;
Đức Đạt-lai Lạt-ma và Lạt-ma Denys
(Ảnh chụp năm 1997 tại ngôi chùa Tây Tạng Karma Ling tại Pháp)
Dharma tức Giáo Huấn của Đức Phật dạy rằng tất cả mọi thứ đều tương liên và tương tác với nhau: giữa những gì đang là mình và thế giới của mình, giữa tất cả những gì hiện hữu và những gì được hiểu biết.
Lời giới thiệu của người chuyển ngữ
Dưới đây là bài viết của Lạt-ma Denys tóm lược một số các bài thuyết giảng của chính tác giả tại ngôi chùa Tây Tạng Karma Ling, tọa lạc trong vùng núi Alpes trên đất Pháp. Bài viết nêu lên một sự hiểu biết mang một tầm quan trọng vô song trong Dharma/Đạo Pháp của Đức Phật, đó là khái niệm "Tương liên, tương tác và tương tạo" giữa tất cả mọi hiện tượng dù vô hình hay hữu hình, thuộc thế giới bên ngoài hay bên trong tâm thức một cá thể. Tiếng Pa-li gọi khái niệm này là Paticca-samuppada, tiếng Phạn là Pratitya-samutpada, tiền ngữ "pratitya" có nghĩa là "lệ thuộc vào" [một thứ gì khác], hậu ngữ "samutpada" có nghĩ là "hiện lên" hay "hình thành"..., Các ngôn ngữ Tây Phương gọi khái niệm này là: Interdependence, dependent origination, dependent arising, dependent co-production, conditioned co-production, conditioning co-production, v.v.; kinh sách Hán ngữ gọi là "Lý duyên khởi". Có thể tạm dịch sang tiếng Việt là "Nguyên lý tương liên, tương tác và tương tạo", tuy nhiên cũng có thể gọi vắn tắt hơn là "Nguyên lý tương liên" (Interdependence).
Dù Đức Phật từng cho biết mình không giấu giếm bất cứ điều gì thế nhưng Ngài cũng bảo rằng những gì mà mình thuyết giảng cũng chỉ như nắm lá trong lòng bàn tay. Tuy ít ỏi thế nhưng nắm lá ấy là những gì vô cùng thiết thực và hữu ích, không những đối với những con người thời bấy giờ mà cho cả chúng ta hôm nay. Thật vậy Đức Phật không thể an nhiên mô tả toàn bộ quang cảnh thâm sâu của cả khu rừng trí tuệ của mình, một khi đã quán thấy được hoàn cảnh khổ đau đang đày đọa chúng ta trong kiếp nhân sinh ngắn ngủi này. Trước cảnh huống cấp bách đó Ngài không thể thuyết giảng cho chúng ta từng chiếc lá một trong khu rừng mà chỉ nêu lên những gì thiết thực mà thôi
Sau khi đạt được Giác Ngộ và trong suốt bốn mươi lăm năm thuyết giảng sau đó, Ngài chỉ nêu lên cho chúng ta trông thấy nguyên nhân nào đã mang lại khổ đau cho mình và các phương pháp làm cho nguyên nhân ấy phải chấm dứt. Đức Phật tuyệt nhiên không thuyết giảng về lý thuyết mà chỉ giữ sự im lặng trước những câu hỏi vô ích, thế nhưng trong bối cảnh tiến bộ chung của nền văn hóa nhân loại ngày nay thiết nghĩ chúng ta cũng nên thử phiêu lưu và đi sâu hơn vào khu rừng trí tuệ đó của Đức Phật hầu tìm hiểu thêm về Giáo Huấn của Ngài với hy vọng đáp ứng được chăng những đòi hỏi của con người ngày nay?
Bài thuyết giảng đầu tiên của Đức Phật là "Bốn Sự Thật Cao Quý" còn gọi là "Tứ Diệu Đế", rõ ràng mang tính cách ứng dụng và thiết thực. Vậy phía sau bốn Sự Thật đó Ngài đã khám phá ra những gì thâm sâu và siêu việt hơn? Chúng ta sẽ trở lại với vấn đề này trong phần ghi chú ở cuối bài, nhưng trước hết hãy đọc bài viết thật khúc triết và cô đọng của Lạt-ma Denys dưới đây.
Bài viết nêu lên nguyên lý tương liên chi phối toàn bộ khả năng nhận thức, sự hiểu biết và cả sự vận hành của tâm thức chúng ta. Điều đáng khâm phục hơn nữa là Lạt-ma Denys không những chỉ giải thích về nguyên lý tương liên trên phương diện lý thuyết mà còn áp dụng nguyên lý này vào phép luyện tập thiền định ở các cấp bậc cao siêu nhất. Sau hết quả khó giới thiệu vị Lạt-ma khác thường này qua một vài dòng, do đó chúng ta sẽ tìm hiểu vài nét về tiểu sử của ông trong phần phụ lục dưới đây. Ngoài ra độc giả cũng có thể tham khảo bản gốc tiếng Pháp của bài chuyển ngữ này trên trang mạng: http://www.buddhaline.net/De-l-interdependance-portee.
***
Tính cách toàn cầu và hiện đại của nguyên lý Tương liên
trong Đạo Pháp của Đức Phật
De l’interdépendance: portée universelle et actualité du Bouddha-Dharma
Lama Denys Rinpoché
I- Tìm hiểu nguyên lý tương liên
Nguyên lý tương liên trên phương diện tổng quát
Dharma tức Giáo Huấn của Đức Phật cho chúng ta biết rằng tất cả mọi thứ đều tương liên và tương tác với nhau: giữa những gì đang là mình và cái thế giới của mình, giữa tất cả những gì hiện hữu và những gì được hiểu biết. Sẽ không thể có bất cứ một thứ gì, một sự cảm nhận hay một sự hiểu biết nào có thể hiện hữu được nếu nó không tương kết với một thứ gì khác! (kể cả Thượng Đế cũng chỉ có thể hiện hữu lệ thuộc vào tâm thức con người, nhờ vào khả năng tưởng tượng và hình dung của tâm thức con người. Tất cả mọi hiện tượng dù thuộc lãnh vực tâm thần hiện lên bên trong tâm thức, hay thuộc bối cảnh bên ngoài tâm thức đều phải liên kết và tương tác với nhau để hiện hữu). Hơn nữa, Dharma/Đạo Pháp cũng cho biết rằng sự hiện hữu của chúng ta - với tính cách là một cá thể con người - là một sự kết hợp gồm nhiều thành phần tương tác với nhau. Ở cấp bậc thấp nhất và dễ hình dung nhất thì có thể hiểu nguyên lý tương liên là một khái niệm gần như là khoa học (quasi-scientific): chẳng hạn như hình dung toàn bộ thế giới là một hệ thống kết nối tạo ra bởi sự liên kết giữa nguyên-nhân và hậu-quả. Qua góc nhìn đó, khái niệm về sự tương liên luôn đi đôi với một khái niệm khác là vô thường (mọi hiện tượng đều kết nối với nhau, một hiện tượng biến đổi thì sẽ lôi kéo theo sự biến đổi của các hiện tượng khác liên kết với nó, khiến không có một hiện tượng nào có thể đứng yên được. Tóm lại thế giới hiện tượng luôn ở trong tình trạng chuyển động và đổi thay: Phật giáo gọi sự biến động thường xuyên đó là vô thường).
Nguyên lý tương liên và Tâm lý học
Tất cả các kinh nghiệm cảm nhận của chúng ta trong thế giới này đều là kết quả tạo ra bởi các quá trình nhận thức dựa vào khái niệm và các phóng tưởng tâm thần (mental projections) của mình. Quan điểm trên đây, qua một số khía cạnh nào đó, cũng thường thấy nói đến trong các ngành Tâm lý học và Triết học Tây Phương. Dharma/Đạo Pháp cũng nêu lên quan điểm này nhưng được đào sâu hơn nhiều nhờ vào các việc tìm hiểu và phân tích đến chỗ tột cùng của nó (Đức Phật thuyết giảng cách nay đã hơn 25 thế kỷ, Triết học và nhất là Tâm lý học Tây Phương chỉ mới bắt đầu phát triển được một vài thế kỷ nay). Thật vậy, trong lãnh vực Tâm lý học người ta thường cho biết là các các kinh nghiệm cảm nhận (experiences/các trải nghiệm) của mình đều được quy định (tạo dựng) bởi các phóng tưởng của mình, thế nhưng mình thì lại cứ tin vào các phóng tưởng ấy là thật và bám chặt vào chúng. Dharma/Đạo Pháp không những cảnh giác chúng ta về sự kiện đó mà còn đào sâu hơn thế rất nhiều và cho chúng ta biết rằng: mỗi khi có một chủ thể "hiểu biết" một "đối tượng" thì cả hai (chủ thể và đối tượng) sẽ cùng hiện ra một lúc thông qua một quá trình phóng tưởng, tức là một "hành động nắm bắt" mang tính cách khái niệm (khi một chủ thể "hướng vào" một đối tượng thì nó "nhận biết" được "đối tượng" đó thông qua một khái niệm có sẵn: thí dụ chủ thể hướng vào một vật gồm một mặt phẳng và bốn chân thì nó nhận biết đó là cái bàn. "Cái bàn" là một khái niệm có sẵn, sự "hiểu biết về cái bàn" phát sinh từ sự tương tác giữa "chủ thể" và "đối tượng" thông qua một quá trình phóng tưởng hay nắm bắt hướng vào khái niệm về "cái bàn", tức là một vật gì đó gồm một mặt phẳng và bốn chân. "Chủ thể", "đối tượng" và cả sự "hiểu biết" cùng hiện ra trong một lúc, cả ba đều phải lệ thuộc vào nhau và tương kết với nhau để hiện hữu, thiếu một thứ thì hai thứ kia cũng không có. Riêng sự hiểu biết tự nó cũng phải lệ thuộc vào một khái niệm - trong trường hợp này là khái niệm về "cái bàn" - để trở thành một sự hiểu biết).
Nguyên lý tương liên và sự nhận thức
Theo Dharma/Đạo Pháp, các kinh nghiệm cảm nhận về chính mình và cái thế giới của mình chỉ có thể hiện hữu xuyên qua một quá trình nhận thức, trong đó chủ thể và đối tượng tương kết với nhau và cùng hiện ra trong một lúc, tạo ra một vị thế lưõng phân nhưng cùng tương kết chặt chẽ với nhau: một bên là chủ thể nhận biết làm nhân chứng cho hành động nhận biết, đồng thời tạo dựng ra sự hiện hữu của chính nó bằng sự liên kết giữa nó và các phóng tưởng do nó tạo ra [cho nó] và xem đấy là thế giới bên ngoài (tức là khác với nó). Đấy là khía cạnh quan trọng và chủ yếu nhất trong nguyên lý tương liên (điều này cho thấy thế giới cũng chỉ là những gì hiện ra bên trong tâm thức của mỗi cá thể, xuyên qua các phóng tưởng của cá thể ấy! Nếu mình có thể thâm nhập vào tâm thức kẻ khác để "nhìn vào" thế giới của người này thì nhất định sẽ thấy thế giới đó hoàn toàn khác biệt với cái thế giới bên trong tâm thức mình, quen thuộc với mình từ trước đến nay. Nguyên lý tương liên tác động tức khắc ngay khi sự nhận thức mới bắt đầu hiện ra: đó là sự xuất hiện của chủ thể và đối tượng: cả hai cùng hiện ra trong một lúc, cùng tương liên và tương kết với nhau để hiện hữu, nếu không có đối tượng thì cũng sẽ không có chủ thể và ngược lại. Chủ thế nhận biết đối tương xuyên qua các phóng tưởng của nó tức là lệ thuộc vào các khái niệm có sẵn từ bên trong nó, thế nhưng nó lại cứ xem đấy là những gì khác với nó tức thuộc vào thế giới bên ngoài: đấy là cách mà chủ thể tự tạo dựng ra cái thế giới của nó. Vì thế cho nên mỗi cá thể đều có một thế giới riêng: thí dụ hai cá thể cùng cảm nhận một đối tượng chung - một sự vật hay một sự diễn biến nào đó - thế nhưng các cảm nhận của hai cá thể đều khác nhau, tạo ra các "xúc cảm" và các sự "hiểu biết" khác nhau, đưa đến các "tác ý" và "hành động" khác nha. Nguyên nhân của sự khác biệt đó là do các phóng tưởng và các khái niệm có sẵn bên trong mỗi cá thể hoàn toàn khác nhau. Nếu nhìn xa hơn nữa thì sẽ nhận thấy rằng nguyên nhân ấy chính là hậu quả tạo ra bởi các nghiệp khác nhau giữa hai cá thể).
Qua góc nhìn trên đây, cái tôi là chủ thể "bên trong" và tất cả những gì mà nó cảm nhận được là các đối tượng "bên ngoài" thuộc vào cái thế giới quen thuộc của [riêng] nó (do nó tạo dựng ra cho nó), cả hai phía "bên trong" và "bên ngoài" đó tương quan và liên kết với nhau, Dharma/Đạo Pháp gọi phía bên này là "cái ngã của cá thể" và phía bên kia là "cái ngã của các sự vật". Sự liên đới và tương quan đó cho thấy cả hai [phải dựa vào nhau để hiện hữu và do đó] không hề hàm chứa một sự bền vững và tự chủ nào cả như chúng ta thường có thói quen gán cho chúng. Dharma/Đạo Pháp gọi sự vắng mặt đó của sự hiện hữu độc lập là "Vô Ngã" hay "Tánh Không" (có nghĩa là sự "Trống Không" của mọi hiện tượng: không có gì là "thật" cả từ bên trong chúng, bởi vì chúng chỉ tạm thời hiện hữu nhờ vào sự tương tác và tạo dựng lẫn nhau qua sự tương kết giữa chủ thể và đối tượng. Sở dĩ chủ thể hiện hữu là nhờ vào sự liên kết với đối tượng của nó, cũng thế đối tượng cũng phải nhờ vào chủ thể để hiện hữu: nguyên lý tương liên và tương tạo giúp cho cả hai "tạm thời" hiện hữu mỗi khi xảy ra một sự "nhận thức", nói cách khác là trong mỗi khoảnh khắc hay đơn vị của sự nhận thức sẽ có một "chủ thể" hiện ra để "nhận biết" và một "đối tượng" hiện ra để "được nhận biết" bởi chủ thể ấy. Sự lưỡng phân hay tính cách nhị nguyên đó hiện ra qua sự vận hành của tâm thức khiến chúng ta có cảm giác là cả hai - chủ thể tức là cái tôi và đối tượng tức là các sự vật hay các hiện tượng - đều là thật cả, nhưng thật ra thì cái cảm giác rất thật đó về chủ thể và cả đối tượng chỉ xảy ra trong khoảnh khắc của một sự nhận thức mà thôi. Sự tiếp nối dây chuyền giữa các khoảnh khắc hay đơn vị nhận thức khiến tạo ra một cảm giác liên tục, tương tự như các hình ảnh tiếp nối của một cuốn phim. Trong trường hợp này có thể hiểu mỗi khoảnh khắc của sự nhận thức trên đây là mỗi đơn vị tạo ra chuỗi tiếp nối không gián đoạn/continuum của dòng tri thức/consciousness của một cá thể, và do đó cũng có thể xem sự nhận thức hay các đơn vị của dòng tri thức mang bản chất thời gian).
Nguyên lý tương liên ở cấp bậc sâu sắc nhất không nhất thiết chỉ nói lên sự tương kết giữa các sự vật với nhau mà còn là một sự liên kết giữa chúng với chủ thể nhận biết chúng, xuyên qua một cấu trúc nhận thức (cognitive structure) lưỡng phân: một bên là chủ thể và một bên là đối tượng. Điều đó cho thấy Dharma/Đạo Pháp không những là một Khoa học nhận thức (Cognitive Science) mà còn là một Khoa nhận thức luận (Epistemology) tức là một ngành triết học về sự hiểu biết của sự hiểu biết (trên đây chúng ta đã thấy nguyên lý tương liên trên phương diện gần như hoàn toàn khoa học - tức là xem thế giới là một hệ thống kết nối chằng chịt giữa nguyên nhân và hậu quả - thế nhưng qua tầm nhìn của Dharma/Đạo Pháp, nguyên lý tương liên còn tác động đến từng tư duy và sự nhận thức hiện lên bên trong tâm thức của mỗi cá thể).
Các nhà Vật lý học đều ý thức được sự tương tác thật tinh tế giữa người quan sát (khoa học gia) và các công việc thử nghiệm của mình, cũng như sự thiếu chính xác trong việc đo đạt các kích thước không-gian-thời-gian, hơn nữa thêm vào đó còn có sự bất ổn định của các "hệ thống quy chiếu" (trong nguyên bản là chữ "référentiels", có thể tạm dịch sang tiếng Anh là "frame of reference", có nghĩa là một "hệ thống các yếu tố làm chuẩn" dùng để xác định một sự kiện nào đó, chẳng hạn như vị trí hay một sự di động của một vật thể. Thí dụ đối với Vật lý học thì không thể nào "xác định" được một sự di động trong không gian "trống không", tức không có một điểm mốc nào làm chuẩn để có thể căn cứ vào đó mà nhận ra là có một sự di động. Hơn nữa đối với chính sự đi động thì cũng phải có một vật thể "vật chất" làm chuẩn để xác định là có một sự di động. Trong toán học cũng vậy, nếu muốn xác định vị trí của một điểm thì cũng cần phải có một hệ thống gồm nhiều điểm khác có vị trí cố định - gọi là "hệ thống quy chiếu" - để làm chuẩn. Chẳng hạn như chiếc máy GPS trong xe hơi phải dựa vào tín hiệu phát đi từ nhiều vệ tinh khác nhau ở các vị trí cố định đối với mặt địa cầu, để xác định vị trí và sự di động của chiếc xe. Vị trí của các vệ tinh tạo ra một "hệ thống quy chiếu" giúp vào việc định vị chiếc xe. Các sự kiện trên đây cho thấy tác động của nguyên lý tương liên trong lãnh vực Vật lý học và cả Toán học). Trong khi đó thì nhà tâm lý học ý thức rõ rệt tính cách tương đối (thiếu khách quan) trong sự nhận thức thông thường và cả sự lệ thuộc của chúng vào các "hệ thống quy chiếu" ("các hệ thống quy chiếu" trong trường hợp này là các "mô hình" hay các "khái niệm có sẵn" đã ăn sâu từ trước trong tâm thức một cá thể) mang tính cách tập thể (giáo dục, văn hóa, xã hội, v.v...) hay cá nhân (các kinh nghiệm cảm nhận của mỗi cá thể trong cuộc sống thường nhật). Một người tu tập Dharma/Đạo Pháp (người Phật giáo nói chung) bác bỏ toàn bộ [sự vững chắc của] các hệ thống quy chiếu dựa vào khái niệm đó, kể cả các sự hiểu biết về con người và tư duy dưới các hình thức tương liên và tương kết (sự hiểu biết đích thật - trí tuệ - vượt lên trên các sự tạo tác mang tính cách tương liên và tương kết, trong đó kể cả con người và các tư duy mang tính cách khái niệm). Mặc dù những gì vừa nêu lên có vẻ như đi quá xa, thế nhưng thật ra đều là Dharma/Đạo Pháp, và nằm trong Dharma/Đạo Pháp (có nghĩa là tất cả những sự hiểu biết đó đều nằm trong Giáo Huấn của Đức Phật).
Nguyên lý tương liên và hành động: quy luật nguyên-nhân-hậu-quả, nghiệp và luân hồi
Các sự nhận định (considerations/sự phán đoán, quyết đoán, xác định, nói chung là các "tác ý" hiện lên trong tâm thức) của mình từ trước có thể biến thành các "động lực tâm thần" (trong nguyên bản là "le pouvoir du mental", có thể dịch sang tiếng Anh là "mind power ", do đó cũng có thể hiểu như là các "yếu tố kích động trong tâm thức") cùng với các khả năng trói buộc của nó (conditionings) gọi là "karma"/"nghiệp", giữ chức năng của một kẻ sáng tạo (trong nguyên bản là chữ créateur/creator) làm phát sinh ra "cái ngã" và cái thế giới của chúng ta (Lạt-ma Denys giải thích thật tài tình và ngắn gọn nghiệp/karma là gì, phát sinh từ đâu và tác động như thế nào trong tâm thức của một cá thể. Nên hiểu rằng cái ngã đang thúc đẩy mình bên trong tâm thức mình cũng như cái "thế giới" mà mình đang sống với nó, bên trong nó, là do chính mình tạo ra cho mình bằng chính các sự nhận thức của mình, do đó chính mình là "kẻ sáng tạo" ra mình và cái thế giới của mình xuyên qua nghiệp của mình. Mỗi người trong chúng ta đều có một thế giới riêng, không có thế giới nào giống với thế giới nào cả), người ta thường gọi các thế giới ẩy là "samsara" (qua góc nhìn đó, cõi ta-bà hay luân hồi/samsara cũng là "gia tài" riêng mà mỗi cá thể thừa hưởng từ nghiệp quá khứ của mình. Chữ samsara nguyên nghĩa là "ra đi" hay đi "lang thang". Trong cõi samsara nghiệp xui khiến và thúc đẩy chúng ta tự tạo ra cho mình hết tác ý này đến tác ý khác, khiến chúng ta phải liên tục suy nghĩ, lo âu, tính toán, sợ hãi, hy vọng, v.v., hoặc các tác ý ấy cũng có thể phát lộ ra bên ngoài khiến chúng ta nói năng liên tục, làm hết việc này đến việc khác, hết chuyện lớn đến chuyện nhỏ, không sao dừng lại được. Tình trạng đó cũng tương tự như cuộc sống thúc đẩy mình bước tới, cứ bước tới, nhưng không biết là mình đi đâu, và cũng không biết là những gì đang chờ đợi mình, hoặc sẽ xảy đến với mình. Đó là tình trạng trói buộc của một cá thể trong cõi samsara/luân hồi. "Các động lực thúc đẩy" làm hiện ra tác ý cũng có thể xem như là các "khái niệm có sẵn" bên trong tâm thức tạo dựng ra các "phóng tưởng" mỗi khi xảy ra một sự nhân thức). Ở cấp bậc tương đối (có nghĩa là phải nhờ vào sự tương liên và tương tạo mà có) thì tất cả các thể dạng tri thức cũng như các kinh nghiệm cảm nhận của mình đều bị chi phối (conditioned) bởi karma/nghiệp, chúng liên kết với nhau tạo thành một chuỗi dài kết nối giữa nguyên-nhân và hậu-quả, chúng thúc đẩy và lôi kéo nhau: mỗi nguyên nhân tạo ra một hậu quả, mỗi hành động đưa đến một nguyên nhân. Quy luật nguyên-nhân-hậu-quả đó phản ảnh nền tảng kỷ cương trong giáo lý của Dharma/Đạo Pháp.
Hơn nữa nguyên lý tương liên cũng tác động đến sự xoay vần của các chu kỳ hiện hữu, tức là samsara/cõi luân hồi. Sự xoay vần trói buộc này được nêu lên trong khái niệm về mười hai mối dây liên kết tạo thành một chuỗi dài lôi kéo nhau (kinh sách Hán ngữ gọi là "thập nhị nhân duyên"). Mối dây đầu tiên là một quá trình nhận thức (a cognitive process) mang tính cách ảo giác gọi là vô minh (một sự hiểu biết sai lầm), mối dây tiếp theo là sự hình thành của dòng tri thức mang tính cách cá nhân cùng với các kinh nghiệm cảm nhận của nó (tức là sự sống của một cá thể) và cả sự chấm dứt của các kinh nghiệm cảm nhận ấy (tức là cái chết của cá thể ấy). Sự diễn tiến đó biểu trưng cho một chu kỳ hiện hữu của một cá thể hay samsara/cõi luân hồi (tức là một kiếp sống lang thang của một cá thể, gồm tất cả là 12 mối dây liên kết và thúc đẩy nhau). Chu kỳ đó "vận hành một cách tự động" (trong nguyên bản là chữ "auto-sustentateur"/"auto-lift", có nghĩa là tự nó chuyển động bởi chính nó, tương tự như chiếc máy bay tự nó nâng nó trong không khí nhờ vào lực thúc đẩy của các động cơ. Cũng vậy một chu kỳ hiện hữu tự xoay vần lấy nó - không có ai chỉ huy hay thúc đẩy nó cả -, lực thúc đẩy làm chuyển động sự xoay vần đó chính là nghiệp tồn lưu trên dòng tri thức của mỗi cá thể): sự xoay vần này là hậu quả tạo ra bởi các vết hằn lưu lại bởi các hành động trong quá khứ. Các hậu quả này lại trở thành nguyên nhân đưa đến các hành động trong hiện tại, các hành động trong hiện tại lại sẽ trở thành các nguyên nhân khác, đưa đến các cảnh huống trói buộc khác (tức các hậu quả khác) trong tương lai. Bên trong sự vận hành mang tính cách trói buộc trên đây - tức là samsara/cõi luân hồi - vẫn có một phần tự do nào đó dự phần vào việc tạo ra một cấu trúc liên kết giữa chủ thể, đối tượng và hành động. Sự vận hành này sẽ tiếp tục xoay vần bất tận cho đến khi nào nó chưa bị cắt đứt bởi sự giác ngộ. Chỉ có phép luyện tập mang tính cách thực nghiệm là thiền định mới có thể cắt đứt được cái "vòng luẩn quẩn" đó.
Nguyên lý Tương liên và sự trùng hợp
Trong khung cảnh trói buộc của sự tạo tác tương liên cũng có một phần không bị lệ thuộc, nhưng cũng hiện ra cùng một lúc trong khung cảnh trói buộc chung - hoặc cũng có thể xảy ra trường hợp các điều kiện trói buộc trong bối cảnh chung này tạm thời hay vĩnh viễn dừng lại - thì một hình thức tương liên khác theo đó sẽ xuất hiện và cùng tạo ra một "biến cố chung" ("co-incidence"/"co-impact"/một hình thức tác động chung). Sự kiện này thoát khỏi nguyên lý tương liên thông thường giữa nguyên-nhân và hậu-quả, điều này cho thấy một sự đồng bộ (concordance/sự trùng hợp, tương hợp hay ăn khớp) nào đó có thể xảy ra giữa các sự chuyển động của các quá trình khác nhau, có nghĩa là giữa các mạn-đà-la/mandala khác nhau (có thể hiểu mạn-đà-la trong trường hợp này là các "bầu không gian" thiêng liêng mang tính cách riêng biệt) - nhưng thật ra đấy cũng chỉ là một sự chuyển động chung quanh một sự tương hợp và giao thoa thật hài hòa, tương tự như một bản nhạc hòa tấu. Hình thức tương liên này - có thể gọi là Tánh Không (sự Trống Không) - nhưng cũng có thể xem như là một hiện tượng "đồng bộ phi-nguyên-nhân" (une synchronicité a-causale/a non-causal synchronicity). Hình thức tương liên này nêu lên một sự đồng bộ khá quan trọng mà sự diễn tiến vượt khỏi sự hợp lý/logic [thông thường] của quy luật nguyên-nhân-hậu-quả (đoạn trên đây vô cùng khúc triết, bao quát và sâu sắc, nhằm phân tích sự trùng hợp và ăn khớp xảy ra giữa các quá trình vận hành khác nhau, thuộc các hiện tượng khác nhau. Dường như tác giả muốn nói đến "cộng nghiệp"(?), thí dụ như trường hợp tai nạn máy bay khiến nhiều người, dù mang nghiệp khác nhau, nhưng cùng gánh chịu một biến cố chung. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này trong phần ghi chú ở cuối bài).
Nguyên lý tương liên và quá trình tạo tác tư duy
Bất cứ một khoa học gia nào khi đưa việc khảo cứu của mình đến chỗ tột đỉnh đều phải đối đầu với các khó khăn liên quan đến mức độ chính xác của các phương tiện sử dụng, dù thuộc vào lãnh vực nào: máy móc, phương pháp, học thuyết hay bất cứ một hệ thống lô-gic nào cũng vậy, và sau hết là khó khăn gây ra bởi chính tư duy mang tính cách khái niệm của mình tức là người khảo cứu (và cũng là khó khăn gay go nhất). Các khó khăn này không những chỉ xảy ra trong ngành Vật lý học mà cả các ngành Khoa học Nhân văn, đối với một triết gia cũng như một người tu tập Dharma/Đạo Pháp. Dầu sao, sự thiếu vững chắc của tư duy mang tính cách khái niệm luôn tạo ra các khó khăn căn bản và chủ yếu nhất đối với việc tu tập Dharma/Đạo Pháp. (sự hiểu biết dựa vào khái niệm, quy định bởi khái niệm, không cho phép chúng ta thấu triệt được sự hiểu biết siêu việt trong Dharma/Đạo Pháp, tức là một sự hiểu biết vượt lên trên tư duy thông thường vướng mắc trong khái niệm).
Sở dĩ cấu trúc của tư duy đuợc phân tích và hiểu biết tường tận là nhờ vào "Con đường ở giữa" hay Madhyamaka (tức học thuyết "Trung quán" của Long Thụ, thế kỷ thứ II), học thuyết này đưa ra các luận cứ chứng minh cho thấy người suy tư, đối tượng suy tư và cả sự hiểu biết do sự suy tư ấy tạo ra, đều mang cùng một bản chất như nhau (có nghĩa là "chủ thể", "đối tượng" và sự "hiểu biết" chỉ là tư duy, mang cùng một bản chất với tư duy, nói chung là các thứ "tạo tác tâm thần" hiện lên bên trong tâm thức. Điều này cho thấy "chủ thể", "đối tượng" và "kết quả" mang lại từ sự tương tác giữa chủ thể và đối tượng đưa đến sự "nhận thức" đều không thật. Đấy chỉ là kết quả mang lại từ sự vận hành nhị nguyên của tâm thức, do tâm thức "phóng tưởng" và "tạo dựng" dưới sự chi phối của nghiệp nơi mỗi cá thể). Điều này nói lên tính cách mở rộng và bao hàm (co-extensif/co-extensive) giữa các thứ ấy với nhau (có nghĩa là chủ thể, đối tượng và sự hiểu biết cùng "choàng" lên nhau và cùng mang một bản chất như nhau, điều này cho thấy nguyên lý tương liên tác động ngay từ bên trong tâm thức khi tư duy mới khởi sự hiển hiện: chủ thể, đối tượng và kết quả của sự nhận thức đều tương liên, tương tác với nhau để cùng nhau hiện hữu): chúng mang một giá trị (một sự vững chắc) ngang nhau và chỉ ở một mức độ nào đó mà thôi (có nghĩa là "chủ thể", "đối tượng" và "sự hiểu biết" mang một giá trị ngang hàng nhau trong khuôn khổ của một sự tạo tác tương liên. Nếu tách chúng ra khỏi thể dạng kết nối tạo ra bởi nguyên lý tương liên thì tất cả chỉ là Tánh Không/sự Trống Không mà thôi: "chủ thể", "đối tượng" và "tư duy" không có một thứ nào hiện hữu cả). Sự hiểu biết do đó cũng chỉ là một sự "hiểu biết đồng bộ" (co-connaissance/co-knowledge): phát sinh từ sự tương tác giữa "chủ thể hiểu biết" và "đối tượng được hiểu biết". Thật vậy chủ thể hiểu biết chỉ có thể hiện hữu bên trong lãnh vực tư duy của chủ thể ấy, chẳng hạn như câu phát biểu nổi tiếng sau đây: "Tôi suy tư tức là tôi hiện hữu", thế nhưng tiền đề (axiom) của câu phát biểu này - tức là sự "suy tư" - cũng chỉ có giá trị trong khuôn khổ của một tư duy (trên đây chúng ta đã thấy tư duy cũng chỉ là sản phẩm phát sinh từ sự tương tác giữa chủ thể suy tư và đối tượng của sự suy tư đó), thế nhưng chủ thể suy tư thì cứ cho rằng mình là thật (hiện hữu thật) một cách hiển nhiên, tương tự như các sự hiểu biết thường tình mà chủ thể ấy cảm nhận được, chẳng hạn như "con người", "thời gian", "không gian", quy luật "nguyên-nhân-hậu-quả", v.v. (chúng ta cứ nghĩ rằng những con người đang hiện hữu chung quanh chúng ta, không-gian-thời-gian phân cách chúng ta với kẻ khác và mọi sự vật, kể cả quy luật nguyên-nhân-hậu-quả chi phối các hành động của mình, tất cả đều nhất loạt đúng thật như vậy. Thế nhưng xuyên qua "lăng kính" của nguyên lý tương liên thì không hẳn là như thế mà chỉ là một sự Trống Không mà thôi. Câu phát biểu "Tôi suy tư tức là tôi hiện hữu" trên đây là của triết gia người Pháp René Decartes, thế kỷ XVII: "Je pense, donc je suis/I think, therefore I am", với chủ đích trực tiếp chứng minh thực thể của chính mình và gián tiếp là sự hiện hữu của linh hồn mình. Câu này đã làm mất không biết bao nhiêu giấy mực, thời giờ và công sức của các triết gia, học giả qua dòng lịch sử phát triển của nền triết học Tây Phương. Lạt-ma Denys mượn thuyết Trung Quán của Long Thụ chứng minh cho thấy tiền đề "tôi suy tư" cũng chỉ có một giá trị giới hạn mà thôi, bởi vì "tôi", sự "suy tư" và những gì phát sinh từ sự tương tác giữa "tôi" và sự "suy tư" đó đều là tư duy, tức chỉ là các "thứ tạo tác tâm thần". Nếu tiền đề - "tôi suy tư" - chỉ có giá trị trong khuôn khổ của một tư duy thì kết luận - "tôi hiện hữu" - cũng chỉ có một giá trị tương đương, tức giới hạn trong khuôn khổ của một tư duy hay một sự tạo tác tâm thần).
Các vấn đề giả tạo và các giải pháp
Khi nào ý thức được tư duy mang tính cách khái niệm chỉ mang một giá trị hạn hẹp thì tức khắc một lô các vấn đề khác - chẳng hạn như bản chất của sự hiện hữu, con người đang hiện hữu, nguồn gốc đầu tiên [đưa đến sự hiện hữu của họ] cũng như sự chấm dứt của họ - dù là thuộc lãnh vực Bản thể học (Ontology, tức lãnh vực siêu hình: sự hình thành, sự hiện hữu là gì, con người là gì, v.v.) hay Vật lý học (thân xác và sự sống) cũng vậy - tất cả sẽ hiện ra khác hẳn. Thật vậy, dù rằng có một số giải pháp với ít nhiều hữu lý trong lãnh vực khái niệm có thể giải đáp cho các vấn đề trên đây, thế nhưng không có một giải pháp nào có thể gọi là hoàn hảo cả, bởi vì từ bên trong các giải pháp đó đã ẩn chứa sẵn những sự nghịch lý tự tại và căn bản của các thể loại tư duy dựa vào khái niệm. Chẳng phải Đức Phật đã từng cho biết rằng các vấn đề đó (tức là bản chất của sự hiện hữu, con người đang hiện hữu và cả nguồn gốc đầu tiên cũng như sự chấm dứt của họ) chỉ là các vấn đề giả tạo, và nếu cứ bám chặt vào những thứ ấy thì cũng chỉ là cách quay mặt đi trước giải pháp đích thật là sự giải thoát hay sao?
Dharma/Đạo Pháp của Đức Phật qua các góc nhìn triết học và siêu hình học cũng có đưa ra các giải pháp thuộc lãnh vực tương đối, nhưng đồng thời cũng cảnh giác chúng ta là các giải pháp mang tính cách tương đối đó sau cùng cũng sẽ trở nên sai lầm như chính các vấn đề mà các giải pháp ấy cho rằng có thể giải quyết được. Giải pháp đích thật chỉ có thể là "giải-pháp-làm-tan-biến" (solution-dissolution) tất cả thắc mắc và cả người nêu lên thắc mắc, bằng cách dựa vào các sự cảm nhận siêu-khái-niệm (supra-conceptuel) và siêu-duy-lý (supra-rationel) (có nghĩa là giải pháp hữu hiệu, tuyệt đối và hoàn toàn độc lập phải vượt lên trên khái niệm và sự lý luận thông thường, thiền học gọi các kinh nghiệm cảm nhận này là một sự nhận thức trực giác. Sự nhận định trên đây phản ảnh cấp bậc siêu đẳng nhất của thiền định, và cũng là một cách định nghĩa sâu sắc nhất về phép luyện tập tâm thức này, do đó cũng xin mạn phép tô đậm câu trên đây để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó), đối với các kinh nghiệm cảm nhận trên đây phương pháp lý luận dựa vào sự hợp lý thông thường hoàn toàn bị lỗi thời. Sự cảm nhận về tính cách "vô ngã"- tức là giải pháp "thanh toán" cái ngã - chỉ có thể hiện ra trong một "nơi" mà tất cả các vấn đề đều đề tan biến hết, dù là các vấn đề ấy thuộc vào lãnh vực triết học siêu hình hay bất cứ một lãnh vực nào khác, (xin nhắc lại: phương pháp đích thật - tức là thiền định ở cấp bậc siêu đẳng nhất của nó - là một sự cảm nhận "siêu-lý-luận" và "siêu-khái-niệm". "Đức tin" trong các tôn giáo độc thần cũng là một hình thức cảm nhận "siêu-lý-luận", nhưng lại bám chặt vào "khái-niệm" chẳng hạn như sự hiện hữu của Thượng Đế, linh hồn, cõi thiên đường ở trên trời, v.v., tất cả các thứ này cũng chỉ đơn giản là các "tạo tác tâm thần". Sự nghịch lý thô thiển đó đưa đến chỗ bế tắc trên mọi mặt đối với người tu tập dù là ở cấp bậc nào,. Sự hung bạo thường thấy xảy ra phải chăng cũng có thể là một trong số các hậu quả tạo ra bởi sự bế tắc đó?).
Từ tư-duy đến phi-tư-duy
Phương pháp học (Methodology) trong học thuyết Trung Quán (Madhyamaka) do Long Thụ và những người thừa kế đưa ra sau này, thường sử dụng sự nghịch lý nội tại bên trong các thể loại tư duy căn bản được chọn sẵn và được xem là đúng, hầu vạch trần sự thiếu mạch lạc và lỏng lẻo (inconsistancy/bất nhất) từ bên trong chúng nhằm bác bỏ sự vững chắc của chúng, và đấy cũng là cách nêu lên giá trị giới hạn của các thể loại tư duy này. Phương pháp tiếp cận trên đây [của Trung Quán] đồng thời cũng phân tích các khái niệm và các sự hợp lý thông thường hầu nêu lên tính cách thiếu vững chắc của chúng. Do đó các khái niệm căn bản về "con người" (être/being), "Thượng Đế" (God) phải chăng cũng chỉ đơn giản là các sản phẩm tạo ra bởi các cấu trúc của sự nhận thức dựa vào khái niệm (cognitive and conceptual structure) hay sao, và do đó chúng cũng chỉ có một giá trị giới hạn ngang hàng với giá trị của chính các cấu trúc đã tạo ra chúng. [Tóm lại tất cả cũng chỉ tương tự như] "kẻ khác" đối mặt với "cái tôi" và "cái tôi" đối mặt với "kẻ khác", "phía bên kia" đối mặt với "phía bên này ". "Con người" (être/being) được xác định bởi "phi-con-người" (non-être/non-being/néant/nothingness/hư vô). Tóm lại sự hiện-hữu và phi-hiện-hữu của những thứ ấy cũng chỉ là những gì được tạo dựng bên trong tư duy của một chủ thể trực tiếp cảm nhận chúng mà thôi (những gì trên đây là tầm nhìn của Trung Quán: tức không phải bên này cũng không phải bên kia, Thượng đế và con người hay con người và hư vô cũng chỉ tương tự như "bên này" với "bên kia", hai bên tương liên, tương kết với nhau để tạo ra nhau và cùng nhau hiện hữu, tất cả đều ngang hàng nhau, mang cùng một bản chất với tư duy, tức là sự hiểu biết mang tính cách khái niệm về những thứ ấy. Ý nghĩa của thuyết Trung Quán là như vậy: đứng ở giữa, tránh tất cả mọi vị trí, và thật ra "đứng ở giữa" cũng có nghĩa là đứng vào vị trí của sự Trống Không, chẳng dính dáng với phía bên nào cả, nói cách khác là không vướng mắc vào bất cứ một quan điểm nào).
Phương cách tiếp cận trên đây cũng tương tự như một cách lấy đà để vượt lên trên thể loại tư duy dựa vào khái niệm và tính cách nhị nguyên theo cách đối mặt (doublets dualistes) của nó, chẳng hạn như "con người" và "phi-con-người" (non-being/không phải con người), "vĩnh hằng" (eternalism) và "hư vô" (nihilism), một (one) và bội số (multiple), sự tạo-tác và phi-tạo-tác,... (sự vận hành của tâm thức luôn xoay quanh tính cách "nhị nguyên đối mặt" này, thế nhưng chúng ta thì lại không ý thức được điều đó: thí dụ mỗi khi nói "có" thì đối mặt với nó sẽ là "không", nếu cho rằng một vật nào đó là "trắng" thì sự đối nghịch của nó sẽ là "đen", nếu không có đen thì sẽ không thể nào có trắng được, và ngược lại. Trường hợp "có" và "không" thì cũng vậy, tất cả là các thể dạng nhị nguyên đối mặt, cả hai bổ khuyết cho nhau để có thể mang lại một ý nghĩa nào đó cho sự hiểu biết, và đấy chính là sự tương liên trong lãnh vực nhận thức). Tóm lại, giải pháp [để đối đầu với tính cách nhị nguyên dù là đối mặt hay giữa chủ thể và đối tượng cũng vậy] là phải vượt lên trên tư duy mang tính cách khái niệm. Chuyện đó thật hết sức khó hình dung, bởi vì đấy sẽ phải là một thể dạng phi-tư-duy (non-pensée/non-thinking), phi-tâm-thần (non-mental/no-mind), không có cái tôi (non-moi/no-self) cũng không có kẻ khác (non-autre/no-other). Và đấy cũng chính là chỗ gặp nhau giữa thể dạng phi-tư-duy nêu lên trong Dharma/Đạo Pháp và phép thiền định dựa vào một số các kinh nghiệm cảm nhận về sự yên lặng hiện lên từ sự phi-hiểu-biết (non-connaissance/not-knowing) mang tính cách thần bí! (xin lưu ý đạt được thể dạng đó cũng có nghĩa là đạt được mục đích của thiền định ở cấp bậc tột đỉnh của nó).
Phi giáo điều và sự giải thoát
Bên trong Dharma/Đạo Pháp cũng có nhiều khuynh hướng khác nhau, một số có xu hướng duy vật (materialism), một số khác gần với chủ nghĩa duy tâm hơn (spiritualism/duy linh). Các khuynh hướng này được xem như chủ trương các quan điểm khác nhau, nhưng thật ra là bổ khuyết cho nhau. Thật vậy không có một sự đối nghịch căn bản nào giữa hai khuynh hướng trên đây, bởi vì cả hai đều hướng vào một giải pháp chung là phải thực hiện cho bằng được thể dạng vô ngã. Phương cách tiếp cận của Dharma/Đạo Pháp không duy tâm cũng không duy vật, mà đúng hơn là duy thực, tức chủ trương thực hiện các kinh nghiệm cảm nhận về hiện thực bằng một sự hiểu biết vượt lên trên mọi ảo giác quen thuộc. Tuy nhiên Dharma/Đạo Pháp cũng mang các khía cạnh của khoa Hiện tượng học (Phenomenology), thế nhưng thật hết sức quan trọng phải nhấn mạnh ngay đến tính cách thực nghiệm và khả năng nhận thức của Dharma/Đạo Pháp vì đấy chính là liều thuốc hóa giải mọi ảo giác và tình trạng bất an do chúng tạo ra (Hiện tượng học là một ngành triết học nghiên cứu về các hiện tượng, các kinh nghiệm cảm nhận và những gì cất chứa bên trong tri thức, đấy cũng là một trong các mục đích của Dharma/Đạo Pháp, thế nhưng Dharma/Đạo Pháp chú trọng nhiều hơn đến các khía cạnh thực nghiệm và thiết thực của sự nhận thức với một chủ đích thật rõ rệt là loại bỏ khổ đau cho con người).
Cách tiếp cận trên đây của Dharma/Đạo Pháp hiển nhiên là phi-giáo-điều: chỉ là các công thức vạch ra một hướng đi, và cũng chỉ mang giá trị của một sự hướng dẫn, nhưng tuyệt nhiên không phải là một sự hướng dẫn cuối cùng nào cả. Tâm điểm của nền giáo huấn đó chỉ xoay quanh một sự cảm nhận đột khởi về thực tại, thế nhưng thực tại ấy thì cũng chỉ là một sự Trống Không/Tánh Không thật trọn vẹn mà thôi. Cách tiếp cận phi-giáo-điều đó phản ảnh bản chất khoan dung của Dharma/Đạo Pháp, có nghĩa là không áp đặt một sự thật tối hậu nào, một lời thuyết giáo nào hay một khái niệm nào. Thanh kiếm sắc bén của trí tuệ đột khởi trong Dharma/Đạo Pháp chỉ là để chặt phăng các ảo giác do cái ngã tạo ra hầu mang lại sự giải thoát.
Nguyên lý tương liên và tư duy mang tính cách khái niệm
Nguyên lý tương liên chi phối sự vận hành của tâm thức và các kinh nghiệm cảm nhận trong cuộc sống cũng như ngôn ngữ mà mình sử dụng là những gì chủ yếu nhất mang lại sự hiểu biết về toàn bộ Giáo Huấn của Đức Phật. Các kinh nghiệm cảm nhận gồm cảm tính về "cái tôi của mình" và "cái thế giới riêng của mình" nói chung là những gì chỉ mang tính cách biểu trưng, tức là các danh xưng và hình tướng hiện lên từ "môi trường" và "chủ thể cấu hợp" (các chữ "chủ thể cấu hợp" là dịch từ chữ "le constituant"/"the constituing" trong nguyên bản, tức là "chính mình" hay "cái tôi" dưới hình thức một "cá thể" tạo ra bởi sự "kết hợp"/the constituing gồm năm thành phần tương kết còn gọi là ngũ uẩn. Cách nêu lên "chủ thể" hay "cá thể con người" bằng thuật ngữ "cấu hợp"/the constituing là một cách diễn đạt sâu sắc và tinh tế vì tác giả không muốn chỉ định đích danh một cá thể con người mang một cái tôi nào cả, bởi vì đấy chỉ là các danh xưng, các sự tạo dựng mang tính cách khái niệm. Con người đối với tác giả chỉ là "một sự kết hợp"/constituing vô ngã, không có "cái tôi" cũng không mang một "danh xưng" nào cả để mà gọi hay chỉ định, mà đơn giản chỉ là năm thứ "cấu hợp"). Kinh nghiệm cảm nhận trong đó hiện ra sự đối nghịch là những gì được chống đỡ bởi khái niệm. Chính khái niệm làm hiện ra sự đối nghịch giữa chủ thể "quan sát" và đối tượng "được quan sát" bên trong sự cảm nhận (nói cách khác thì sự hiểu biết chỉ có thể xảy ra qua một thể dạng nhị nguyên gồm một bên là chủ thể "hiểu biết" và một bên là đối tượng "được hiểu biết", và chính "sự hiểu biết" thì cũng chỉ có thể hiện lên được bằng cách dựa vào các khái niệm đã có sẵn từ trước. Nếu không có một khái niệm nào chen vào giữa chủ thể và đối tượng thì sự hiểu biết cũng sẽ không thể xảy ra. Thí dụ một người nào đó trông thấy một cái bàn nhưng người này không có một mảy may khái niệm nào về một cái bàn - tức một vật gồm một mặt phẳng và bốn chân gọi là "cái bàn" dùng để đặt các vật thể trên đó - thì người này cũng sẽ không cảm nhận được một "cái bàn" nào cả dù là "nó" đang ở trước mắt mình. Tất cả mọi sự hiểu biết đều phải dựa vào hay căn cứ vào các khái niệm có sẵn hay chứa đựng sẵn trong tâm thức mình, nếu tìm hiểu sâu xa hơn nữa thì các khái niệm có sẵn đó là kết quả tạo ra bởi nghiệp của mình).
Khái niệm hiện lên trước nhất là sự quan sát (tức tác ý bên trong tâm thức muốn nhìn vào một đối tượng nào đó), và bên trong sự quan sát ấy sẽ hiện lên sự cảm nhận về chủ thể và đối tượng. Sau đó cũng từ bên trong sự cảm nhận ấy lại tiếp tục xảy ra các khái niệm khác, nhằm xác định xem đối tượng vừa được nhận biết ấy là tốt, xấu hay trung hòa ("trung hòa" có nghĩa là "không tốt" cũng "không xấu", nhưng cũng có nghĩa là một sự "xao lãng" hay "thiếu tỉnh giác", do đó thể dạng "trung hòa" cũng tạo nghiệp tương tự như các cảm nhận "tốt" hay "xấu"). Các cảm nhận này sẽ tạo ra các sự bám víu, ghét bỏ hay dửng dưng, đưa đến tất cả những gì mà tâm thức cảm nhận được qua các thể dạng của sáu cõi luân hồi trên dòng tri thức (sáu cõi luân hồi là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, con người, thánh nhân và thiên nhân. Các cõi này thật ra cũng chỉ là các thể dạng xúc cảm hiện lên trên dòng tri thức một cá thể, phản ảnh cái thế giới của một cá thể do chính cá thể ấy tự tạo ra cho mình trong cuộc sống của mình).
Mạng lưới kết cấu (texture) trong cuộc sống của mình (tức là sự diễn tiến của các sự kiện và biến cố xảy đến với mình trong cuộc sống) hoàn toàn tùy thuộc vào các khái niệm của mình. Các cảm nhận, tâm tính và cả cung cách hành xử của mình đều phát sinh từ các khái niệm của chính mình (các "khái niệm" ở đây có thể hiểu là các "quan điểm" chi phối bởi nghiệp đã ăn sâu vào tâm thức mình). Do đó biến cải các khái niệm cũng có nghĩa là biến cải cuộc đời mình. Tóm lại nếu muốn biến cải cuộc sống thì phải biến cải các khái niệm và sau hết là phải hoàn toàn thoát ra khỏi chúng ("đức tin" là một "khái niệm" do mình tạo ra cho mình, bám víu vào "đức tin" cũng có thể mang lại cho mình một sự trấn an, thế nhưng đôi khi cũng có thể là một gánh nặng, một nguyên nhân sâu xa đày đọa mình - và cả con người nói chung - một cách khủng khiếp nhất. Nếu nhìn vào xã hội con người và lịch sử nhân loại thì cũng có thể nhận thấy được điều đó. Thật vậy tuy gánh nặng của "đức tin" có thể mang lại một sự trấn an nào đó, thế nhưng nếu đặt được cái gánh nặng ấy xuống thì cũng có thể mang lại một chút "nhẹ nhõm" cho mình, và biết đâu cho cả xã hội và nhân loại?).
Nguyên lý tương liên và ngôn ngữ
Khái niệm lệ thuộc vào ngôn ngữ mà mình sử dụng; tư duy mang tính cách khái niệm được tạo dựng phù hợp với các cấu trúc ngôn ngữ (thí dụ một người Việt Nam nhận ra đây là một "cái bàn" thì một người Mỹ nhận ra "a table". Đối với một người Mỹ khái niệm về cái bàn liên kết với một cấu trúc hợp lý trong tiếng Anh là "a table", nếu trỏ tay vào một cái bàn và nói với một người Mỹ đây là "cái bàn", thì người này sẽ không hiểu gì cả, bởi vì "cái bàn" là một khái niệm được dựa vào một cấu trúc hợp lý trong tiếng Việt. Khi một người Việt Nam trông thấy một cái bàn thì sự hiểu biết hiện lên trong tâm thức mình dưới hình thức một "tên gọi", một "danh xưng" mang cấu trúc của tiếng Việt thông qua một "khái niệm" gọi là "cái bàn", đối với trường hợp của một người Mỹ thì đấy là "a table"). Lý trí vận hành xuyên qua sự hợp lý của ngôn ngữ gồm một số các ký hiệu và cú pháp (syntax) [riêng của ngôn ngữ ấy]. Các cấu trúc mang tính cách khái niệm này (có thể hiểu là các ngôn từ quy ước) chính là khuôn mẫu (matrix/khuôn đúc, mẫu mực) tạo ra tâm tính mình và đồng thời cũng tạo ra cả cuộc sống thường nhật của mình (thí dụ dân tộc Mỹ có nguồn gốc tạp chủng, thế nhưng cùng nói tiếng Anh với nhau qua nhiều thế hệ đã trở thành "người Mỹ", hành xử và suy nghĩ theo cung cách một người "Mỹ"). Do đó ngôn từ và các khái niệm lành mạnh giữ một vai trò vô cùng quan trọng (điều này thật dễ hiểu: thí dụ trông thấy một miếng thịt thì một người bình dị có thể sẽ "thốt lên" từ bên trong tâm thức mình hai tiếng: "ngon quá!", một người tu tập thì nghĩ thầm: "khổ đau!". Hai tiếng "ngon quá" sẽ khiến mình muốn được ăn, sự ham muốn đó sẽ tạo ra cho mình nghiệp của sự thèm khát và bám víu; trái lại hai tiếng "khổ đau" hiện lên trong tâm thức sẽ khơi động tình thương và sự xót xa, đánh động con tim mình trước cái chết và sự đau đớn của một con vật, tình thương và sự xót xa đó sẽ lưu lại trên dòng tri thức mình vết hằn của nghiệp tốt lành. "Ngôn từ" đi đôi với "khái niệm" tạo ra phẩm tính của sự hiện hữu của mình là như vậy!).
II- Thiền định
Thiền định là một phương pháp tiếp cận hiện sinh và thực nghiệm
Tư duy không thể nào vượt xa hơn sự hiểu biết tương đối dựa vào khái niệm, vì vậy phải tìm một phương pháp khác: đó là phương pháp tiếp cận phi-khái-niệm của thiền định. Phép thiền định là một khí cụ mang lại một kinh nghiệm cảm nhận đột khởi, và bên trong nó tất cả mọi thứ tạo tác tâm thần mang tính cách ảo giác sẽ không còn tạo được một tác động nào nữa.
lama denys rinpoché Đại sư Garchen Rinpoche đức phật dharma giáo huấn của đức phật nguyên lý tương liên nhân quả luân hồi hoang phong đức đạt lai lạt ma