;
Dẫn nhập
Từ khi ra đời và truyền bá rộng rãi đến các nước trên thế giới, trong suốt quá
trình hoằng dương chánh pháp, hội nhập và phát triển, giáo lý Phật
giáo ngày càng ăn sâu vào tâm thức người hữu duyên thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Vào thời Lý-Trần, Phật giáo được xem là quốc giáo và hoằng dương mạnh mẽ nhờ sự ủng hộ của giới lãnh đạo.
Phật giáo có nhiều pháp môn tu tập để đáp ứng nhu cầu của quần chúng, nhưng có thể nói pháp môn Tịnh độ phát triển và rất phổ biến đối với người dân từ xưa đến nay. Đây là điều khẳng định sự vi diệu thù thắng của tông Tịnh độ. Sở dĩ vậy bởi đây là pháp môn luôn được xiển dương linh hoạt, phù hợp với mọi thành phần trong xã hội và ứng dụng nhiều trong thực tiễn.
NIỀM TIN CHÂN CHÁNH
Theo Phật giáo, vấn đề quan trọng nhất đối với các hành giả học Phật là “đến để thấy và biết” chứ không phải “đến để tin”, bởi một niềm tin nếu không được xây dựng trên sự thấy biết chân chánh đúng pháp sẽ trở nên mù quáng, tiêu cực, không đem đến sự đoạn tận khổ đau.
Đức Phật chủ trương giải thoát khổ đau có mặt trên đời này chính do sự nỗ lực tu tập của tự thân, mỗi người có mỗi nghiệp riêng và muốn học đạo, cầu đạo giải nghiệp cho bản thân thì chính mình phải có chánh tín vào pháp của Phật.
Vì vậy, một hành giả tu tập đúng đắn cần xác định niềm tin của mình trên cơ sở của cái thấy đúng và biết đúng, không tin tưởng vào bất cứ điều gì khi những điều ấy chưa được thẩm định rõ ràng, suy luận cẩn thận. Thực hành theo Giới, Định, Tuệ là việc làm vô cùng cần thiết và chân chính, vì khi chúng ta hiểu đúng, biết đúng và hành trì đúng con đường thì chân hạnh phúc sẽ hiện hữu trong từng bước đi của mỗi người.
Tín căn: là lòng tin mạnh mẽ vững chắc. Lòng tin này không giống như lòng tin mù quáng, vô điều kiện, bất chấp lý trí của phần nhiều ngoại đạo. Đức Phật dạy: “Niềm tin là mẹ vô lượng của công đức” [1], nhờ lòng tin mà quả Bồ đề dễ dàng thành tựu. Tín gồm ba loại:
– Tin Phật: Tin rằng chư Phật có đầy đủ trí tuệ, với lòng từ bi bao la muốn cứu độ hết thảy chúng sanh thoát khỏi sanh tử, luân hồi. Tin Đức Phật Thích Ca thuyết như thật pháp về cõi Tịnh độ, về Đức Phật A Di Đà.
– Tin pháp: Tin pháp môn niệm Phật dễ tu dễ chứng, có công năng thật sự; tin 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà có đầy đủ hiệu lực nhiệm mầu.
– Tin mình: Tin mình có đầy đủ khả năng, nghị lực, nếu mình thực hành y theo lời Phật dạy, nhất tâm niệm danh hiệu Phật A Di Đà, thì sẽ được vãng sanh.
Bồ đề tâm được xây dựng trên cơ sở của niềm tin, biển Phật pháp mênh mông vô tận và chỉ có thể thâm nhập bằng niềm tin chắc thật. Như ý nghĩa trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật đã dạy: “Lòng tin là nguồn sinh ra đạo, là mẹ sinh ra các công đức, lòng tin có công năng nuôi lớn các thiện căn. Tín thì vượt xa các đường ma, tín có công năng chứng đắc Tam-ma-địa, tín có công năng giải thoát bể khổ sinh tử, tín có công năng thành tựu Phật Bồ đề”.
Trong giao tế ngoài xã hội, lòng tin đóng vai trò vô cùng quan trọng, nó tạo nên sự gắn bó thân thiết liên quan đến các mối quan hệ và củng cố uy tín với cộng đồng xã hội. Trong sinh hoạt gia đình, sự thương yêu và chia sẻ đều bắt đầu từ sự chân thành và lòng tin giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái với nhau. Sự thành thật và lòng tin tưởng giúp ta luôn thành công trong cuộc sống, nó như chất keo gắn kết con người với con người và là chất liệu kết nối yêu thương tạo mối quan hệ lâu dài với nhau.
Niềm tin chân chánh phải bắt nguồn từ sự quán chiếu tìm tòi, hiểu rõ rồi mới tin thì niềm tin ấy mới là chánh tín. Nếu như người đệ tử Phật tin mà không hiểu thì rất dễ lầm đường lạc lối như Đức Phật đã nói “tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật nói “Này các Tỳ kheo, có hai hạng người xuyên tạc Như Lai.
Thế nào là hai? Người độc ác với tâm đầy sân hận hay người có lòng tin với tà kiến” [2]. Con người sống tốt và có ý thức, hay suy thoái đạo đức là do niềm tin không chân chính làm xáo trộn bởi sự hiểu biết sai lầm. Người có lòng tin mà không hiểu giáo lý thì dễ tăng trưởng vô minh mờ ám, người hiểu giáo lý mà không lòng tin thì dễ tăng trưởng tà kiến. Cho nên lòng tin và hiểu biết phải cùng đủ mới làm cội gốc tu hành.
Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài rất thận trọng khi nói đến niềm tin. Trong Kinh Kalama thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, bản kinh nổi tiếng được trích dẫn nhiều nhất khi nói những niềm tin không hợp lý của người dân Ấn Độ lúc bấy giờ.
Đức Phật đã dạy rõ điều này như sau: “Này các người Kalama, đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa-môn là thầy mình….” [3].
Chánh tín và an lạc là hai vấn đề có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Chỉ khi nào chúng ta có niềm tin chân chính thì mới đưa đến sự an lạc hạnh phúc. Vì vậy, khi nói đến vấn đề chánh tín, Đức Phật đã dạy cho dân chúng Kalama như sau: “Biết rõ các pháp này là thiện, là không có tội lỗi, các pháp này được những người có trí tán thán, các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến hạnh phúc và an lạc, thì này Kalama, hãy chứng đạt và an trú” [4]. Với trí tuệ của mình, Đức Phật dạy chúng đệ tử nên thận trọng, chớ vội tin tưởng điều gì mà phải biết dùng trí tuệ để nhận biết các quan điểm, tư tưởng chủ yếu là “pháp”.
Sau khi suy xét, chiêm nghiệm và tư duy mới đi đến niềm tin vững chắc, đó là lộ trình chánh tín của người con Phật. Từ đó cho thấy, chánh tín kiên cố là phương pháp vô cùng quan trọng trong quá trình duy trì sự an lạc cho chúng ta. Vì vậy, khi tìm thấy pháp tu đúng đắn hành giả cần an trú nơi pháp đó để tu tập cho chính mình, giữ vững lòng tin, không nên tìm kiếm những điều mới lạ từ bên ngoài mà chưa xác thực rõ ràng.
Chánh tín kiên cố được tìm thấy bằng trí tuệ sẽ giúp chúng ta luôn tự tin vững chãi, đem lại hạnh phúc an lạc cho mình và người trong cả hiện tại và tương lai.
CHÍ NGUYỆN VỮNG CHẮC
Khi hành giả đã có niềm tin bất động vào pháp tu của mình thì điều cần thiết tiếp theo là phải lập chí nguyện vững chắc. Muốn vào cửa đạo cần dùng trí tuệ thanh tịnh, thế nhưng để chứng đắc được đạo lớn và hành được chánh đạo phải có hạnh đức viên dung, thệ nguyện vững chãi.
Phạn ngữ “Prani (Praniddhana)” có nghĩa là “Thệ nguyện”. Nguyện là chí nguyện, ước ao, mong muốn thực hiện những điều chân chánh. Nguyện là động cơ thúc đẩy cho hành giả mau chóng đạt mục đích. Do đó, hành giả cần lập nguyện cho vững bền, đối với hành giả chuyên tu Tịnh độ thì ngày đêm luôn kiên tâm trì chí niệm Phật và thường phát nguyện theo 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà.
Luận Đại trí độ có nói: “Nếu làm phước mà chẳng có phát nguyện thì chẳng có mục tiêu. Lập nguyện là để dẫn đường; có như vậy mới thành tựu được mục tiêu. Ví như người thợ vàng, trước khi nấu vàng, phải lập ý nên làm loại nữ trang gì, để theo đó mà thực hiện vậy. Bồ tát cũng vậy, do phát đại nguyện tịnh các thế giới Phật, nên khi được thành đạo, Bồ tát cũng sẽ do nơi nguyện lực mà thụ được thắng quả.
Lại nữa, việc trang nghiêm các thế giới Phật là việc lớn, nên cần phải có nguyện lực lớn. Ví như trâu mạnh có đủ sức kéo luôn cả cỗ xe, nhưng cần phải biết chế ngự nó mới mong đưa xe đến nơi chốn được. Cũng như vậy, nguyện lực mạnh có thể kéo luôn cả nghiệp báo, dẫn sinh vào nơi chốn đã nguyện vậy. Cho nên trong kinh ví phước đức như trâu kéo, nguyện lực như người đánh xe vậy” [5].
Đại sư Ngẫu Ích chỉ dạy: “Được sanh hay không, hoàn toàn là do tín nguyện có hay không, phẩm vị cao thấp hoàn toàn là do trì danh nhiều hay ít. Nhưng phẩm vị cao thấp của hành giả ở nước Cực lạc không là vấn đề ở đây, vấn đề chính là được sanh hay không? Ngài lại dạy, hành trì nhiều ít không là vấn đề, vấn đề chính là có tín nguyện hay không mà thôi. Tín, hạnh, nguyện là ba cửa tư lương sanh về Tịnh độ, tư lương không đủ thì nhất định không được vãng sanh. Cho nên trong pháp Tịnh độ phát nguyện chiếm một vị trí rất quan trọng” [6].
Trong cuộc sống, dù chúng ta làm bất cứ việc gì, lập chí nguyện là quan trọng, nếu không có chí nguyện thì ta rất khó để thành tựu được mục tiêu. Nhà văn Nguyễn Bá Học đã nói rất đúng: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Người có chí nguyện như thuyền có lái, như ngựa có cương.
Từ việc đời cho đến việc đạo muốn thành công đều phải có hoài bão, chí nguyện vững vàng. “Việc phát nguyện là bất khả tư nghị. Nguyện là từ trong tâm phát ra, là biểu hiện từ một ý chí phát động, nên năng lực bất khả tư nghị. Người tu hành, cần thiết nhất là phải phát nguyện. Nguyện tức là mục tiêu tự động quyết định để thi hành. Có mục tiêu mới có năng lực hạ thủ. Nếu Bồ tát không phát nguyện, thì không thể thành Phật” [7].
Ba đời chư Phật sở dĩ thành tựu được đạo quả là nhờ phát tâm và lập nguyện. Đức Phật A Di Đà phát ra 48 lời nguyện, Phật Dược Sư có 12 lời nguyện, Bồ tát Phổ Hiền có 10 lời thệ nguyện. Trong Kinh A Di Đà, Đức Phật cũng đã nhiều lần nhắc nhở các đệ tử phải nên phát nguyện sinh về cõi Cực lạc: “Này Xá-lợi-phất! Ta thấy việc lợi ích đó, cho nên mới nói lời này.
Nếu có chúng sanh đang nghe Ta nói, thì nên phát nguyện sanh về nước Cực lạc” [8]. Đoạn kinh này xác định ý nghĩa rất cụ thể: Đức Phật dạy chúng sanh nên phát nguyện để được sinh về cõi Cực lạc. Đây không phải là lời cầu nguyện suông không có cơ sở, mà rất cụ thể bằng hành động phải tu tập tự thân.
Tín, hạnh và nguyện là ba tư lương căn bản để hành giả có thể sanh về Tịnh độ, nếu thiếu một trong ba thì nhất định không thể thành tựu. Cho nên, trong pháp Tịnh độ phát nguyện chiếm vị trí rất quan trọng. Đức Phật A Di Đà đã phát 48 lời nguyện làm duyên khởi về nước Cực lạc.
Nguyện thứ 19 trong 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà nói rõ: Nếu người chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước Cực lạc, khi mạng chung ta đến tiếp dẫn, hễ có nguyện thì nhất định được vãng sanh.
Trong Phật giáo Đại thừa, “Nguyện” là Ba-la-mật thứ bảy trong mười Ba-la-mật mà một vị Bồ tát phải tu tập trong quá trình hướng đến Phật quả. Phát nguyện là phát khởi từ trong tâm tưởng một lời hứa kiên cố, vững bền, quyết tâm theo đuổi mục đích cho đến lúc thành tựu không vì bất cứ lý do nào mà thối chuyển.
Việc phát tâm lập nguyện là điều cần thiết cho cả lĩnh vực tôn giáo và xã hội. Đối với hành giả Phật giáo chân chánh nên nguyện tu tập theo giáo pháp của Phật để tự lợi cho bản thân và đem sự an lạc đó giáo hóa cho chúng sanh đều bỏ mê về giác. Trong tâm luôn phát khởi thệ nguyện rằng: “Phát tâm Bồ đề, tin sâu lý nhân quả, đọc tụng kinh điển, khuyến hóa người tu hành và cứu độ chúng sanh”.
Còn về phương diện xã hội, khi chúng ta quyết định làm một việc gì đó, muốn thành công điều trước tiên phải lập ý chí vững vàng, có kế hoạch và hoài bão rõ ràng, có mục tiêu để hướng đến và chinh phục được ước mơ đó, cho dù có khó khăn trở ngại vẫn không nản lòng và đây chính là chìa khóa dẫn đến thành công trong cuộc sống.
Nguyện có một sức mạnh to lớn, giống như một chiếc thuyền kiên cố có thể chở chúng sanh từ biển khổ phiền não đến bờ Niết bàn an vui tịnh lạc. Vì vậy, mỗi người cần dũng mãnh lập nguyện của chính mình, có đích đến trong việc tu tập lẫn cuộc sống.
PHƯƠNG PHÁP HÀNH TRÌ
Đã có niềm tin kiên cố, chí nguyện vững chắc, việc tiếp theo chúng ta cần làm là thực hành theo đúng chí nguyện. Hạnh, tức là thực hành, nếu có tin có nguyện mà không hạ thủ công phu và quyết tâm thì chỉ là niềm tin suông và những ước nguyện hão huyền.
Vì vậy, tín – hạnh – nguyện chính là ba yếu tố căn bản của pháp Tịnh độ. Nói cách khác, phải đầy đủ tín – hạnh – nguyện thì hành giả mới đủ điều kiện vãng sanh Tịnh độ.
Theo Tịnh độ tông, hành là thiết thực xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà cho đến nhứt tâm và cảm ứng đạo giao để được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn. Hành có nhiệm vụ đưa tâm về một đối tượng sau đó nhận biết và thực chứng các pháp. Hành còn có nghĩa là hành trì theo những điều mình đã phát nguyện tinh tấn tu tập thực hành pháp, giữ tâm không thối chuyển từng cử chỉ hành động phải luôn có trí tuệ sáng soi.
Theo ba bộ kinh của Tịnh độ, Kinh A Di Đà nói: “không thể với chút ít thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh về nước kia”. Chúng sanh phải luôn cố gắng vun bồi thiện nghiệp sâu dày, tăng trưởng phước đức để làm hành trang vãng sanh Tịnh độ.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói có ba phẩm, như: hiếu kính cha mẹ, bố thí, trì giới, đọc tụng kinh điển Đại thừa… Đại bản A Di Đà Kinh cũng nói đến phải bố thí, trì giới… Đối với những thiện căn phước đức này, hành giả nên tùy sức lực của mình mà thực hành để căn lành tăng trưởng, phúc đức đầy đủ.
Sở dĩ chúng sanh đau khổ là do lòng tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, khi lòng tham khởi dậy thì bất chấp thủ đoạn để giành giật về cho mình bằng được. Tâm lúc nào cũng bất an, không hài lòng với những gì hiện có, vì vậy luôn mưu mô tính kế để chiếm đoạt của người khác gây nên biết bao oán cừu, thù hận khổ đau.
Vì vậy, trong Kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: “Người thực hành ít ham muốn thì lòng được thản nhiên, không lo sợ chi cả; cho dù gặp việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ. Giữ tâm ít ham muốn, ắt được Niết bàn” [9]. Đức Phật cũng dạy: “Tri túc chi nhơn tuy ngọa địa thượng du vi an lạc. Bất tri túc giả thân xứ thiên đường diệc bất xứng ý” [10].
Nghĩa là người biết đủ tuy nằm dưới đất cũng cảm thấy vui, người không biết đủ cho dù ở thiên đường cũng không vừa ý. Do đó, người không biết thiểu dục tri túc thì lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn, bất an lo sợ. Cho nên, Phật dạy tứ nhiếp pháp, pháp bố thí là đầu tiên giúp hành giả tu tập đoạn trừ tâm tham lam và vun bồi phước đức, phát triển lòng từ bi làm hành trang trên con đường tu tập.
Tứ nhiếp pháp gồm: bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự; bố thí, tiếng Phạn là Danna, có nghĩa ban bố, trao tặng mọi sự cần thiết cho kẻ khác. “Bố thí là một niềm hân hoan, một phước báu cho cả người dâng tặng lẫn người thọ lãnh. Bố thí có công năng tiêu trừ những tư tưởng ích kỷ, xấu xa và phát triển tư tưởng duy tha, trong sạch” [11]. Trong Kinh Vô Lượng Thọ cũng nói, “rộng lòng ban ân, bố thí, thương yêu cứu giúp mọi người, tin Phật làm lành, không tranh chấp thiệt hơn” [12].
Chánh tín và an lạc là hai vấn đề có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Chỉ khi nào chúng ta có niềm tin chân chính thì mới đưa đến sự an lạc hạnh phúc. Vì vậy khi nói đến vấn đề chánh tín, Đức Phật đã dạy cho dân chúng Kalama như sau: “Biết rõ các pháp này là thiện, là không có tội lỗi, các pháp này được những người có trí tán thán, các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến hạnh phúc và an lạc, thì này Kalama, hãy chứng đạt và an trú”.
Bố thí gồm có 3 loại [13]:
– Tài thí: nghĩa là đem vật chất thuộc quyền sở hữu của mình cho người khác. Những tài sản ấy bao gồm: tiền bạc, của cải, vợ con… kể cả thân mạng mình.
– Pháp thí: là một loại bố thí phi vật chất. Nghĩa là đem lời hay, lẽ phải, những chân lý đúng đắn, những lời dạy quý báu của Đức Phật để chỉ bày khuyên bảo người khác, hoặc tự thân nghiêm trì giới luật để làm khuôn mẫu cho người khác.
Vật thí của loại bố thí này được tạo bởi trí tuệ và thái độ sống của người thí. Do đó, pháp thí có giá trị rất lớn so với tài thí. Tài thí chỉ giúp người nghèo khổ đỡ túng thiếu vật chất. Nhưng pháp thí có công năng giúp đỡ mọi người thoát khỏi nỗi khổ tinh thần.
– Vô úy thí: mang lại sự an ổn, không lo sợ cho người khác.
Ba đời chư Phật sở dĩ thành tựu đạo nghiệp không vị nào là không hành pháp bố thí. Như Bồ tát Quán Thế Âm, biết bao chúng sanh nhờ Ngài bố thí mà thoát khỏi nạn nguy.
Trong những cơn hỏa tai, thủy ách, chiến tranh, người ta đều nhờ Ngài mà được yên ổn! Cho đến có kẻ dữ muốn hại, ác thú đón đường, bùa chú ếm thư, người ta cũng nhờ Ngài mà dứt sự lo sợ. Vì thế, trong cõi Ta bà này, ai nấy đều xưng ngài Quán Thế Âm là Thí vô úy giả.
Kinh Bổn Sanh ghi chép rất nhiều câu chuyện tiền thân của Đức Thế Tôn, nhờ hành pháp bố thí cho đời mà mau lên ngôi chánh giác. Ở vô lượng kiếp trước, dù hóa sanh trong hạng nào cũng đều nêu gương đại từ đại bi rốt ráo. Đã từng làm các loài cầm thú, xả thân mạng mình để cứu đồng loại lúc nguy nan.
Trong những kiếp làm người, không tiếc thân mạng để cứu bầy cọp đói; đem thân mình ra nạp để thế mạng cho chim câu đang lâm nạn; từ trên đền cao xả thân nhảy xuống để hóa làm cá linh cứu bệnh cho nhân dân… Biết bao tích lành của Ngài! Sự bố thí của Ngài lên đến cực điểm. Ở đời, có ai đem vợ con mà cho người ta không? Chỉ có Ngài mà thôi. Nhờ tấm lòng bố thí vô cùng tận, thúc đẩy Ngài mau lên quả vị Phật.
Còn chúng ta, hàng phàm phu cứ bo bo giữ lấy cái ta, vì vậy còn mãi làm chúng sanh trầm luân trong sanh tử. Nếu đem tâm thanh tịnh mà bố thí, hành giả được phước vô lậu thanh tịnh, rộng lớn như hư không, không cùng tận. Cũng như một giọt nước tuy nhỏ, nhưng hoà vào biển cả thì cũng được biến khắp cả biển, rộng rãi bao la.
Vì vậy, Phật dạy: Bồ tát khi bố thí phải “tam luân không tịch”, nghĩa là không thấy (chấp) có mình ban ơn, kẻ chịu ơn và vật bố thí, ấy mới đúng thật là đang hành pháp bố thí chân chánh [14].
KẾT LUẬN
Trên thực tế, có một số ý kiến cho rằng, cứ tin tưởng vào tha lực của Đức Phật A Di Đà và cầu nguyện niệm danh hiệu của Ngài sẽ được Ngài rước về Cực lạc. Quan niệm này đã biến Đức Phật A Di Đà thành một đấng có quyền thưởng phạt.
Trì niệm, theo triết lý Tịnh độ không phải xưng tên Ngài một cách suông mong Ngài tiếp độ, mà là nhiếp niệm, nhiếp tâm vào thực hành Giới, Định, Tuệ để hàng phục các vọng tưởng, vọng niệm, loại trừ tham, sân, si của mình cho đến mức nhất tâm bất loạn, đạt được Giác ngộ giải thoát khổ đau hoàn toàn.
Điều này có nghĩa vãng sanh là công việc tự lực hoàn toàn, môi trường và cảnh giới của Phật A Di Đà như lực hấp dẫn, tác động chúng ta tinh tiến đi tới.
Chư Phật chỉ là những người thầy chỉ đường cho chúng sanh, còn đi hay không là việc của chúng ta, phải đi bằng chính đôi chân tâm thức của mình, đi về Tịnh độ tức là đi về với tâm lý vô tham, vô sân, vô si để vượt ra khỏi nhà lửa tam giới đạt an lạc thảnh thơi ngay trong cuộc sống này.
Ví như một cái cây, khi sống luôn nghiêng về hướng mặt trời thì chắc chắn khi chết cũng ngả theo hướng ánh sáng mặt trời, con người chúng ta cũng vậy, thường nhật luôn giữ được tâm thái chánh niệm, an vui, gieo tạo phước đức thiện căn, thân cận thầy lành thiện hữu tri thức, khi mãn kiếp nhất định sẽ theo những thiện nghiệp đã gieo tạo mà thọ sanh.
Thích Nữ Tịnh Trí
Chú thích:
* SC. Thích Nữ Tịnh Trí, Học viên Cao học khóa V tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
[1] Thích Thiện Hoa (2012), Phật học phổ thông I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.466.
[2] Kinh Tăng Chi Bộ I, Thích Minh Châu dịch (1996), Chương II Hai Pháp III. Phẩm Người Ngu, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, tr.114.
[3] Sđd, tr.338.
[4] Sđd, tr.338.
[5] Luận Đại Trí Độ tập I, quyển 7, Phật thế giới nguyện, Thích Nữ Diệu Không, tr.247.
[6] Thích Đổng Minh, Tịnh độ tông khái luận, Thích Quảng Hạnh dịch (2013), Nxb. Văn hóa Nghệ thuật, tr.183.
[7] Sđd, tr.505.
[8] Thích Chơn Thiện (2010), Tư tưởng kinh A-di-đà, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, tr.27.
[9] Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải (2010), Di giáo kinh, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, tr.40.
[10] Sđd, tr.41.
[11] Thích Quang Nhuận (2004), Phật học khái lược II, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.70.
[12] Kinh Vô Lượng Thọ, Thích Tuệ Đăng dịch (2006), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.83.
[13] Thích Quang Nhuận (2004), Phật học khái lược II, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.72.
[14] Thích Thiện Hoa (2012), Phật học phổ thông III, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.475.
Tài liệu tham khảo
1. Kinh Tăng Chi Bộ I, Thích Minh Châu dịch (1996), VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh.
2. Kinh Vô Lượng Thọ, Thích Tuệ Đăng dịch (2006),Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
3. Luận Đại Trí Độ tập I, quyển 7, Phật thế giới nguyện, Thích Nữ Diệu Không.
4. Thích Thiện Hoa (2012), Phật học phổ thông, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
5. Thích Đổng Minh (Thích Quảng Hạnh dịch – 2013), Tịnh độ tông khái luận, Nxb. Văn hóa Nghệ thuật.
6. Thích Chơn Thiện (2010), Tư tưởng kinh A-di-đà, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh.
7. Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải (2010), Di giáo kinh, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội.
8. Thích Quang Nhuận (2004), Phật học khái lược, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
(Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo Số 415)