;
Nguyễn Hồng Thái
Xin quý Sở cho tôi biết những thủ tục và căn cứ xin sửa chữa đình, đền, chùa ở các xã, thị trấn như thế nào?
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Người trả lời : Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Sau khi nghiên cứu nội dung câu hỏi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời về căn cứ và thủ tục đề nghị cho phép bảo quản, tu bổ, phục hồi đối với di tích lịch sử - văn hóa (đình, chùa, đền, miếu …) đã xếp hạng, nội dung cụ thể như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
- Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18/6/2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
- Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL, ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
2. Trình tự, thủ tục đề nghị cho phép bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa:
2.1. Bước 1: Phê duyệt chủ trương bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
- UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là cấp xã) lập tờ trình gửi UBND huyện, thị, thành (sau đây gọi tắt là cấp huyện) đề nghị phê duyệt chủ trương bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;
- UBND cấp huyện có văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị phê duyệt chủ trương, tu bổ, phục hồi di tích;
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập tờ trình đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương lập Dự án (hoặc lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (đối với di tích cấp tỉnh); thỏa thuận Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia);
- Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản phê duyệt chủ trương lập Dự án (hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (đối với di tích cấp tỉnh); hoặc đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận chủ trương (đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia);
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản thỏa thuận chủ trương lập Dự án (hoặc lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia);
- Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản phê duyệt chủ trương lập dự án (hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia).
2.2. Bước 2: Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt Dự án (hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
* Lập Dự án (hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích:
- Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương, Chủ đầu tư (UBND cấp xã hoặc cấp huyện) lựa chọn tổ chức tư vấn lập Dự án (hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
- Yêu cầu Điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn lập Dự án (hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích:
+ Có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng;
+ Có Chứng nhận hành nghề do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp;
- Đã tham gia tư vấn lập Dự án tu bổ di tích, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích đã được phê duyệt.
* Thẩm định, phê duyệt dự án (hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích:
- Chủ đầu tư (là cấp xã) có tờ trình kèm theo 01 bộ Hồ sơ Dự án (hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) gửi UBND cấp huyện đề nghị thẩm định, phê duyệt;
- UBND cấp huyện có văn bản kèm theo 02 bộ Hồ sơ Dự án (hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thẩm định, phê duyệt;
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có tờ trình kèm theo 01 bộ Hồ sơ Dự án (hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích gửi UBND tỉnh đề nghị phê duyệt (đối với di tích cấp tỉnh); đề nghị UBND tỉnh gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định (đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia);
- Văn bản của UBND tỉnh gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị thẩm định Dự án (hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia);
- Văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thỏa thuận Dự án (hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích (đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia);
- Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Dự án (hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
* Đối với dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
- Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, Chủ đầu tư lập hồ sơ Thiết kế tu bổ di tích, gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định (đối với di tích cấp tỉnh);
- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản gửi Cục Di sản văn hóa thẩm định (đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia);
- Sau khi có văn bản thẩm định của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản gửi (đối với di tích cấp tỉnh); hoặc của Cục Di sản văn hóa (đối với di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia) chủ đầu tư tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản.
3. Thi công tu bổ di tích
- Sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật Di sản văn hóa, đầu tư xây dựng cơ bản, Chủ đầu tư lựa chọn Tổ chức thi công tu bổ di tích và tổ chức Giám sát thi công tu bổ di tích theo quy định của pháp luật.
- Yêu cầu về điều kiện năng lực của Tổ chức thi công tu bổ di tích:
+ Có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng;
+ Có Chứng nhận hành nghề thi công tu bổ di tích do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp;
+ Có đội ngũ nghệ nhân, thợ lành nghề trong lĩnh vực bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;
- Yêu cầu về điều kiện năng lực của Tổ chức tư vấn giám sát thi công tu bổ di tích
+ Có đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng;
+ Có giấy chứng nhận hành nghề do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp.
* Lưu ý: Hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là hoạt động có tính chất đặc thù, vì vậy, trong quá trình thực hiện, đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan, UBND cấp xã, cấp huyện liên hệ với phòng Di sản văn hóa – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được hướng dẫn chi tiết.
Nguồn: http://phutho.gov.vn/hoidap