;
Ăn chay như thế nào đúng cách? Thạc sĩ-bác sĩ Quan Vân Hùng, Viện Y Dược học Dân tộc, đã dẫn ra các nhóm thức ăn cho người ăn chay. Nhóm lương thực, cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể (bao gồm: gạo, bột mì, bắp, khoai...), nhóm giàu chất đạm giúp tạo các tế bào (bao gồm các loại đậu, nhất là đậu nành; các loại nấm như nấm rơm, nấm bào ngư, sữa và trứng các loại); nhóm giàu chất béo thực vật (bao gồm: dầu thực vật, phó mát thực vật, đậu phộng, mè và các loại hạt có dầu); nhóm rau, quả cung cấp vitamin, chất khoáng, chất xơ và các chất chống ô xy hóa. Trong các nhóm thức ăn nói trên, rau quả chỉ là một phần nhỏ trong thực đơn cần thiết cho người ăn chay. Các bác sĩ khuyên nên phối hợp cân đối nhiều loại thức ăn và thay đổi hằng ngày để cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể. Lương y Đỗ Minh Tâm (Bến Tre) cho biết nhiều người ăn chay quá phụ thuộc vào một số thức ăn quen thuộc mà không tìm hiểu tình trạng cơ thể có đáp ứng được thức ăn đó không. Chẳng hạn các thức ăn lên men như chao, tương có thể làm tăng men gan của những người đang bị bệnh gan mật hoặc làm tăng huyết áp. Ngoài ra, thói quen sử dụng thường xuyên các thực phẩm công nghiệp như nước đóng chai, thực phẩm đóng hộp cũng được các bác sĩ khuyến cáo là không tốt cho cơ thể. Lương y Đỗ Minh Tâm còn cho biết một trong những sai lầm nguy hiểm của người ăn chay là ăn không hợp lý. Chẳng hạn có người bị bệnh xơ gan, ở giai đoạn cần đạm để tái tạo tế bào gan nhưng lại chọn món ăn chay cữ đạm, giai đoạn không cần đạm thì lại ăn các thức tăng cường bổ sung đạm dẫn đến dư thừa chất đạm trong cơ thể. Do đó, người ăn chay thường xuyên cũng phải khám bệnh định kỳ và tham khảo ý kiến của chuyên gia để biết ăn chay hợp lý. |