần cực mạnh).
H.1: Các luân xa sử dụng trong phép luyện tập tsa loung
(Từ trên xuống dưới; 1- Luân xa Mahasukkha (Đại phúc hạnh), 2- Luân xa Sambhoga (Thụ hưởng), 3- Luân xa Dharma (Đạo Pháp), 4- Luân xa Nirmana (Biến hóa), 5- Luân xa Upaya Prajna (Phương tiện Trí tuệ/Bát nhã)
Hô hấp là căn bản của các phép luyện tập
Các phép tập luyện tsa loung đều nhất loạt dựa vào sự hô hấp bình thường của cơ thể, giúp mang lại một sự chú tâm cao độ vượt lên trên các ám ảnh phát sinh từ nội dung của các tư duy có thể tạo ra các tác động ảnh hưởng đến chính nó - tức là sự chú tâm - hầu giúp nó có thể tiếp xúc trực tiếp với cấu trúc của các cảm tính, các sự cảm nhận và tư duy, đó là những gì thường khiến cho chúng ta bị xao lãng. Các phép luyện tập tsa loung giúp cho những người tập luyện không tập trung sự chú tâm của mình vào các cảnh huống [xảy ra], các sự liên tưởng (sự níu kéo của tư duy) cũng như các sự mơ ước hão huyền, mà giúp mình kết nối với các cấu trúc tàng ẩn phía sau các thứ ấy. Phép thiền định này cũng tương tự như các phép thiền định khác nhằm mục đích mang lại sư tĩnh lặng tâm thần, mà tiếng Tây Tạng gọi là shiné và tiếng Phạn là samatha (kinh sách gốc Hán ngữ gọi là "định" hay "chỉ" hay là sự "tịch tĩnh", một hình thức lắng xuống hay "dừng lại" của tâm thức)
(Trên một bình diện thật bao quát, tất cả các phép luyện tập thiền định - dù là của Phật giáo Theravada, Thiền Zen hay Tan-tra thừa - đều gồm có hai thể dạng hỗ trợ cho nhau: sự tĩnh lặng tâm thần và sự quán thấy. Có nghĩa là trước hết phải tạo ra các điều kiện thuận lợi mang lại sự trong sáng và tĩnh lặng cho tâm thức, tạo điều kiện giúp mình quán thấy bản chất của hiện thực là gì và vị trí của mình ở đâu trong thế giới hiện thực đó, và sự quán thấy ấy có thể hiểu như là một sự giác ngộ. Tóm lại thể dạng "chú tâm và tĩnh lặng tâm thần" là điều kiện thiết yếu giúp người tu tập "quán thấy bản chất của hiện thực" mang lại sự giải thoát và giác ngộ cho mình. Cũng tương tự như thế: giai đoạn đầu tiên trên con đường tu tập Phật giáo nói chung là sự giữ gìn đạo đức và phát huy lòng từ bi - còn gọi là tu giới, giúp mang lại cho mình một cuộc sống tinh khiết và trong sáng, đó là điều kiện tiên quyết không thể thiếu sót hầu giúp mình có thể bước vào đoạn đường thứ hai, thênh thang và sáng sủa hơn - gọi là giai đoạn tu tuệ, tức là giai đoạn giúp mình phát huy sự hiểu biết siêu nhiên mang lại cho mình sự giải thoát và giác ngộ).
Các đối tượng của việc luyện tập
Dựa vào phép quán thấy hệ thống vận hành của thân xác tinh tế gồm ba kinh mạch chính - theo truyền thống luyện tập của Ấn Độ - người hành thiền sẽ sử dụng hơi thở ra để tống khứ các cấu trúc khí lực của sự hoang mang. Trước hết người hành thiềm kềm giữ không khí [trong phổi] và sau đó thở ra thật mạnh, đồng thời thì dồn sự chú tâm vào các sự bấn loạn, hoang mang hay các khó khăn mà mình muốn tống khứ. Người luyện tập có thể hóa giải các sự hoang mang ở một cấp bậc thật tinh tế bằng phép luyện tập về chín phép hô hấp tinh khiết hóa (xem phụ lục 2). Phép luyện tập này được dựa vào cách quán thấy hệ thống ba kinh mạch chủ yếu dẫn truyền các luồng khí lực (xem sơ đồ). Phép luyện tập này đòi hỏi người hành thiền phải bén nhạy hầu giúp mình nhận biết và xác định được thật rõ ràng các sự "bấn loạn" mỗi khi chúng được hồi tưởng lại trong tâm thức mình (tức là nhớ lại các sự bấn loạn đã từng xảy ra với mình từ trước) hoặc trong giai đoạn đầu tiên khi chúng bất thần hiện lên trong tâm thức mình (các bấn loạn mới đang phát sinh).
Sự xác định các xúc cảm nhờ vào sự tiếp xúc giữa thân xác, ngôn từ và tâm thức
Nhà sư Tây Tạng Tenzin Wangyal Rinpoché trong quyển Sự Giác Ngộ của thân xác thiêng liêng (L’Eveil du corps sacré, Éditions Claire Lumière, 2012) có nói như sau : "Một khi bạn nối kết được với sự tĩnh mặc, sự im lặng và bầu không gian tri thức, thì đấy cũng có nghĩa là bạn đã khám phá ra đúng chỗ giúp mình suy tư về một sự thách đố hay một sự khó khăn nào đó xảy ra gần đây trong cuộc sống của mình. Hãy cứ đón tiếp sự khó khăn đó trong tâm thức, trực tiếp nối kết với nó. Nhờ vào một thân xác bình lặng và một tâm thức minh mẫn bạn sẽ có thể tiếp xúc với nó đúng với những gì mà bạn cảm nhận được. Bạn nên cảm nhận các sự căng thẳng, xao động và các xúc cảm hiện ra với mình chỉ là như thế! […]. Đối với ngôn từ tức là lãnh vực tiếp xúc thứ hai thì cũng vậy: khi nào giữ được sự im lặng và ý thức được chính sự im lặng ấy của mình, thì các luồng khí lực bên trong cơ thể cũng sẽ theo đó mà lắng xuống (các luồng khí lực không phát lộ thành ngôn từ). Khi nào bạn cảm thấy là mình đã nối kết được với các luồng khí lực bấn loạn bên trong sự im lặng ấy, thì có nghĩa là bạn đã xác định được chúng một cách đúng đắn. Thế nhưng nếu bạn cứ tiếp tục ăn nói ba hoa bên trong nội tâm mình (suy nghĩ miên man) thì sự xác định [các sự bấn loạn] của bạn sẽ không được đúng đắn (sự suy nghĩ miên man sẽ tạo ra đủ mọi thứ xúc cảm). Thật ra thì cũng thật khó thực hiện được ngay tức khắc sự im lặng sâu xa ấy. Dầu sao đi nữa thì ít ra bạn cũng phải [đủ sức] chú tâm vào sự im lặng nằm bên cạnh sự ba hoa đó của bạn, thay vì chỉ biết theo dõi những gì chất chứa trong sự ba hoa ấy […] Tâm thức phải luôn an trú trong bầu không gian của tri thức tinh khiết và mở rộng. Điều đó có nghĩa là phải biết tạo ra cho mình một sự nghỉ ngơi đối với cái tôi của mình (không chạy theo cái tôi, cũng không để cho nó chỉ huy và lôi cuốn mình, nói cách khác là tìm cách "ngưng chiến" với nó). Không nên lo nghĩ tại sao mình lại rơi vào các tình trạng xung đột ấy. Tất cả các thứ thắc mắc ấy đều nằm sẵn bên trong tâm thức mình (bởi vì do mình tạo ra chúng), Và nếu tư duy đã nằm sẵn trong ấy, thì cứ để yên chúng trong ấy (không nên để cho chúng phát lộ dưới các hình thức xúc cảm, ngôn từ hay hành động). Trong học phái Dzogchen (Đại Cứu Kính) có một câu tục ngữ rất nổi tiếng như sau: "Cứ để mặc những gì như thế là như thế". Trong bầu không gian của tri thức tinh khiết đó bạn sẽ có thể tiếp xúc được với luồng khí lực chuyển tải các sự bấn loạn".
Đấy là cách giúp một người hành thiền nối kết với luồng khí lực thô thiển của sự bấn loạn qua sự tĩnh lặng của thân xác. Với sự im lặng của ngôn từ, người hành thiền sẽ tiếp xúc được với luồng khí lực trung bình [của sự bấn loạn]. Với một tâm thức trong sáng và tỏa rộng, người hành thiền sẽ khám phá được luồng khí lực thật tinh tế của sự bấn loạn (khí lực của thân xác mang tính cách "thô thiển", khí lực của ngôn từ mang tính cách "trung bình", và khí lực của tâm thức/tư duy mang tính cách thật "tinh tế". Y khoa, Tâm lý học và Phân tâm học Tây phương không nghĩ đến các khía cạnh này trong sự sống nói chung của con người và cả các loài sinh vật ở một cấp bậc tiến hóa nào đó).
Ở cấp bậc bình dị, tất cả chúng ta đều ra sức mang lại những sự đổi thay trong cuộc sống của mình. Thế nhưng thường thì đấy cũng chỉ là sản phẩm lập đi lập lại, tạo ra bởi nguyên nhân và điều kiện (chúng ta chỉ biết lập đi lập lại các hành động mang tính cách khái niệm quy ước và công thức, đưa đến những kết quả trói buộc tạo ra bởi quy luật nguyên nhân và hậu quả), và nhất là bởi các sự ba hoa trong nội tâm mình và những sự tin tưởng sai lầm của mình đối với hiện thực (không nhận thấy được bản chất lệ thuộc, vô thường và khổ đau của thế giới hiện tượng). Các thói quen ấy đã ăn sâu vào thân xác, xúc cảm và tâm thức mình. Các phép luyện tập tsa loung sẽ giúp mình không nuôi dưỡng các cấu trúc quá quen thuộc ấy, và chận đứng chúng qua các sự nối kết giữa mình với chúng (sự tĩnh lặng và không ba hoa trong tâm thức mình sẽ giúp hóa giải được các thói quen hành xử đó khi mình tiếp xúc với chúng). Các thói quen ấy đều mang một cấu trúc riêng dưới thể dạng của một luồng khí lực, và luồng khí lực ấy có thể nắm bắt được và tống khứ được. Khi nào tống khứ được nó thì chúng ta sẽ có thể mở ra cho mình một bầu không gian tỏa rộng, và một sự chú tâm ngày càng trở nên sắc bén hơn.
***
Phụ lục 2
Chín phép hít thở mang lại sự tinh khiết hóa
Tenzin Wangyal Rinpoché
(trích trong quyển : Sự Giác Ngộ của thân xác thiêng liêng,
L’Éveil du corps sacré, Éditions Claire Lumière, 2012)
Tư thế tọa thiền căn cứ vào năm điểm
1- Ngồi lên một tọa cụ (một chiếc gối) đặt trên mặt đất (trên chiếu hay một tấm thảm), hai chân bắt chéo vào nhau.
2- Cột xương sống thẳng đứng, không xiêu vẹo.
3- Lòng ngực mở rộng, hai khuỷu tay hơi dạng ra.
4- Hai bàn tay đặt vào ngang tầm với một vị trí cách khoảng bốn chiều ngang của một ngón tay bên dưới rốn, trong tư thế cân bằng. Đầu hai ngón cái chạm vào bên dưới các đốt của hai ngón áp út. Đặt các ngón của tay trái lên trên các ngón của tay phải, lòng bàn tay ngửa lên phía trên (xin lưu ý hình 2 chỉ là một sơ đồ cho thấy hệ thống kinh mạch bên trong cơ thể, không hoàn toàn đúng với tư thế tọa thiền mô tả trên đây).
5- Cằm hơi gập vào nhằm giúp cho gáy căng nhẹ. Trong trường hợp nếu tư thế ngồi dưới đất tỏ ra khó khăn thì cũng có thể ngồi vào một chiếc ghế. Hai bàn chân tréo vào nhau ở vị trí cổ chân. Giữ xương sống thật thẳng và ngay ngắn (không tựa vào lưng ghế), ngoài các chi tiết khác [trên thân thể] cũng giống như trên đây.
Hai mắt
Trong khi luyện tập về chín phép hít thở mang lại sự tinh khiết hóa, thì hai mắt có thể khép lại nhằm giúp mình dễ tập trung hơn. Sau khi hít thở lần sau cùng (tức lần hít thở thứ chín trước khi chấm dứt việc luyện tập) thì vẫn tiếp tục chú tâm vào sự mở rộng: tức là sẽ mở mắt ra nhưng vẫn hướng tầm nhìn vào bầu không gian, và hơi nhìn lên phía trên.
Kết nối mình với sự tĩnh mặc, sự im lặng và không gian
Sau khi đã giữ được tư thế ngồi thoải mái, thì hãy tiếp tục thực hiện sự tiếp xúc đó với sự tĩnh lặng của tư thế ngồi, với sự im lặng của ngôn từ và [sự mở rộng của] bầu không gian trong tâm thức, trong một khoảnh khắc ngắn,
Quán thấy hệ thống ba kinh mạch ánh sáng
H.2: Hệ thống ba kinh mạch trong cơ thể cho thấy các đường luân lưu của khí lực
(Kinh mạch trung tâm màu xanh dương, kinh mạch phải màu trắng, kinh mạch trái màu đỏ. Xin lưu ý hình vẽ người ngồi hơi khác hơn với cách chỉ dẫn trong bài viết, bởi vì nếu vẽ hai bàn tay với các ngón đặt lên nhau ở vị trí dưới rốn sẽ che khuất điểm nối kết của các kinh mạch)
Hãy hình dung, quán thấy và cảm nhận hệ thống gồm ba kinh mạch ánh sáng trong cơ thể mình. Kinh mạch trung tâm bắt đầu từ một vị trí khoảng bốn bề ngang của một ngón tay bên dưới rốn, hướng ngược về phía trên và thoát ra ở đỉnh đầu. Kinh mạch ánh sáng này có màu xanh dương rạng rỡ, tương tự như màu trời mùa thu quang đãng và chan hòa ánh nắng. Kinh mạch trung tâm có đường kính cỡ ngón tay cái. Hai kinh mạch phụ nằm hai bên kinh mạch trung tâm, có đường kính nhỏ hơn, cỡ ngón tay út. Kinh mạch màu đỏ nằm bên trái của mình và kinh mạch màu trắng nằm bên phải. Ba kinh mạch kết nối vào nhau ở vị trí khoảng bốn bề ngang của một ngón tay bên dưới rốn. Trong khi kinh mạch trung tâm mở ra ở đỉnh dầu, thì hai kinh mạch hai bên lại hướng ngược ra phía trước ôm sát bên trong vòm xương sọ, chui xuống phía sau hai mắt và thoát ra ở mũi, mỗi kinh mạch thoát ra bên ngoài bởi một trong hai lỗ mũi. Kinh mạch phải, màu trắng, chấm dứt ở lỗ mũi bên phải, biểu trưng cho năng lượng nam tính và các "phương tiện thiện xảo", có nghĩa là phương pháp. Kinh mạch trái, màu đỏ, biểu trưng cho năng lượng nữ tính và trí tuệ. Hãy giữ tư thế ngồi và an trú trong sự tĩnh lặng, thế nhưng phải duy trì sự tiếp xúc với cả ba kinh mạch ánh sáng ấy. Hãy lắng nghe sự yên lặng. Nối kết mình với sự vô biên của không gian (xin lưu ý có ba thành phần tạo ra một cá thể: thân xác, ngôn từ và tâm thức. Mỗi thành phần đều hàm chứa một luồng khí lực riêng. Đối với thân xác phải giữ sự yên lặng/ bất động, đối với ngôn từ phải giữ sự câm nín/im lặng, đối với tâm thức phải giữ sự chú tâm/vắng lặng).
Bộ ba hít và thở thứ nhất nhằm tinh khiết hóa kinh mạch trắng
Xác định - Hãy hồi tưởng lại các kinh nghiệm cảm nhận về một cơn giận hay một sự ghét bỏ xảy ra với mình gần đây nhất, hoặc chỉ cần đơn giản ý thức về một sự mong muốn được loại bỏ các sự cảm nhận nào đó của mình.
Hãy hình dung ra trong tâm trí các kinh nghiệm cảm nhận ấy, cố gắng cảm thấy được nó, tiếp xúc với nó xuyên qua thân xác, xúc cảm và tâm thức mình.
Tống khứ - Dùng ngón áp út của bàn tay phải ấn xuống lỗ mũi phải (bít lỗ mũi này lại) và tù từ hít không khí trong lành màu xanh (lá cây) nhạt bằng lỗ mũi trái. Hãy tưởng tượng và theo dõi luồng không khí đó lưu chuyển trong kinh mạch màu đỏ xuống vị trí nối kết (bên dưới rốn). Giữ nó ở vị trí này, trong khi đó thì đổi vị trí của ngón tay đang bịt lỗ mũi phải để ấn xuống lỗ mũi trái.
Thở ra từ từ theo kinh mạch màu trắng, bằt đầu thật chậm và khi sắp chấm dứt thì thở ra thật mạnh. Hãy cảm thấy những gì mà mình đã xác định được đang bị tống ra từ lỗ mũi phải chuyển tải bởi không khí của hơi thở ra, và chúng sẽ tan biến đi trong không gian. Hãy hít vào và thở ra ba lần như thế và ghi nhận mỗi lần kinh mạch màu trắng được khai thông thì không gian cũng theo đó mà mở rộng thêm. Hãy duy trì sự liên kiết giữa vị trí nối kết (bên dưới rốn) và cửa ngõ thoát ra (trên đỉnh đầu) và đồng thời chú tâm vào kinh mạch màu đỏ.
Bộ ba hít và thở thứ hai nhằm tinh khiết hóa kinh mạch đỏ
Xác định - Hãy nhớ lại các kinh nghiệm cảm nhận về một sự bám víu gần đây nhất hay là một sự chiếm hữu nào đó, hoặc đơn giản chỉ là một ý định muốn lấp đầy không gian (làm mất không gian, tạo ra sự gò bó và chật chội), hoặc lấp đầy sự im lặng bằng cách ăn nói ba hoa.
Tống khứ - Ấn ngón áp út của bàn tay trái vảo lỗ mũi trái và từ từ hít vào không khí trong lành, màu xanh (lá cây) nhạt bằng lỗ mũi bên phải. Theo dõi luồng không khí đó lưu chuyển trơng kinh mạch trắng xuống đến vị trí nối kết và giữ nó ở vị trí ấy một lúc, trong khi đó thì đổi vị trí của ngón tay để ấn xuống lỗ mũi phải. Thở ra từ từ, bắt đầu thật chậm, và cuối cùng thì thở ra thật mạnh, đồng thời hãy tưởng tượng là hơi thở thoát ra từ kinh mạch trái sẽ khiến cho sự bám víu [mà nó chuyển tải] hòa tan trong không gian.
Hãy hít vào và thở ra ba lần như thế và đồng thời ghi nhận mỗi khi kinh mạch đỏ được khai thông thì không gian càng mở rộng thêm. Hãy [tiếp tục] duy trì sự nối kết với sự mở rộng đó và đồng thời chú tâm vào kinh mạch trung tâm.
Bộ ba hít và thở thứ ba nhằm tinh khiết hóa kinh mạch trung tâm
Xác định - Hãy hồi tưởng lại các kinh nghiệm cảm nhận về một tình trạng mất định hướng (hoang mang, không còn biết phải giải quyết ra sao), hoặc một sự do dự hay thiếu tự tin nào đó. Hãy giúp cho cảm tính ấy hiện lên thật rõ ràng. Quan sát nó, nhưng không phán đoán hay phân tích gì cả, chỉ cần đơn giản cảm nhận được nó trong thể dạng đơn thuần là như thế.
Tống khứ - Hít không khí màu xanh (lá cây) nhạt, thật mát và tinh khiết bằng cả hai lỗ mũi, theo dõi sự luân chuyển của nó dọc theo hai đường kinh mạch hai bên cho đến tận chỗ nối kết. Giữ hơi thở lại một cách thật nhẹ nhàng, sau đó thì từ từ thở ra bằng cả hai lỗ mũi và tưởng tượng luồng khí tinh tế đang luân lưu trong kinh mạch trung tâm sẽ khai thông nó. Trước khi thở ra gần hết, thì thắt nhẹ màn ngặn ruột (diaphragm/cơ hoành) và đẩy không khí ra ngoài thật mạnh, đồng thời hãy tưởng tượng là mình đang tống khứ các thứ chướng ngại ra khỏi đỉnh đầu, và các chướng ngại ấy sẽ tan biến vào không gian. Lập đi lập lại cách thở này ba lần, cùng lúc cảm nhận sự gia tăng của cảm tính mở rộng và khai thông hiện ra trong kinh mạnh trung tâm màu xanh dương.
Kết luận: hãy an trú trong sự mở rộng
Hãy cảm nhận cả ba kinh mạch - trái, phải và trung tâm - luôn mở rộng ra bên ngoài và ngày càng trở nên trong sáng hơn. Hãy chú tâm vào tâm điểm của thân xác mình và hướng vào sự mở rộng và trong sáng của nó, đồng thời giữ cho sự hô hấp được êm dịu và bình thường. Nếu muốn duy trì một sự gần gũi nào đó với các kinh nghiệm cảm nhận về sự cởi mở [vừa thực hiện được], thì chỉ cần đơn giản giữ sự chú tâm của mình an trú trong sự cởi mở của tri thức mình. Hãy nghỉ ngơi, không hoạch định một dự án nào cho tương lai cả. Không dừng lại trong quá khứ, nhưng cũng không tìm cách thay đổi hiện tại. Hãy cứ để mọi sự đúng là như thế.
Trên đây là những lời hướng dẫn về phép luyện tập chín phép hít thở mang lại sự tinh khiết hóa.
Vài lời ghi chú của người dịch
Bài phỏng vấn nhà sư Phakyab Rinpoché và hai phụ lục trên đây có thể giúp chúng ta hình dung được phần nào sự vận hành thật sâu sắc và phức tạp của tâm thức con người mà các ngành Tâm lý học và Phân tâm học Tây Phương vẫn chưa theo kịp được, nhất là đối với các phương thức ứng dụng thiết thực và cụ thể mang lại từ những sự hiểu biết của Phật giáo nhất là của Kim Cương Thừa, về lãnh vực tâm thần nhằm cải thiện sức khỏe trên thân xác và cả nội tâm. Bằng chứng cụ thể là Kim Cương Thừa qua các hình thức tu tập của Phật giáo Tây Tạng đã chinh phục được người Tây Phương rất duy lý và thiết thực. Thật vậy Phật giáo Tây Tạng được người Phương Tây ưa chuộng nhất và tu tập nhiều nhất, sau đó mới đến Thiền học Zen và Phật giáo Theravada.
Cầu xin và tụng niệm là một khía cạnh chung của các tôn giáo, kể cả Phật giáo qua một số hình thức tu tập nào đó, giúp con người lẩn tránh hiện thực và những sự khổ đau sâu kín của mình, nói lên sự yếu đuối của tâm thức mình. Nếu quan sát thật kỹ thì tất chúng ta sẽ nhận thấy những người càng cầu xin và càng tụng niệm thì lại càng trở nên phờ phạc, tâm thần càng hoang mang hơn. Một khi đã bước vào con đường đó và mỗi khi rời ra khỏi nó thì người tu tập sẽ dễ rơi vào tình trạng lo sợ, tâm thần mất định hướng và bị tách rời ra khỏi hiện thực, nói cách khác tức là tình trạng vô minh hay u mê của tâm thức, và đấy cũng chính là nguyên nhân sâu xa và kín đáo nhất đưa đến các sự tranh chấp, xung đột và chiến tranh. Thật vậy khía cạnh nhu nhược và thụ động của các việc cầu xin và tụng niệm thường được che dấu bên trong chiếc áo khoác đức tin phủ lên tâm thức mình, nhưng thật ra các sự cầu xin và tụng niệm lại hàm chứa bên trong chúng hay phía sau chúng một sự bất mãn, một hình thức ích kỷ hay một sự nổi loạn nào đó với chính mình và kẻ khác, phản ảnh một sự bất lực, mong manh và yếu đuối của chính mình. Vì thế cũng có thể hiểu rằng chiến tranh, xung đột và độc tài không phát sinh từ sự hung dữ mà là sự yếu đuối.
Các phép luyện tập của Phật giáo Tây Tạng trên đây giúp tinh khiết hóa tất cả những thứ bấn loạn ấy ở bên trong nội tâm mình, bằng cách dựa vào sự yên lặng của thân xác, sự im lặng của ngôn từ và sự tĩnh lặng của tâm thức, hầu giúp mình quán thấy được bản chất của hiện thực và đến gần hơn với con người một cách thật tự nhiên và giản dị.
Bures-Sur-Yvette, 02.09.15
Hoang Phong chuyển ngữ