;
Thân người khó được lắm thay,
Mẹ ơi sao nỡ đọa đầy thân con.
Vứt con chẳng chút tiếc tay,
Để cho ruồi bọ bám đầy mình con.
Tu bao nhiêu kiếp mỏi mòn,
Thì con mới được thân này mẹ ơi!
Trên tinh thần của đạo Phật dù chỉ là một thai nhi bé nhỏ đã 1 giờ tuổi hay 1 ngày tuổi, đã tượng hình hay chưa tượng hình thì vẫn có đầy đủ linh giác và thần thức của một con người. Các sinh linh bé nhỏ cũng khao khát có được tình yêu thương, được nâng đỡ, che chở và sinh ra thành người. Vì vậy, khi bị tước đoạt đi quyền làm người hay vì lý do nào đó mà không được làm người, các vong linh thai nhi sẽ trở nên vất vưởng, không nơi nương tựa, lang thang, đói khát sinh lòng oán hận không thể siêu thoát.
Cũng theo đó, khi một người mẹ phá thai, tức là đã phạm tội giết người, người mẹ và cả người bố đã vô hình mang một nghiệp lực rất nặng. Nghiệp lực này sẽ không thể tự nhiên mất đi mà cứ ràng buộc, quẩn quanh khiến họ gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống. Gieo nhân xấu ắt gặt quả ác, có nhiều vong linh thai nhi mang lòng oán hận khi bị chính bố mẹ của mình tước đoạt đi sinh mạng nên đã đi theo bố hoặc mẹ để quấy phá, đòi lại sự sống.
Với mong muốn mang ánh sáng từ bi cứu khổ của Đức Phật, hóa giải phần nào nỗi oan khuất giúp vong linh các thai nhi được trở về nương tựa vào oai lực của Tam Bảo để tu tập, nghe kinh, nghe pháp từ đó sinh công đức lành được siêu thoát vào cảnh giới an lạc. Đồng thời, gióng lên hồi chuông thức tỉnh những người đã từng vô tình hay cố ý tước đạt đi mạng sống của các thai nhi có cơ hội quay về sám hối, tu tập chuyển hóa nghiệp ác thành duyên lành, tìm lại sự bình an trong cuộc sống hiện tại cũng như cảnh tỉnh những người có lối sống buông thả, phóng khoáng biết nhìn lại, tránh phạm phải những sai lầm không đáng có trong việc phá thai.
Chiều ngày 02 tháng 5 năm Đinh Dậu (nhằm ngày 27/5/2017) Chùa Hòa Phúc - thôn Hòa Trúc - xã Hòa Thạch - huyện Quốc Oai - TP. Hà Nội đã tổ chức Đại lễ Cầu siêu vong linh thai nhi sản nạn với gần 1000 các ông bố, bà mẹ và người thân quyến thuộc của các vong linh về tham dự.
Buổi lễ đã được diễn ra theo nghi thức Phật giáo truyền thống dưới sự quang lâm chứng minh và cử hành của Đại đức Thích Tâm Hòa, trụ trì Chùa Hòa Phúc. Sau khi niêm hương bạch Phật, đăng đàn cầu siêu, quy y cho vong linh Đại đức đã hướng dẫn cha mẹ và thân bằng quyến thuộc của thai nhi dâng lời sám hối, niệm Phật, trì chú vãng sinh cho các vong nhi.
Trong không khí thiêng liêng tràn đầy đạo lực của quý chư Tăng và pháp lực vô biên của mười phương chư Phật, các ông bố, bà mẹ dường như đã cảm nhận được sự hiện hữu của thế giới vô hình. Đạo tràng chật kín người, ai cũng mang trên mình gương mặt khắc khổ, toát lên những nỗi niềm day dứt, ân hận từ lâu chưa thể dứt bỏ. Lại có những bà mẹ trẻ ngồi lặng thinh, từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc buổi lễ đều chắp tay trước ngực mà hai hàng nước mắt cứ tuôn rơi.
Lúc đó, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy tất cả mọi người đều không còn nghĩ đến cái tôi của mình hay thứ danh dự hão huyền của thế gian. Họ đã dám vứt bỏ đi nỗi sợ khi phải đối mặt với điều tiếng, phán xét của xã hội mà chí tâm cầu nguyện được sám hối, được tu sửa sai lầm oan nghiệp mình đã gây ra cho các vong linh bé nhỏ ngày nào.
Để buổi lễ thêm lợi lạc cho mọi người, Đại đức Thích Tâm Hòa đã có 1 thời pháp ngắn sách tấn quý vị có mặt. Đại đức bày tỏ sự cảm thông với những ai đã trót lỡ lầm nhưng nay biết quay đầu về nương tựa cửa Phật, phát nguyện làm việc lành để cầu siêu cho các thai nhi. Đại đức chia sẻ món nợ duyên giữa các thai nhi và bố mẹ không đơn giản chỉ là một buổi lễ cầu siêu có thể hóa giải được. Qúy Thầy cũng không thể đăng đàn một buổi lễ cầu siêu mà có thể khiến các vong linh được siêu thoát. Buổi lễ này được diễn ra là nhờ vào oai lực của chư Phật để phần nào trợ duyên làm cầu nối cho các vong linh thai nhi được giác ngộ, xả bỏ sân hận, về chùa nghe kinh, nghe pháp tích thêm phước báu mà sớm siêu thoát. Nhưng điều quan trọng nhất để các thai nhi có thể siêu thoát chính là việc các ông bố, bà mẹ và thân bằng quyến thuộc của thai nhi cần phải tu tập chân chính, làm nhiều điều thiện rồi hồi hướng cho các thai nhi. Chỉ có phước báu và sự chân thành cùng tình yêu thương tận sâu trong trái tim của cha mẹ, người thân mới giúp được thai nhi hết oán hận, buồn bã, sớm được sinh về quốc độ an lành của Đức Phật A Di Đà.
Các ông bố, bà mẹ cũng nương nhờ Phật pháp từ đó vơi đi sự dằn vặt, tâm đau khổ dần được chuyển hoá thành tâm an lạc, thanh thản. Đó cũng chính là một trong những lý do mà nhà chùa yêu cầu cha mẹ các thai nhi mong muốn mua các vật phẩm về làm lễ cho thai nhi như quần áo, bình sữa phải mua bằng đồ thật, có thể sử dụng được để sau khi đại lễ kết thúc nhà chùa mang những món đồ đó đi làm từ thiện, giúp đỡ những mảnh đời khó khăn từ đó hồi hướng công đức lành cho các vong linh thai nhi.
Buổi lễ kết thúc trong viên mãn khi nhà chùa đã truyền đi một thông điệp về sự sống gián tiếp làm cho những con số về tỉ lệ nạo phá thai của nước ta không còn tăng lên một cách đáng sợ như hiện nay.