;
Trong tạng thức (hay Như Lai Tạng), hàm chứa toàn bộ những tánh thiện, tánh
ác và trung tính từ vô thỉ (thời gian luân chuyển của hữu tình chúng sanh từ vô lượng, vô số kiếp, không thể tính, không thể biết được) cho đến nay.
Tất cả những hành động từ thân khẩu ý (do vô minh), đều lưu lại trong tạng thức, tùy theo nghiệp thiện ác trong đời này hoặc trong những đời trước, nghiệp thức đi tái sanh sau khi mạng sống chấm dứt.
Nếu thuần thiện, chẳng hạn: Từ Tâm Giải Thoát[i] viên mãn, thời người ấy sẽ được hỷ lạc, và sau khi chết, sẽ tái sanh vào Phạm Chúng Thiên, một trong ba tầng trời sắc giới của sơ thiền. Nếu vừa thiện vừa ác, và tùy theo tâm ý trước lúc lâm chung, thời có thể tái sanh vào cõi người trong thế giới ngũ trược của chúng ta, hoặc cõi thấp hơn, hoặc cao hơn. Như vậy, trong tạng thức của mỗi hữu tình đều có chủng tử thiện lẫn ác, và chủng tử trung tính: không thiện, không ác.
Có những người do nghiệp thiện nhiều, thời tánh thiện được hiển lộ sớm, và nhờ nghiệp báo thiện, vị ấy được trưởng dưỡng trong môi trường từ ái (môi trường tốt), khiến tánh thiện phát triển lớn dần hay tốt đẹp hơn theo thời gian cho đến thiện pháp sung mãn.
Cũng do nghiệp lực, lúc đầu, tánh thiện được hiển lộ, nhưng về sau do tiếp xúc vời sáu trần (sống trong một môi trường không tốt: chẳng hạn sống với những bạn nhậu, hoặc/và những bạn cá độ, hoặc/và những bạn đánh bài bạc, ăn chơi vv) khiến cho những hạt giống xấu, tánh bất thiện gặp duyên khởi trong môi trường ‘không tốt’ này, phát triển, theo thời gian, được tích tập cho đến sung mãn. Qua đó, bất thiện pháp của vị ấy cứ như thế tăng trưởng dần, trở thành thói quen xấu đến nỗi khó có thể buông bỏ được.
Những trường hợp như thế này có thể được tìm thấy khá nhiều trong Tạng Kinh Pali (Nikàya). Chẳng hạn, Angulimàlà (Vô Não) trong Trung Bộ Kinh Majjihima Nikàya Kinh số 86[ii]: Lúc đầu, sống trong một gia đình có giáo dưỡng tốt, nên tánh thiện được phát huy tốt.
Vô Não là một người lương thiện, hiền thiện nhân, nhưng khi trưởng thành, không may, Cha Mẹ cho đi học trong một môi trường ‘không tốt’: bạn đồng học đố kỵ, thầy dạy thiếu trí và không có lòng từ. Vô Não bị Thầy ‘xấu’ xúi giục đi giết người (giết 1000 người để lấy ngón tay phải làm vòng hoa). Kinh văn mô tả tánh ác của Vô Não nằm im trong tạng thức, bị đè nén từ lâu, khi tiếp xúc với lời xúi giục này, được khởi lên, làm rúng động toàn thân, và hăng say giết người.
Không những kiếp này, ngay trong những câu chuyện bổn sanh về tiền thân của Angulimàla, chẳng hạn từ một vị vua anh minh trở thành một quỷ nhân ăn thịt người trong chuyện tiền thân số 537 – Tiền thân Maha Sutasoma[iii]: Vô Não trong kiếp đó, lúc đầu là vị vua anh minh, lãnh đạo đất nước một cách quang minh chánh đại theo thập vương pháp, làm cho quốc thái, dân an, thiên hạ thái bình. Bỗng nhiên, một ngày không may, khi người đầu bếp của vua bất cẩn, sơ ý để đàn chó trong hoàng cung ăn hết thịt lưu trữ dành cho vua.
Vì thế, y nghĩ ra một kế: Vào nghĩa địa xẻo miếng thịt đùi của người mới chết đem nấu thành món ăn, và kính dâng lên Vua. Kinh mô tả, ngay khi lưỡi của vua tiếp xúc với món thịt người, vị ‘thơm ngon’ của món ăn này làm rúng động toàn thân, chảy khắp châu thân.
Vua liền hỏi người đầu bếp: Đây là thịt gì mà ngon đến vậy? Người đầu bếp lúng túng trả lời: Đó là món thịt như những lần trước nhưng hôm nay được hạ thần nấu kỹ lưỡng với gia vị thơm ngon. Vua trả lời: không phải vị thịt ta thường dùng. Hãy nói thật, đó là thịt gì? người đầu bếp khúm núm trả lời: Thịt người. Vua phán giết tù nhân làm thịt. Sau một thời gian, vua ăn thịt hết tù nhân. Vua sai người đầu bếp đi giết người để làm thịt ăn.
Sự việc này bị các cận thận điều tra biết được và bất bình. Họ họp lại và phế truất vua, đuổi vua vào trong rừng. Vua xin mang theo đầu bếp. Từ đó, vua trở thành quỷ nhân ăn thịt người trong rừng. Khi không còn ai dám đi vào khu rừng đó nữa, vua giết luôn cả người đầu bếp và tự làm món thịt để ăn….
Khá nhiều câu chuyện như vậy đó bạn hiền thân. Hễ tánh ác hữu duyên khởi lên và lớn dần trong một môi trường tương ưng, lâu ngày huân tập sung mãn, tác thành căn cứ địa, và an trú (thức an trú do chấp thủ quá lâu) nên khó có thể chuyển hóa.
Vậy tánh xấu, hay tật xấu khi nào có thể được chuyển hóa?
Trong Tăng Chi Bộ Kinh_Anguttara Nikàya, Chương 10 Pháp, Đức Phật dạy có mười hạng người đáng được tán thán, trong đó sau hạng thứ 09 bậc tùy tín hành, là hạng thứ 10 Bậc Chuyển Tánh;
[iv]Này các Tỷ-kheo, mười hạng người này đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là mười?
Như lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng Giác, bậc Ðộc giác, bậc Giải thoát cả hai phần, bậc Tuệ giải thoát, bậc Thân chứng, bậc Kiến chí, bậc Tín giải thoát, bậc Tùy pháp hành, bậc Tùy tín hành, bậc Chuyển tánh.
Này các Tỷ-kheo, mười hạng người này đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.
Trong Trung Bộ Kinh Majjhima Nikàya, Kinh số 22 Ví Dụ Con Rắn[v] cho thấy Sau bậc tùy tín hành là bậc đủ lòng kính tín Như Lai, tức là bậc chuyển tánh. Tánh xấu của một người sẽ bắt đầu được chuyển hóa khi vị ấy có duyên lành khởi lòng kính tín Như Lai cho đến lòng tin vững chắc vào Tam Bảo: Phật, Pháp và Tăng.
Trong Kinh Tiểu Bộ hay Tích Truyện Kinh Pháp Cú có khá nhiều trường hợp người có Tánh xấu (rất xấu: tánh bất hảo: dối trá, độc ác, cướp của, giết người vv: theo link tham khảo 12 câu chuyện trong tạng kinh Pali về chủ đề này: https://quangduc.com/a77937/muoi-hai-cau-chuyen-trong-tang-kinh-pali), được chuyển hóa ngay khi nghe Pháp và có lòng tin trong sạch và bất động với Phật, Pháp và Tăng (Tam Bảo).
Angulimàlà và Tỳ nữ lưng gù Khujjuttàra của hoàng hậu Sàmàvatì, là hai trong nhiều ví dụ điển hình. Vô Não, ngay khi nghe Đức Phật thuyết pháp, cảm được đạo từ của Như Lai, khởi lòng kính tín Đức Phật, Pháp và Tăng, liền buông đao, từ bỏ giết hại chúng sanh, chứng sơ quả Dự Lưu.
Trong khi Tỳ nữ Khujjuttàra[vi] có tánh ăn chặn tiền mua hoa mà hoàng hậu Samàvàtì tín cẩn giao cho nàng. Mỗi lần mua hoa, Hoàng hậu trao cho Khujjuttàra 8 đồng tiền, nhưng tỳ nữ này chỉ dùng 4 đồng để mua hoa, và ăn chặn 4 đồng. Một hôm nọ, trên đường đi mua hoa, tình cơ nghe Đức Phật thuyết pháp cho hội chúng, tâm ý khai mở, khiến nàng hỷ lạc và có lòng tin trong sạch và kiên định vào Đức Phật, Pháp và Tăng, và cảm thấy hỗ thẹn với việc ăn chặn tiền mua hoa bấy lâu nay của mình, và nàng quyết tâm đoạn trừ tánh xấu này, chứng Thánh Quả Dự Lưu.
Sau khi nghe pháp và được khai ngộ, nàng dùng tất cả 8 đồng mua hoa, và mang về hậu cung. Hoàng hậu Samàvàtì ngạc nhiên hỏi hôm nay sao hoa nhiều gấp đôi? Khujjuttàra thú nhận với Hoàng hậu Samàvàti đã ăn chặn nửa số tiền mua hoa bấy lâu nay, và nhờ nghe chơn chánh pháp vi diệu của Đức Phật, đã khai minh cho tỳ nữ, khiến nàng thú tội và xin hoàng hậu tha thứ… Như vậy, tánh xấu đã được chuyển hóa ngay khi vị ấy có lòng tin Tam Bảo bất động vì tâm được khai ngộ ngay sau thời thuyết Pháp của Đức Phật.
Thực ra trong mười hạng xứng đáng được tán thán, hạng thứ 10 là bậc chuyển tánh, tức là bậc chỉ đủ lòng tin vào Như Lai. Một người có tánh xấu, một khi đặt niềm tin trọn vẹn vào Như Lai, thời sẽ tin vào Chánh Pháp của Như Lai, vị ấy sẽ ứng dụng Chánh Pháp, bắt đầu bằng việc thọ trì ngũ giới để chuyển hóa tánh xấu.
Đó là lúc tánh xấu bắt đầu được chuyển hóa, dần theo thời gian, nhờ vào việc thọ trì ngũ giới kiên định cho đến sung mãn, thời vị ấy đoạn trừ được thói xấu. Nói một cách khác, tánh xấu, thói quen xấu của một người sẽ được đoạn trừ từ khi vị ấy bắt đầu chuyển tánh, thọ trì ngũ giới một cách kiên định. Một khi ngũ giới trong sạch và lòng tin bất động vào TAM BẢO, vị ấy là bậc tín giải thoát, là bậc có tánh xấu (uống rượu, nói lời thô ác vv) đã được chuyển hóa, hướng đến giải thoát, xuôi về niết bàn…
Trong xã hội ngày nay, người đời thường chạy theo dục và bị quay cuồng theo các dục (ngũ dục: sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục), và hàng ngày huân tập tánh xấu, chẳng hạn người hay uống rượu bia lâu ngày, trở nên tham đắm rượu bia và nói bậy, thời khó có thể chuyển, hóa trừ phi có duyên lành theo Tam Bảo, và có đủ lòng tin vào Tam Bảo, giác ngộ chân lý khổ, vô thường, vô ngã, trở thành Bậc Chuyển Tánh, từ đó học cách buông bỏ tánh xấu, huân tập tánh thiện hướng đến buông xả vạn duyên, thong dong tự tại, giải thoát… Vài dòng ngắn gọn chia sẻ với bạn hiền thân mến và hy vọng hữu ích.
Trong tâm từ
Tâm Tịnh
NGUỒN THAM KHẢO
[i] i. Tăng Chi Bộ Kinh Anguttara Nikàya. Chương Bốn Pháp, Phẩm XIII. Sợ Hãi. (III) (123) Hạng Người Sai Khác (1)Việt văn: Hòa Thượng Thích Minh Châu. Online [Available] https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi041318.htm
[ii] ii. Trung Bộ Kinh Majjhima Nikàya. 86. Kinh Angulimàlà. Việt văn: Hòa Thượng Thích Minh Châu Online [Available] https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung86.htm
[iii] iii. Tiểu Bộ Kinh Khuddaka Nikàya. Tiền Thân số 537. Chuyện Maha Sutasoma. Việt văn: Giáo Sư Trần Phương Lan. Online [Available] https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tieubo9/tb9-05.htm
[iv] iv. Tăng Chi Bộ Kinh Anguttara Nikàya. Chương Mười Pháp. II. Phẩm Hộ Trì. (VI) (16) Ðáng Ðược Cúng Dường. Việt văn: Hòa Thượng Thích Minh Châu. Online [Available]: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-tangchibo/tangchi10-0103.htm
[v] v.Trung Bộ Kinh Majjhima Nikàya. 22. Kinh Ví Dụ Con Rắn. Việt văn: Hòa Thượng Thích Minh Châu. Online [Available] https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung22.htm
[vi] vi.Tích Truyện Kinh Pháp Cú. II. Phẩm Phóng Dật. I. Chuyện luân hồi của Vua Udena. Phần Khujjuttarà Chuyển Hóa Sàmàvatì. Online [Available] https://www.budsas.org/uni/u-kinh-phapcu-ev/ttpc02a.htm