;
Chuyện về Tổng giám đốc, "tiến sĩ văn hóa đọc" ngồi giữa đường hát rong
Tôi kêu gọi dùng chuông, trống mừng Đại lễ Phật đản
Đây là khoảng thời gian quý báu mà chúng tôi có dịp nhìn lại bản thân mình, đặt câu hỏi cho chính bản thân, đối thoại với chính mình và tự tìm ra câu trả lời cho cuộc đời mình.
Trước lúc bắt đầu, thầy không quên căn dặn chúng tôi những điều cần thiết và nhắc nhở chúng tôi phải thật sự tịnh khẩu, tắt hết tất cả thiết bị điện tử, điện thoại và không được nói chuyện hay dùng cử chỉ, ra dấu,… để nói chuyện với nhau trong suốt thời gian tu tập. Bởi mục đích của việc tịnh khẩu là để chúng tôi tự lắng tâm mình xuống, nhìn vào bên trong mình nên bất cứ những tác động bên ngoài nào sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả của chương trình huấn luyện đặc biệt này.
Đầu tiên, thầy cho chúng tôi đặt câu hỏi để tránh những thắc mắc trong quá trình tu tập, ai có thắc mắc gì thì hỏi và được thầy giải đáp tận tình, vì trong suốt chương trình không ai được nói chuyện và nếu có gì không rõ thì chỉ được viết ra giấy gửi thầy.
13h30, chúng tôi bắt đầu ngồi thư giãn. Mỗi người chọn cho mình một góc trong phòng hay bất cứ chỗ nào yên tĩnh để ngồi và tự lắng tâm mình lại. Chúng tôi không được phép nhìn nhau hay va chạm vì như thế cũng ảnh hưởng đến việc tu tập. Ai cũng chọn cho mình một chỗ lý tưởng để ngồi lại. Tôi cũng chọn cho mình một nơi thoải mái nhất, quay về phía trong tường để tránh việc tiếp xúc với bên ngoài. Ai cũng thực hiện một cách nghiêm túc.
Vào hồi 15h00, thầy cho chúng tôi vào phòng ngồi tọa thiền với sự hướng dẫn của thầy, vì đây là chương trình xuyên suốt nên chúng tôi phải luôn được sự chỉ dẫn của thầy. Chúng tôi ngồi thiền trong nửa tiếng và tiếp tục quay lại với việc suy nghĩ về sứ mệnh của mình. Lần này tôi có dịp đi xuống khuôn viên phía ngoài ngôi nhà, nơi có nhiều cây xanh mát mẻ, không khí thật dễ chịu, có cả tiếng chim hót, tôi ngồi trên ghế đá,tiếp tục suy nghĩ và quán chiếu. Tôi nhìn thấy những em bé ngây thơ đang chơi đùa, thật trong sáng và đáng yêu để thấy rằng cuộc sống này thật đẹp với tiếng nô đùa của trẻ con.
Trước lúc diễn ra buổi sinh hoạt đặc biệt này, thầy đã gửi cho chúng tôi 4 câu hỏi để tự suy nghĩ về mục tiêu cho riêng mình. Hôm nay tôi có dịp được nhìn lại. Ban đầu tôi cũng hoang mang vì trong đầu suy nghĩ rất nhiều thứ linh tinh, tuy nhiên trước đó thầy đã luôn nhắc nhở chúng tôi phải đưa tâm về với thân khi có bất cứ suy nghĩ sai lệch nào ngoài việc xác định sứ mệnh của mình nên tôi nhớ. Cuối cùng tôi đã cảm nhận được những điều đang xảy ra, đang diễn biến trong tâm của tôi. Tôi quán về quá khứ và tương lai để xác định điểm mạnh, điểm yếu và những việc mình thật sự yêu thích. Mỗi suy nghĩ quay về bên tôi giúp cho tôi có động lực và củng cố thêm niềm tin của chính mình. Và tôi xác định thêm một vài mục tiêu nữa.
17h30 buổi chiều, thầy dẫn chúng tôi lên tầng 12, nơi có sân thương rất thoáng mát và rộng rãi, và đây cũng là nơi chúng tôi thực tập thiền hành. Không gian ở đây vô cùng tuyệt vời. Chúng tôi được nhìn thấy cả 1 một Sài Gòn với những ngôi nhà chi chít, đủ màu sắc điểm tô bởi những ngôi nhà cao tầng tạo nên nét độc đáo của thành phố mang tên Bác. Mặc dù đã học tập và sinh sống ở đây đã lâu nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một Sài Gòn thu nhỏ trong tầm mắt mình với cảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp.
Chúng tôi vừa thiền hành vừa ngắm cảnh, vừa nhẩm trong miệng những câu nói tích cực, yêu đời: “Tôi hạnh phúc”, “Tôi may mắn”, “Tôi đáng yêu”,… dưới sự hướng dẫn của thầy. Thầy cho chúng tôi cảm nhận đất trời, phía trên là bầu trời trong xanh, những đám mây trôi nhè nhẹ, mặt trời đang dần lặn ở phía tây đỏ như lòng đỏ trứng gà và cả những chiếc máy bay đang đáp xuống phi trường, chào đón những người Việt Nam quay trở về hay những người bạn quốc tế đến thăm Việt Nam.
Chúng tôi vừa bước đi chầm chậm, cảm nhận sự an lạc trong từng bước chân, vừa đi vừa nhắm mắt để thử cảm giác với những bước chân khập khiểng vô định. Có như vậy, chúng tôi mới nhận được những bài học sâu sắc về giá trị cuộc sống. Đó là niềm hạnh phúc khi được lắng nghe bằng chính trái tim mình trong tĩnh lặng. Đó là sự may mắn bởi lẽ chúng tôi được cảm nhận những vẻ đẹp mà vũ trụ đã ban tặng trong khi ngoài kia. Chúng tôi chứng kiến cảnh xe cộ tấp nập, hối hả của những dòng người qua lại với những lo toan, bộn bề cuộc sống. Hơn thế nữa, chúng tôi đã được chứng kiến giây phút chuyển giao của buổi chiều và chập tối.
Sài Gòn về đêm thật đẹp, thật lộng lẫy với đủ màu sắc của những ánh đèn. Từ trên cao chúng tôi nhìn thấy sân bay, những tòa nhà đẹp và cả tòa nhà cao nhất Việt Nam. Trong thời gian này, chị Nguyên Minh là một người bạn tuyệt vời đã chuẩn bị buổi tối sẵn sàng cho chúng tôi. Chị đi chợ và chọn những thức ăn tươi ngon nhất với nhiều rau củ quả để phục vụ chúng tôi trong chương trình đặc biệt này. Chúng tôi vô cùng cảm động và biết ơn chị.
Đến giờ cơm tối. 16h30 chúng tôi đi bộ chầm chậm xuống cầu thang và đi vào nhà, đợi mọi người cùng quây quần bên nhau. Khi đã đông đủ, thầy hướng dẫn chúng tôi ăn trong chánh niệm. Thầy hồi hướng công đức và dặn chúng tôi phải nhớ ơn những người đã làm ra thức ăn này, những người có công gieo trồng chăm sóc, người nấu những món ăn này. Ơn cha mẹ và tổ tiên. Ơn quê hương và đất nước. Ơn Tam bảo và vũ trụ bao la. Đây là lúc thiền ăn. Chúng tôi tập trung ăn trong im lặng và tự phục vụ.
Sau khi ăn xong mỗi người phải tự dọn phần của mình, cho bát vào bồn và ngồi nghỉ ngơi thư giãn. Thầy cho chúng tôi 30 phút để viết lại những gì đã diễn ra từ đầu đến giờ để chúng tôi khỏi quên và có dịp được nhìn lại.
19h30 chúng tôi tiếp tục lên tầng thượng ở lầu 12 để thiền hành lần 2. Lần này chúng tôi tụ họp ở phía bên kia sân thượng. Quang cảnh ở phía này cũng đẹp không kém, gió thổi lồng lộng, Sài Gòn chính thức về đêm. Không khí bỗng dưng ồn ào, náo nhiệt hẳn lên. Chúng tôi ai cũng vừa đi vừa thưởng thức không gian tuyệt đẹp này. Với những 2 lần được chứng kiến toàn cảnh thành phố xinh đẹp này, chúng tôi đã có những trải nghiệm vô cùng thú vị và đáng nhớ. Tôi dặn lòng sẽ đến thăm nơi này nhiều lần nữa để tận hưởng những vẻ đẹp của nó mà Thầy đã bất ngờ dành cho chúng tôi trong ngày hôm nay.
Phần cuối cùng của chương trình là thiền trà hay còn gọi là thiền sẻ chia. Chương trình bắt đầu từ 20h30. Đây là khoảng thời gian lắng đọng cuối cùng trong ngày mà thầy trò chúng tôi có dịp ngồi lại bên nhau để cùng chia sẻ những trải nghiệm, những bài học của riêng mình. Cũng giống như những lần khác, chúng tôi ngồi thiền, rồi thưởng thức trà và bánh kẹo mà Thầy đã chuẩn bị sẵn rất chu đáo. Chúng tôi được Thầy hướng dẫn hồi hướng công đức trước khi bắt đầu chia sẻ. Thầy luôn là người chia sẻ trước rồi lần lượt đến từng người theo vòng kim đồng hồ. Mỗi người chia sẻ những điều mình mong muốn hay tâm đắc với nội dung trong ngày hôm nay mà chúng tôi đã trải nghiệm. Ai cũng có những câu chuyện của riêng mình và mang nhiều cảm xúc. Khi một bạn chia sẻ, những thành viên còn lại chỉ lắng nghe mà không phán xét hay đánh giá, lắng nghe bằng tâm của mình, lắng nghe để đồng cảm. Thầy luôn là người kết thúc buổi Thiền và không quên căn dặn chúng tôi những bài học quý giá. Đó là những bài học mà chúng tôi sẽ mang theo trong suốt cuộc hành trình này, dù chúng tôi có làm gì hay đi đâu thì đó luôn là kim chỉ nam để chúng tôi thực hiện tốt mục tiêu của mình.
Buổi thiền tịnh khẩu 8 giờ đồng hồ đã kết thúc trong sự hân hoan của mọi người. Ai ai cũng đều vui vẻ vì ít ra cũng đã xác định được cho mình ít nhất một mục tiêu trong cuộc đời. Qua những buổi như thế, nhóm chúng tôi hiểu nhau, đoàn kết hơn và yêu thương nhau nhiều hơn. Chúng tôi tạm gọi buổi hôm nay là buổi “thiền sứ mệnh”. Thầy mong muốn tổ chức cho chúng tôi những chương trình dài ngày hơn nữa để chúng tôi hiểu rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn và xác định đúng đắn hơn con đường đi của chính mình. Chúng tôi vô cùng biết ơn Thầy đã luôn tâm huyết và dành trọn vẹn tình yêu thương cho chúng tôi. Mong sao thầy luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và an lạc để dìu dắt chúng tôi trở thành những công dân có ích cho xã hội. Chúng tôi cũng dặn lòng sẽ hết mình để đóng góp phần nho nhỏ của mình cho xã hội, cho đất nước. Cảm ơn người thầy tuyệt vời của Thái Hà Books thân yêu – thầy Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng.
--- Vài dòng cảm nhận ---
Bích Trân – QĐT