;
Phương pháp quán chữ Lam trong pháp tu Chú Chuẩn Đề
Trong Giáo lý của Đức Phật, rất cao rộng, vi diệu, có rất nhiều bộ kinh. Mỗi tầng lớp chúng sinh sẽ có những giáo pháp phù hợp để độ thoát, từ thấp cho đến cao. Chúng ta phân định trên mặt hữu hình, phân biệt thì thấy như vậy nhưng thực tế chỉ riêng có một “Phật Thừa” mà thôi. Phật thừa ấy bàn bạc trong vạn sự, vạn vật. đó là thể tánh mầu nhiệm của chúng sinh. Và ai ai cũng có “Tánh” đó cả.
Phật tánh ấy có sẵn trong mỗi chúng sinh. Nhưng vì chúng sinh cứ mãi lặn hụp, trôi lăn trong vòng sanh tử. Mãi sống trong giấc mộng “Vọng tưởng”. Đức Phật vì lòng từ bi đã nói, giảng giải rất nhiều giáo pháp, tạm mượn nhiều danh tự, hình tướng để nói lên Phật tánh ấy. Nói rằng: “Chúng sanh đã có sẵn Phật tánh” và Ngài cũng đã nói rằng: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Ngài nói đi rất nhiều, từng tiếng nói của Ngài phát từ trong Phật Tâm ấy. Tiếng nói ấy nó âm ba vang rộng, lan tỏa trong vạn sự, vạn vật, vạn pháp. Và tiếng nói đó đã kết tập thể hiện thành Bộ Kinh “Bát Nhã ba La Mật”. Một bộ kinh nói trong sự sâu thẳm, thăm diệu của Tâm, kích thích nội tâm ấy để tỏa sáng năng lực của nó cho mọi chúng sanh, mọi loài phát khởi “Tâm Kinh”. Đã gọi là Tâm kinh, chính danh từ này cũng tạm gọi thôi. Vì trong tâm không có bất cứ một cái gì trong đó, luôn cả không cũng không có, cũng đều không. Khi chúng sanh phát khởi Tâm kinh thì mọi sự, mọi vật, mọi pháp luôn cả chúng sanh ấy đều cũng sụp xuống tan biến. Nó đã tan biến đi như vậy? Thì cái gì ở đây? Một câu hỏi rất tầm thường, đơn giản nhưng khó trả lời. Nhưng chúng ta hãy nhẫn nhịn, an tâm, định tĩnh để cho Ngài Quán tự tại Bồ tát trả lời!
Ngài Quán Tự Tại không trả lời mà Ngài quán soi vào để chỉ cho ta. Ngài quán soi nhưng thật tế Ngài không quán soi gì cả. Vì ngay tức khắc đó, Ngài cũng đã tan biến mất. Và cả thế giới này, vũ trụ này, cả những thành sấu, núi sông, căn thân thế giới đều sụp xuống, tan biến đâu mất. Cùng lúc ấy, Quán tự tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
Ta đã thấy Ngài chưa? Ta đã thấy Ngài qua thân tướng của Bát nhã (Trí huệ) Ba la Mật (Rộng lớn). Thật là vi diệu! Ngài có muôn hình, muôn vẻ, muôn màu, muôn sự kiện, Ngài có khắp ở mọi nơi Quá khứ, hiện tại, vị lai. Vì Ngài ở khắp mọi nơi trong ba thời nên Ngài có một năng lực vô biên “Hành thâm bát nhã ba la mật”. Và Ngài có đã có trong vạn sự, vạn vật, vạn pháp. Ngài cũng là Bát Nhã Ba la Mật. Từ chỗ đó, nên Ngài quán soi sự vật, quán soi “Chiếu kiến, ngũ uẩn, giai không”.
Ngũ uẩn là cái gì mà giai không? Ngũ uẩn là năm cái chứa nhóm: Sắc uẩn (sự chứa nhóm của Sắc), Thọ uẩn (sự chứa nhóm của Cảm thọ), Tưởng Uẩn (sự chứa nhóm của Tưởng), Hành uẩn (sự chứa nhóm của các niệm sanh diệt), thức uẩn (sự chứa nhóm của sự phân biệt).
Sắc uẩn: Màu sắc, tướng âm thanh hư không. Ở đây, ta nên quán soi lại thân ta. Thân ta do tứ đại “Đất, nước, gió, lửa”. Những thứ cứng chắc, tóc răng, xương là đất. Nước là những chất lỏng máu, đờm, nước dãi, mồ hôi. Gió là hơi thở động chuyển trong cơ thể. Lửa là hơi ấm, nóng trong cơ thể. Như vậy, ta hãy nhìn lại xem. Thân này là do sự duyên hợp của Tứ đại, bốn thứ kia hợp lại mà thành. Do duyên hợp mà thành. Trùng trùng duyên khởi. Đất thì cũng do nhiều nguyên tố, phân tử, nguyên tử chất. Rồi những nguyên tố, nguyên tử kia cũng do nhiều chất hình thành.. Một chuổi duyên hợp trùng trùng lên nhau. Đất như vậy thì Thủy, hỏa, phong cũng vậy. Thật là duyên hợp. Thân ta mất một thứ như vậy thì tan rã. Từ sự duyên hợp trên cho nên Đức Phật bảo rằng thân ta không có thực thể, không tướng là vậy! Nó không có thực thể, chỉ tạm giả hợp thôi. Cho nên, Ngài quán soi Ngũ uẩn, sắc uẩn, giai không là vậy. Cái không ở đây là không có thực thể, chắc chắn nhất định.
Khi đã nhìn thấy cái không tướng trong sắc rồi. Tiếp Quán soi “Thọ uẩn”. Thọ uẩn là những cảm giác, cảm xúc khi Nhãn căn (Hay các căn khác) tiếp xúc với Trần rồi sanh ra phân biệt tốt hoặc xấu. Từ đó, ý căn chấp ngã có ta, có người rồi duyên theo cái tốt đẹp, xấu, danh sắc mà thọ cảm, chứa nhóm lại tạo thành chủng nghiệp. Như vậy, thọ uẩn cũng là do duyên hợp, do căn tiếp với Trần sanh ra phân biệt, ý thức. Và trong một chuỗi Thọ cảm thì nó cũng trùng trùng duyên khởi. Trong cái vui, buồn, không khổ, không vuio, nóng lạnh đó nó cũng duyên hợp vô số sự kiện nhỏ, vi tế kết hợp với nhau tạo thành “Thọ uẩn”. Sự chứa nhóm của Thọ quán soi về Tưởng uẩn sẽ thấy Tưởng là sự tưởng tượng, xoay lại. sự xoay lại tưởng nhớ phóng ra những cảnh giới, những ý niệm đã qua (quá khứ). Và tưởng đến những cảnh giới, sự kiện, ý niệm sắp tới. Rồi cũng có sự tưởng tượng lầm chấp của hiện tại. Tưởng tượng không thật thể. Như khi chúng ta thấy một sợi dây trên đường vì mờ mờ tối hay vì hoa mắt hay do sự tham, giận, si mê mà khiến ta nhìn thấy sợi dây ấy là một con rắn rồi sinh ra sợ sệt. Rồi từ đó tính toán suy nghĩ muôn điều trùng trùng duyên khởi. Qua chi tiết đó, Tưởng uẩn, sự chứa nhóm của Tưởng tượng xoay lại củng do quá khứ, vị lai, hiện tại mà duyên hợp lại với nhau. Cho nên, không có thực thể. Bồ tát Ngài đã quán soi thấy thực thể của nó không nhất định do sự giả hợp (Vì theo Duyên nó sẽ tan ra nên gọi là Giả hợp). Tướng của nó là không nhất định nên Ngài quán soi “Tướng Uẩn giai không”.
Tướng Uẩn rồi lại đến “Hành Uẩn”. Nó là sự hoạt động của nội tâm thức. Do sự suy tư, tính toán, phân biệt thế này, thế kia, niệm niệm sinh diệt không dừng. Tâm thức chủng loại hết niệm này đến niệm kia sinh rồi lại diệt nối tiếp nhau trùng trùng duyên khởi.
Khi chúng ta đi chợ, ta luôn tính trong đầu phải mua cải, gạo, dầu lửa v.v.v…. Mỗi sự kiện nói về sự đi chợ, rồi liên quan đền bữa ăn …Quán soi vào sâu nữa ta thấy sự sinh diệt rất kinh khủng. Một chuỗi Duyên hợp thành ra “Hành uẩn”, chứa nhóm sinh diệt nội tâm. Do đó, Hành uẩn cũng do duyên hợp, không thật thể, không có tướng nhất định cho nên “Giai không”.
Ngũ uẩn “Sắc Uẩn, Thọ Uẩn, Tưởng Uẩn, Hành Uẩn” đều giai không cho đến “Thức Uẩn”, sự chứa nhóm của phân biệt, hiểu biết. Khi căn tiếp xúc với Trần, rồi đến Thức. Thức phân biệt ra để hiểu biết. Khi mắt nhìn thấy một cánh hoa thì ngay khi đó, Thức sẽ khởi ra phân biệt hoa tốt, hoa xấu, ở đâu để hiểu biết. Từ sự hiểu biết, phân biệt đó, Ý căn, ngã chấp thể hiện lên và duyên theo “Tàng thức”, Thức thứ 8 tàng giữ những chủng tử. Để từ đó, chấp ngã tạo nghiệp, tranh đấu, bảo vệ, chối bỏ, không nắm, không giữ, vô ký sanh ra trùng trùng duyên khởi. Thức uẩn do những duyên hợp lại Căn, Trần, Thức mà thành. Thì “Thức Uẩn” cũng không có thật tướng nhất định, cũng chĩ giả hợp mà thôi.
Đến đây, Bồ tát Quán Tự Tại Hành Thâm Bát Nhã Ba la Mật quán soi Chiếu Kiến Ngũ uẩn giai không!
Qua những chi tiết trên, ta sẽ thấy thật thể của trí Bát nhã ba la mật, một trí huệ lớn lao vô biên không gì ngăn ngại nó cả. Nó không có một vật nào cả. Nếu còn một vật nào dính mắc nó sẽ dính ngay chỗ đó thì nó không thể hiện được sự rộng lớn, thoải mái, tự tại. Trong tâm thức ta, mọi sự, mọi ý niệm cứ tuôn chảy. Ta không dính một vật gì trong đó thì ta sẽ biết tất cả những sự vật, những ý niệm trãi qua trong tâm thức, trong Vũ trụ. Từ đó, ta sẽ sở hữu được Vũ trụ. Vì Vũ trụ, tâm thức, các cảnh, các duyên, những ý niệm ta không chấp, không bỏ thì nó chính là ta, ta là nó “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”.
Ở ngay đây, ngay cái tư tưởng đó, người hành giả Mật tông, Mật chú Chuẩn đề, họ sẽ thể hiện tu trì qua kinh Bát Nhã. Thần Chú Chuẩn đề “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” sẽ thể nhập thành Bát nhã Ba la Mật. Một Thần chú trí huệ, trong sáng rộng lớn. Đó là một vấn đề. Vấn đề rất quan trọng, cao siêu nhưng rất tầm thường, bàn bạc trong sự sống của con người. Vì sao? Vì mỗi cá nhân con người ai ai cũng có Phật tánh cả. Người hành giả tu Mật chú Chuẩn đề hàng ngày họ bỏ tất cả những duyên xunh quanh họ. Họ chỉ biết trì niệm “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” thôi. Ngoài ra, không có một pháp nào khác nữa. Dần dần, thời gian tu sẽ làm cho từ trong nội tâm thức ấy huân tập, phát khởi ra Thần chú Chuẩn đề. Lúc đó, người hành giả họ không niệm ra tiếng hay không dùng cái khẩu, cái miệng ấy niệm nữa. Mà từ trong nội thức đó nó vang lên, vang lên “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”. Thật rõ ràng mầu nhiệm, ta không nghe tiếng niệm nữa nhưng nội trí ta biết niệm khởi ấy là Thần chú Chuẩn đề, đủ 9 chữ, đủ âm thanh của nó. Khi người hành giả tu tập, huân tập nội thức trì niệm như vậy, được như vậy rồi thì họ ở bất kỳ nơi đâu trong rừng núi, sông nước, thành thị, ồn ào, tĩnh mịch thì nội thức ấy vẫn vang lên. Và lúc đó, từng ý niệm của hành giả khi bộc khởi từ trong tàng thức vang lên do căn, trần, thức kết hợp vang lên. Thì trong từng ý niệm khởi đó, người hành giả thấy nghe vang lên “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” Nó đang hiện hữu trong niệm khởi đó. Như vậy, nội niệm (nội Thức niệm), nội Quán. Nội Quán soi trong tâm ta nó cùng với sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều là một. Thì ở đâu là Sắc, đâu là Tâm, đâu là Ta là người. Lúc đó, một loạt câu hỏi sẽ hỏi như vậy thì ta quán soi lại? Không có ai niệm cả, không có sắc nào ở đó cả, không có âm thanh nào cả, âm thanh Thần chú Chuẩn đề cũng trở thành cái biết. Lúc đó, chỉ biết cái đó chính là Chín chữ âm thanh Thần chú đó thôi.
Khi mọi vấn đề thọ cảm xúc, nóng lạnh, ái luyến, buồn vui, khổ sở ở cuộc đời này nó cũng hình thành cái biết tinh tế, vi tế Thần chú Chuẩn đề mà thôi. Ở đây thật vi diệu, mọi vấn đề vẫn tiến triển như trong nguồn Xã hội nhưng người hành giả không bị dính mắc vào trong nguồn đó. Do không dính mắc vào khổ vui, thiện ác, không mang nặng những sự kiện tâm thức, hữu vi. Cho nên, người hành giả sống trong Xã hội thật lạc quan, an lạc, hạnh phúc. Mọi người tu như vậy, thấy không tu nhưng tu xã hội sẽ an lành.
Người hành giả huân tập tu hành như trên thì mỗi chiếc lá rơi, tiếng còi xe, chim hót, mọi tiếng động, mọi cảm xúc, ý niệm cùng thọ cảm đều mang ý niệm “Úm chiệt lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm”. Qua đó, Thần chú Chuẩn đề cùng Sắc, thọ, tưởng, hành, thức không khác, không hai. Người hành giả tu trì, huân tập như thế thì một lúc sẽ liễu ngộ, ở đâu cũng có Thần chú Chuẩn đề, ở đâu cũng có ấn pháp trở thành một đại pháp – Đại không thủ ấn, đại không thủ pháp hoàn toàn vô ngã “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”. Trong cái không đó, thể hiện “Úm chiết lệ, chủ lệ, chuẩn đề, ta bà ha. Bộ lâm” là diệu hữu. Không trụ ở đâu, không dính mắc một cái gì thì lúc đó bản tâm liễu hiện. Khi đó Bản tâm , bản tánh có sẵn từ vô thủy, vô chung đến nay hành hỉa thể nhập, liễu nhập vào. Thì khi đó, người hành giả không niệm mà Thần chú vẫn thể hiện. Và cái gì cũng là Thần chú, chơn ngôn cả. Gọi chơn ngôn vì không có âm thanh cùng ý thức ở đó. Nhưng vẫn thể hiện được Thần chú, tức là “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, rồi đến Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều không!