;
Ung thư tấn công các tế bào máu gây thiếu máu. Ảnh: Freepik
Ung thư xảy ra khi các tế bào đột biến và nhân lên không kiểm soát được. Đây là một nhóm bệnh ảnh hưởng đến gần như toàn bộ các bộ phận khác nhau trên cơ thể, mức độ nghiêm trọng của bệnh cũng phụ thuộc vào nhiều giai đoạn. Trong khi đó, thiếu máu đề cập đến tình trạng rối loạn máu gây ra số lượng tế bào hồng cầu thấp, khiến máu khó vận chuyển đủ oxy để hỗ trợ các chức năng của cơ thể.
Theo Healthline, nhiều nghiên cứu đã cho thấy có khoảng 30-90% người bị ung thư cũng bị thiếu máu. Thiếu máu và ung thư có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Thiếu máu đã được phát hiện là một yếu tố nguy cơ phát triển ung thư.
Có một số bệnh ung thư có thể tấn công các tế bào máu, gây thiếu máu. Điều trị ung thư bằng hóa trị cũng có thể gây thiếu máu do làm chậm quá trình sản xuất các tế bào máu mới. Các nhà nghiên cứu cho rằng thiếu máu và ung thư do đa yếu tố, có nghĩa là có nhiều hơn một lý do khiến một người bị ung thư có thể bị thiếu máu. Tùy thuộc vào từng loại ung thư khác nhau mà nguyên nhân thiếu máu cũng khác nhau. Thiếu máu có nhiều loại, trong đó, thiếu máu do thiếu sắt là loại liên quan đến ung thư nhiều nhất.
Dưới đây là một số loại ung thư phổ biến liên quan đến thiếu máu.
Ung thư máu
Ung thư máu là một loại ung thư thường liên quan đến bệnh thiếu máu. Ung thư máu ảnh hưởng đến cách cơ thể sản xuất và sử dụng các tế bào hồng cầu. Hầu hết thời gian, ung thư máu bắt đầu trong tủy xương, gây ra sự phát triển bất thường của tế bào máu. Các tế bào máu bất thường này đẩy các tế bào tủy xương khỏe mạnh ra ngoài, cản trở quá trình sản xuất hồng cầu. Điều này làm giảm khả năng hoạt động bình thường của cơ thể và có thể gây chảy máu hoặc nhiễm trùng.
Ung thư xương
Ung thư xương hiếm gặp ở người lớn. Nó bắt đầu khi các tế bào bất thường bắt đầu phát triển trong xương thành khối hoặc khối u, được gọi là sarcoma. Một số bệnh ung thư xương dường như có liên quan đến di truyền, tế bào máu đột biến, trong khi những bệnh khác có liên quan đến việc tiếp xúc với bức xạ trước đó, chẳng hạn như xạ trị cho các bệnh ung thư khác trước đó.
Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là do sự phát triển bất thường của tế bào ở cổ tử cung, phần dưới của tử cung nối với âm đạo. Virus u nhú ở người (HPV) lây truyền qua đường tình dục được cho là nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, sự phát triển bất thường của các tế bào trong cổ tử cung thường gây ra chảy máu và thiếu sắt dẫn đến thiếu máu.
Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là do sự phát triển bất thường của các tế bào trong ruột già (ruột kết, còn được gọi là ruột). Các tế bào này có thể hình thành các khối u trên hoặc bên trong các mạch máu trong trực tràng. Những khối u này có thể dẫn đến chảy máu và mất các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, một trong những nguyên nhân phổ biến của bệnh thiếu máu.
Nhiều người bị ung thư đại trực tràng bị chảy máu dẫn đến đi ngoài ra máu, suy nhược và mệt mỏi liên quan đến bệnh thiếu máu. Thiếu máu do thiếu sắt có thể là dấu hiệu đầu tiên của ung thư ruột kết ở một số bệnh nhân.
Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là sự phát triển bất thường của các tế bào trong tuyến tiền liệt, một tuyến nhỏ sản xuất và vận chuyển tinh dịch. Những người bị ung thư tuyến tiền liệt đôi khi bị chảy máu từ tuyến tiền liệt, có thể xuất hiện như máu trong tinh dịch. Chảy máu và bất thường tế bào máu có thể gây ra thiếu máu.
Các chuyên gia cho rằng thiếu máu có thể làm giảm khả năng hồi phục tổng thể của bệnh nhân ung thư sau quá trình điều trị. Bệnh nhân ung thư người lớn tuổi bị mất một lượng đáng kể chức năng (khả năng thực hiện các hoạt động và công việc hàng ngày) khi bị thiếu máu, so với những người chỉ mắc bệnh ung thư. Do đó, những người bị ung thư nếu có chẩn đoán thiếu máu hoặc nguy cơ thiếu máu nên sớm có biện pháp ngăn ngừa để đảm bảo số lượng hồng cầu nằm trong ngưỡng khỏe mạnh.
Anh Chi - VNE
(Theo Healthline)