;
Tôi nghe tin thầy viên tịch lúc cuối giờ chiều qua khi đang ở Cần Thơ giữa cơn mưa lạnh. Thầy Tuệ Sỹ, bậc chân tu, đại lão hòa thượng, thầy đã thành mây trời lang thang khắp cõi hư không rồi, (tôi đâu dám nói là nghe tin thầy đi, tôi buồn, mà sao tôi thảng thốt thấy lòng mình buồn thế?).
Chợt nhớ rõ mồn một 4 câu thơ thuộc lòng đã chép trong tập, mấy chục năm trước, mở đầu bài Khung trời cũ. Và còn nhớ rõ hơn dáng thầy gầy nhom, áo xám thong dong đi lại trên sân trường Vạn Hạnh, nhẹ như gió như mây mà đôi mắt tinh anh, sâu thẳm, hiền, đẹp, đẹp lạ lùng khó tả…
Đám sinh viên nữ chúng tôi hồi ấy thua thầy chừng 5, 7 tuổi vẫn lén gọi thầy với một biệt danh “thầy Tuệ Sỹ mắt đẹp”. Giờ nói ra đây chắc bị mắng là lũ “thứ ba học trò” quỷ ma khùng điên bất kính mạo phạm. Nhưng hồi đó, thầy trẻ lắm, nụ cười dịu dàng, xa vắng, hơi ngượng nghịu khi bị lũ nữ sinh viên tinh quái cứ đi theo bạch thầy, bạch thầy.
Tôi vào trường Vạn Hạnh năm 1969. Năm sau đã nghe tin thầy Viện trưởng Thích Minh Châu vừa bổ nhiệm một giáo sư uyên bác, cực giỏi mới 27 tuổi. Nghe lại thì đúng là “thầy hiền mắt đẹp” Tuệ Sỹ.
Mà hồi đó, Vạn Hạnh quy tụ những ngôi sao trí lực siêu phàm, ngoài thầy Viện trưởng có nụ cười hiền như Phật Di Lặc còn có thầy cô như thầy Tuệ Sỹ, thầy Nguyên Tánh (Phạm Công Thiện) và thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, ni sư Trí Hải…
Nhiều hôm học bài trên thư viện về khuya, tôi đứng trên lầu cao, nhìn dáng thầy Tuệ Sỹ, bấy giờ đã là Tổng thư ký tạp chí Tư Tưởng, gầy yếu mong manh in trên nền trời đêm trăng mờ như một bậc tiên hiền, lẩm nhẩm trong đầu các bài thơ của thầy, nhớ những bài thầy giảng (tôi học phân khoa Khoa học Xã hội, nhưng cũng thường lén đi nghe thầy nói Pháp) mà kính phục vô song.
Đêm qua tôi thức đọc hầu hết các bài viết trên FB về thầy. Kinh ngạc, mỗi người một góc nhìn đều biết ơn thầy dạy dưỡng dù chưa lần gặp. Nhiều người là con Chúa sao hiểu và kính quí thầy Tuệ Sỹ sâu sắc đến vậy. Tôi cũng nhận được một tin nhắn thiết tha của một bạn trẻ là con Chúa, cô ơi, con muốn đến lễ tang để tưởng nhớ thầy mà con không quen ai hết, nếu cô có đi cho con đi theo với….
Đã có địa chỉ một trang web rất quí để mọi người vào đọc về thầy. Đã có bài rất cảm động và giàu thông tin của anh Mạnh Kim, một SV Vạn Hanh. Có bài về Bùi Giáng bình bài thơ “Khung trời cũ” của thầy.
Tôi nghĩ có viết một trăm trang ở đây cũng không nói hết tấm lòng kính nhớ tiếc thương bậc chân tu trong cuộc quốc tang thực chất trong tâm tưởng của người Việt đang diễn ra.
Viết bao nhiêu cũng không đủ. Tôi tạm ghi lại đây mấy điều …
-Điều 5 trong di chúc của thầy: “Nhục thân đưa đi hỏa táng. Tro bụi nhục thân đem rải ra Thái Bình Dương để được tan theo biển, bốc thành mây trời , lang thang khắp cõi hư không
Hư không hữu tận.
Ngã nguyện vô cùng.…
-Nỗi buồn của bạn thân – nhà văn Đoàn Minh Phượng, như nói giùm tôi:…”Những người mà thế hệ chúng tôi yêu thương nương tựa đang dần từng người qua đời. Buồn bao nhiêu vẫn phải học quen với chuyện này.
Mà sao lần này thảng thốt quá. Tôi như đứa nhỏ chưa học xong làm người ra làm sao đã chợt thấy mình mồ côi.”
*****
Lòng biết ơn thầy của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình. Anh Bình là người tôi rất biết ơn vì đã tặng tôi món quà qúy vô biên là bộ sách của thầy Tuệ Sỹ.
Anh viết khi nghe tin thầy viên tịch:
Với nỗi buồn khôn tả …
Có lẽ, thay đổi quan trọng nhất trong đời một người là “thay đổi nhận thức” !
Có nhiều nguyên nhân, nhiều lý do để nhận thức thay đổi … và sự thay đổi cũng có nhiều mức độ khác nhau…
Giáo lý nhà Phật dạy rằng : chúng sinh, có người suốt đời ở ngoài sáng, có kẻ suốt đời ở trong tối, có người từ trong tối bước ra sáng, cũng có kẻ từ sáng bước vào tối.
…Từ sự hiểu hiện tượng một cách nông cạn, biến thành nhận thức sâu sắc là một quá trình dẫn đến thiện duyên : được gặp trưởng lão Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.
Có thể nói không ngoa rằng : Ôn Tuệ Sỹ là người khai sinh ra tôi lần thứ hai.
Ôn Tuệ Sỹ dạy : “… Một xã hội mà không có nơi nào để cho tín tâm an trụ, xã hội ấy dễ dàng rơi vào tà kiến điên đảo. Trong một xã hội mà phẩm giá con người không được tôn trọng, trong một xã hội mà quyền lực được dựng lên không còn mục đích hòa giải những mâu thuẫn tranh chấp giữa các thành viên, từ thuở loài người khởi đầu lịch sử đấu tranh vì lợi dưỡng, vì quyền lực. Mỗi con người chỉ là một cọng cỏ yếu ớt gấp mình trước những thế lực tham tàn hung bạo. Không còn nơi nương tựa vững chắc, ngoài những bóng ma chập chờn để bám víu …”
Ngày 25 tháng 9 năm 2015, (ngày mà anh Nguyễn Thanh Bình được thầy Tuệ Sỹ truyền giới (tức qui y- KH ghi) thầy Tuệ Sỹ đã dạy: ”vì mình vẫn đang đi giữa thế tục, vẫn còn bươn chải với đời, nên khó tránh khỏi gặp chuyện này chuyện kia, nhưng đừng bao giờ quên mình là Phật tử …!”
-Và cuối cùng, xin trích lời bình của nhà thơ Bùi Giáng về bài thơ mênh mông “khung trời cũ” của thầy.
Bài thơ tôi nhắc ở trên là bài “không đề” hay là “Khung trời cũ” hay là “Khung trời hội cũ” mà Bùi Giáng phân tích và bình quá tuyệt. Xin cho phép tôi dài dòng môt chút vì bài thơ trác tuyệt này của thầy và xin trích một số đoạn của Bùi Giáng.
Tuệ Sỹ là một vị sư. Ông viết văn nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u…
Có ai ngờ đâu nhà sư kín đáo e dè kia,lại còn mang một nguồn thơ Việt phi phàm? Một bài thơ “Không đề” của ông đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ:
Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ.
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn…
Mới nghe bốn câu thôi, tôi đã cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.
Tôi hoảng vía đề nghị: Đại sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho. Nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn.
…Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ…
Mở lời ra, nguồn thơ trực nhập vào trung tâm cơn mộng chiêm niệm. Đầy đủ hết mọi yếu tố bát ngát: một cung trời xán lạn bao la, một hội cũ xao xuyến, một tuổi vàng long lanh… Một đôi mắt ướt ngậm ngùi của hiện tại.
Nhưng mạch thơ đi ngầm. Tiết nhịp âm thầm nhiếp dẫn. Thi sĩ không cần tới một hình dung từ nào cả, vẫn nói được hết mọi điều “phải nói” với mọi người “muốn nghe”, với riêng mình “không thiết chi chuyện nói”.
Người thi sĩ xuất chúng xuất thần thường có phong thái khác thường đó. Họ nói rất ít mà nói rất nhiều. Họ nói rất nhiều mà chung quy hồ như chẳng thấy gì hết. Họ nói cho họ, mà như nói hết cho mọi người.
Đôi mắt ướt tuổi vàng
Cung trời hội cũ
Áo màu xanh
Không xanh mãi
Trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ. Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn.
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ?
Mình là thân bồ tát, quanh năm kinh kệ trai chay, thế sao bỗng nhiên một phút vội vã lại dám làm thân du thủ? Dám gác bỏ kệ kinh? Dám mở cuộc thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn?
Phải có nhìn thấy gương mặt khắc khổ chân tu của Tuệ Sỹ, mới kinh hoàng vì lời nói thăm thẳm đơn sơ nọ. Lời nói như ngân lên từ đáy sâu linh hồn tiền kiếp, từ một quê hương trên thượng du bao la rừng núi gió sương canh chiều nguyệt rung rinh trong đêm lạnh.
…Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng.
Mối tình rộng thả suốt biển non im lìm lạnh lẽo. Một hạt muối vẫn chưa tan. Một nếp u ẩn của lòng mình bơ vơ không gột rửa.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Ta tưởng như nghe ra “cao cách điệu” bi hùng của một Liệp Hộ, một Nerval, một chỗ trầm thanh nhất trong cung bậc Nietzsche.
Thi nhân đã mấy phen ngồi ngó trăng tàn? Ngồi trên một đỉnh đá? Bốn bề rừng thiêng giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh tiếp giáp tới chân trời xa xuôi đại hải?
Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển. Đỉnh đá quy tụ về mọi hương màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình dừng sững tại giữa tuế nguyệt phiêu du:
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa
Ngược nước
Xuôi ngàn…
Bài thơ dừng lại. Dư âm bất tuyệt kéo dài trong đêm lữ thứ khép mình trong bốn bức tường vôi nhạt nhoà ủ rũ ngục tù.
Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ từ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương.
Thầy đã về với sương mai, ánh chớp, mây chiều mà công trình cả đời thầy đã viết và dịch để lại cho thế gian là cả một khối ngọc quý báu vô biên
Tranh của nhà thơ Đỗ Trung Quân vừa sáng tác trong những ngày thầy “sức khỏe cạn dần”
Thủ bút của thầy, bài thơ lúc đầu có tên là “Không đề” sau thầy đổi thành “Khung trời cũ”
Bức ảnh quá nhiều cảm xúc, nhà báo Mạnh Kim minh họa cho bài anh viết “Tuệ Sỹ, buông tay nơi vách núi”.