;
Hình minh họa - nguồn internet
Một sự thật không thể tránh né hay chối cãi, đó là cái chết. Chết là một điều không ai tránh khỏi và không biết từ bao giờ, hình ảnh chết chóc tang chế lại gắn liền với hình ảnh của một người tu sĩ. Có lẽ vì văn hóa dân gian cũng như ảnh hưởng của dòng văn hóa Trung Hoa từ lâu, mỗi khi gia đình có tang thì phải mời thầy, mời sư về tụng kinh, cầu siêu trai độ gì đó. Cũng từ đó mà ra, hình ảnh một vị xuất gia nói riêng hay Phật Giáo nói chung luôn bị gắn liền với những nghi lễ thờ cúng và đau buồn. Quả thật là một sai lầm khi chúng ta có những suy nghi thô thiển như thế.
Trước hết, hãy nói về cái chết, Đức Phật đã mô tả và ví dụ về sự chết như sau: “Thưa đại vương, tất cả đồ gốm do người thợ gốm làm ra, chưa nung chín hay đã nung chín, tất cả đồ gốm ấy đều phải bể, đều kết thúc trong sự bể, đều không vượt qua sự bể. Cũng vậy, thưa đại vương, tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết”.
Nhận thức đúng và chấp nhận thực tại này không phải là điều đơn giản, vì lẽ con người thường không dám đối diện sự thật nghiệt ngã này khi mà một người thân mà mình yêu quý lại ra đi mà sẽ không quay trở lại nữa.
Câu chuyện tìm những hạt cải để cứu đứa con đã chết của nàng Kisā Gotamī hoặc dáng vẻ thất thểu, vô hồn trở nên điên loạn của góa phụ Paṭācārā hay là dáng vẽ hớt hải với mái tóc ướt đẫm của tín nữ Visākhā khi hay tin người cháu mất là tình trạng phổ biến của con người khi đối diện với cái chết của người thân.
Nhận thức đúng về thực tại này, do đâu mà khổ đau là thái độ sống đúng mực của người đệ tử Phật.
Từ sự nhận thức đúng đắn này, ngươi đệ tử Phật bình tâm đối diện với sự thật. Và trong lịch sử kinh điển, có lẽ một trong những người cư sĩ đầu tiên thỉnh cầu đệ tử của đức Thế Tôn quang lâm tư gia hộ niệm là thí chủ Anāthapiṇḍika. Đáp lại lời thỉnh cầu, Tôn giả Sāriputta đã quang lâm tư gia và có một bài pháp đến ông, như là một lời sách tấn ông không nên bám víu vào pháp hữu vi. Sau khi nghe pháp xong, ông khóc lớn vì chưa bao giờ ông được nghe bài thuyết giáo như vậy. Và sau đó, khi tắt hơi, được sanh lên thiên giới làm một vị thiên tử ở cõi trời Tusita.
Về phương diện hình thức, tang lễ của một người đệ tử Phật chỉ nên tiến hành trong sự giản dị, không nên chú trọng hình thức rườm rà cũng không phô trương. Trong thời Đức Phật và theo văn hóa Ấn Độ, thì thường chú trọng hỏa táng (thiêu xác) hoặc lâm táng (đưa thi thể vào rừng). Ngoài ra, tùy theo các vùng miền văn hóa mà có các hình thức như mai táng (chôn cất), huyền táng (treo lơ lửng trong các hang động), điểu táng (cho chim và thú ăn), thủy táng (thả xuống nước).
Phật giáo luôn dung dị trong cách thức xử lý thân tứ đại. Tuy yêu thương con ngập trời như Kisā Gotamī, nhưng khi được Phật thuyết dạy, biết rằng không thể cứu vãn đứa con đã chết, nên nàng đã đem đặt con nàng ở nghĩa địa (lâm táng – đem bỏ thi thể trong rừng). Ngay như đại đệ tử của Ngài, Tôn giả Sāriputta, sau khi ngài nhập Niết Bàn tại làng Nālaka ở Magadha, thì tang lễ của ngài cũng được tiến hành đơn giản bằng pháp thức hỏa táng và chỉ với vài người thân dự tang lễ, sau đó người em Cunda đã đem xá-lợi và y, bát về bạch với đức Phật. Tuy chưa phải là tất cả, nhưng từ đây có thể thấy, tang lễ của những cư sĩ hay tu sĩ thời Phật không quá chú trọng vào hình thức lễ nghi.
Ngay cả với đức Thế Tôn, Ngài cũng chẳng bao giờ khuyến khích các đệ tử của mình chú trọng đến việc cúng tế, lễ bái bằng vật chất hoặc cung kính lễ lạy mà Ngài luôn khuyên dạy chúng đệ tử nên chú tâm thực hành giáo pháp, có như thế mới là hình thức cúng dường đến Thế Tôn một cách cao thượng.
Này Ānanda, nếu có Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chơn chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy kính trọng, tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng.
Với Đức Phật, thân thể chỉ là sự hòa hợp của tứ đại. Sau khi Ngài nhập Niết Bàn thì thân tứ đại dù được kết tinh thành Xá lợi thì cũng theo quy luật tụ, tán cùng thời gian. Do đó, Ngài đã chọn phương thức hỏa táng và chỉ định cho hàng cư sĩ phụ trách tang nghi. Trước trăn trở của ngài Ānanda về hình thức tang nghi và ai là người đứng ra chủ trì sự kiện quan trọng này, Đức Phật đã trang nghiêm phân định:
"Này Ānanda, các Ngươi đừng có lo lắng vấn đề cung kính thân xá lợi của Như Lai. Này Ānanda, các Người hãy nỗ lực, hãy tinh tấn hướng về tự độ, sống không phóng dật, cần mẫn, chuyên hướng về tự độ. Này Ānanda, có những học giả Sát Đế Lợi, những học giả Bà La Môn, những học giả gia chủ thâm tín Như Lai, những vị này sẽ lo cho sự cung kính cúng dường thân xá lợi của Như Lai."
Đây là di huấn quan trọng, có ý nghĩa tham khảo đối với mọi vấn đề liên quan đến việc hậu sự của người xuất gia, bất kể thời đại nào. Mặc dù có mặt trong khoảng thời gian diễn ra tang lễ, thế nhưng cả ba đại đệ tử của Đức Phật như Tôn giả Maha Kassapa, Tôn giả Anurudha và Tôn giả Ānanda vẫn đứng ngoài mọi diễn biến tang lễ.
Trong khi thực hiện các nghi thức cúng tế, Đức Phật cũng lưu ý rằng không được giết hại chúng sanh để làm phẩm vật tế lễ. Điều đó được thể hiện rất rõ ràng trong kinh điển:
"Này Bà-la-môn, trong lễ tế đàn này, không có trâu bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gà heo bị giết, không có các loại sinh vật nào khác vị sát thương, không có cây cối bị chặt để làm trụ cột tế lễ, không có loại cỏ dabbha (cỏ cát tường) bị cắt để rải xung quanh đàn tế. Và những người gia bộc hay… người đem tin, hay những người làm thuê không bị dọa nạt bởi hình phạt, không bị dọa nạt bởi sợ hãi và không làm việc trong than khóc với nước mắt tràn đầy mặt mày. Chúng muốn thì chúng làm, chúng làm những gì chúng muốn. Tế đàn nay được hoàn tất chỉ với dầu, sanh tô, thục tô, mật và đường miếng."
Đức Phật cũng khẳng định không nên sát hại chúng sanh để cúng tế, vì lẽ “cúng đồ ăn như vậy cho người chết không có lợi ích gì. Khi đã sát sanh, làm sao có lợi ích được?”. Chúng ta có thể linh động về các phẩm vật hiến tế, nhưng căn bản phải dựa trên quan điểm không được phương hại hoặc gây đau khổ cho chúng sanh khi thực hiện các nghi thức tế tự. Liên hệ với thực tế, chúng ta có rất nhiều lễ hội, tiệc tùng mà phải giết hại rất nhiều gà vịt, heo bò để cúng và thiết đãi mọi người. quả thật là không đúng với tinh thần của Phật Giáo.
Trở lại với vấn đề tang chế, Đạo Phật không chủ trương nghi lễ quá rườm rà, mất thời gian và tiền bạc của gia chủ. Áp dụng theo tinh thần của Phật Giáo, chúng ta nên hướng tâm mình để vững tâm khi đối diện với hoàn cảnh chia ly cách biệt và cố gắng tạo nhiều thiện pháp để hồi hướng đến thân quyến quá vãng. Thỉnh chư tăng đến tụng kinh cầu siêu thì quả thật là một điều khó nói. Liệu rằng người chết có nghe được không? có chắc chắn rằng họ sẽ nhờ tụng kinh, gọi tên mà tái sanh nhàn cảnh được chăng? Rất khó, rất ư là khó, ví như mò kim đáy bể vậy.
Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.
Người Phật Tử phải tự mình nhận thức rằng, một khi đã tạo nghiệp ác, dù có van xin, chúng ta cũng phải là người gặt hái kết quả đau khổ của nó. Không ai có thể đánh đổ quy luật nhân quả muôn đời này.
Đức Phật đã xác định như thế: "Nếu ai làm các nghiệp ác, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu khẩn van xin, thành kính mong rằng người ấy sẽ được sanh thiện thú. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Làm các nghiệp ác phải rơi vào đọa xứ. Ví như có một người quăng tảng đá vào hồ nước, rồi nhiều người đến cầu khẩn van xin cho tảng đá ấy được nổi lên. Sự cầu khẩn như vậy là vô ích. Vì tảng đá, với sức nặng của nó, không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ như lời cầu khẩn. Cũng vậy, tạo các nghiệp ác thì phải rơi vào ác giới, đọa xứ".
Ở đây lời của Đức Phật nhằm xác quyết rằng hành vi ác và bất thiện là nguyên nhân gây ra các hậu quả khổ đau, mà người đã tạo ra nó phải gánh chịu trong đời của mình, dù hiện tại hay về sau. Sức gia trì và cầu nguyện trong trường hợp này không có giá trị nào cả. Bởi lẽ, nếu cầu nguyện có kết quả thì chắc chắc rằng những người triệu phú, tỷ phú trên thế gian này phải là những người siêu sanh trước nhất, được hết tội trước nhất, do tiền rừng biển bạc của họ tung ra trong các buổi cầu nguyện tôn giáo. Và đến khi đó, hình thức tôn giáo sẽ trở thành một nơi để đút lót, hối lộ thần thánh để mua chuộc cho người quá vãng được an vui. Phật Giáo tuyệt đối không có vấn đề này.
Luật nhân quả là vị thẩm phán công tâm nhất, không bao giờ bị các hình thức hối lộ hoặc con ông cháu cha ở thế gian tác động, để cải đen thành trắng, để trắng án, như trong các trường hợp của pháp luật ở đời. Và thẩm phán của nhân quả rất công minh, chính xác cũng như không lầm lẫn trong khi phán quyết nghiệp báo của các hành vi thiện ác.
Chẳng phải nương người khác,
Mà đạt được Niết Bàn,
Do tự điều, tự nương,
Mà đích đến kiên cố.
Do đó, đừng bao giờ chờ đến khi chết mới cầu mong cầu siêu giải độ, mà tự mình ngay lúc còn sống, hãy biết tạo thiện, tích đức để làm hành trang cho tương lai. Và cũng đừng mong ai đó cứu độ mình lên thiên giới mà hãy tự mình cứu mình, tự mình làm cho mình một con đường đến thiên giới thật vững chắc từ chính ngay trong kiếp sống này.
Đúc kết lại những vấn đề về nghi lễ trong Phật Giáo, qua những gì tìm hiểu từ kinh văn đã trích dẫn, chúng ta có thể nhận định rằng: Mục tiêu của Đạo Phật là hướng đến an lạc, diệt trừ mọi ái chấp và phá bỏ mọi nghi thức rườm rà của cúng tế, lễ bái. Những hình thức lễ nghi tuy không quan trọng nhưng cũng là một cách để người con Phật sống hòa mình vào Phật Giáo với những nghi thức phù hợp. Do vậy, mình phải tự lựa chọn con đường đi đúng nhất, nhanh nhất để tự mình đi, chứ đừng mong chờ ở một tha lực nào khác.
Bhik Samādhipuñño Định Phúc.