;
Lời tựa
Sáng dậy đọc xong cuốn Phật thuyết A Di Đà Kinh Yếu giải của đại sư Ngẫu Ích Trí Húc, được pháp sư Tịnh Không giảng thuật bỗng dâng lên nỗi cảm khái.
Ngẫm lại, Phật giáo ngày nay đã đi sâu vào đời sống. Số lượng người đi chùa lễ Phật, quy y Tam bảo cũng nhiều. Xã hội ngày nay công việc bận rộn, người học Phật đa phần tu theo pháp môn Tịnh độ, đơn giản vì nó giản dị, dễ tu, hơn nữa cũng không có thời gian tham Thiền hay tu các môn khác.
Tổ Vĩnh Minh có nói: “Tịnh độ vạn người tu, vạn người vãng sinh”.
Vậy mà bây giờ theo lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam vạn người tu chỉ 2, 3 người vãng sinh, thật đáng suy ngẫm.
Đọc sách Yếu giải của Ngẫu Ích đại sư thấy ngài rát lòng buốt miệng, “mổ tim vấy máu” khuyên người niệm Phật; mới thấy người đời nay quả thật đã phụ tấm lòng của các Tổ sư, Bổn sư Thích Ca Mâu Ni và Đức Phật A Di Đà. Vì vậy tôi chẳng ngại mình vô minh tối tăm, kiến thức nông cạn, cũng xin góp chút sức mọn cho sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh.
Lại nữa, lúc trước có viết quyển “Vãng sinh Tịnh độ - Chắc chắn đừng nghi” nêu ra nửa ý về Sự niệm, nay cảm thấy cần viết nốt nửa ý còn lại về Lý; trước là mong báo đáp đại hiếu, ơn sâu cha mẹ hai lần sinh thành, sau nguyện những người hữu duyên đọc được khởi được Chân Tín Nguyện Hạnh, thấy được Bản tâm tự tánh, xuôi thuyền Đại nguyện vượt biển sinh tử về cố hương.
CHƯƠNG1: TỊNH ĐỘ THIỀN
Pháp môn Niệm Phật quả là vua báu vô thượng trong các pháp môn, cực viên cực đốn, tại sao người tu hiện nay chẳng được thành tựu.
Theo ý riêng của tôi thì có hai nguyên nhân:
Thứ nhất: Là chẳng biết giá trị thật sự của pháp môn này nên chẳng có tâm cầu pháp.
Đọc lại truyện xưa khi tổ Huệ Khả của Thiền tông cầu pháp với Tổ Đạt ma. Ngài đứng bên Tổ Đạt ma suốt đêm dưới trời mưa tuyết chẳng hề đổi sắc mặt mà vẫn chưa được Tổ chấp thuận. Cuối cùng, ngài chặt cánh tay trái mình lên cúng dường mới được Tổ chấp nhận. Quả thật tâm cầu pháp bên Thiền tông thật dũng mãnh phi thường.
Ngài Huyền Trang đời Đường một mình một ngựa rong ruổi mấy chục năm sang tận đất Ấn Độ thỉnh kinh mới được hơn 600 bộ. Như kinh Thủ Lăng Nghiêm xưa chỉ có vua chúa mới được đọc, coi là quốc bảo, khi đọc phải trai giới thanh tịnh.
Giá trị thật sự của pháp môn Niệm Phật chỉ Phật với Phật mới biết được. Đức Phật đã nói dù cho lửa cháy khắp thế giới này mà vì cầu pháp môn Tịnh độ này thì cũng phải băng qua đủ nói lên giá trị thật của nó.
Không có tâm cầu pháp tất chẳng biết giá trị của Phật pháp, vậy nên không sinh niềm tin chân thật. Không sinh niềm tin chân thật tất Tín Nguyện Hạnh khó thành, không được vãng sinh cũng là điều dễ hiểu.
Thứ hai là lòng nghi.
Đây chính là mấu chốt của vấn đề.
Thật ra chúng sinh trong chín pháp giới từ Bồ tát Đẳng giác đến chúng sinh cõi địa ngục đều còn lòng nghi. Có nghi mới có hỏi. Có hỏi mới có đáp. Phật chính là người giải đáp mọi vấn đề.
Có vô minh tức là có nghi.
Tịnh tông thường khuyên người niệm Phật chớ xen tạp, chớ hoài nghi nhưng thật ra chỉ là dằn lòng nghi xuống mà thôi. Chứ bảo không nghi chẳng thể được.
Thiền tông nhìn thẳng vào vấn đề, tập trung mối nghi thành một khối, phát huy trí huệ phá tan mối nghi, tức là khai ngộ.
Người tu Tịnh độ hiện nay muốn trừ nghi phải niệm Phật phải đạt được công phu thành phiến, tức là cảnh giới bất niệm tự niệm cũng là mức cạn nhất của Sự Nhất tâm bất loạn. Hay ít nhất cũng được thấy Phật A Di Đà hiện đến thọ ký cho biết trước ngày giờ vãng sinh.
Theo pháp sư Đàm Hư thì hiện giờ người tu Thiền đắc được Thiền định giống như lông phượng sừng thỏ, huống là người tu Tịnh độ đạt được công phu thành phiến vạn người chưa được một.
Chưa đạt được công phu thành phiến, chưa gặp được Phật thọ ký thì chẳng có cách nào chắc chắn vãng sinh, đành chờ may rủi lúc lâm chung. Vậy nên cứ tà tà mà niệm Phật, đến lúc lâm chung hẵng hay, nên chẳng thật thà niệm Phật.
TỊNH ĐỘ THIỀN LÀ GÌ?
Về nguồn chẳng hai, phương tiện có nhiều cửa.
Hiện nay, Phật pháp được chia thành 10 tông phái, trong đó thịnh hành nhất là Tịnh tông và Thiền tông.
Theo quan điểm hiện nay thì Tịnh và Thiền có khá nhiều điểm khác biệt.
Tịnh độ Thiền được hiểu khi tu Tịnh độ và Thiền định ở mức độ khá cao mới có thể gặp nhau.
Như các thiền sư đạt được mức minh tâm kiến tánh, đại triệt đại ngộ chuyển sang chuyên tu Tịnh độ, hoằng dương Tịnh độ như các đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ, Mã Minh, Long Thọ...
Hay tu Tịnh độ đạt được công phu thành phiến, tức đạt được Định sơ cấp mới có thể coi là Tịnh độ Thiền.
Còn dưới mức ấy thì Tịnh vẫn là Tịnh, Thiền vẫn là Thiền, là 2 pháp môn khác biệt.
Nếu có chăng đi nữa thì chỉ là Thiền Tịnh song tu.
Chủ trương của Thiền tông là “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”.
Tuy nhiên thời này đã đi sâu vào thời Mạt pháp, tà kiến trùng trùng, kiến tánh thật chẳng dễ dàng. Người thời nay Phật là gì, tánh là gì còn chẳng hiểu, thì kiến tánh chỉ là hý luận suông, cam chịu luẩn quẩn trong tam giới lục đạo mà thôi. Những kẻ sơ cơ học Thiền ưa lý luận còn chê bai pháp môn Tịnh độ nông cạn chỉ thích hợp với ông già bà cả. Họ thật chẳng hiểu mục đích của Thiền là minh tâm kiến tánh. Kiến tánh mới biết tánh tức là Phật, Phật tức là toàn thể.
Kiến tánh là niệm niệm khởi từ tự tánh, niệm niệm tương ưng với niệm Phật. Phật ở đây là tự tánh, không mang danh hiệu tánh đức nhất định.
Chê bai niệm Phật nông cạn cũng giống như thấy người trồng cây tỉa cành lá cho cây mau lớn, lăng xăng cầm dao chặt đứt ngọn.
Cần phải hiểu rõ tông chỉ của Thiền chính là niệm toàn thể pháp giới, vậy nên chỉ có bậc thượng thượng căn mới hy vọng có phần, hàng trung hạ căn chẳng thể chú tâm.
Than ôi! Đã biết Tâm là Phật, mà sao chẳng thông Phật là Tâm, niệm Phật cũng chính là niệm Tâm? Pháp vốn thông đạt sao tâm chẳng tự thông mà tự hại mình mất đi lợi ích lớn vậy?
Người niệm Phật ngày nay lại trì trệ nơi Sự, chỉ biết Phật là Phật A Di Đà, chẳng biết toàn thể là Phật, chẳng biết chân giá trị của pháp môn niệm Phật.
Nên biết rằng Phật là toàn thể, toàn thể là Phật. Niệm một câu Phật hiệu tức niệm toàn thể chư Phật mười phương ba đời. Tài sản của 200 quốc gia trên thế giới chẳng bằng một câu niệm Phật.
Vì sao? Vì chư Phật mười phương ba đời vốn chỉ do tự tánh biến hiện. Niệm một câu Phật hiệu tức niệm tự tánh Di Đà, cũng chính niệm danh hiệu mười phương ba đời chư Phật. Lợi ích câu Phật hiệu thật chẳng thể nghĩ bàn.
Nếu biết được giá trị như vậy sẽ dứt tuyệt mọi mong ngóng so đo, chuyên tâm niệm Phật.
Mười hai bộ kinh, tám vạn bốn ngàn hạnh đều rốt ráo trọn vẹn trong một câu Phật hiệu, thật chẳng thể nghĩ bàn. Chẳng cần tốn công tham cứu, quán tưởng gì khác. Đây là giá trị thực của câu Phật hiệu, chẳng phải khoa trương, chẳng phải là quyền biến.
Kẻ học Thiền cậy tự lực chẳng nương tha lực.
Người niệm Phật nương tha lực chẳng thấy tự lực.
Cả hai đều khiếm khuyết. Cần biết tha tự chẳng hai chẳng khác.
Chẳng bằng tuyệt đối tin nơi Tự, tuyệt đối tin nơi Tha, niệm Phật với niềm tin chắc chắn vãng sinh, chân Tín Nguyện Hạnh viên mãn trong một câu Phật hiệu.
Làm sao để được chắc chắn vãng sinh?
Nếu chưa chắn chắn vãng sinh tất có điều nghi. Hãy lặng tìm nơi tâm xem mối nghi là gì. Nghi ở đây thường có hai mối nghi lớn là:
- Nghi Phật
- Nghi mình.
(Tôi đã đề cập trong quyển “Vãng sinh Tịnh độ- Chắc chắn đừng nghi”).
Nếu có điều nghi cứ để tự khởi, một lòng dùng câu Phật hiệu như bảo kiếm vương chặt đứt mối nghi.
Đây chính là Thiền trong Tịnh độ, là Tịnh độ Thiền chẳng phải là Thiền Tịnh song tu. Dùng câu Phật hiệu dứt trừ lòng nghi, phá vô minh hiển Phật tánh, đó là Tịnh độ Thiền.
Tại sao lại niệm A Di Đà Phật?
Đại sư Ngẫu Ích có nói: “Nhằm làm cho hàng sơ cơ dễ biết chỗ để chú tâm, do A Di Đà Phật có bổn nguyện thù thắng, do Phật đặc biệt có duyên với chúng sinh cõi này, có thể làm cho chúng sinh vui vẻ tin tưởng, chứng nhập, có thể dấy động chủng tử Phật từ trong quá khứ, có thể làm cho ma khó có thể gây chướng ngại, ngăn trở, làm cho thể tánh dễ khai phát”.
Chớ nên chỉ hiểu theo mặt sự A Di Đà Phật chỉ là vị Phật ở thế giới Tây Phương Cực Lạc cách đây mười vạn ức cõi Phật. Nên hiểu sâu về mặt Lý: A Di Đà Phật chính là tánh đức của tự tánh chính mình, hay thường gọi là tự tánh Di Đà.
Cũng vậy, chớ nghĩ Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ là vị Phật ở Ấn Độ cách đây 2500 năm. Thích Ca Mâu Ni cũng chính là tánh đức Nhân từ, Tịch mịch của tự tánh. Hiểu được như vậy thì cách Phật chẳng xa.
A Di Đà dịch là Vô lượng: Vô lượng Thọ, Vô lượng Quang, Vô Lượng Phật... đan xen trọn khắp pháp giới.
Tự tánh vốn như tấm gương bị bụi vô minh phủ kín từ vô thỉ kiếp đến nay. Danh hiệu A Di Đà Phật như tấm lưới đan xen trọn khắp tấm gương. Kéo một mắt lưới tức thì cả tấm lưới được nhấc lên, dễ nhận thấy tấm gương bị lấp kín, do vậy gọi là làm cho thể tánh dễ khai phát.
Danh hiệu các vị Phật khác chẳng được thù thắng như vậy.
A Di Đà Phật hiện ở cõi Tây Phương Cực lạc, Thích Ca Mâu Ni Phật ở Ấn Độ cách đây 2.500 năm chỉ là ứng hoá thân, là bóng trăng trên mặt sông mà thôi.
Nói diệt độ chỉ là giả nói đối với hàng trung hạ căn. Như người vô trí đến ngày rằm thấy bóng trăng tròn sáng vằng vặc trên mặt sông. Hôm khác không thấy bóng trăng trên sông nghĩ trăng mất rồi. Thật ra, trăng trên cao vẫn luôn ở đó. Cũng vậy, Phật thật chẳng diệt độ, chẳng từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu; vốn là toàn thể pháp giới gồm cả hữu tình lẫn vô tình, chẳng có quá khứ, hiện tại, vị lai.
Hiểu được như vậy thì ta, tức là cái thân này hoàn toàn đang sống trong tự tánh, Phật tâm của chính ta. Một hơi thở ra hít vào, mọi hoạt động đi đứng nằm ngồi, cười nói giận dữ, không đâu chẳng phải là Phật pháp.
Biết được như thế thì thời này chẳng còn là thời Mạt pháp nữa, chẳng phải là cách Phật 2500 năm. Phật hiện tiền ngay đây từng trong hơi thở, từng cử động, từng sátna. Thời gian, không gian vốn chỉ do tự tánh biến hiện ra mà thôi.
Nhận lấy tự tánh khởi tu thì một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật.
NIỆM PHẬT LÀ GÌ?
Niệm là tư duy, nghĩ tưởng.
Phật về Sự tướng thì là Phật A Di Đà, Phật Thích Ca, hay chư Phật mười phương.
Về lý thì là tự tánh, là toàn thể pháp giới.
Niệm Phật tức là tư duy về tự tánh, tư duy về tự tánh tức là Niệm Phật.
Vì vậy dám nhận tự tánh, từ tự tánh khởi niệm thì niệm nào cũng là niệm Phật. Đó là Lý Niệm Phật.
Do đó, tham Thiền cũng là niệm Phật.
Tu bất cứ pháp môn nào chung quy cũng là niệm Phật. Người học Phật nên tự suy nghĩ sâu xa.
Bất cứ vị Phật nào viên thành Phật đạo cũng do tu pháp môn Niệm Phật là lý này. Chẳng nên có ý niệm phân biệt các pháp môn, càng chẳng nên chê bai lẫn nhau mà tự đoạn mất thiện căn của chính mình.
Từ tự tánh khởi niệm mới thấy rõ thân này quả thật vô ngã, không có chủ thể. Là Kiến giải sai lầm cảm vời Ngũ uẩn thô tệ, bản chất là Không.
Chân ngã là tự tánh, là toàn thể pháp giới, là Nhất chân pháp giới.
Thân này chỉ là bóng trăng trên mặt nước, có rồi mất, mất rồi lại có, xưa vốn chẳng sanh, nay cũng chẳng diệt.
Thân này chỉ là vật thị hiện, biểu diễn theo dòng nghiệp lưu chuyển, giống như vai diễn trong một bộ phim mà thôi.
Nhận được vai ác thì đóng vai ác, nhận được vai thiện thì đóng vai thiện. Nhận vai Trời thì đóng vai Trời, nhận vai súc sinh đóng vai súc sinh...
Tất cả chỉ là những bóng ảnh.
Thật sự chẳng có thiện ác, sướng khổ, mười pháp giới cũng chỉ là giả, vốn là Nhất chân pháp giới, cũng là ảnh trong gương.
Mê thì chẳng biết ta đang diễn. Tỉnh ra mới nhận ra ta đang diễn, mà cũng chẳng phải là ta, tuỳ duyên tự tại chẳng cần tác ý.
Phật Hoàng Trần Nhân Tông có trứ tác hai câu thơ:
“Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm
Đối cảnh tâm không khỏi phải thiền”
Tâm không ở đây chẳng phải là tâm không khởi niệm mà chính là tâm không tác ý.
Tuỳ duyên tự tại không tác ý chính là tham thiền ở cảnh giới cao.
Biết được thân này chỉ là bóng ảnh thì chẳng nên bám víu, tô điểm chăm chăm chút chút để mê càng thêm mê.
Biết được thân này vốn đang diễn, kiếp này diễn thành vợ chồng; kiếp sau diễn thành anh em, bạn bè, thậm chí kẻ thù chẳng nhất định. Vì vậy chũng chẳng nên bám víu nơi gia đình, bạn bè để tình nhiễm sâu nặng chẳng rút chân nổi khỏi cõi Ta bà uế trược này.
Hỏi: Nếu biết mình đang diễn thì được lợi ích gì?
Đáp: Lợi ích rất lớn! Như ta xem một bộ phim, vai diễn có thể có sống chết nhưng người diễn viên thì không. Khi ấy nhận ra nơi cái thân xác sinh diệt này có cái chẳng sinh diệt, đó mới thật là ta. Nhà Phật có nhiều danh xưng chỉ cái này như: Bản lai diện mục, tự tánh, Phật tánh,...Hay cũng có thể nói ngay khi ấy hiểu được rằng cái thật là ta vốn chẳng có sinh diệt vậy.
Đức Lục tổ Huệ Năng nói: “Vốn chẳng có một vật”
Kinh Phật nói: “Bồ tát còn thấy tướng nhân, ngã, chúng sinh, thọ giả thì chưa phải là Bồ tát.”
Qủa thật chẳng có ta, chẳng có người.
Còn thấy ta, thấy người vẫn còn mê.
Còn thấy chúng sinh để cứu độ vẫn chỉ là vọng tưởng.
Thật chẳng có ai lừa dối ta, chỉ có chính ta tự lừa dối ta mà thôi.
Vì chẳng có người nên chẳng thấy lỗi người.
Vì chẳng có ta nên vọng tưởng, phiền não chẳng thể bám vào đâu mà khởi.
Đó là kiến tánh khởi tu.
Lại nữa, toàn thể Tha chính là Tự, tất cả chúng sinh vốn chính là Ta.
Hại người chính là hại mình.
Lợi người chính là lợi ích chính bản thân.
Mê còn thấy đạo đời, chân vọng.
Tỉnh thì Chân tâm vọng tâm đồng Phật tâm.
Hữu tình vô tình cùng viên thành Phật đạo.
Toàn thể Phật là chúng sinh nên mỗi mỗi chúng sinh chính là Phật.
Thân này hoàn toàn dạo chơi nơi tự tánh nên chẳng lấy chẳng bỏ.
Lấy thì vốn chẳng có vật gì để lấy, bỏ thì bỏ đi đâu?
Một lấy một bỏ chẳng gì không phải là pháp giới.
Đến đây lời tuy nhiều nghĩa chỉ có một. Như tiếng trống, tiếng nào cũng giống nhau, phải đánh dồn dập để thức tỉnh cơn mê, nhận lấy tự tánh, bản lai diện mục, bộ mặt chân thật của mình.
Từ tự tánh khởi niệm thì niệm nào cũng là niệm Phật, niệm nào cũng viên mãn trọn khắp pháp giới 3 đời khứ lai hiện tại.
Lý là vậy nhưng rời câu Phật hiệu A Di Đà, chẳng cầu sanh Tịnh độ chẳng cách gì khế ngộ được lý ấy.
Dù hiểu sâu đến mấy thì cũng chỉ như thấy mây trên trời mà chẳng thể nào với tới, như khát nước thấy dòng suối trước mặt mà không có cách nào uống được, khát vẫn hoàn khát.
Tham thiền có thể kiến tánh thấy được Lý Phật, nhưng rốt cuộc vẫn phải trải qua giai đoạn minh tâm thì mới có thể kiến tánh, không phải bậc thượng thượng căn không thể nào làm nổi.
Nhưng suy đến cùng thì tham thiền vẫn là niệm Phật.
Tham thiền phải dùng gươm huệ của bản thân đoạn trừ phiền não vọng tưởng, lại chẳng thể bằng dùng chính bảo kiếm vương A Di Đà sắc bén vô thượng đã được hun đúc từ vô lượng kiếp đến nay đã hoàn thành mà đoạn phiền não vọng tưởng.
Hơn nữa dù chưa đoạn hết được phiền não vọng tưởng thì cũng vẫn có thể nương theo đại nguyện của Phật đới nghiệp vãng sinh, một đời thành Phật.
Thời Phật tại thế, người thời đó chấp Ngã nên Phật nói Vô ngã để phá chấp Ngã. Sau đó lại nói kinh Kim cang phá chấp Vô ngã đi vào Trung đạo.
Sau khi Phật diệt độ, người đời sau đó trong thời Chánh Pháp dựa vào Giới để thành tựu.
Đến thời Tượng pháp, tu Thiền cũng được thành tựu, Thiền là Không môn.
Nhưng thời đó tự lực còn mạnh, tâm tánh còn thuần, lại vẫn còn nhiều Thánh tăng trực tiếp chỉ dạy.
Càng về sau, tâm tánh đã loạn, tự lực chẳng còn như xưa, các Tổ Thiền tông như đại sư Vĩnh Minh, Long Thọ... thấy được điều này đều kiêm tu Tịnh độ, hoằng dương Tịnh độ vốn thuộc Hữu môn, cũng là để phá chấp Không.
Khi đó Thiền Tịnh song tu cũng dễ thành tựu.
Ngày nay tà kiến trùng trùng, tự lực hèn kém, ngay cả niềm tin nơi Phật cũng bị coi là mê tín thì tham Thiền, niệm Phật hay Thiền Tịnh song tu thành tựu chẳng nhiều.
Ngẫm lại Sơ tổ Thiền tông là ngài Maha CaDiếp cũng chính là đương cơ tiếp nhận pháp môn Tịnh độ. Quả thật Thiền Tịnh chẳng hai, chẳng khác.
Thời gian thấm thoắt, từ Sơ tổ Ca Diếp Thiền tông đến nay cũng đã 2500 năm, Sơ tổ Huệ Viễn của Tịnh tông đến nay là 1500 năm. Nay cũng có thể đã là lúc hợp nhất Thiền Tịnh gọi là Tịnh độ Thiền, hợp nhất hai dòng lực lớn bị phân tán để quyết chắc sự thành tựu trong đời này, để câu Thánh hiệu A Di Đà trở về lực dụng vốn sẵn, đó là dứt trừ lòng nghi, phá Vô minh hiển Phật tánh.
Thiền là Không môn, Tịnh là Hữu môn vốn là hai bờ của dòng sông pháp cuồn cuộn chảy, chớ nên phân chia, ngăn cách.
Không cũng tức là Có, Có cũng tức là Không, đó là trí huệ Bát nhã.
Ngăn cách thì cả Tha lẫn Tự đều khiếm khuyết, yếu kém; hợp lại lực dụng chẳng phải tăng theo cấp số cộng mà là cấp số nhân, quyết chắc thoát ly sinh tử, cập bến Tây Phương.
Pháp môn Niệm Phật cực viên cực đốn, là con đường thẳng tắt trong những con đường tắt, có thể vượt qua tam giới theo chiều ngang.
Tịnh độ Thiền lại là pháp môn thẳng tắt trong pháp môn Niệm Phật, có thể vượt qua Sự Niệm Phật khế hợp Lý Niệm Phật theo chiều ngang.
Tịnh độ Thiền lý tuy cao siêu nhưng sự lại vô cùng giản dị, dù là súc sanh mê mờ nhưng đủ thiện căn cũng có thể tiếp nhận, chúng sinh trong chín pháp giới đều có phần.
Chỉ cần tin chắc 10 niệm ắt vãng sinh là đủ. Chẳng cần, cũng chẳng nên nghĩ 10 niệm đó là lúc lâm chung.
Niệm Phật như vậy nhất định có thể ngộ được Lý niệm, nhận được tự tánh.
Tự tánh thì như mặt trăng kia, còn chúng sinh khắp pháp giới chỉ là bóng trăng trên mặt sông. Ta người chẳng hai chẳng khác mà cũng chẳng có ta có người.
Niệm như vậy thì nơi ao sen báu cõi Tây Phương Cực Lạc đã có bóng ảnh của tự tánh in xuống đó rồi, gọi là gửi thân nơi sen báu. Thật sự là đã vãng sinh ngay khi lúc còn sống, ngay khi thân này còn đang ở cõi Ta bà. Người xưa nói pháp môn này là pháp môn bất tử là vậy.
Phật và các đại Bồ tát có thể phân thân nhiều đến vô lượng.
Trăng thì chỉ một nhưng mỗi nơi có nước đều có thể in bóng trăng, số nhiều đến vô lượng.
Pháp sư Tịnh Không có kể rằng hơn 40 năm tại Liên xã của lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, thầy của ngài Tịnh Không chỉ cử được 2 lần đả thất niệm Phật 7 ngày. Tức là niệm Phật liên tục 7 ngày đêm không ngừng nghỉ cầu chứng đắc. Kết quả đã có người bị ma dựa, tức là bị thần kinh, lão cư sĩ Lý phải trực tiếp chăm sóc chữa trị hơn 1 năm mới bình thường. Từ đó không tổ chức đả thất nữa.
Lực dụng của Tịnh độ Thiền niệm theo đúng pháp quả thật có thể thành công từ 1 đến 7 ngày. Người thượng căn có thể 1 ngày dùng câu Phật hiệu như bảo kiếm vương dứt trừ lòng nghi. Kẻ hạ căn có thể phải mất 7 ngày mới dứt nghi.
Dứt nghi nghĩa là chắc chắn vãng sinh, thành Phật trong một đời, thật chẳng thể nghĩ bàn.
Lại nữa từ dứt trừ lòng nghi đến ngộ lý Phật chẳng xa. Ngộ lý Phật tức nhận lại tự tánh, cũng có thể gọi là Tương tự kiến tánh.
Chủ trương của Thiền là “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”.
Tịnh độ Thiền lại là pháp môn thẳng tắt, có thể vượt qua giai đoạn “minh tâm” thẳng đến “kiến tánh”, tức chưa minh tâm mà vẫn có thể kiến tánh.
Phải biết rằng giai đoạn minh tâm của Thiền tông thật sự nguy hiểm vô cùng trăm chết một sống, không thể nói cho hết, không thể hình dung cho nổi.
Chỉ có các thiền sư thực sự trải qua mới biết.
Khi kiến tánh, nhận lấy tự tâm thì chân tâm vọng tâm đồng Phật tâm, Phật lẫn ma đều do tự tánh biến hiện, đều là mộng huyễn, nên tâm được an định.
Khi chưa kiến tánh thì Phật vẫn là Phật, ma vẫn là ma. Phật thì đã cách xa đến 2500 năm rồi, ma thì bủa vây mọi thời khắc chống phá người tu.
Thân này là ngũ ấm ma, kinh Lăng Nghiêm nói có đến 50 thứ ấm ma phá hoại người tu. Trong quyển “Niệm Phật thập yếu” của thầy Thích Thiền Tâm trong chương biện ma cảnh cũng nói khá đầy đủ.
Vì thấy ma vẫn là ma nên dễ sinh tâm sợ hãi, nếu chẳng phải bậc thượng thượng căn tự lực phi phàm, giới luật tinh nghiêm thật khó có thể chống đỡ nổi sự chống phá của ma.
Người tu Thiền tâm không cầu thấy Phật mà Phật hiện ra thì biết đó là ma cảnh.
Người tu Tịnh tâm mong cầu chứng đắc gặp Phật cũng lại dễ tham đắm vào thần thông hay các cảnh giới lạ, ma cũng nhân đó mà phá.
Tịnh độ Thiền là trung đạo, chẳng mắc vào các nơi ấy, cũng chẳng mắc nhị biên.
Tâm chẳng cầu mà cầu, cầu mà chẳng cầu. Phật ma cũng chỉ là bóng trăng dưới nước, gặp Phật chẳng tham đắm, gặp ma chẳng kinh sợ, tâm được an nhiên.
Bước đầu của Tịnh độ Thiền là dụng công niệm Phật để biết chắc chắn vãng sinh.
Niệm Phật với niềm tin chắc chắn vãng sinh, quyết dùng câu Phật hiệu dứt trừ lòng nghi, chặt đứt xiềng xích trói buộc nơi tam giới để biết mình chắc chắn vãng sinh.
Dụng công trong Tịnh độ Thiền
Chuyển Ma thành Phật
Ma nghĩa gốc tiếng Phạn có nghĩa là chướng ngại. Có bốn thứ Ma là: Thiên ma, Ngũ ấm ma, Phiền não ma và Tử ma.
Nếu mê mờ chẳng nhận ra chướng ngại thì chẳng bàn đến làm gì, nếu đã nhận ra là chướng ngại nhất định có thể chuyển đổi nó.
Như chiếc gương chẳng thể chiếu nếu một mặt của nó không được sơn đen. Ví như một người ở mặt sau chiếc gương lớn thấy toàn màu đen liền lấy phương tiện cạo sạch nó đi. Tuy cái gương có thể sạch sẽ, chỉ có thể Tịch nhưng lại chẳng có tác dụng Chiếu. Đó ví như phương pháp tu Tiểu thừa đoạn sạch phiền não mà chẳng thấu “Tâm này là Phật, Tâm này làm Phật”.
Người thông minh chỉ cần xoay chiếc gương lại tức thì được mặt sáng của gương, Tịch Chiếu viên dung.
So ra thì thấy hai bên dụng công và đạt quả khác xa nhau như Trời với Đất vậy.
Thế gian khó đoạn không gì hơn Tình ái. Nếu biết rằng Tình ái là chướng ngại hãy nên khởi ý niệm sau: “Tôi yêu con tôi, yêu gia đình tôi, tôi thật không muốn thấy họ khổ. Ở cõi này, dù giàu sang nhất thế gian cũng chẳng thoát khỏi bốn thứ Ma, tám thứ Khổ. Chỉ có nơi Cực Lạc thuần những niềm vui, tôi phải nhất định vãng sinh và dẫn dắt mọi người cùng đoàn tụ nơi thế giới Cực Lạc.”
Biến nỗi khổ của chúng sinh thành động lực Chán lìa Ta bà, lấy sự mong mỏi hạnh phúc lâu dài của chúng sinh thành sự Ưa cầu Cực lạc; đó cũng là tự độ mà lợi ích hết thảy.
Nếu quán xét và làm được như vậy chính là biến chướng ngại thành động lực chán lìa Ta bà mà cầu sinh Tịnh độ vậy.
Tình ái như muôn sợi dây quấn chặt thân này với Ta bà mà khởi quán được như vậy, huống gì tội Ngũ nghịch Thập ác.
Người biết mình tạo tội Ngũ nghịch Thập ác mà có thể tin tưởng pháp môn Tịnh độ lại càng có thể chuyển tội Ngũ nghịch Thập ác thành động cơ phản lực rời khỏi Ta bà vãng sinh Cực Lạc.
Chính vì thế mà vua A Xà Thế giết cha, một lòng niệm Phật có thể đạt bậc Thượng phẩm Trung sanh. Pháp sư Oánh Kha thường ngày phá giới tạo đủ tội nghiệp, quyết chí dụng công niệm Phật 3 ngày liền có thể được Phật tiếp dẫn vãng sinh Tây Phương.
Đó thật là tấm gương biết niệm Phật vậy.
Tích luỹ thiện căn để Tin sâu, chuyển chướng ngại Ta bà thành động lực cầu sinh Tịnh độ là Nguyện thiết. Tin sâu Nguyện thiết tất khởi nên Chánh hạnh Niệm Phật vãng sinh.
Được như vậy gọi là Có Tịnh độ, vạn người tu vạn người vãng sinh trong bài Tứ liệu giản nổi tiếng của tổ Vĩnh Minh.
Lại hỏi rằng: Chuyển ma thành Phật, biến phiền não thành Bồ đề vốn đã là tông chỉ Thiền tông, cần chi phải cầu sanh Tịnh độ?
Đáp: Thật là câu hỏi rất hay! Phải nên biết rằng mặt gương sáng kia vốn do Phật Di Đà lau từ vô lượng kiếp nay đã hoàn toàn sạch sẽ rồi. Đây gọi là biến công đức của Phật Di Đà thành công đức của mình vậy.
Thiền tông dù nói: Chuyển ma thành Phật, biến phiền não thành Bồ đề, tức là có xoay chuyển được chiếc gương kia đi nữa thì đó mới chỉ là Ngộ lý Phật, nhận lấy tâm này là Phật, tâm này làm Phật; mặt gương bên kia vốn vẫn bị Vô minh phủ kín, vẫn còn phải tự mình đoạn sạch Vô minh mới được thành tựu.
Sự khác biệt hơn kém xin hãy tự suy nghĩ sâu xa.
Làm thế nào để biết chắc chắn vãng sinh?
Có thể có các dấu hiệu sau:
-Niệm Phật đến mức công phu thành phiến trở lên, hay thấy Phật A Di Đà hiện đến thọ ký, cũng tức là niệm Phật đến mức tánh đức hiển lộ là biết chắc chắn vãng sinh.
-Dù chưa thấy Phật thọ ký, chưa đến mức công phu thành phiến; nhưng cảm thấy như người khát nước được nếm pháp vị, những nỗi lo tiêu biến, như cá thoát khỏi lưới, như chim sổ lồng. Câu Phật hiệu niệm liên tục không tốn sức, nhẹ nhành bay bổng, tâm khởi niệm không cần động môi mà vẫn cảm nhận rõ ràng. Niệm Phật hay nghe câu Phật hiệu với cảm giác an lạc không thể nghĩ bàn tức là đã dứt trừ được lòng nghi, chắc chắn vãng sinh.
Thật ra Niệm Phật dứt trừ được lòng nghi khó có thể nói hết, như người uống sữa mới cảm nhận được hương vị sữa, người tu đạt được tức khắc nhận biết. Nói theo Thiền tông thì là tỏ ngộ.
Chẳng cần phải bận tâm đến thiện ác bản thân, có phước hay chẳng có phước, nghiệp báo ra sao. Tấy cả đều là mộng huyễn.
Chẳng nên lo chuyện bên ngoài, vì thật ra chẳng có chuyện bên ngoài mà lo. Dùng tâm hướng ra bên ngoài Niệm Phật chẳng thể gọi là dụng công niệm Phật, cũng có thể gọi là chẳng thật thà Niệm Phật. Đức Phật đã nói chẳng thể dùng chút ít thiện căn, phước đức mà có thể sinh về cõi Tây Phương được. Ít thiện căn, phước đức tức là chẳng biết giá trị của pháp môn Niệm Phật, tin hời hợt, nguyện hời hợt, trì danh hời hợt, dùng tâm hời hợt hướng ra bên ngoài niệm Phật thì gọi là ít thiện căn, ít phước đức.
Chẳng nên nghĩ việc độ chúng sinh vì thật ra chẳng có chúng sinh mà độ. Ta chính là người, người chính là ta, mà cũng chẳng có ta, có người. Đó mới thật là độ chúng sinh.
Vậy nên kinh Duy Ma Cật có nói: Bồ tát chẳng trụ thế gian, chẳng trụ Niết bàn.
Thế nào là Bồ tát chẳng trụ thế gian? Vì quyết định chẳng có ta, chẳng có chúng sinh, cõi Phật vốn trống không nên chẳng trụ thế gian.
Thế nào là Bồ tát chẳng trụ Niết bàn? Vì mang chí nguyện độ thoát tất cả chúng sinh nên chẳng trụ Niết bàn.
Chớ nên nghĩ rằng phải bám trụ thế gian mới độ được chúng sinh? Vì sao? Vì thật chẳng có chúng sinh mà độ. Bồ tát nếu còn khởi tư tưởng phân biệt và chấp tướng sẽ chẳng thể nào đạt được Vô sinh pháp nhẫn ở địa vị Bất thối chuyển.
Nên biết rằng vì thật chẳng có chúng sinh mới nên khởi tâm đại bi độ thoát tất cả chúng sinh. Vì sao? Vì còn thấy có chúng sinh ắt sẽ khởi tâm đại bi ái kiến, có tâm đại bi ái kiến ắt sẽ mỏi mệt chán ngán cuộc sinh tử mà sinh lòng thối lui.
Điển hình là ngài Xá Lợi Phất trong những kiếp trước phát tâm Bồ tát, sau vì thấy chúng sinh khó độ nên thối thất tâm Bồ tát, trở lại con đường Thanh văn.
Đó là Bồ tát tự khởi ra pháp trói buộc vậy. Chính mình còn tự trói buộc mình lại có khả năng cởi mở cho người khác, độ thoát cho người khác được sao?
Vậy chẳng nên nghĩ đến việc thay đổi hoàn cảnh bên ngoài. Cổ đức nói: “Nếu hiểu được tâm, đại địa không còn một tấc đất”.
Chẳng nên nhìn lỗi người vì chẳng có người mà có lỗi.
Chỉ nên xoay lại bên trong, nhận lấy tự tánh, tuỳ duyên bất biến, tuỳ duyên tự tại chẳng vướng mắc. Thân này chỉ là bóng ảnh, vốn chẳng có gì có thể ràng buộc vướng mắc. Danh, lợi, ngũ dục chỉ là Không.
Thật tướng Niệm Phật là từ tự tánh khởi niệm.
Thấy rõ hữu tình lẫn vô tình đều là Phật mà niệm Phật thì là Thật tướng Niệm Phật
Thấy rõ toàn thể pháp giới là Phật mà niệm Phật thì là Thật tướng Niệm Phật.
Thấy rõ Phật pháp lẫn phi pháp, pháp thiện pháp ác đều là Phật pháp; Chân tâm vọng tâm đều là Phật tâm mà niệm Phật thì là Thật tướng Niệm Phật.
Biết rõ chẳng có người niệm Phật, chẳng có Phật được niệm, chẳng chấp nơi Sự tướng, cũng chẳng bỏ câu Phật hiệu A Di Đà thì là Thật tướng Niệm Phật.
tu pháp môn Tịnh độ
tịnh độ thiền
niệm phật
tây phương cực lạc
TIN LIÊN QUAN