;
Đê đầu tư cố hương. (Lý Bạch).
Con đường mòn chạy vòng sau lưng các cao ốc khu chung cư Vollsmose sáng nay trông khác lạ, tất nhiên chỉ đối với riêng tôi.
Trời nắng tốt nhưng cái giá buốt cuối thu vẫn len qua lớp áo ẩm thấm vào tuổi già. Tôi bước đi, chân hơi khập khiễng trên con đường quá quen thuộc này. Bệnh thấp khớp cùng với mùa lạnh đã giữ tôi từ hai tuần nay trong bốn bức tường trêm cao ốc mười hai tầng này.
Khi rẽ vào đầu con hẻm vắng lót sỏi chạy dọc theo hồ nước nhỏ, tôi bắt đầu nhẩm Chú Đại Bi thở sâu và đều. Trước kia đọc bài “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” của thầy Nhất Hạnh dạy phương pháp thiền trong lúc đi, lúc làm việc, cả lúc rưả chén bát tôi thử niệm Nam Mô A Di dà Phật và quán niệm theo hơi thở.
Nhưng tôi thấy phương pháp này hơi khó vì trí óc tôi luôn luôn bị xáo trộn vì cảnh sắc bên ngoài. Một tiếng chim vỗ cánh, một con thỏ rừng chạy vụt qua đủ làm tôi xao lãng và trí óc cứ triền miên quay về những chuyện đâu đâu, vui buồn, lo lắng, hờn giận.
Nhẩm Chú Đại Bi theo bước chân, tôi vừa dứt được những tạp niệm mà vẫn thưởng thức được ngoại cảnh. Như thường lệ, khi niệm xong ba lần chú tôi đến một khu rừng nhỏ và ngồi nghỉ chân trên chiếc băng gỗ đặt lui vào sau mấy khóm cây.
Sáng hôm nay tâm trí tôi không được thanh thản như thường lệ. Cảnh sắc có một cái gì khác lạ làm tôi xao xuyến, đúng ra như cố lôi kéo tôi trở về những khu trời nào đó nhạt nhòa ẩn hiện. Một cái bóng, một âm thanh lướt qua, tôi chụp lấy chúng. Vô ích chúng vượt đi biến mất rồi lại hiện ra như bóng ma.
Nhìn quanh, thì ra nãy giờ tôi đang ngồi lọt vào giữa một tấm màn toàn một màu vàng. Những bụi giẻ gai lá nhỏ và dày đan vào nhau như một tấm thảm xanh biếc đang đổi màu từ hồng sẩm sang vàng nhạt. Những cây sồi tùng đã rụng lá từ bao giờ trơ lại những cành khô khẳng khiu chỉ còn giữ lại ít ngọn sẩm màu đầu ngọn. Sau lưng tôi là một rừng phong, rừng du vàng ối.
Trong cái vắng lặng của khu rừng nhỏ, lá khô rơi vãi đầy lối đi làm tôi nghĩ đến một mùa thu nữa lại sắp qua, một bước đi nữa của thời gian của cuộc đời. Tự nhiên tôi liên tưởng đến một cảnh thu muộn tại một làng nhỏ quê tôi ở miền bắc Trung Việt.
Mà đâu phải riêng mình tôi mới có cảm nghĩ như vậy trong cái khung thời gian và không gian này.
Ngọn gió thu phong rụng lá hồng.
Lá rơi tường bắc lá sang đông.
Hồng rơi mấy lá năm hồ hết.
Ngơ ngẩn kìa ai mỏi mắt trông.
Ngọn gió thu phong rụng lá vàng.
Lá rơi hàng xóm lá bay sang.
Vàng rơi mấy lá năm già nữa….
Gió Thu - Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
Hoặc như Đào Tiềm than thở : “Lá thu đã rụng đầy ngõ, sao ta lại chưa trở vể”.
Bây giờ thì tôi đã hiểu, sáng nay rừng lá đổ màu, cảnh sắc cuối thu đã lôi kéo tôi trở về quê hương. Những bóng ma quá khứ, tôi đã nhận ra nó dầu chúng ẩn mình sau lớp bụi mù của thời thơ ấu xa xôi. Đó là một bức tranh trong cuốn Quốc văn giáo khoa thư lớp dự bị (lớp tư).
Tranh vẽ một cụ già bận áo dài đen chít khăn đóng, tay chống gậy đang đứng ngơ ngẩn một mình bên hàng rào tre trong một ngõ vắng. Tôi thấy rõ cả con đường rải lá khô men theo hàng dậu thưa. Hình ảnh này nhiều vị ở lứa tuổi tôi có thể không nhớ, nhưng bài học thì không thể nào quên được.
Đó là bài “Chỗ quê hương là đẹp hơn cả”.
Bài viết: Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: “Ông đi du sơn du thuỷ, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp. Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả?”
Người du lịch đáp lại rằng: “Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở về chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được.”
Thì ra trong tuổi thơ, chúng ta đã được nhen nhúm tình yêu quê hương.
Tôi cũng còn nhớ, lúc vào học lớp sixième (lớp 6) học sinh chúng tôi bắt đầu học vào văn học sử Pháp. Bài học đầu tiên là bài thơ của thi sĩ Joachim Du Bellay thế kỷ thứ 16.
Quand reverrai - je hélas, de mon petit village
Fumer la cheminée, et en quelle saison
Reverrai - je le clos de ma pauvre maison,
Qui m’est une province, et beaucoup davantage?
(Dịch : Biết đến lúc nào tôi mới thấy lại ngôi làng nhỏ của tôi, nhen lại lò sưởi, và mùa nào tôi mới thấy lại hàng rào căn nhà nghèo hèn của tôi, mà đối với tôi là một tỉnh thành và còn hơn thế nữa)
Cái tâm sự đó của Du Bellay, Đào Tiềm, Vi Ứng Vật cũng là tâm sự của biết bao chúng ta. Căn nhà nghèo hèn, ngôi làng bé nhỏ, đúng ra vào tuổi này tôi nên ở đó, và tại sao tôi không trở về nơi đó nhỉ?
Tiêu sơ phát dĩ ban
Hà nhân bất quy khứ.
(Vi Ứng Vật)
(Dịch: Đầu lơ thơ vài sợi tóc thưa đã bạc sao không trở về)
Thời gian gần đây, bà con bạn hữu của tôi trở về thăm quê hương khá nhiều. Nỗi niềm tha hương ẩn dấu trong lòng bao nhiêu năm trước đây vì nhiều nỗi e ngại nay có thể bày tỏ tự nhiên. Năm năm, mười năm, mười lăm năm ở xứ người, không còn lo đói rét, không phải tính đến chuyện dành dụm cho tuổi già hay để lại ít nhiều cho con cháu, thế mà lòng kẻ xa quê vẫn thấy thiếu thốn một cái gì đó. Tuồng như ngọn lửa quê hương vẫn âm ỉ trong lòng.
Và như tôi sáng hôm nay khi nhìn rừng cây đổ màu vàng rực rỡ, lá khô rơi vãi trên lối đi, ngọn lửa nhỏ bừng sáng trở lại, trong khoảng khắc những hình bóng thân yêu lờ mờ hiện ra rõ nét dần không theo một thứ tự thời gian nào cả.
Tôi muốn thăm lại thằng cháu ngoại, ngày tôi ra đi nó còn ẵm ngửa. Không khéo tôi lại như Hạ Tri Chương, lúc già trở về làng, lũ cháu chắt lạ lùng hỏi : “Ông già từ đâu mà đến đây?”
Tuần trước, tôi xuống tận Swendborg thăm người bạn vừa về thăm quê. Tôi lặn lội đi xa như vậy vì anh bạn này ngày trước ở với tôi cùng xóm.
Quân tử cố hương lai
Ưng tri cố hương sự.
(Vương Duy)
Ông bạn kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện trên trời dưới đất bên nhà. Có nhiều chuyện như là chuyện tiếu lâm buồn cười chết đi được nhưng có lúc nụ cười như mắc nghẹn ở cổ, vì ta thấy bà con ta sao cơ cực đến như ậy. Cuối cùng thì tôi hỏi ông bạn y như trong bài học. Vậy chứ ở bển anh thích gì nhất. Anh trả lời không chút do dự :
“Tôi thích nhất chiều chiều mặc cái quần xà lỏn, áo may ô đi đôi dép dắt thằng cháu nội ngồi ngoài hiên nghe đủ mọi thứ tiếng đinh tai nhức óc”.
Ủa! thì ra hạnh phúc con người nhiều lúc chỉ có từng đó, đơn giản như vậy thôi. Mà có lẽ nếu tôi trở về thì cũng chỉ vì những cái đơn giản đó quyến rủ tôi, cũng có thêm vài thứ lỉnh kỉnh khác, ví dụ vài cọng bạc hà trong tô canh chua, vài ngọn lá chanh trong dĩa thịt gà bóp tiêu muối.
Có tiếng chó sủa làm tôi giật mình. Một bà già Đan Mạch đang dằng co với con chó của bà lớn gần bằng con bê. Cảnh tượng trông cũng ngộ nghĩnh, như là con chó dắt bà đi dạo.
Tôi đã ngồi đây lâu hơn thường lệ. Tôi ra về, theo con đường tắt ngược lên một con dốc, tâm tư nhẹ nhàng khác lúc ra đi. Con đường này băng qua một khu đất được chia thành nhiều mảnh vườn nhỏ. Có khá nhiều mảnh vườn của đồng hương sống trong khu Vollsmose này. Vào mùa hè ta dễ dàng nhận ra chúng với những luống cải tần ô, rau thơm xanh tốt.
Tôi sẽ ghé vào vườn rau của bác Th… nếu có bác tôi sẽ cùng bác uống ly trà đậm bàn chuyện đời, chuyện vặt vãnh của trăm năm trong cõi người ta.
Như vậy lúc trở về, tâm hồn tôi vô cùng thanh thản vì thấy mình được sống nửa ngày nhàn nhã trong kiếp phù sinh như cổ nhân đã nói : “Hựu đắc phù sinh bán nhật nhàn”.
ODENSE CUỐI THU ****
Lê Bá Châu
----------------------
Người đi du lịch trả lời bạn, nhìn vào ngôi nhà trước mắt: “… trông thấy cái hàng rào, cái tường đất cũ kỹ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được.” (Quốc văn giáo khoa thư, lớp Dự bị).